CHÂN DUNG
HAY CHÂN TƯỚNG
NHÀ VĂN
NGUYỄN HUY THIỆP
Một thời trong giới nghệ sĩ, người ta coi Văn Cao là
cụ tiên chỉ trong làng nhạc. Vậy trong làng văn, cụ tiên chỉ ấy là ai vậy? Tất
nhiên không phải ông Hữu Thỉnh tuy đã được Đảng chọn làm Chủ tịch Hội nhà văn
suốt đời và thực ra cái ghế đó so với phẩm trật triều đình thì cũng chỉ ngang
chức Bật Mã Ôn mà Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho Tôn Ngộ Không?
Vậy thì cụ tiên chỉ trong làng văn một thời là ai?
Là ai thì chắc mọi người đều biết - đó là nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp, người gây “động đất” làng văn vào thời Đảng tuyên bố cởi trói
cho nhà văn.
Thời đó, Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng đặc biệt”.
Trước hết, xưa nay, một nhà văn trở thành nổi tiếng
thường do giới phê bình “cung đình” tôn vinh theo gợi ý của Ban tuyên huấn vì
nó đáp ứng một nhu cầu chính trị nào đó đang diễn ra kiểu như “Sống như anh”
của Trần Đình Vân, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi,”Hòn đất” của Anh Đức…
Những nhà văn “trật khỏi đường rầy” khỏi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa,
không những khó được nêu danh trên báo, mà còn bị đập tơi bời, bị “cấm bút”.
Nguyễn Huy Thiệp chẳng những được các nhà phê bình
“quốc doanh” tung hô hết lời, gọi ông là “cây bút vàng” (Vương Trí Nhàn) mà
ngay cả các nhà nghiên cứu văn học hải ngoại cũng đưa ông lên cao chót vót, gọi
ông là “nhà thạch học” (Thụy Khuê).
Hầu hết các nhà phê bình ”có số má” đều góp phần vào
cơn bão ngôn từ ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp: Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Phạm
Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu… các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyên
Ngọc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… và cả bạn đọc cũng
hân hoan chào đón những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Danh tiếng của ông lan
ra cả nước ngoài khiến ông được nhận giải thưởng văn chương Nonino tại Ý và huy
chương Chevalier des arts et des lettres của Pháp .
Tuy nhiên, “lộc” văn chương Nguyễn Huy Thiệp được
hưởng dường như đã vượt quá cái phần giá trị thực của ông.
Vì sao vậy?
Trước hết ông không thuộc các nhà văn Việt Nam lớn lên
từ nền văn hóa Pháp, ông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc thì đúng hơn.
Trong truyện “Giọt máu”, đoạn tên Phạm Ngọc Chiểu muốn
chiếm đoạt ni cô Huệ Liên chùa Thiên Trù bèn nhờ tên “ma cô” Hàn Soạn, bày mưu:
"Việc này có năm bước. Em quen hòa thượng trụ trì
ở chùa Thiên Trù là nơi ni cô Huệ Liên ở đó. Ðến đấy, quan bác giả đò đau bụng
rồi bảo bà chị cứ đi vào chùa Trong trước, quan bác đưa biếu hòa thượng một
lạng vàng, nếu hòa thượng không nhận thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu hòa thượng
nhận, thế là được một bước. Ðêm đó hòa thượng cho quan bác nghỉ ngơi trong trai
phòng, quan bác đưa cho em một lạng vàng để em lo gác bên ngoài, hòa thượng mời
cơm chay, có ni cô hầu rượu. Quan bác ép ni cô uống một cốc rượu có pha thuốc
mê, nếu ni cô không uống thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu ni cô uống, thế là
được hai bước. Dọn mâm xong, ni cô say thuốc, hòa thượng quay đi, quan bác bế
ni cô lên giường, thế là được ba bước. Quan bác cởi y phục nhà chùa của ni cô
ra, muốn làm gì thì làm, thế là bốn bước. Sáng hôm sau, ni cô tỉnh lại, hòa
thượng với em vào, chửi mắng quan bác với ni cô làm nhục cửa thiền, bắt quan
bác phải ký văn tự nhận ni cô về, quan bác nộp vào hòm công đức một lạng vàng
xá tội, thế là năm bước"
Thử so đoạn văn của Nguyễn Huy Thiệp với đoạn văn của
Thi Nại Am trong Thủy Hử chương Tây Môn Khánh nhờ Vương bà dụ dỗ Kim Liên, vợ
Võ Đại Lang:
“Đến lúc mua được thức nhắm về, tôi lại nhờ nàng xếp
đồ khâu lại, để cùng ngồi uống rượu cho vui, thế mà nàng không chịu ngồi là
việc hư hỏng. Nếu nàng bằng lòng ngồi cho, thì việc ấy có tới tám phần bợm rồi
đó. Uống dăm ba chén rượu, tôi giả vờ là hết rượu,bảo cậu phải mua thêm. Bấy
giờ cậu sẽ nhờ tôi đi mua hộ, đoạn rồi tôi đi khép cửa, để mặc hai người ở đó,
thế mà nàng hoảng hốt đòi về là hỏng việc. Bằng nàng cứ ngồi yên không nói chi,
là việc có chín phần bợm rồi đó. Đến đó chỉ còn thiếu có một phần nữa là
xong…trước hết phải giơ tay áo lên bàn, giả cách đánh rơi chiếc đũa, rồi lại
vội vàng cúi xuống nhặt, và rờ tay vào chân nàng mà nắm một cái, nếu nàng gắt
giận cự mắng, thì tôi sẽ chạy vào cứu, song như thế cũng là hỏng việc, không
còn làm thế nào được nữa! Nhược bằng nàng lẳng lặng không nói gì, thì bấy giờ
có đủ mười phần bợm rồi đó.”
Tất nhiên, không ai kết luận Nguyễn Huy Thiệp “cóp văn”
của Thi Nại Am, nhưng “mượn thủ pháp diễn nghĩa ” trong văn chương Tàu là khá
rõ. Mà văn chương Trung Quốc phần lớn xoay quanh “thủ đoạn sống”, “mẹo làm
người”, “người ăn thịt người”… đó cũng là những đề tài và những câu triết lý
sặc mùi “tàu” thường thấy trong văn chương Thiệp.
Trở lại câu hỏi vì sao văn chương Thiệp lại “semer à
tout vent” , gieo được vào các ngọn gió – nôm na là “Đảng khen, dân thích và cả
hải ngoại cũng… OK” ?
Trước hết Nguyễn Huy Thiệp không đi vào vết xe của các
nhà văn bị “cấm bút”, bị “thu hồi sách”, bị đập tơi bời trên báo chí. Tác phẩm Nguyễn
Huy Thiệp dẫu có mổ xẻ cái xấu của con người thì cũng không phải là con người
xã hội chủ nghĩa, mà con người chung chung, có chửi xéo ai đó thì cũng không
dính dáng gì tới quan chức Đảng, không đòi hỏi dân chủ, không tố cáo chế độ,
không “phản biện” trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa… Tóm lại văn chương Thiệp
không phạm những chuyện “nhạy cảm”. Vậy yên tâm nhé, các nhà phê bình “quốc
doanh” cứ thả sức ca ngợi mà không bị tuyên huấn thổi còi. Tất nhiên ở đâu đó, Nguyễn
Huy Thiệp cũng có đôi lời “phàn nàn”, “động chạm”. Trong bài “viết cho Hội nghị
lý luận phê bình văn học tháng 11/1989, ông nói trắng phớ:
“Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng
hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến tình trạng thiếu thốn
vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần của họ. Những ràng buộc nặng nề của
các tư tưởng lạc hậu cũ kỹ khiến cho hàng triệu số phận con người đau khổ. Họ
mê man trong các công sở và trong các tổ quỷ gia đình, trong các luỹ tre xanh
và các khu tập thể đông hộ.”
‘Trên văn đàn, số nghiệp dư và tỉnh lẻ thời nào cũng
có và đông như kiến (!). Thói to mồm, tính chất bảo hoàng hơn cả nhà vua và đủ
kiểu văn hay khác có thể giết phăng, giết tươi những người có ý định tử tế muốn
làm việc này. Việc tranh đấu với những con ngợm văn chương (chữ của người Pháp
dùng để chỉ đám quần cộc trong văn học) là bất khả.“
Trong “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn
của nhà văn”, Nguyễn Huy Thiệp gọi Hội nhà văn là “đám giặc già” và gây nên một
làn sóng la ó và phản đối. Tuy nhiên tất cả những ý kiến kiểu đó chỉ là trên
bài phát biểu, chứ không bộc lộ thành cảm hứng, thành chủ đề trong sáng tác. Và
cũng chỉ ít lâu sau, Nguyễn Huy Thiếp lại viết theo kiểu “bé ngoan” để chuộc
lỗi:
“Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của
dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh
tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “
Dẫu sao, Nguyễn Huy Thiệp vẫn xuất sắc trong một số
truyện ngắn khiến một thời ông đáng mặt là “tiên chỉ trong làng văn”. Nhưng lộc
trời chỉ có vậy, sang lĩnh vực tiểu thuyết, cái phần chính yếu làm nên cốt cách
một nhà văn lớn thì ông lại… không có. Tuổi hai mươi yêu dấu, Tiểu long nữ, Gạ
tình lấy điểm… tiếc thay lại là những truyện dài tồi, bộc lộ một lỗ hổng chết
người trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp: câu chữ dễ dãi, sơ sài và nhất là…
không có tư tưởng. Và như lời kịch tác gia Shakekspeares: ”lời mà không có tư
tưởng sao bay được lên thiên đàng?”. Mai sau, trải qua sàng lọc sinh tử của
thời gian, văn chương Nguyễn Huy Thiệp liệu bay cao tới đâu?
Khi được nhà báo hỏi nhắn nhủ gì cho lớp trẻ, Nguyễn
Huy Thiệp trả lời:
”Trước hết các bạn phải nổi tiếng”
Đó là khác biệt rất lớn của Nguyễn Huy Thiệp với những
nhà văn lớp trước, khác nào Thiệp xúi các nhà văn trẻ chăm chăm vào PR hơn là
khổ luyện văn chương chữ nghĩa. Thế còn “trách nhiệm thời đại”, “lương tâm thời
đại”, “lương tri dân tộc”… xưa nay xã hội thường trông cậy các nhà văn? Không
dám động chạm tới “cường quyền”, Nguyễn Huy Thiệp khôn ngoan né xa những “nhạy
cảm” chết người đó.
Xuân Sách hiểu khá rõ Nguyễn HuyThiệp, bởi vậy đã hạ
bút:
“Không có vua thì
làm sao có tướng
Nên về hưu vẫn
phải chết tại chiến trường
Kiếm sắc chém bao
nhiêu đầu giặc
Để vàng tôi trong
lửa chịu đau thương.”
*.
NHẬT TUẤN
(tên thật: Bùi Nhật Tuấn)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- Nhà thơ NGUYỄN KHÔI giới
thiệu -
- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com
ngày 16.04.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
0 comments:
Đăng nhận xét