NGUYỄN HUY
THIỆP -
NHỮNG “GÓC
NHÌN”...
*
Thụy Khuê:
KỶ NIỆM VỚI NGUYỄN HUY THIỆP
Làm việc phê bình tôi vẫn nhớ câu: mỗi nhà
văn đều muốn chôn một nhà phê bình, hình như của Goethe, thường được Nguyễn
Tuân nhắc lại.
Thiệp với tôi quen nhau rất sớm, ngay từ
khi chưa muốn "chôn" tôi, anh đã nhận ra tôi, lúc đó tôi còn chưa
"nổi tiếng", mà anh thì đã như sóng cồn, với Tướng về hưu, từ năm 87,
88. Bảo Ninh cũng vậy.
Tôi về Hà Nội năm 1993, tình bạn của chúng
tôi bắt đầu từ đó.
Thiệp kém tôi sáu tuổi, nhưng tôi luôn
luôn thấy anh già hơn tôi về đủ mọi mặt, từ cách xử thế đến, suy nghĩ, tư
tưởng. Khi bạn viết phê bình về một người, điều đầu tiên là bạn phải đọc kỹ
người đó, đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc đến thuộc lòng tư tưởng của người ấy,
tới cả dấu chấm, dấu phẩy, bạn cũng phải hiểu nghĩa là gì. Tôi thuộc Thiệp như
thế, nên lại càng thấy anh rất già. Già như một ông cụ sống đã hơn trăm tuổi
hoặc từ một thế giới nào xưa lắm, sống lại. Bao nhiêu lần anh sang Pháp, tôi
không nhớ nữa, lần nào anh cũng ở nhà chúng tôi và tôi "kèm" anh
trong tất cả các buổi gặp nhà báo, do Marion Hennebert, chủ nhà xuất bản Aube,
in sách anh, tổ chức. Marion rất tham, lần nào cũng nhồi nhét cho đủ mặt từ
phóng viên của các báo lớn nhất như Le Monde, Libération, Le Nouvel Observateur
đến những báo ít nổi tiếng hơn, để sách của Thiệp ra, là có một tiếng vang lớn
trên báo chí.
Thiệp có cách ứng xử rất chì, nghiã là
không bao giờ anh nao núng trước một câu hỏi khó, một câu hỏi hóc búa mà nhà
báo cố tình đưa ra để moi một câu trả lời nhát sợ của nhà văn (đang sống ở nước
cộng sản) về tự do dân chủ.
Đó là trường hợp của nhà báo kỳ cựu Jean
Lacouture, một tên tuổi lớn đã từng phỏng vấn nhiều lần Hồ Chí Minh, Phạm Văn
Đồng. Lần này, Lacouture, rất đàn anh, trưởng thượng, cố tình "quay"
Thiệp, hỏi những câu đại loại: Anh thấy bây giờ nước anh đã có tự do, dân chủ
chưa? Tôi không nhớ rõ năm nào, chắc là vào khoảng 2008-2010, thời kỳ còn bao
cấp; và muốn Thiệp trả lời thẳng, để xem anh này gan hay nhát.
Thiệp trả lời hết và anh thường cho bọn
nhà báo thấy rằng anh không ngu, anh sẵn sàng hạ họ đo ván, bằng những câu trả
lời hai nghiã, thâm thuý, khôi hài và luôn luôn họ phải chịu, phải chấp nhận
bằng một tràng cười.
Những buổi tiếp xúc với độc giả, dù ở
Paris hay Toulouse, Bordeaux, luôn luôn là những buổi nói chuyện rất vui và ý
vị, vì Thiệp rất có duyên, trả lời lúc nào cũng hóm hỉnh, người Pháp tính tình
lại hóm hỉnh, nên họ rất thích. Những khi anh ở Paris, có vài nhà văn Pháp đến
thăm, tôi nhớ có một bà lãnh giải Goncourt, tôi quên tên, khẩn khoản đến xin
gặp "đại văn hào" (le grand écrivain viêtnamien) cho bằng được, và
qua câu chuyện, tôi thấy ở bà một sự kính nể thực thụ.
Thiệp tin mình sẽ nhận giải Nobel, điều
này có thật. Không phải lỗi ở anh, mà do hoàn cảnh đưa đẩy, và nếu có lỗi, thì
từ Marion Hennebert.
Marion Hennebert là một trong những người
đọc đầu tiên của Thiệp trên đất Pháp. Đọc và thích ngay, mặc dù những bản dịch
đầu tiên còn nhiều sơ hở, có khi phản nghiã.
Từ đó, là một sự trung thành tuyệt đối
giữa hai người. Thiệp có lần được một nhà xuất bản lớn đề nghị ký giao kèo, in
sách, lượng nhiều gấp đôi nhà Aube, và bảo đảm sẽ có những bản dịch ra nhiều
thứ tiếng, nhưng anh không nhận và nói: mình đã ở với Marion, thì đâu có bỏ
được.
Về giá trị văn học của Nguyễn Huy Thiệp,
ta không cần lặp lại ở đây. Giá trị ấy, khi dịch sang Pháp văn, dù đã mất đi ít
nhiều, nhưng vẫn còn là một giá trị độc đáo.
Marion Hennebert là người có kinh nghiệm
văn chương, vẫn tự hào là đã đưa Václav Havel ra với thế giới bên ngoài, khi
dịch ông sang tiếng Pháp. Và đã khám phá và dịch Cao Hành Kiện, Nobel 2000. Lần
này, Marion "nhất định" rằng Nguyễn Huy Thiệp sẽ đoạt giải, và bà đã
vận dụng tất cả mọi phương tiện để… thành công.
Bản thân tôi không tin vào giải Nobel hay
bất cứ giải thưởng văn chương nào khác và vẫn thầm phục Jean-Paul Sartre khi
ông từ chối giải này, vì tôi nghĩ rằng, các cụ hàn lâm ngồi chấm giải, nhân
danh gì mà dám chấm bài cho Sartre?
Nhưng sự nhiệt thành của Marion khiến tôi
xiêu lòng và giúp bà trong việc này: Marion muốn in lại Nguyễn Huy Thiệp, trong
một tuyển tập dày dạn, đầy đủ các tác phẩm, đã được hiệu đính hay dịch lại, nếu
cần, để gửi đến ban chấm giải Nobel. Y hệt như bà đã bỏ công vào việc dịch và
in Linh Sơn (Montagne de l’âme) của Cao Hành Kiện ngày trước.
Marion đã bỏ ra gần hai năm để thực hiện
công trình này, cố gắng hoàn thành tập Nguyễn Huy Thiệp Crimes, amour et
châtiment, dày 745 trang, tuyển chọn 45 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Sách
in xong, năm 2012, lại gặp một trở ngại lớn. Marion bảo tôi: Ban xét giải bảo,
Nobel thường chỉ phát cho những nhà văn viết tiểu thuyết, chưa hề phát giải cho
truyện ngắn bao giờ.
Năm ấy, Mạc Ngôn được giải Nobel vì sự
nghiệp tiểu thuyết, mặc dầu tác phẩm của ông rất cổ, ông viết theo lối hiện
thực xã hội kiểu xưa, mà thường viết quá quắt lên, nhiều chỗ giả tạo, không thể
tin đưọc. Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng chỉ cần đọc một cuốn là đã biết
những cuốn sau như thế nào. Nhưng Trung Quốc là một nước lớn.
Đến năm 2013, Alice Munro, được giải Nobel
vì toàn bộ truyện ngắn của bà; thì lý do Thiệp chỉ viết truyện ngắn nên không
được xét giải Nobel, không còn giá trị nữa. Mà tôi chắc chắn, bất cứ nhà phê
bình đứng đắn nào, khi đọc và so sánh truyện ngắn của Munro với truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp, sẽ thấy rõ nhà văn nào đáng lĩnh giải Nobel hơn.
Việc này khiến tôi cay đắng nghĩ lại lời
Nguyên Sa thủa trước:
"Giới
văn học nghệ thuật Pháp Anh không bàn đến Nguyễn Du như ta bàn đến Victor Hugo
hay Lamartine, Byron hay Keats. Nghĩa là ngay khi được phiên dịch, tác phẩm của
văn học nghệ thuật ta vẫn đứng ở cái chỗ khốn nạn ấy: hàng ghế chót của đại
sảnh, chỗ chầu rìa trong thiên đường của anh thánh đàn em mà cả các thánh đàn
anh, cả Thượng Đế, nếu có, đều không biết tên, không biết mặt. (…)
"Chỗ
đứng sáng chói của Tây phương trên thế giới ngày nay, Tây phương Mỹ cũng như
Nga, Anh cũng như Pháp, đã mang lại cho văn học nghệ thuật của họ cái chỗ đứng
sáng chói. Và trong vùng sáng chói lòa đó, dù không chủ trương ý thức và hữu ý,
các nhà văn học nghệ thuật Tây phương vẫn bị lóa mắt, không còn nhìn thấy trong
vùng bóng tối, do đó chỗ đứng của văn học nghệ thuật các nước nhỏ, đã hoặc đang
bị trị, nghèo đói, trong đó có ta, đã bị lệch lạc vì chỗ đứng của quốc gia, lại
càng bị lu mờ hơn nữa vì khuynh hướng kỳ thị vô thức."
(Nguyên Sa, Một bông hồng cho văn nghệ).
Năm 2017, tôi về lại Hà Nội sau 20 năm xa
cách, gặp lại Thiệp sau 10 năm. Thiệp đã già đi và tôi cũng già nhiều. Nhưng
chúng tôi vẫn thế, không cần nói mà hiểu. Lúc ấy, anh vẫn còn khoẻ, vẫn đi xe
máy lên thăm tôi, và anh thường phải lựa giờ để kịp đón cháu đi học về. Lần ấy
anh dẫn tôi đi khắp Hà Nội, chụp ảnh những nơi tôi muốn đến, thăm những địa chỉ
mà Khái Hưng đã ở để làm Phong Hoá Ngày Nay. Thiệp lái xe lách từng con phố
đông người và khi tìm được nơi nào, chúng tôi mừng rỡ. Tôi có cảm tưởng như một
nhà văn lớn thời nay dẫn tôi đi chụp ảnh quá khứ một một nhà văn lớn thời xưa.
Tôi thấy lại ở Nguyễn Huy Thiệp tính trung dung, nhân hậu của Khái Hưng. Không
hiểu bây giờ gặp nhau, họ nói những gì?
Lần trở lại năm 2018, Thiệp dẫn tôi về nhà
thăm Trang. Trang nay đã yếu lắm, biết bao kỷ niệm từ ngày ấy, từ 1993 đến giờ,
thực ra, tôi chỉ gặp Trang ba lần trong gần ba mươi năm, nhưng đã nói chuyện
nhiều lần với Trang qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Đối với tôi, Trang
là người chị, người em, là nhẫn nại và bao dung của trần gian trời tặng Thiệp
để vượt những khổ ải và hạnh phúc mà có lẽ tôi là người đầu tiên và sau cùng
biết được qua văn và lời. Mối liên hệ của chúng tôi là như thế, nhà văn không
chôn nhà phê bình mà nhà phê bình tìm thấy ở nhà văn một chỗ tựa, một tình bạn
chưa hề có bao giờ, với ai.
*
Ngày Thiệp đi, 20-3-2021
Trần Mạnh Hảo:
THIỆP ƠI, VỨT!
Gió
Hua Tát thổi bay đầu
Rặng
núi oằn mình cõng chữ
Thiệp
kìm khóc sau mỗi giờ dạy sử
Những
đám mây treo cổ trên trời
Thiệp
ơi
Văn
chương đầu đường xó chợ
Bút
tức thở
Đói tự
do, phổi ô xy lép kẹp
Không
biết làm gì
Thiệp
ngồi vuốt râu con tép
À ơi
chết mẹ đi mày
Văn
chương thổ tả hàng ngày lừa dân
Nếu
không viết sẽ tâm thần
Bút ơi
máu mực mặt đần, phụt ra…
Đói
muốn lòi ruột
Trang
ơi, đừng nhìn anh (*)
Mặt
anh giống mặt thằng ăn cướp
Viết
đi để được giời hành
Úm ba
la Thiệp thập thành quỷ ma
Sức
đâu vác nổi ta bà
Thì
xin ném quách cho hà bá yêu…
Chữ
thôi miên giấy
Giấy
hớp hồn chữ
Cây
bút Linga làm tình ngữ nghĩa
Thiệp
cuồng điên lõa thể đất trời
Lao
đầu xuống bể văn tự tử
Thiệp
chết rồi
Sống
lại lút mình chơi
Mỗi
truyện ngắn mỗi ngôi mộ
Thiệp
tự chôn hồn mình
Xin
vĩnh biệt nền văn chương thớ lợ
Ác vô
cùng cho cái thiện hồi sinh
Vất
bút đi chết quách
Chẳng
lẽ ăn toàn xỉ than
Làm
con tôm búng tách
Đi
giật lùi chui tọt áo quan
Chân
thiện mỹ mả mẹ mày
Vác
mặt lên thiên chức cứt đái
Viết
như thằng cụt tay
Như
thằng trai tỏ tình mất hai hòn dái
Thiệp
điên rồi
Văn vẻ
vụt hồn bay!
-------
(*) Trang: Tên người vợ vừa mất của Nguyễn
Huy Thiệp
*.
Sài Gòn viết lúc 10h30 phút ngày 24-3-2021
Châu Hồng Thủy:
NGƯỜI VỀ ĐÍCH SỚM
Trong truyện ngắn "Giọt
máu", một nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bảo: "Danh hiệu nhà thơ là danh hiệu lỡm người bạc
phúc". Lại thêm ông Đồ Ngoạn rùng mình: "Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm
cho mình thê thảm, đau đớn mới thôi".
Quả thực, nhiều người theo đuổi nghề cầm
bút, cứ ngỡ mình là nhà văn, nhà thơ, cuối đời nhìn lại, thấy hàng chục tập
thơ, truyện ngắn của mình là đồ rởm. Trước mặt họ, đích còn mông lung, mờ mịt
lắm. Té ra họ mới chỉ mon men đến ngưỡng cửa văn chương. Thế là tàn một đời
người.
Nguyễn Huy Thiệp rất hiểu điều đó. Lần đầu
gặp tôi, anh bảo: "Tôi đã nghiên cứu
tiểu sử và tác phẩm của hơn bốn trăm nhà văn để tìm ra cho mình một đường đi".
Anh bước vào nghề, tự tin vì đã chuẩn bị kĩ càng. Vừa xuất hiện, anh đã trở
thành một hiện tượng văn học hiếm có, khuấy đảo không khí văn học nước nhà.
Nguyễn Huy Thiệp là giáo viên Sử, dạy học
ở Sơn La khoảng 10 năm. Thời ở Sơn La, chúng tôi chẳng biết nhau. Anh lên trước
tôi 6 năm, dạy ở thị trấn Hát Lót. Còn tôi ở Thuận Châu. Trong các cuộc họp
cộng tác viên của Ty văn hóa, trong các số tạp chí Văn nghệ Sơn La, không thấy
anh xuất hiện bao giờ. Có lẽ mười năm ở núi rừng là thời gian anh đóng cửa "luyện
công". "Hạ sơn" được sáu năm (1986), 36 tuổi, anh mới ra những
"chiêu" đầu. Tuy chưa xuất sắc, nhưng ngòi bút chứng tỏ có tay nghề.
Đọc chùm truyện giả cổ tích "Những ngọn gió Hua Tát" của anh
trên báo Văn nghệ, lúc ấy tôi cũng chưa chú ý lắm. Tiếp đó đến "Tướng
về hưu", ông Lãng, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc
hỏi tôi: "Cậu đọc Tướng về hưu chưa?"
- "Em đọc rồi!" - "Cậu thấy thế nào?" - "Cũng tạm được!". Ông Lãng trợn mắt:
"Tạm được là thế nào? Phải nói là
rất giỏi. Tớ khoái tay này lắm!". Tôi giật mình, đọc lại. Té ra ông
Lãng đúng.
*
Năm 1988, tôi về Hà Nội. Lúc ấy, Nguyễn
Huy Thiệp vừa in liền 2 truyện ngắn "Kiếm sắc" và "Vàng
lửa" trên Văn Nghệ. "Vàng lửa" in ra chưa ráo mực,
chưa có bài phản ứng. Tòa soạn báo "Người giáo viên nhân dân" mời tôi
và Trần Hòa Bình, Thế Sinh, tham gia số đặc biệt, có trang giới thiệu các nhà
văn là nhà giáo. Tôi và Thế Sinh đạp xe vào Xóm Cò, Khương Hạ, tìm Nguyễn Huy
Thiệp. Đến cổng nhà anh, hỏi thăm, một cháu bé bảo: "Chú ấy vừa đi cách đây 5 phút, các chú không gặp à?". "Chú ấy người như thế nào?".
"Người thấp bé, đội nón lá". Lập tức, tôi và Thế Sinh quay xe đuổi
theo. Tuy chưa hề biết mặt, nhưng chúng tôi nhận ngay ra anh, vì trên đường,
chỉ có mỗi một người đàn ông đội nón lá phụ nữ. Tôi nghĩ bụng: "Tay này lập dị đây". Nghe chúng tôi
trình bày lý do, anh bảo: "Bây giờ
tôi đang đi công việc, không tiện quay về nhà. Mời các anh ghé vào quán cà phê
nói chuyện".
Đã hơn mười năm rồi, không nhớ rõ quán cà
phê ấy ở phố nào. Quán rộng rãi, sáng sủa, trang trí rất đẹp. Nguyễn Huy Thiệp
bảo: "Tranh và biển hiệu ở quán này
do anh bạn họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng và tôi cùng vẽ. Trang trí nội thất là cách
kiếm sống chủ yếu của tôi, chứ lương không đủ sống. Chiều nay tôi phải đi vẽ
cho một nhà hàng nữa."
Trở lại mục đích viết bài về anh, anh bảo:
"Tôi tuổi Dần (1950). Năm 70 lên Sơn La dạy học. Năm 80 về Hà Nội. Giờ
đang làm kế toán cho Công ty Phát hành sách Bộ Giáo dục. Mấy năm trước có gửi
truyện cho một số báo, họ chê không đăng. Hai năm nay, có dăm cái trên Văn
Nghệ, chưa có gì đáng kể. Các anh cứ tìm đọc, rồi viết gì thì viết. Tôi coi văn
chương chỉ là trò chơi thôi mà".
Chia tay anh, Thế Sinh bảo: "Tay này kiêu lắm đấy". Tôi cười:
"Trông chẳng có tướng nhà văn chút
nào". Nguyễn Huy Thiệp thấp bé, mặc áo cộc tay với cái quần simili đã
cũ, đội nón lá rách, chẳng khác gì anh bốc vác ở bến xe Kim Mã. Chẳng lẽ tài
năng văn chương lại nằm ở con người nhếch nhác đó sao? Hay là anh ta "ẩn
tướng"? Sau này, có dịp nhìn kỹ hơn, tôi thấy anh tả Nguyễn Du "mặt
nhàu nát vì đau khổ", đã vận chính vào con người anh. Ngoài vẻ nhàu nát,
mặt anh còn thêm vẻ lì lợm, hệt như nhân vật Chương của anh khi bước vào sới
vật với Đô Thi, ném cả xắc-cốt có sách vở, tiền nong, chứng minh thư, thẻ Đoàn
viên xuống sông, bẻ tan hàng rào sắt, để chứng tỏ tình yêu của mình với cô
Phượng trong "Con gái thủy thần". Gương mặt ấy tất phải sinh ra nhà
văn như anh, lúc trần trụi, nhát gừng, hằn học, thậm chí có lúc tục tằn rất đời
thường, có pha chất du côn; lúc lại rất trong sáng, trữ tình, thơ mộng, buồn
man mác, mênh mang.
Ngay sau buổi chiều gặp Nguyễn Huy Thiệp,
tối hôm ấy tôi và Thế Sinh lại đến thăm nhà văn Ngô Ngọc Bội, phụ trách văn
xuôi của báo Văn Nghệ. Anh Bội kể: "Tớ
vừa tiếp Nguyễn Huy Thiệp xong. Hắn cứ nằn nì mình đăng cho hắn truyện
"Phẩm tiết". Hắn viết lạ lắm. In ra cũng ngại, phải cân nhắc kĩ".
Trên đường về, Thế Sinh cười khoái chí: "Nguyễn Huy Thiệp bảo coi văn chương là trò chơi. Hắn giả vờ thế thôi.
Và có kiêu, chỉ dám kiêu với bọn mình”. Tôi gật đầu: "Một người đã chuẩn bị bước vào nghiệp văn
chương bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu sử, tác phẩm của hơn bốn trăm nhà
văn, không thể coi văn chương là trò chơi. Hắn định lập ngôn đấy!"
*
Tòa soạn dành cho 4 nhà văn là nhà giáo
chỉ một trang, Vì vậy chúng tôi phải "ép" lại, mỗi nhà văn chỉ được
vài trăm chữ. Dù sao, chúng tôi cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ
một nhà văn trẻ vừa xuất hiện. Phải nói, người có công đầu đưa Nguyễn Huy Thiệp
lên văn đàn là nhà văn Ngô Ngọc Bội và Nguyên Ngọc (Tổng biên tập báo Văn Nghệ
lúc bấy giờ). Cứng bóng vía như hai ông mới dám lăng-xê một nhà văn gai góc
trong hoàn cảnh bấy giờ. Thực ra, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sự đòi hỏi của
xu thế dân chủ trong sáng tác đã âm ỉ từ lâu. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ, với chủ trương cởi trói cho văn nghệ, đã
tạo thế "bung ra" trên báo chí. Trong lúc mọi người còn dè dặt,
Nguyên Ngọc, Ngô Ngọc Bội đã dũng cảm đi tiên phong, cho đăng những bút kí,
tiểu luận làm xôn xao dư luận: Vua lốp (Trần Huy Quang), Cái đêm hôm ấy hôm gì (Phùng
Gia Lộc), Người đàn bà qùy (Minh Chuyên), Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn
nghệ minh họa (Nguyễn Minh Châu); đặc biệt là những truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp. Nền văn học nước nhà như bừng tỉnh. Người ta tranh luận nhiều vấn đề,
nhưng tập trung xung quanh Nguyễn Huy Thiệp. Trước đó, Nguyễn Công Hoan với Kép
Tư Bền đã làm bùng nổ cuộc tranh luận giữa phái "Nghệ thuật vị nghệ
thuật" với "Nghệ thuật vị nhân sinh" (1936-1939), rồi đến cuộc
chống Nhân văn giai phẩm (1956 - 1958); nhưng các cuộc tranh luận ấy nghiêng về
chính trị hơn là học thuật. Đến Nguyễn Huy Thiệp, đấy mới là cuộc tranh luận
học thuật sôi động nhất, gay gắt nhất. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến
viết giới thiệu cho tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp một cách nồng
nhiệt, nhưng với một đầu đề có vẻ như nghịch lý: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió".
Đó là lời báo trước con đường văn nghiệp
đầy sóng gió của Nguyễn Huy Thiệp. Quả thực, người ta đã cho anh "lên bờ
xuống ruộng". Nhưng nhiều người nhảy ra hứng đòn thay anh, "gắn huân
chương" cho anh. Anh trở thành cái cớ để hai bên luận chiến, là cái mốc để
phân chia ranh giới. Chống Nguyễn Huy Thiệp là bảo thủ, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp
là cấp tiến. Người phê phán Nguyễn Huy Thiệp nhiều nhất là Tiến sĩ Mỹ học Đỗ
Văn Khang. Và chính bản thân ông Khang trở thành mục tiêu công kích của phái
cấp tiến trên báo chí, cũng như ở các cuộc bàn luận sôi nổi quanh bàn trà.
Trong không khí hừng hực luận chiến ấy, Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm 1
Hà Nội tổ chức một cuộc hội thảo về văn học trong thời kì mới. Các thầy Nguyễn
Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú v.v...và cánh học trò cưng của các thầy như tôi, Văn
Giá, Chu Văn Sơn v.v... được khích lệ cũng hăng hái "ra quân". Tôi
viết về tập thơ "Lối nhỏ" của Dư Thị Hoàn, Văn
Giá viết về Phạm Thị Hoài. Lúc ấy Phạm Thị Hoài với Nguyễn Huy Thiệp như một
cặp bài trùng, đang là hai điểm nóng của các cuộc tranh luận trên văn đàn.
Ngoài đời hai người cũng thường đi chung với nhau (cùng là dân sử, cùng viết
văn gai ngạnh). Trong hội nghị, Nguyễn Huy Thiệp phát biểu rất ngắn, nhưng tôi
chỉ nhớ được mỗi một câu "xanh rờn" của anh: "Tôi tin rằng, mọi người sẽ còn phải tốn
nhiều giấy mực về tôi". Quả là tự kiêu, nhưng mà đúng. Báo chí ròng rã
hàng năm trời cãi nhau về anh. Bởi anh là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử
văn học Việt Nam. Chính tôi cũng là người tốn nhiều giấy mực về Nguyễn Huy
Thiệp. Luận văn sau đại học của tôi viết về "Tư tưởng nghệ thuật trong sáng
tác của Nguyễn Huy Thiệp", do giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh hướng dẫn.
Hôm tôi bảo vệ, Nguyễn Huy Thiệp cũng đến dự. Bạn bè, các em sinh viên đến rất
đông, phần vì đề tài đang là vấn đề thời sự, phần vì họ tò mò kéo đến xem mặt
Nguyễn Huy Thiệp là chủ yếu.
Như trên đã nói, Nguyễn Huy Thiệp là điểm
mốc ranh giới phân chia hai phe. Người "chửi" cũng chửi hết lời,
người khen cũng khen hết mức. Nhiều người kết tội Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc,
bôi nhọ lịch sử, bôi nhọ anh hùng dân tộc, hạ bệ thần tượng (tập trung ở bộ ba:
Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, và
thêm nữa là Tướng về hưu). Họ không
thể chấp nhận hình ảnh vua Quang Trung anh hùng lại có thể háo hức trầm trồ xem
các đồ biếu xén rồi chửi "Thằng Khải
kia, tao cho mày ăn cứt", nhà vua lại mê gái v.v... Họ không thể chấp
nhận giọng văn tàn nhẫn lạnh lùng của Nguyễn Huy Thiệp, chê văn Thiệp là đặc
Tàu, văn Hoài là đặc Đức v.v... Người ta giãy nảy lên khi Nguyễn Huy Thiệp cho
nhân vật Phăng (người Pháp) viết trong nhật ký về xứ An Nam: "Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược
tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái
ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó... Nguyễn Du là con của cô gái
đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy
điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình" (Vàng lửa).
Nhiều người ghê tởm về sự "thô tục" trong văn Nguyễn Huy Thiệp, khi
anh cho các nhân vật của mình nói năng bạt mạng, du côn; còn ông Kiền, bà Lâm
gọi bộ phận sinh thực khí nam nữ bằng đúng tên gọi trần trụi của nó; hoặc
"Vua Gia Long muốn "gần" Vinh Hoa, từ âm hộ của nàng tiết ra một
chất ngát mùi hoa sữa, khiến nhà vua "xây xẩm mặt mày... ngã quay ra đất,
ngất lịm đi" (Phẩm tiết) v.v... Giáo sư Nguyễn Thái Hòa bảo tôi: "Thiệp nó không bịa đâu. Nó am hiểu sử Tàu
đấy. Ngày xưa vua chúa kén phi tần, hoàng hậu, người nào có chất sạ thơm là quý
tướng, mới được chọn...". Trong bản in lại năm 1997, Nguyễn Huy Thiệp
(hoặc biên tập viên Nhà xuất bản) cắt bỏ chi tiết “âm hộ của nàng tiết ra một
chất ngát mùi hoa sữa”, cả chi tiết Quang Trung bắt Ngô Khải ăn cứt cũng bỏ,
chắc anh (hoặc NXB) ngại bị người ta chửi.
Văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn "nổi
loạn". Nổi loạn về tư tưởng, nổi loạn về phong cách. Về tư tưởng, anh nghĩ
những điều mà người khác không nghĩ đến, dám nói những điều mà người khác không
dám nói. Mặc kệ người chửi, người khen, Nguyễn Huy Thiệp không viết bài tranh
luận. Anh chỉ lừ lừ tung ra trên báo những truyện ngắn, để tác phẩm tự nói lên
chính kiến của mình. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh bảo: “Văn đàn ta có hai người ngông. Cụ Nguyễn Tuân mới chỉ ngông về mặt nhân
cách. Nguyễn Huy Thiệp ngông hơn, ngông về tư tưởng”. Vâng, ngông vào thời
điểm những năm 80 mới chịu nhiều búa rìu dư luận, chứ nếu vào thời buổi bây giờ
(năm 2000) chắc sẽ bình thường. Nguyễn Huy Thiệp đã "nổi loạn" chống
lại nếp suy nghĩ cũ mòn, một chiều trong mấy chục năm qua, xem xét lại các giá
trị đã được xếp loại, lâu nay tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa,
thổi vào văn học luồng sinh khí mới. Nhưng cái đó lại nghiêng về chính trị, mọi
người cãi nhau cũng đã nhiều rồi, nay tôi không nói nữa.
Văn của Nguyễn Huy Thiệp có ma lực, biến
ảo, sống động, nhốn nháo, lung linh, khác hẳn thứ văn nhàn nhạt ngự trị văn đàn
cả một thời. "Tục" cũng là một yếu tố "nổi loạn", chống thứ
văn chương đạo mạo, nhạt nhẽo. "Tục" cũng là một thủ pháp nghệ thuật
gây ấn tượng, tăng hiệu quả biểu cảm. Có một giai thoại, kể rằng quân đội của
Napoleon (Pháp) bao vây, dồn quân Anh vào tình thế nguy ngập, quân Pháp gọi loa
kêu đầu hàng. Viên đại tá chỉ huy quân đội Anh văng tục: "Cứt". Có lẽ
không có câu trả lời nào hay hơn, quyết liệt hơn từ đó.
Nguyễn Huy Thiệp căm ghét, khinh bỉ loại trí
thức lưu manh. Anh giáo Triệu trong "Những bài học nông thôn" từng
bảo: "Tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản
động, vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần
so với người bình dân... Vì chúng giả hình, chúng nhân danh lương tâm, đạo đức
mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa"
Có lẽ như Nguyễn Huy Thiệp là người bảo
thủ, khi anh dị ứng với đời sống thị thành, muốn con người quay lại với đời
sống núi rừng hoang sơ nguyên thủy, trở về với ruộng đồng thôn dã, Những nhân
vật phố phường của anh hầu như chẳng ra gì. Họ sống nhốn nháo, đểu giả, bị đồng
tiền làm hỏng, suy đồi về đạo đức: anh thanh niên Hạnh, cán bộ "một Vụ ở
Bộ Giáo dục "... vì khao khát đồng tiền đã bị phát điên (Huyền thoại phố
phường); dòng họ Phạm tàn độc từ khi con cháu rời đất Kẻ Noi, đi học rồi biến
chất (Giọt máu); gia đình lão Kiền như một xã hội "không có vua" lộn
tùng phèo, bố chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng làm việc ở Bộ Giáo dục đòi "chim
chuột" chị dâu, cậu sinh viên ăn vụng trong nhà bếp; bác sĩ Thủy ở bệnh
viện sản nạo thai, đem các thai nhi nấu nuôi lợn và chó bẹc-giê (Tướng về hưu)
v.v... Truyện của anh, nghe rợn cả người, giọng văn cứ lạnh lùng, nghiệt ngã,
như mổ xẻ, phanh phui những mặt trái của đời sống.
Không! Nguyễn Huy Thiệp không bảo thủ,
không chống lại văn minh thời đại. Anh chỉ lên án cái xấu xa của đời sống thị
thành trong thời buổi nhiễu nhương. Thầy giáo Triệu là con một vị Bộ trưởng, mẹ
anh xuất thân từ một gia đình trí thức tiếng tăm. Đã chín năm, anh từ bỏ thành
phố về sống độc thân ở làng quê, làm một giáo viên cấp 1 bình thường, là một
phản ứng với đời sống thị thành. Anh bảo: "Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều
mang trọng tội. Chúng ta phá tan nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của
mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ, lừa bịp bằng tình
cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc
với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh" (Những bài
học nông thôn). Sự phản ứng của anh Triệu là tiêu cực, chẳng giải quyết được
vấn đề xã hội. Những người như anh Triệu phải chết, cũng như Đặng Phú Lân,
trong Kiếm sắc (chết một cách khác) đều hàm chứa ý nghĩa sâu xa.
Trở về đề tài nông thôn, giọng văn Nguyễn
Huy Thiệp tự dưng khác hẳn. Cảnh nông thôn thanh bình và đầy chất thơ, con
người nông thôn hiền lành, chân chất trong trẻo tuyệt vời. Hầu như nhân vật
nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp đều đẹp. Họ là đối trọng với những nhân vật thị
thành, là điểm sáng trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Nông thôn là
nơi nương náu cuối cùng, là nơi bảo tồn tâm hồn Việt. Đó là chị Thắm lái đò
giàu lòng vị tha, khuyên cậu bé chết đuối hụt không nên trách những người đánh
cá (họ không có lệ cứu người chết đuối), vì "Có ai yêu thương họ đâu. Họ đói mà ngu muội lắm" (Chảy đi sông
ơi). Đó là vợ chồng cô giáo Thục ở nơi rừng núi Sơn La tốt bụng và chân chất,
là bà Lâm, bố Lâm, chị Hiền hồn nhiên, tình nghĩa. Tâm hồn nhà văn nghiêng về
những người phụ nữ, ca ngợi vẻ đẹp tầm hồn của họ. Dẫu đôi lúc các nhân vật của
anh nhận xét về phụ nữ có vẻ khinh miệt, nhưng đó không phải là tư tưởng chủ
đạo của nhà văn. Các nhân vật phụ nữ của anh đẹp, nhưng họ chỉ đẹp khi ít học,
ít va chạm đời sống xã hội bên ngoài, không sống trong sự dư dật... Họ là những
phụ nữ của nông thôn, phụ nữ của núi rừng... Có vẻ như Nguyễn Huy Thiệp lại sa
vào "bảo thủ" trong cách nhìn phụ nữ. Nhưng anh không phải không có
lý.
Tôi rất ngạc nhiên, ngỡ như ở Nguyễn Huy
Thiệp, có hai nhà văn cùng nhập vào anh. Nhà văn thứ nhất kiêm nhà chép sử, với
giọng văn khách quan một cách lạnh lùng, đôi khi nghiệt ngã. Nhà văn ấy cứ
thủng thẳng kể, tả các sự kiện, nhân vật, có lúc cụ thể tỉ mỉ đến từng chi
tiết, có lúc như tình cờ điểm qua, nhưng đầy dụng ý nghệ thuật. Có thể thấy rõ
giọng văn này ở “Tướng về hưu, Giọt máu,
Không có vua, Kiếm sắc, Vàng lửa và Phẩm tiết”... Dấu ấn nghề nghiệp in đậm
trong từng trang viết của anh. Sử ký Tư Mã Thiên chắc chắn đã ảnh hưởng không
nhỏ tới văn phong của Thiệp. Văn của Nguyễn Huy Thiệp hàm súc đến cao độ. Mỗi
câu, mỗi chữ đều như bị nén lại, đầy ắp những thông tin, những ý tưởng, đa
nghĩa. Mỗi truyện của anh, có nhiều vấn đề được đề cập, có thể triển khai thành
nhiều truyện khác.
Nếu chỉ có giọng văn như thế, Nguyễn Huy
Thiệp đã là nhà văn đáng nể rồi. Nhưng nói tới dòng sông, tới núi rừng, tới
đồng quê, tới tâm hồn phụ nữ, Nguyễn Huy Thiệp lại thành nhà thơ, nhà triết
học. Con mắt Nguyễn Huy Thiệp nhìn thiên nhiên tinh tế, tâm hồn anh như sợi dây
tơ mảnh. Chỉ một ngọn gió mơ hồ thoảng qua cũng ngân lên. Tôi yêu dòng sông ấu
thơ của anh thao thiết chảy, tiếng chuông nhà thờ lan trên mặt sông mang mang
vô tận, tiếng gõ đuổi cá lanh canh và tiếng sóng vỗ oàm oạp trên mạn thuyền.
Những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp đều buồn, buồn tê tái với kỷ niệm
xưa, với tiếng gọi đò ráo riết. Dòng sông luôn là nỗi ám ảnh của đời người, Ám
ảnh bởi huyền thoại con trâu ở dưới lòng sông, huyền thoại về con gái thủy
thần, để tâm hồn đa cảm của nhà văn suốt đời tìm tiếm. Và kia, hoa ban trắng
đến nao lòng, bắt người ta phải nghĩ đến nghìn năm trước, và nghìn năm sau hoa
ban còn trắng nữa không v.v...
Sau năm 90, Nguyễn Huy Thiệp còn viết thêm
cả kịch. Những gì anh viết khoảng 10 năm gần đây, tôi không thích nữa. Ấn tượng
để lại sâu sắc trong tôi là những tác phẩm anh viết trong ba năm (87-90). Chỉ
ba năm thôi, đã đủ làm nên một nghiệp văn. Nguyễn Huy Thiệp đã về tới đích của
văn chương. Chặng đường sau của anh, tôi nghĩ, anh không vượt qua nổi chính
mình ở giai đoạn trước.
*.
Matxcơva, 2h26' sáng 15.12.2000
Nguyễn Việt Chiến:
"VUA TRUYỆN NGẮN" NGUYỄN HUY
THIỆP
VÀ CHUYỆN VIẾT TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP CÓ THƠ
Chiều 20.3, tin buồn đến với nền văn học
nước nhà khi "vua truyện ngắn" Nguyễn Huy Thiệp qua đời sau thời gian
bị tai biến. Tôi vẫn nhớ mãi lần trò chuyện cuối với Nguyễn Huy Thiệp trước khi
ông gặp bạo bệnh, về chuyện ông viết tiểu thuyết võ hiệp có thơ…
Những tháng ngày cuối cùng trên giường
bệnh, hẳn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng thấy ấm lòng khi bạn bè văn chương và
những người quý mến ông đã đến thăm nom và động viên nhà văn cố vượt qua bệnh
tật hiểm nghèo và số phận không mấy dễ chịu của một người viết. Dường như không
chịu bó tay trước số phận, trong những ngày bệnh trọng, ông mê mải vẽ và làm
thơ như muốn chia sẻ những tâm sự cuối cùng của mình về cuộc đời, người thân,
về văn chương, bạn bè.
Tôi còn nhớ mãi lần trò chuyện cuối với
Nguyễn Huy Thiệp trước khi ông gặp bạo bệnh. Hôm đó, tôi mang nhuận bút của một
tờ báo đến thăm tác giả Tướng về hưu. Tôi phải đi lòng vòng qua gần chục con
ngõ quanh co của một ngôi làng cũ nằm ở xóm Cò, làng Khương Hạ, quận Thanh
Xuân, Hà Nội. Ngôi nhà của ông cũng phong phanh, chân chất, giản dị như chủ
nhân của nó. Nguyễn Huy Thiệp vốn dễ gần và cũng dễ lạ. Gần là bởi cái giọng
nói thào thào, cũ cũ và dáng điệu chất phác của ông. Lạ là bởi cái tư duy sắc
sảo, phá cách, đổi mới và không chấp nhận sự bằng phẳng, rỗng mòn, cũ kỹ trong
văn chương của ông.
Mấy năm cuối đời, ngoài các tác phẩm nổi
tiếng làm nên tên tuổi lừng danh của mình trước đây, dường như Nguyễn Huy Thiệp
không viết được gì thêm. Trao đổi với tôi về việc này, ông trải lòng: “Dạo này mình cũng chẳng thiết viết gì nữa!
Viết văn đến cái độ nào đó thì cũng phải biết thôi, biết dừng lại, phải biết
tiết chế chứ. Cũng phải nhường đất cho bọn trẻ họ viết chứ. Do vậy, mình rút
dần vào vô minh...”.
Tôi đặt câu hỏi: “Độc giả và dư luận hình như vẫn còn đợi nhà văn ở mảng tiểu thuyết,
ngoài cuốn Tuổi hai mươi, ông còn cuốn nào không?”. Nguyễn Huy Thiệp chậm
rãi: “Tiểu thuyết ư? Hiện vẫn còn cuốn
Bên rìa nước. Cuốn tiểu thuyết viết theo kiểu võ hiệp này tôi viết trong 10
năm. Bên rìa nước là những chuyện hiệp nghĩa, khôi hài và hoang đường chép bên
rìa nước kinh thành. Tiểu thuyết này gồm 16 chương. Trước kia tôi viết cuốn Võ
lâm ngoại sử chỉ là bản nháp thôi, chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh như cuốn
này. Đây cũng là cuốn sách kén độc giả, tôi chủ trương in cũng được, không in
cũng được...”.
Tôi lật qua ít trang bản thảo cuốn Bên rìa
nước, thấy có nhiều đoạn viết như thơ, bèn hỏi nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Đây không phải là thơ bình thường. Đây là
thơ kệ, là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của Việt Nam. Các ông làm thơ thời
“công-nông-binh” hiện nay cũng có cái hay của nó. Nhưng ngày xưa, tôi cho rằng
người xưa coi thơ là mẹ của mọi thể loại. Nó là ngôn ngữ tối thượng, cao quý.
Và, người xưa mới đầu học làm thơ 2 chữ: “Vào làng/ Xin thịt/ Ra làng/ Xin
xôi”, rồi thơ 3 chữ: “Đi bên sông/ Về bên sông/Trồng cây cải/ Bơi đò ngang/ Một
đò ngang/Hai ngang đò”, tiếp đến thể thơ 4 chữ và 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, 9
chữ. Và thơ lục bát Việt Nam giống như thể thơ Haiku của Nhật Bản. Nó là quốc
hồn, quốc túy...”.
Biết tôi là người làm thơ, Nguyễn Huy
Thiệp thân mật giới thiệu mấy chiếc bình gốm sứ mới, khá đẹp trên có vẽ tranh
và đề thơ của một số nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) và Việt Nam. Tôi
khá bất ngờ khi biết đây là những chiếc bình gốm sứ do tự tay ông làm, tự vẽ
tranh, đề thơ. Tiếp theo, nhà văn hồ hởi kéo tôi vào phía buồng trong, rồi ông lôi
ra nhiều đĩa gốm sứ do chính tay ông vẽ cảnh, đề thơ và đích thân ông sang tận
lò gốm bên Bát Tràng giám sát việc sản xuất. Chỉ vì tình yêu hội họa và say mê
thơ, Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ công sức, tiền của ra làm tới vài trăm đĩa gốm sứ,
trên có tranh do ông vẽ và có thơ của các nhà thơ nổi tiếng xưa nay. Ngoài ra,
ông còn vẽ tranh và đề thơ trên nhiều loại bình gốm sứ bày trong nhà. Đặc biệt,
có khá nhiều chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm và tất cả các
bìa sách của ông được nước ngoài in, ông đều vẽ lại trên đĩa sứ. Tôi thích
chiếc đĩa in bản minh họa đầu tiên của họa sĩ Đỗ Phấn cho truyện ngắn Tướng về
hưu của Nguyễn Huy Thiệp năm 1987.
Trước khi trở thành “vua truyện ngắn”,
Nguyễn Huy Thiệp cũng từng làm thơ nhưng không thành. Ngồi nói chuyện văn thơ
với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới biết ông rất quý trọng cố nhà thơ Đồng Đức
Bốn. Có thể tình bạn giữa hai ông vừa mang hơi thở mộc mạc bùn đất chốn chân
quê vừa mang tính ngang tàng, bất cần của những văn tài một thời “bất đắc chí”.
Phải chăng vì thế, nó khiến cho cái tình giữa hai người văn lãng tử trở nên sâu
đậm, gắn bó? Biết đâu ở thế giới bên kia, cố nhà thơ Đồng Đức Bốn sẽ lại được
hầu rượu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để nghe “vua truyện ngắn” đàm đạo về thơ và
những nhà thơ hạ giới.
Phạm Xuân Nguyên:
TIỄN BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP (1950 -
2021)
Anh đã
"sang sông" trở về "lòng mẹ"
Sông
nghe anh gọi "chảy đi sông ơi"
"Con
gái thuỷ thần" chờ nơi cửa bể
Hỏi
anh vì sao "đời thế mà vui".
Anh đã
cùng "những ngọn gió Hua Tát"
Nở hoa
tử huyền làm "muối của rừng"
Ngồi
một mình "thương cả cho đời bạc"
Chạy
đuổi theo "huyền thoại phố phường".
Anh
viết văn bằng "bài học tiếng Việt"
Cho
mỗi trang đời "phẩm tiết" văn chương
Mặc
"không có vua", "tướng về hưu" hết
Đời
vẫn còn một "chút thoáng Xuân Hương".
Anh đã
theo người "chăn trâu cắt cỏ"
Lặn
lội trong "mưa" "thương nhớ đồng quê"
Theo
tay Phật Bà "Quan Âm chỉ lộ"
Mong
"cánh buồm nâu thuở ấy" quay về.
Anh đã
cho đời trang văn "giọt máu"
Gọi
"những tiếng lòng líu la líu lo"
Gọi
"hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt"
"Đưa
sáo sang sông" xa mãi bến bờ.
Anh đi
nhé, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
"Những
người muôn năm cũ" hoá bây giờ
Văn
của anh mọi người còn đọc tiếp
Để
thấm "chuyện tình kể trong đêm mưa".
*
Hà Nội 24.3.2021
Ngày đưa tang Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Xuân Diện:
THƯƠNG TIẾC NGUYỄN HUY THIỆP
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) nhà văn tài
năng bậc nhất của văn đàn đương đại vừa giã biệt trần gian lúc 16h45 chiều hôm
qua (20/3/2021), hưởng thọ 72 tuổi.
Mặc dù ông bị đột quỵ và đau yếu đã lâu,
mà tuổi 72 cũng đã là “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nhưng tin ông ra đi đã
làm chấn động văn đàn nước Việt cũng như trong hàng triệu bạn đọc cả trong và
ngoài nước.
Sáng nay, ngồi với bậc trưởng lão Phan
Hồng Giang, khi nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp ông vẫn thảng thốt buồn và nói rằng
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất trong cõi văn chương
quốc ngữ nước nhà. Chúng tôi cùng nhắc đến Nam Cao và cho rằng Nam Cao đã phẫu
thuật để bày ra trước mắt bạn đọc cái thân phận người Việt trước miếng ăn, cái
danh và cái lợi. Nguyễn Huy Thiệp với lưỡi dao sắc bén và kỹ thuật điêu luyện
đã giải phẫu để bày ra cả ruột gan của dân tộc này, ở nhiều chiều kích và dằng
dặc lịch sử.
Bút pháp lạnh lùng, lối hành văn độc đáo,
ngôn ngữ huyền ảo, văn chương truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dứt khoát và
quyết liệt đến tàn nhẫn, mổ xẻ đến tận cùng hiện thực xã hội và lịch sử. Những
trang viết của ông nhiều tầng ý nghĩa, luôn mới mẻ trong mỗi bạn đọc qua mỗi
lần đọc. Bay bổng, lãng mạn, trần trụi, sắc lẹm hoà quyện trong mỗi trang văn,
mỗi hình tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp tạo ra sự đa thanh, đa sắc, đa nghĩa
trong sáng tác của ông.
Mấy hôm nay, người đọc nhớ đến câu văn của
ông: "Mỗi người Việt chúng ta không thể sống tủi nhục và đớn hèn như vậy
nữa" (Nguyễn Huy Thiệp). Một bạn đọc viết: "Tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là ở những thông điệp ông gửi vào
xã hội để người đọc suy ngẫm, những thông điệp nóng bỏng được chuyển tải dưới
dạng văn chương". Phải rồi! Ông là một nhà văn có tư tưởng và dấn thân!
Tôi bắt đầu đọc Nguyễn Huy Thiệp ngay từ
khi ông xuất hiện, từ khi tôi chưa vào đại học. Lúc ông xuất hiện, bầu trời văn
nghệ lúc đó lừng lững vị thần bảo hộ Trần Độ, và bên dưới ông là chư tướng văn
nghệ như Nguyên Ngọc chỉ biết phụng thờ cái đẹp của văn chương và tôn trọng sự
thật. Làng văn nghệ lúc bấy giờ rộn ràng với các tên tuổi như Lưu Quang Vũ,
Phạm Thị Hoài, và tất nhiên là cả Nguyễn Huy Thiệp rồi sau một chút là Tạ Duy
Anh.
Năm 1989, phong trào nghiên cứu khoa học
trong sinh viên Văn Khoa khá sôi nổi. Tôi là sinh viên năm thứ 2, góp bài tham
luận: “Về tính nhân bản trong các nhân vật truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp”. Bài tham luận ấy cũng đã gây tranh luận khá gay gắt giữa tôi và
các bạn trong lớp. Rất tiếc bài luận viết tay ấy tôi đã nộp mà không còn giữ
lại được.
Nguyễn Huy Thiệp là tác gia truyện ngắn mà
dấu ấn ông tạc vào lịch sử văn chương là vĩnh viễn và hơn bất kỳ một giải
thưởng văn học nào mà người ta đang dền dứ trao hay không trao cho ông. Và ông
cũng chỉ thành công ở truyện ngắn; cho dù là một tài năng trác tuyệt, ông đã
không thành công khi thể nghiệm với tiểu thuyết. Có lẽ trên hành trình đến và ở
lại với văn chương, sai lầm lớn nhất của ông là viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên
và cuối cùng của ông được xuất bản - cuốn “Tuổi hai mươi yêu dấu”.
Ở ngoài đời, tôi có đôi ba lần được gặp
ông. Ông là một người ăn nói vụng về nhất trong những nhà văn mà tôi gặp. Vụng
về đến tội! Ông không nói được câu nào rành rẽ chứ đừng nói là sắc sảo như
trong trang văn ông viết.
Nguyễn Huy Thiệp đã trút bỏ gánh nợ trần
gian. Là tướng trên văn đàn, nay ông về hưu vĩnh viễn để như “Những
ngọn gió Hua Tát” mà đến nơi “Không có vua”, chỉ có bạt ngàn hoa
trắng - Muối của rừng. Thể phách của ông lẫn vào gió và thấm vào vách
núi xa, trong tiếng chim kêu đêm nơi rừng vắng, thỉnh thoảng trộn vào khúc hát
dật dờ vô nghĩa của một người hành khất mù loà nơi phố thị...
Ông nằm đấy, im lặng. Lúc sống ông đã
không cất thành lời rành rọt, nói chi ông đã hoá rồi.
Nhưng từng ấy trang văn vẫn là tinh huyết
của ông gửi lại trần gian, cái trần gian mà ông đã sống hơn bảy mươi năm với
muôn ngàn cay đắng...
Xin niệm lòng tiễn biệt ông trong tiết
tháng hai hoa nở trắng rừng.
*.
Chiều 21.3.2021
Trúc Nhã:
CHUYỆN PHIẾM VĂN NGHỆ
Trên mạng người ta bắt đầu hạn chế sự
ngưỡng mộ của người đọc với Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bằng cách đăng các bài báo
chỉ ra một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có hơi hướng giống truyện ngắn
của nước ngoài.
Đúng một chút về các truyện ngắn (được cho
là đạo ý truyện ngắn nước ngoài). Nhưng như tôi đã nói ở tút. Dù thế nào tôi
vẫn kính trọng và ngưỡng mộ ông Thiệp. Thử đặt mình vào hoàn cảnh lúc đó, vừa
kết thúc nhân văn giai phẩm mà Nguyễn Huy Thiệp dám viết mạnh mẽ như thác lũ
cuốn trôi tất cả những rào cản văn nghệ. Những truyện ngắn phiếm chỉ làm ông
Thiệp nổi tiếng ngay tức thì lại chính là những truyện ngắn chửi quan chức lãnh
đạo văn nghệ Việt Nam. Vong Bướm, Muối Của Rừng...
Lẽ nào, ngay cả khi nhà văn đã nằm xuống
thì di sản văn chương của ông vẫn làm cho một số kẻ đố kỵ?
Phải rồi, chính ông Thiệp đã viết,
"khi gần đến Đạo là người ta đã sắp chết". Còn sân si, còn đố kỵ
nghĩa là người ta vẫn đang sống. Đó gọi là Tính người. Những truyện ngắn đầu
tiên của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên tờ Văn Nghệ hồi đó đã khiến những cây bút
điếm đàng chửi Nguyễn Huy Thiệp như vỗ mặt như Nguyễn Văn Lưu, Trần Đăng Khoa,
Lê Xuân, Bùi Công Thuấn...nào là tri bất tri, nào là không có tư tưởng triết
học...
Vậy có chuyện Nguyễn Huy Thiệp chửi hội
viên hội nhà văn ngu dốt không?
Tôi là kẻ luôn đứng xa kính nhi viễn chi
các hội viên, ít giao lưu, hạn chế tiếp xúc vì Ngại... Nên điều đó tôi không
dám khẳng định là có. Ở Việt Nam, những chuyện trà dư tửu hậu kiểu như vậy có
mà hàng ức vạn. Chỉ có điều, rồi chúng ta sẽ thấy khi độc giả tôn vinh Nguyễn
Huy Thiệp là nhà văn lớn của thời đại, nổi tiếng nhờ những truyện ngắn mang
tính hiện thực thì Hội nhà văn sẽ thay đổi. Nay mai, tang lễ nhà văn Nguyễn Huy
Thiệp sẽ có tên hội nhà văn trong ban tổ chức. Không biết chừng có cả những
người năm xưa chửi Nguyễn Huy Thiệp, mạt sát Nguyễn Huy Thiệp nữa cũng nên.
Nguyễn Huy Thiệp chết rồi. Người chết là
hết. Ông ấy không cần biết những gì xảy ra sau khi ông ấy nằm xuống.
Ông ấy không cần biết. Nhưng những người
còn sống và còn lương tri sẽ thấy bi kịch, thấy đau về một xã hội vùi dập văn
hóa, văn nghệ. Những cởi trói và mở miệng lặp đi lặp lại, nếu cho là vòng xoáy
cuộc đời thì mỉm cười (kiểu cười nhạt ấy), nếu nghĩ đấy là tráo trở thì sẽ đau
đớn. Ở tầm nhìn xa, những quốc gia không vùi dập sáng tạo trong văn hóa nghệ
thuật thì đều có di sản văn hóa nghệ thuật khổng lồ.
Vậy thì...
Thôi đi cày... Khi con người còn toan tính
thì đấy là Tính Người. Vẫn đang sống mà không ham muốn tình tiền quyền lực thì
một là mất trí, hai là đắc đạo. Đắc đạo là trạng thái tinh thần Tình Người cao
hơn Tính Người. Tôi thì thích cụm từ Circle of the Life.
Phan Huyền Thư:
CỰC ĐOAN SAY ĐẮM
Năm thứ Ba, Tổng hợp Văn. Mấy đứa dở người
K34B bọn mình thuộc lòng từng câu, từng chữ của tập "Những ngọn gió Hua
tát" rồi nghe người ta chỉ, rủ nhau đạp xe đến tận làng Nhân Chính, nhưng
ngày xưa lại không có địa chỉ mà lại vẽ đuòng vào tờ giấy nên hỏi đường vòng
vèo nửa ngày mới tìm được nhà anh Thiệp ở làng Cò.
Anh pha một ấm trà, ngồi thủ thỉ với cả
lũ, dưới chân tượng Quán Thế Âm bằng xi măng anh còn đang đắp dở.... Câu chuyện
chỉ đơn giản: "Em thích truyện nào
nhất?" Có thế thôi. Mỗi đứa thích một truyện khác hẳn nhau, thế mới
đểu!
Mình nói: Em thích "Muối
của rừng". Đang rót nước, anh dừng lại nhìn mình một nốt nhạc, rồi
thủ thỉ rót tiếp: "Vậy là em đã già
trước tuổi nhiều rồi đấy!"
Kể từ đó, cái gì của anh Thiệp mình cũng
đọc, diễn từ nhận huy chương bên Pháp mình cũng đọc, kịch, tiểu thuyết, tản
văn, tuỳ bút, bình luận, thơ... Cái gì của anh Thiệp mình cũng dành thời gian
tìm đọc! (Thề là cả mai sau cũng vẫn sẽ như thế! Có thể là cực đoan say đắm
cũng được! Tại sao không???)
Mười năm sau, anh viết về tập "Nằm
nghiêng" của mình. Mình gặp anh và kể lại chuyện năm cũ dưới chứng
kiến của Quán Thế Âm. Anh lại nhìn mình một nốt nhạc không chớp mắt, rồi bật
cười bảo: "Dạo ấy anh ăn nói ngớ
ngẩn thế à?"
Cực đoan say đắm. Là mình!
Chuyện thế này. Ngày trước có một người
quen là một cựu chiến binh xuất khẩu lao động châu Âu, ông này thỉnh thoảng về
Việt nam lân la với anh em văn nghệ ở sân 51 Trần Hưng Đạo. Thoạt đầu làm thơ,
tập đầu mình cũng đọc. Tập hai, chủ yếu mình được đọc cho nghe qua điện thoại
từ nửa vòng trái đất, thường là đọc trong nước mắt và khóc với đài từ rất
vang...
Sau đó bắt đầu là truyện ngắn. Từ các
truyện ngắn, mình đã có thói quen nhận nhiệm vụ "đọc để góp ý cho
anh" nhưng khi gặp chỉ được phép ngồi nghe ông í diễn thuyết. Khóc, cười.
Chửi thề và đầm đìa... khóc!!!
Mọi người nhìn vào: đây là mối quan hệ
thắm thiết. Cả hai vợ chồng mình cũng rất ngoan ngoãn cố gắng "thiết
thắm".
Một ngày, ông xuất khẩu lao động lưu vong
xuất hiện ở ngõ "Mông Mác" 51 Trần Hưng Đạo gọi mình xuống và trịnh trọng
đưa ra tập bản thảo: "Đây, đọc đi! Lần
này anh về đây với một nhiệm vụ quyết liệt! Anh sẽ cho thằng Thiệp tụt lại bên
lề đại lộ văn chương. Anh sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp cầm bút của nó.
Thiệp chỉ là viên sỏi trên con đường văn chương của anh. Anh chỉ cần gạt nhẹ
mũi giày là hắn văng ngay, lay lắt bên lề đường. Bây giờ ai còn đọc hắn nữa đâu!"
(*). Tim mình đập thình thịch. Mắt mình mờ đi. Tai ù đặc... Lắp bắp nhấp tách
cà phê mà không biết bỏ đường hay chưa...
Kể từ đó, mình không đọc thêm dù nửa chữ
nào của ông xuất khẩu lao động nữa. Cả văn lẫn thơ. Cả truyện giải tạp chí này,
thơ in trên báo nọ, tiểu thuyết "ồn ào" kia... Cực đoan đến nỗi không
những không đọc bất kỳ loại thể gì mà còn trốn cả xem phim chuyển thể từ tiểu
thuyết của ông xuất khẩu...
Ông xuất khẩu chắc chắn sẽ không hiểu được
lí do thực sự khiến mình lảng tránh, trốn chạy một cách bền bỉ như vậy. Có thể,
sau đó sự hồ nghi của ông í đã chuyển thành nỗi hận thù sâu sắc với mình không
gì khoả lấp nổi...
Thôi thì cái hố ấy ông tự đào, ông tự cơi
nới... Mình vô can. Chỉ đơn giản là mình vô cùng sợ hãi mà hèn nhát lảng tránh,
thế thôi!!!
Có thể, cái hố hận thù vô thưởng vô phạt
mà mình chấp nhận sẽ hứng chịu cả đời ấy chính là sự cực đoan say đắm của mình
với chữ nghĩa anh Thiệp chăng?
-----
P/s: Hoang tưởng là quyền chính đáng của ai đó thì cực đoan cũng
là quyền chính đáng của mình chứ nhỉ?
-----
(*): Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Thọ Muối) – (Người Biên tập chú
thích)
*.
Ngày 8 tháng 09-2016
Phạm Ngọc Tiến:
MỐT TƯỞNG TANG
Là tôi muốn nói đến cái hiện tượng hiện
đang phổ biến một cách quá mức cần thiết. Ấy là khi có một ai nằm xuống theo
quy luật sinh tử. Nhất là người ấy trong giới văn học nghệ thuật và càng nổi
tiếng thì mức độ quan tâm của những người trong giới càng ở mốc giới kịch trần.
Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp nghệ
sĩ ra đi và nhận về vô vàn lời tán thưởng cùng những sẻ chia kỷ niệm. Tốt quá.
Chết thế chết đời được nhưng nói thật tròn vành rõ chữ thì nếu người chết có
sống lại hẳn họ sẽ từ chối những gì mà người sống dành tặng cho họ thậm chí nói
thô thiển là gán cho họ.
Mấy hôm nay văn giới đau buồn về sự ra đi
của nhà văn tài danh Nguyễn Huy Thiệp. Hiển nhiên ai cũng biết nhà văn là một
tài năng hiếm có. Văn đàn ít khi xếp hạng chiếu ngồi nhưng Nguyễn Huy Thiệp
chắc chắn được tôn trọng của người làm nghề, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn số ít
đặt được dấu ấn vào nền văn học nước nhà. Nói tôn xưng có thể là ông vua truyện
ngắn và nhiều danh hiệu xứng đáng khác.
Đáng nói là rất, rất nhiều bài viết, stt
mang ảnh chụp cùng nhà văn để rồi viết về những kỷ niệm đương nhiên là có thật
nhưng mức độ thế nào chỉ người trong cuộc mới hiểu (tôi giới hạn trong văn giới
thôi nhé).
Sinh thời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là
người cởi mở với độc giả nhưng ông không phải típ người quảng giao dễ kết thân.
Bạn bè của ông, tôi nghĩ là rất ít và đó phải là những người thật tâm giao.
Những người đó ít lắm tôi chỉ kể một trường hợp thôi là nhà thơ Nguyễn Bảo
Sinh.
Số người biết tư gia Nguyễn Huy Thiệp chắc
chắn là nhiều. Và những người được ông tặng đồ gốm sứ, được ông vẽ tặng chân
dung, tặng sách hay khen tặng chắc chắn là rất, rất nhiều. Đã nói Nguyễn Huy
Thiệp cởi mở với độc giả và ông không hề từ chối ai đến thăm tư gia ông. Nhẽ đó
nên Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều kỷ niệm chung với mọi người. Tôi cũng là một
người như vậy được ông tiếp cơm, vẽ chân dung tặng từ cách đây gần 30 năm ngay
từ khi bức tượng Phật theo sáng tác và thực hiện của họa sĩ, nhà văn Nguyễn
Hồng Hưng được dựng trong vườn nhà. Và nói rất thật, quan hệ của tôi và ông
cũng chỉ ở mức như thế dù có vô vàn lần gặp nhau trong nhiều năm sau đó, tôi
cũng không dám viết bất cứ sự riêng tư nào với ông. Nói chính xác quan hệ của
tôi chưa đủ thân tình để viết những dòng gan ruột về ông kể cả là đánh giá văn
học ở dịp đau buồn này.
Quý mến một nhà văn vừa nằm xuống là điều
hiển nhiên nhưng cho tôi nói thật tôi đọc một số bài viết Nguyễn Huy Thiệp thế
này, thậm chí là Thiệp thế nọ một cách thân tình thấy nó sao đó. Điều này thì
tôi biết, trong số những người viết về ký ức chung ấy có người còn chưa một lần
thăm hỏi nhà văn khi ốm đau thậm chí tôi đoán trong đám tang sắp tới còn không
có mặt.
Vài lời chân thật không mong sự thông cảm
nhưng tôi biết chắc chắn với tính cách và cuộc sống đã trải của mình, nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp chắc chả nỡ trách nhưng ông cũng không thể vui về những tỉ mỉ
chi tiết cùng những tán dương của một số bạn thương tiếc nhà văn.
Hãy vào trang nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, một
người tri kỷ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ông hẳn là người đau buồn nhất nhưng
trong fb của ông chỉ có dòng chữ thông báo về đám tang của nhà văn. Sự đau buồn
càng lớn thì càng khó diễn tả thành lời. Tôi tin thế.
Và tôi gọi đó là mốt tưởng tang. Thế thôi.
*.
Ngày 21 tháng 03-2021
Uông Triều:
NGUYỄN HUY THIỆP: HỎA DIỆM SƠN CÔ ĐỘC
Tôi biết không phải bây giờ số người yêu
và ghét Nguyễn Huy Thiệp mới ngang bằng nhau. Tại sao lại ghét Nguyễn Huy
Thiệp? Vì người ta không ưa ông, vì tính ông gàn dở, vì những trang viết bạo
liệt thẳng tưng của ông, hay vì tài văn hiếm có của ông?
Tôi đã đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
rất lâu trước khi gặp ông, những truyện ngắn ấy tôi đọc trên báo Văn nghệ lúc
còn nhỏ và sau này khi chập chững viết văn tôi đã đọc lại khá nhiều lần. Điều
đặc biệt ở những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là sự đọc lại không khiến
người ta nhàm chán, gần như nguyên khoái cảm ban đầu. Sau hơn mười năm ngắt
quãng tôi mới đọc lại truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và kinh ngạc nhận ra
rằng, sự hao mòn của chúng rất ít. Tôi đã từng làm phép so sánh sự đọc lại
trong tương quan những tác phẩm được coi là xuất sắc nhất của văn học Việt Nam
thời đương đại. Đọc lại “Thời xa vắng” của Lê Lựu tôi bị mất cảm xúc khá nhiều,
đọc lại “Người đi vắng” của Nguyễn Bình Phương tôi cũng không thích như lần
đầu, đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì sự suy giảm có ít hơn nhưng
nếu được bảo toàn nhiều nhất thì vẫn là truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp!
Tôi không nhớ lần đầu gặp Nguyễn Huy Thiệp
ở đâu, có lẽ ở quán cà phê Nhân ở phố Bảo Khánh, gần Bờ Hồ. Rất nhiều năm nay,
Nguyễn Huy Thiệp đến đó ngồi với người bạn thân của mình là nhà thơ Nguyễn Bảo
Sinh và hai người gần như tạo ra một “huyền thoại” về tình bạn. Những buổi
chiều đẹp trời, hai ông bạn già ấy gọi một ấm trà mạn ngồi ở tầng trệt quán cà
phê trò chuyện có khi đến hết buổi. Nguyễn Huy Thiệp bỏ trong túi ra những củ
khoai lang, nắm lạc luộc mang đi từ nhà và nhâm nhi bên chén trà, vừa lơ đãng
ngắm đường phố bên ngoài, hình như phố xá ồn ào ngoài kia không chạm nổi đến
ông, hay những bầm dập cuộc đời đến giờ đã đủ bão hoà, ông không thấy vướng bận
nữa. Những ngày rét mướt, Nguyễn Huy Thiệp đội một chiếc mũ len xanh chụp gần
kín mắt, ở trong áo len, bên ngoài áo khoác chống gió, cổ quấn chặt khăn, chân
xỏ đôi giày thể thao tối màu ngồi trên một chiếc xe máy hiệu Honda màu vàng đã
cũ lướt chầm chậm trên đường. Vẻ bề ngoài của ông không có gì đặc biệt ngoại
trừ đôi mắt sáng và chòm râu lơ phơ tô vẽ trên khuôn mặt có phần khắc khổ, sạm
dấu thời gian.
Nguyễn Huy Thiệp nói chậm và lắp. Những từ
bắt đầu của ông lặp lại nhiều lần trước khi hoàn chỉnh, tôi nghĩ là do tuổi tác
và sức khoẻ của ông. Nhà văn từng có thời là giáo viên dạy môn lịch sử trên
vùng cao Sơn La và chuyên môn trước đây của ông ít nhiều ảnh hưởng khi truyện
ngắn lịch sử là mảng đề tài ưa thích của ông. Nguyễn Huy Thiệp nói chậm nhưng
câu chuyện của ông dường như được nghiền ngẫm khá lâu trước khi bật ra. Tôi
chưa bao giờ thấy ông kể một câu chuyện bâng quơ vô nghĩa. Mỗi chuyện ông kể
dường như đều để đúc kết một triết lí.
Một lần, tôi hỏi ông hai câu hỏi tôi nghĩ
là cần thiết với bạn đọc.
Câu thứ nhất, trong những truyện ngắn của
mình, ông thích truyện nào nhất? Nguyễn Huy Thiệp lắng nghe câu hỏi của tôi và
có vẻ suy nghĩ ít nhiều. Rồi ông trả lời đầy đủ và kĩ càng. Ông bảo, để tổng
hoà tất cả các yếu tố như thời điểm, đề tài, không khí… ông thích nhất truyện
“Tướng về hưu”. Xin lưu ý cụm từ “tổng hoà các yếu tố”. Đây là cụm từ tôi nghĩ
Nguyễn Huy Thiệp đã cân nhắc và tôi phát hiện ra nhà văn cũng rất thức thời và
có chủ ý hoà hợp chứ không chỉ kiêu bạc như tôi tưởng. Truyện ngắn “Tướng về
hưu” mang lại cho ông danh tiếng, sự tranh cãi không ít và đã từng được dựng
thành phim do chính ông viết kịch bản. Một bộ phim tôi nghĩ thành công nhưng
rất tiếc không được công chiếu rộng rãi ở thời điểm nó ra đời. Nguyễn Huy Thiệp
không hề bất cần hay tài tử như mẫu nhà văn tôi tưởng tượng. Đối với ông, cuộc
sống gia đình, con cái rất quan trọng, ông đã hi sinh nhiều thứ để bảo vệ gia
đình mình và những đứa con của ông. Ví dụ ông đã bỏ hút thuốc lá, uống rượu để
làm gương cho đứa con trai. Ông thường nói với tôi, trước hết cần phải sống ông
ạ, sống cho tử tế rồi hãy viết. Hãy trân trọng công việc, đời sống của mình,
vui vẻ tận dụng chúng để thực hiện mục đích của mình. Ông cũng đã vài lần kể
cho tôi câu chuyện liên quan tới một tích phật giáo mà ông rất tâm đắc. Đó là
một tảng đá lớn để xuống sông nó sẽ bị chìm ngay tức khắc nhưng nếu có một con
thuyền vững chãi và đặt tảng đá lên trên thì có thể chuyên chở sang bờ bên kia
dễ dàng. Ý ông là người viết luôn cần có những phương tiện để thực hiện mục
đích của mình, không được bỉ bôi, coi thường công việc và cuộc sống.
Câu hỏi thứ hai tôi hỏi ông, ngày xưa, ông
bị một số người “ném đá” rất dữ dội, thậm chí đến bây giờ vẫn có người vẫn kiên
trì chửi ông, cứ nhắc đến tên Nguyễn Huy Thiệp là không tiếc lời chê bai, sỉ
vả, ông có giận họ không? Với câu hỏi này Nguyễn Huy Thiệp trả lời tôi rất
nhanh. Ông bảo, mỗi một người cần làm một nghề để sống, ông ạ. Tôi có nghề của
tôi là viết, họ có nghề của họ, giận họ làm gì.
Nguyễn Huy Thiệp có kiêu ngạo không? Có.
Hồi trẻ ông từng rất kiêu ngạo, ông đã thú nhận điều này nhiều lần nhưng càng
ngày tôi càng thấy ông trầm hậu, thong thả. Một ông già hiền, thông thái và
biết điều. Đã có lần tôi thấy ông ngồi một mình trong một hội nghị của Hội nhà
văn Việt Nam, không có nhiều người xung quanh ông. Người ta ngại danh tiếng của
ông, thấy ông nổi tiếng sinh đố kị hay do ông từng “gây thù chuốc oán” với
nhiều người trong giới, ví dụ như bài viết “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” hoặc
kịch “Mổ nhà văn”? Nguyễn Huy Thiệp tư lự, bình lặng, dù ông trong một trạng
thái trầm tưởng giữa trống vắng tôi vẫn thấy ông như ngọn cô sơn bình thản
trước những huyên náo, ồn ào xung quanh.
Tôi từng đến nhà ông chơi nhưng không may
mắn hôm đó ông không có nhà. Con đường vào nhà ông ngoằn nghèo, quanh co, rẽ
trái, rẽ phải, quặt xuôi, quặt ngược liên tục, kiểu ngõ phố Hà Nội như một thứ
mê cung cổ lỗ sĩ đánh đố những người lần đầu khám phá nó. Ông nhắn cho tôi địa
chỉ rất rõ ràng: số nhà 71, ngõ 77 phố Bùi Xuân Trạch và từng kể cho tôi về
ngôi nhà nên không cần hỏi thăm tôi vẫn nhận ra. Giữa Hà Nội khan hiếm đất đai
và đắt đỏ như vàng, ông vẫn để dành một khoảng đất trống ở trước cửa với một
bức tường chắn phía ngoài xây bằng gạch pa banh thâm sạm. Tôi nhìn qua cánh
cổng gỗ mốc thếch và gọi ông. Sau ba lời gọi, có một người đàn bà bước ra và hé
đôi cánh cổng nhìn người lạ. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh ấy, một người
đàn bà trung niên nhỏ nhắn, khuôn mặt trắng xanh pha chút buồn bã, hai tay giữ
chặt cánh cổng. Giọng bà cũng buồn bã, mệt mỏi và dè chừng như cách mở cổng. Bà
bảo Nguyễn Huy Thiệp vừa đi vắng và đừng có gọi điện vì ông ấy có việc. Qua câu
nói ấy tôi đoán người đàn bà là vợ ông (vì tôi biết có cả em gái vợ ông cũng ở
cùng nhà) rất hiểu và chiều ông. Còn nét buồn phảng phất trên khuôn mặt trắng
xanh xinh đẹp ấy? Là sự chịu đựng cá tính khác thường của nhà văn hay bất cứ
cuộc đời nào cũng phải gánh gồng một sự buồn bã, thất vọng? Tôi quay trở ra từ
đoạn ngõ trúc trắc nhà ông, may mắn không lạc đường vì bản thân cũng có chút ít
hiểu biết về ngõ phố Hà Nội.
Bây giờ, tôi mang truyện ngắn của ông ra
đọc lại và khảo sát truyện ngắn nào hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp theo cảm quan
của tôi. “Những người thợ xẻ” mang cho tôi một khoái cảm lớn nhất. Vì tôi thích
cái phẩm chất vừa anh hùng, vừa giang hồ của nhân vật Bường, vừa khoái trá với
cái vẻ “bỗ bã, láo toét” của triết lí và ngôn ngữ trong truyện. Trong truyện,
tôi thích nhất đoạn nhân vật Ngọc xông ra đánh nhau với Bường để ngăn cản Bường
khỏi hãm hiếp một cô gái trẻ. Một đoạn văn rất hấp dẫn thể hiện cá tính của
nhân vật, triết lí của nhà văn, vừa bạo lực, tục tĩu, lại đẹp như một bài thơ trữ
tình…
Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp,
tôi rất ít thấy những lời đề tặng, nếu tôi không nhầm thì chỉ có một truyện ông
viết tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng và một truyện khác ông đề tặng Nguyễn Hồng Hưng.
Nguyễn Hồng Hưng là ai, đó là một người quen biết với Nguyễn Huy Thiệp, tôi gặp
kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hưng tại nhà ông Bảo Khánh, một nhân vật sưu tầm tranh
có tiếng ở Hà Nội. Hôm đó Nguyễn Huy Thiệp nói với tôi rằng, ông có hai “người
thầy” ở giai đoạn sau này, đó chính là Nguyễn Hồng Hưng và Nguyễn Bảo Sinh. Bức
tượng phật trong vườn nhà Nguyễn Huy Thiệp chính là do Nguyễn Hồng Hưng tạo
dựng.
Trong một bữa tiệc rất ấm cúng và chân
tình ở nhà ông Bảo Khánh, tôi đã được “lộc” khi cùng được Nguyễn Huy Thiệp và
Nguyễn Hồng Hưng vẽ tặng tranh chân dung. Nguyễn Huy Thiệp vẽ tranh rất khéo và
nhiều người thích sưu tập tranh vẽ trên gốm của ông. Nguyễn Huy Thiệp hỏi tôi
muốn vẽ trực diện hay nhìn nghiêng một rất thân tình. Tôi đề nghị ông vẽ trực
diện và tôi hài lòng với bức tranh đó. Nói chuyện với ông, tôi nhận ra rằng câu
“văn là người” không hề đúng với Nguyễn Huy Thiệp, ít nhất là giai đoạn sau này
của ông hoặc trên bề mặt phong cách của ông. Nhà văn viết những truyện ngắn bạo
liệt, sắc sảo và cá tính nhất bậc nhất văn học Việt rất trầm lặng và biết điều.
Nguyễn Huy Thiệp như ngọn núi lửa cô độc giữa làng văn Việt, giờ không còn phun
trào dữ dội nữa nhưng những dung nham nóng bỏng của nó vẫn còn âm ỉ toả một
nhiệt lượng làm ấm nóng bầu khí quyển văn chương một thời và có thể còn hơn thế
nữa…
Hoàng Minh Tường:
NGUYỄN HUY THIỆP LÀ MỘT NHÀ VĂN PHÙNG THỜI
Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn phùng
thời. Ông xuất hiện đúng lúc, với rất nhiều may mắn, cũng như nhà văn Nguyên
Ngọc trở thành Tổng biên tập báo Văn Nghệ đúng lúc với rất nhiều may mắn. Độc
giả tung hô và ngưỡng mộ ông vì ông nói được những ẩn ức của dân chúng bấy lâu
bị kìm nén, dồn ứ. Nhà cầm quyền không hoan hô ông nhưng cũng không cấm cản
ông, vì còn lâu ông mới tới ngưỡng nguy hiểm. Mười năm ông tung hoành ngang dọc
(do thời thế một phần cởi mở). Ông in bất cứ một dòng nào viết ra, ở nhiều nơi,
kể cả một cuốn tiểu thuyết chưa thành: "Tuổi 20 yêu dấu".
Nói ông là cây đại thụ truyện ngắn Việt
Nam đương đại, cũng không quá lời. Nhưng bảo rằng ông vượt qua Nam Cao, trở
thành số 1 thì là PR quá ngưỡng".
Tôi cũng là người thích văn Nguyễn Huy
Thiệp và đọc hầu như không sót truyện ngắn nào của ông. Chỉ không thích mấy
truyện ông viết lại theo ý tưởng của người khác (ví dụ "Huyền thoại phố
phường"...).
Xét đến cùng, thì văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn
thuộc chủng tính văn chương "thế tục ca ngâm" (chữ dùng trong kinh
Pháp Hoa), dẫu là đỉnh cao của chủng tính này.
Không thể so sánh với Nam Cao được. Nguyễn
Huy Thiệp để lại nhiều tác phẩm hay, song không để lại được nhân vật nào. Văn
của Nam Cao là văn "xuất thế". Chỉ riêng nhân vật Chí Phèo và chi
tiết cái lò gạch cũ, đã vẽ ra cả một cõi luân hồi, của cả một dân tộc... Chí
Phèo. Xuất thế ở chỗ đó, và đến "đạo" cũng ở chỗ đó.
Nếu có so sánh, thì hãy so sánh Nguyễn Huy
Thiệp với chính... Chí Phèo, ở cái khoản chửi cả làng Vũ Đại, mà cả làng (cầm
quyền), ai cũng nghĩ "chắc nó trừ mình ra", chính vì thế mới tồn tại
được... Chớ có so sánh Nguyễn Huy Thiệp với Nam Cao.
Có người còn so sánh Chí Phèo với nhân vật
AQ của Lỗ Tấn bên Tàu, rồi đưa ra nhận định rằng Nam Cao lấy AQ làm nguyên mẫu
để xây dựng nhân vật Chí Phèo. Tôi không cho là như thế. Nam Cao lấy chính Lỗ
Tấn làm nguyên mẫu để sáng tạo nên Chí Phèo rạch mặt, chứ không phải AQ.
Cho nên có thể so sánh Nguyễn Huy Thiệp
với Lỗ Tấn, không thua gì Lỗ Tấn vậy.
Nguyễn Hưng Quốc:
NGUYỄN HUY THIỆP, BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ VĂN
NHƯỢC TIỂU
Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008, Nguyễn Huy
Thiệp gửi tôi email như sau:
“Anh Tuấn quý mến,
“Tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Vẫn còn nhớ lần
nào anh về, ta cùng đi chơi chùa Bút Tháp, đi Bát Tràng, thế mà thoắt đã gần
chục năm trời. Tôi ở Hà Nội, thỉnh thoảng có đọc anh vì Nguyên Hưng đôi khi ghé
qua chơi cho sách, thâm tâm cũng có nhiều điều tâm đắc quý trọng. Tết năm nay
tôi đi châu Âu, qua Ý để nhận giải thưởng văn học Nonino, gặp gỡ được nhiều
người trong giới xuất bản và viết lách mới mở mắt học được nhiều điều. Hoá ra
trong 20 năm cầm bút viết văn, mình như gà mù chẳng biết gì đường đi lối lại,
một phần vì dốt, vì nghèo, vì nhiều thứ nữa…. Tôi mất liên lạc với Greg
Lockhart ở Đại học Canberra, 20 năm trời nay không biết gì về ông ấy, anh Tuấn
có thể giúp tôi liên lạc lại với Greg Lockhart được không. Được như thế tôi cám
ơn nhiều, tôi cần địa chỉ email và muốn trao đổi với ông ấy về việc dịch và
xuất bản sách của tôi ở châu Âu và Hoa Kỳ, điều mà chẳng ai có thể làm được có
lẽ chỉ ngoài ông ấy. Năm mới xin chúc anh mạnh khoẻ và mong có ngày gặp gỡ.”
“Thân mến”
Nhận được email của Thiệp, tôi liên lạc
ngay với Greg Lockhart, người đã dịch tuyển tập truyện ngắn của Thiệp, dưới
nhan đề “The General Retires and Other Stories” xuất bản năm 1992. Greg có vẻ
lạnh nhạt khi biết Thiệp muốn anh tiếp tục dịch các truyện khác. Anh kể tôi
nghe, tuyển tập truyện ngắn anh dịch, tuy được Oxford University Press, một tên
tuổi lớn, xuất bản, số sách bán được cũng rất ít. Hậu quả là tiền nhuận bút
dành cho cả tác giả lẫn dịch giả đều rất thấp. Tôi không hỏi chi tiết là thấp
bao nhiêu. Chỉ nghe Greg nhấn mạnh là “thấp”. Thấp đến độ, sau đó, đi Hà Nội,
gặp Thiệp, anh cho Thiệp luôn cả số tiền trả cho dịch giả. Có vẻ như Thiệp
không biết điều đó. Thời ấy, người Việt còn biết rất ít thế giới bên ngoài. Nhà
văn nào cũng tưởng sách dịch của mình sẽ bán được cả triệu bản và số tiền nhuận
bút sẽ lên đến hàng triệu đô. Thiệp cũng thế. Khi nhận số tiền ít ỏi, anh ngỡ
ngàng. Tệ hơn, theo Greg, dường như anh có ý nghĩ là bị Greg ăn chận. Quan hệ
giữa hai người xấu hẳn. Lần sau, Greg đi Việt Nam, Thiệp không muốn gặp. Điều
đó để lại trong Greg một nỗi cay đắng khó phai nhạt. Nói chuyện với tôi, Greg
không nén được chua chát.
Nghe Greg kể, tôi biết không hy vọng gì là
anh sẽ tiếp tục dịch Thiệp. Tôi bèn đề nghị với Thiệp liên lạc với Tôn-Thất
Quỳnh Du, người dịch hai cuốn sách của Phạm Thị Hoài (Thiên sứ và Thục đơn chủ
nhật), cả hai đều đoạt giải về dịch thuật tại Úc. Mấy ngày sau, tôi nhận được email
trả lời của Thiệp:
“Anh Tuấn thân mến,
“Cám ơn anh về việc Quỳnh Du. Tôi đã gặp
Quỳnh Du, tôi rất quý mến Du và cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau. Tuy nhiên,
giống như đối với anh, đã rất lâu tôi không có liên lạc gì bởi những điều rất
lẩm cẩm và… khốn nạn nữa của… “lịch sử”! Tình hình dịch tôi ra tiếng Anh hiện
nay quả là bi đát. Người Việt chúng ta luôn luôn bị đau khổ bởi rất nhiều điều
tệ hại, bởi sự ngu dốt và những kỳ thị chính trị. Ngay đến cả những người giỏi
nhất cũng luôn luôn sai lầm, ngộ nhận lung tung và thiếu một tinh thần bác ái
thực sự với nhau. Ai ai cũng là người khác! Điều ấy làm phân liệt, làm mất đi
sự cộng hưởng trong nhiều công việc của từng cá nhân chứ chưa nói gì đến công
việc của cả cộng đồng (tôi thì tôi chả tin vào công việc của bất cứ sự nhân
danh cộng đồng nào). Tôi luôn luôn vấp phải sự đố kỵ đê hèn của nhiều đồng
nghiệp trong và ngoài nước. Điều này ngay bản thân anh, tôi chắc anh cũng đã
nhiều lần gặp phải và chẳng còn lạ gì. Tôi mới có thư cho Greg Lockhart nói về
tình hình dịch sách của tôi. Thực ra trong thư tôi chỉ đề cập đến một vài khía
cạnh nhỏ của việc dịch tôi. Tôi cần một người dịch giỏi. Tôi cần một người đại
diện xuất bản. Nếu hai người đó là một thì hay. Đấy cũng là một người da trắng
nữa (tôi đi ra ngoài và hiểu rằng vẫn có những luật bất thành văn trong nhiều
trò chơi công việc). Tôi cần có những trợ lý trong việc xuất bản, quảng bá tác
phẩm và chinh phục các danh hiệu giải thưởng. Ở Ý, tôi gặp V.S. Naipaul, ông ấy
bảo tôi rằng: “Thế giới đã an bài, sẽ không có chỗ cho những người không tham
dự hoặc tự cho phép mình không muốn tham dự vào cái thế giới ấy…” Trên thực tế,
ở tuổi tôi (giống như nhiều người Việt Nam khác) thường cũng chẳng thiết làm
việc gì nữa. Chắc tôi cũng sẽ liên lạc với Du. Tôi đang có đề nghị Greg
Lockhart cộng tác với tôi và tôi cũng đang chờ sự trả lời của ông ấy. Rất cám
ơn anh Tuấn đã cho những gợi ý tốt với tôi.”
“Thân mến”
Về chính trị, Việt Nam không còn là một
quốc gia nhược tiểu. Tuy nhiên, về văn hoá, trong đó, có văn học, Việt Nam vẫn
thuộc loại nhỏ và yếu; trên thế giới, ít ai biết và càng ít người quan tâm. Con
đường đi ra với thế giới của những người cầm bút Việt Nam vẫn rất lận đận. Cho
đến nay, hầu như chỉ có Bảo Ninh, với cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”,
chinh phục được nhiều độc giả. Còn lại, tất cả đều đứng bên lề của cuộc chơi
quốc tế.
Tái
bút: Cả hai email trên, Nguyễn Huy Thiệp đều viết
không có dấu. Tôi phải đánh máy lại.
*.
Ngày 22 tháng 3-2021
Phan Nhiên Hạo:
VỀ VIỆC NGUYỄN HƯNG QUỐC ĐĂNG HAI BỨC THƯ
CỦA NGUYỄN HUY THIỆP
Vài ngày trước đây Nguyễn Hưng Quốc có
đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp trên facebook. Thư thời điện tử nên gởi
qua email, năm 2008. Hai bức thư rất thú vị và có giá trị trong việc tìm hiểu
Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn. Tuy vậy, lúc đọc hai bức thư, tôi tự hỏi việc
đăng chúng lên như vậy có hợp lý không. Hôm nay thấy Nguyễn Hưng Quốc trả lời
những người chỉ trích ông việc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp, tôi tìm
hiểu một chút về vấn đề bản quyền liên quan đến thư tín. Tôi không phải
luật sư, nên những ý kiến tôi đưa ra sau đây chỉ để tham khảo.
Theo Nguyễn Hưng Quốc, việc đăng công khai
thư tín của các tác giả văn học gởi cho mình là điều bình thường. Ông nêu ví dụ
các cuốn sách tập hợp thư tín như The Letters of T.S. Eliot và Thư Võ Phiến.
Cuốn sau do chính Nguyễn Hưng Quốc làm. Theo tìm hiểu của tôi, vấn đề không đơn
giản như vậy.
Theo luật bản quyền của Mỹ và có lẽ của Úc
nữa, bản quyền trên “nội dung” của các bức thư thuộc về người gởi chứ không
phải người nhận. Người nhận chỉ sở hữu cái hình thể “vật chất” của bức thư, tức
là tờ giấy mà bức thư được viết lên hoặc email mà qua đó bức thư được gởi.
Người nhận thư có quyền bán, trao tặng, hoặc hủy bỏ thư hay email, nhưng không
có quyền xuất bản hoặc đăng công khai nội dung bức thư. Việc xuất bản hoặc đăng
công khai toàn văn bức thư cần được sự cho phép của người giữ bản quyền nội
dung bức thư, người đó có thể là chính tác giả bức thư, những người được tác
giả ủy thác bản quyền, hoặc những người thừa kế di sản của tác giả. Để cho dễ
hình dung, có thể xem hai bức thư Nguyễn Huy Thiệp gởi Nguyễn Hưng Quốc như hai
sáng tác mà Nguyễn Huy Thiệp chép tặng Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc sở
hữu tờ giấy với thủ bút của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng không sở hữu bản quyền hai
sáng tác đó. Ở Mỹ, bản quyền này được công nhận suốt đời tác giả cộng với 70
năm sau ngày tác giả mất. Ở những quốc gia khác, số năm có thể thay đổi chút
ít. Cuốn The Letters of T.S. Eliot đã được xuất bản với sự cho phép và biên tập
chặt chẽ của người vợ thứ hai của T.S Eliot là bà Esmé Valerie Eliot. Cuốn Thư
Võ Phiến thì Nguyễn Hưng Quốc đã làm với sự đồng ý của chính nhà văn Võ Phiến
khi Võ Phiến còn sống.
Tóm lại, trong trường hợp hai bức thư của
Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ Nguyễn Hưng Quốc không nên đăng toàn văn nếu không
có sự đồng ý của Nguyễn Huy Thiệp trước đây hoặc những người đang giữ bản quyền
tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp hiện nay. Nguyễn Hưng Quốc tuy vậy vẫn có thể tóm
tắt nội dung và trích dẫn vài đoạn từ hai bức thư này trong bài viết của ông,
như cách trích dẫn trong nghiên cứu, phê bình. Điều này có thể được chấp nhận
theo các quy ước của luật “Sử Dụng Hợp Lý” (“Fair Use”).
Tôi hy vọng những điều tôi nêu trên về căn
bản là đúng, và chúng sẽ hữu ích cho các vấn đề liên quan đến thư tín trong văn
giới.
Sau cùng tôi muốn đặt câu hỏi với những
người đã phản đối việc Nguyễn Hưng Quốc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp.
Nếu hai bức thư đó có nội dung khác một chút so với hai bức thư đã đăng, theo
hướng mà quý vị nghĩ là có lợi cho hình ảnh của Nguyễn Huy Thiệp, quý vị có
phản đối không? Hay quý vị sẽ cảm ơn Nguyễn Hưng Quốc đã giữ gìn và chia sẻ “di
sản tinh thần” của Nguyễn Huy Thiệp? Với cá nhân tôi, hai bức thư đó giúp tôi
hiểu nhiều hơn về Nguyễn Huy Thiệp như một tác giả, và cảm thông với ông hơn
như một con người. Có điều, cách mà chúng xuất hiện thì không ổn thỏa về mặt
bản quyền.
*.
Ngày 24 tháng 03-2021
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
.
0 comments:
Đăng nhận xét