KHI KẼ TAY NGƯỜI NỞ HOA - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

KHI KẼ TAY NGƯỜI NỞ HOA

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Tôi xin mượn ý câu thơ của Lò Ngân Sủn: "Ơ, kẽ tay người Tà Lọng nở hoa" làm đầu đề cho bài viết nhỏ này về thơ của nhà thơ dân tộc Dáy. Tôi được làm quen với Lò Ngân Sủn qua nhà thơ Trúc Cương tại Hà Nội cách nay có lẽ cũng gần mười lăm năm. Hồi ấy, nhà thơ của núi này dáng thanh mảnh, đẹp trai, da trắng như da con gái, im lặng và nói ít như một cây mận hậu. Sau này, nghe ông có bài thơ "Chiều biên giới" được nhạc sỹ Trần Chung phổ nhạc thành bài hát rất hay và Lò Ngân Sủn nổi tiếng lên cũng nhờ đó.

Bẵng đi một thời gian khá dài, đầu năm 1994 nhân v́ì tò mò đọc tập thơ "Một trăm bài thơ hay" tổng kết cuộc thi thơ của báo văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tôi vui mừng gặp lại nhà thơ Lò Ngân Sủn với bài thơ "Người đẹp".Tôi đã viết bài phê b́ình tập "Một trăm bài thơ hay" in trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 6 năm 1994. Trong bài viết đó, tôi cho rằng "Một trăm bài thơ hay" kia chỉ đúng một phần trăm, vì chỉ có bài thơ "Người đẹp" của Lò Ngân Sủn là hay thật sự, rất tiếc con mắt xanh của ban chấm giải thưởng cuộc thi thơ không để mắt tới:

Người đẹp trông như tuyết

Chạm vào lại thấy nóng

Người đẹp trông như lửa

Sờ vào lại thấy mát

Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát

Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói

Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa...

Ơ

Người đẹp là ước mơ

Treo trước mắt mọi người ...

Đối với tôi, bài thơ này của Lò Ngân Sủn vừa lạ, lại vừa rất hay, chỉ cần đọc một lần đã có thể thuộc. Bài thơ có mười câu, chỉ có âm điệu mà không có vần, đặc biệt bảy câu đầu ở các âm tiết cuối đều là thanh trắc. Tác giả phá bỏ mọi lề thói của thơ truyền thống đã đành mà còn vượt qua cả giới hạn của ngay thơ tự do, thứ thơ mà có một số vị hiện nay đang lạm dụng để tung hỏa mù vô thức với vô chiêu, hòng hũ nút hóa những con chữ vô hồn, vô nghĩa và vô tội.

Lò Ngân Sủn nhìn "Người Đẹp" bằng cái nhìn khởi thủy như khi lần đầu tiên Adam nhìn thấy nàng Eva. Rằng đôi mắt thi sỹ vừa xuất hiện trên thế gian này đang còn ngơ ngác, hoang sơ, thậm chí trống vắng trong một thế giới đi từ tuyết đến lửa, thấy xuất hiện một sinh vật pha trộn cả ba yếu tố: Người-Ma qủy - Thần linh là đàn bà. Và ông, người thi sỹ của dân tộc Dáy vừa choáng ngợp vừa bình tĩnh, vừa ngây dại lại khôn ngoan, vừa bung phá lại vừa phải thu vén để cảm nhận hình ảnh tuyệt mỹ của tạo hóa là người đàn bà đẹp.

Ông phải hết sức kiệm lời, mà kiệm lời là phó bản của im lặng, để vẽ bằng được chân dung nàng Eva giữa tuyết nóng bỏng và lửa mát lành kia. Đứng trước sự tuyệt mỹ của người đàn bà đẹp, một nhà thơ có bản lĩnh là một nhà thơ không bị cái đẹp đẩy xuống vực thẳm hư vô, để rồi lải nhải tán hưu tán vượn, mà ngược lại nhà thơ phải hiện thực ngay trong cùng tận giấc mơ ,để chỉ cần bằng vài ba hình ảnh, anh có thể đóng đinh được hồn vía cái đẹp, người đẹp lên cây thánh giá của thi ca.

Lò Ngân Sủn dắt nàng Eva vào thi ca qua ba cực đoan của cõi sống, qua ba đại nạn đe dọa loài người là đói, khát và chết. Ở đó, nhà thơ phát hiện ra tính triết học của cái đẹp, hơn nữa ông còn đẩy người đẹp lên thành niềm cứu rỗi, giải thoát mọi tai ương và vấn nạn tột cùng của nhân loại: "Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa ...".

Đối với Lò Ngân Sủn, cái đẹp đã phục sinh cái chết, người đàn bà đã, đang và sẽ phục sinh lại thế giới đầy chết chóc của chiến tranh và phái mạnh. Đấy là tính tư tưởng mà thi ca của nhà thơ miền núi này thông điệp tới chúng ta thông qua giọng nói chất phác và giản ḍị của quê hương ông.

Cám ơn nhà thơ, bằng những câu thơ mộc mạc và tự nhiên, chân thành mà kỳ lạ, sâu sắc hiện đại trong màu mắt quê kiểng núi non, ông đã giúp chúng ta phát hiện ra cái đói, cái khát vĩnh hằng của loài người trong hình ảnh cứu chuộc lại thế giới là người đàn bà đẹp. Trong lá thư viết gởi Lò Ngân Sủn sau khi đọc xong bài thơ "Người Đẹp" này hồi đầu năm 1994, tôi đã mạo muội viết rằng bài thơ của ông có thể đứng vào hàng những bài thơ tình hay của thi ca Việt Nam và thế giới.

Đối với thi ca, phẩm chất trí tuệ thông thường lại được biểu đạt qua cái ngu ngơ con trẻ, cái thực biết cách hiện hình trong chóp cùng của cái ảo, cái huyên náo diễn đạt mình qua cái im lặng. Trước khi có thể đạt được cái đích đó của thi ca, Lò Ngân Sủn đã biết tìm ra nét trí tuệ ngay trong chất liệu bình thường của đời sống. Ấy là bài thơ "Nàng":

Cha mẹ sinh ra Nàng

Gọi nàng là người con gái

Nghệ thuật sinh ra Nàng

Gọi nàng là thần Vệ Nữ

Nàng sinh ra lần thứ nhất - để chết

Nàng sinh ra lần thứ hai - để sống mãi.

Vâng, bài thơ này có vẻ là một bài thơ duy lý, cái tứ của nó là sự lập luận thông minh. Sự thông minh ai bảo chỉ là phẩm chất của khoa học mà không phải là phẩm chất của thi ca? Đèn điện kia, máy hát, tivi, ô tô, máy bay... kia đều là sản phẩm của trí thông minh con người cả, sao bật lên, ấn nút, khởi động, cất cánh... nó lại mang đến cảm xúc cho con người nhiều thế? Đừng sợ những câu thơ thông minh, những bài thơ thông minh, nếu cái thông minh của anh không phải là thứ thông minh hàng xén vụn vặt.

Thơ hay vốn dĩ có nhiều cách. Những bài thơ đầy thông minh, thông tuệ của Chế Lan Viên đã làm ngạc nhiên người đọc và mang lại xúc cảm đầy ắp thi ca. Bài thơ "Nàng" trên của Lò Ngân Sủn làm người đọc ngạc nhiên đến thú vị về lối lập luận sắc sảo của ông. Mượn người đàn bà thực để nói về cái bất tử của người đàn bà không thực là nghệ thuật, tựu trung cũng để tôn vinh hình ảnh vĩnh hằng của cái đẹp.

Một số bài thơ ngắn muốn vươn lên tầm khái quát của Lò Ngân Sủn có nét gì đó gần như mô phỏng lối viết những bài thơ ngắn của nhà thơ dân tộc Raxun Gamzatốp của Liên bang Nga. Chừng như có nét tương đồng giữa quê hương Bát Xát Lào Cai của nhà thơ dân tộc Dáy và núi đồi miền Cô-ca-dơ của nhà thơ xứ Đaghettan?

Có lẽ, trong thi ca, sở trường của Lò Ngân Sủn là thơ tình, thường là những bài thơ ngắn và có tứ, lại khá hiện đại trong lối viết không câu nệ vào vần vèo bằng trắc. Ông còn là nhà thơ của thiên nhiên, của núi đồi, của tiếng kèn pí lè dân tộc Dáy, của những cuộc vui bất tận quanh chảo thắng cố phiên chợ người Mông với xòe ô và bát rượu ngô say khướt ... Hãy xem ông nhìn ngọn gió đêm đang rải lụa trong rừng, y hệt như xiêm y của tiên nữ: "Gió đêm thổi mềm như nõn chuối ...". Hay nghe ông mô tả tiếng ễnh ương như mô tả cái đẹp của màu sắc,cái mùi gợi cảm của hương vị: "Ễnh ương giaơ cốm ngoài đường ..."

Đôi khi, trước tạo vật, Lò Ngân Sủn biết phổ hồn vía mình vào vũ trụ như con chồn hương biết phổ mùi thơm kỳ lạ của mình vào đêm rừng, để mời gọi bạn tình phương xa tới. Bài thơ "Dạo cảnh" của ông là một bức tranh tĩnh vật, biết phép tràn cái TĨNH ra khỏi khung tranh, thoát khỏi VẬT để tạo ra cái ĐỘNG trong mắt và trong tâm người thưởng ngoạn:

Đường lượn một khúc ve ngân

Chầm chậm bước, chầm chậm nghĩ

Núi núi, cây cây, cỏ cỏ

Trời trời, mây mây, gió gió

Thoang thoảng bờ suối mùa nếp tan

Bất ngờ trăng khuya nở đầy tràn.

Bài thơ này phảng phất hơi thơ nôm, thậm chí hồn thơ nôm của Nguyễn Trãi,tuy nhiên ngôn ngữ vẫn là của ngày hôm nay. Cái thủ pháp của tranh Tống trong bài thơ chỉ gợi mà không mở, chỉ khai mà không phá, chỉ cảm mà không động, chỉ âm mà không vang tạo ra sự dồn nén tối đa của thơ, khiến người đọc phải lặng lẽ đọc đi đọc lại và ngẫm nghĩ. Cái thế tự tại, tự nhiên, tự giác của bài thơ chứng tỏ sự từng trải của người viết, biết chắt lọc cảm xúc và hồn vía mình hòa vào trời đất ,như vẫn hằng hòa hơi thở mình vào vũ trụ vô biên. Bài thơ có sáu câu, đủ vần điệu, tả toàn trăng nhưng chỉ có câu cuối nói về trăng. Ấy là ánh trăng hóa giải,như rượu đã rót đầy chén, nước đã đổ đầy bình, phim đã thoát khỏi cuộc đời âm bản. Lò Ngân Sủn đã mượn ánh trăng mà nghĩ ngợi việc đời, thậm chí còn nghĩ ngợi cả công việc của cõi "mờ mờ nhân ảnh" của trời đất nữa. Bài thơ tuy cái hơi cổ song le cái tâm,cái tình,cái cảnh thì vẫn mới.

Ngoài những bài thơ khá hay trên, Lò Ngân Sủn còn có một số bài thơ khá như: "Mù Kang Chải", "Sa Pa", "Chiều biên giới", "Cái đầu lưỡi", "Đổi thay", "Bất chấp", "Yêu"... Người Kinh có câu: nghĩ bụng, chắc người Dáy của Lò Ngân đã tìm ra phép nhìn bằng bụng nên những qủa đồi trong thơ ông đều nằm trong tư thế thóc giống: "Đồi chất như thóc đống ...". Ông nhìn ra nét ngḥịch lý của Sa Pa: "Ngỡ gần mặt trời, trời lại rét.../ Rõ ở trên cao mà lại thấp...".

Lò Ngân Sủn là một con người lặng lẽ, ưa giam mình trong suy tư, xúc cảm thi ca của ông thường đến sau do năng lượng của xung động tỏa ra, nhưng lại biết đường đến thẳng trái tim người đọc. Ấy là khi ông viết được những câu thơ khá hay có tính khái quát cao: "Trời trên đầu đất dưới chân / Cái cột chống đỡ là thân con người...".

Kinh Cựu Ước ghi: thuở bình minh nhân loại, loài người nói chung một ngôn ngữ. Họ rủ nhau xây một cái tháp rất cao có tên là Babel, vừa để đỡ trời, vừa để giải tỏa tính tò mò của mình với quyết tâm leo lên trời coi trên ấy có món gì mà bí mật vậy? Nhưng Thượng Đế, người độc quyền trời xanh, đã làm cho loài người không xây được tháp Babel, bằng cách bắt mỗi người nói một thứ tiếng. Do ngôn ngữ bất đồng,công việc đỡ trời và lên trời của con người bị bỏ giở. Nhưng nhà thơ đã tìm thấy tháp Babel kia trong mỗi dáng người đi trên mặt đất bằng hình tượng ngạo nghễ và hùng vĩ :mỗi thân người là cái cột chống trời. Trong cảm thức vũ trụ hoành tráng và mênh mông ấy, Lò Ngân Sủn đã viết được những câu thơ hay, khi ông phát hiện ra dung chứa của ngôi nhà mình có thể vẫn thừa chỗ cho cả trái đất đến cư trú: "Ước gì trái đất tý ty / Để ta đi lại như đi trong nhà ...". Và qủa thật, với nhà thơ, biết đâu trái đất rộng thật nhưng chưa chắc đã rộng bằng tâm hồn người vợ mình, ngôi nhà của mình, bản mường của mình ... Lò Ngân Sủn đã viết được những câu thơ hay đến ngạc nhiên, thí dụ như câu tả nghịch cảnh của quê ông: "Ước mơ bay vút lên trời / Bữa ăn lại tụt xuống chân thang ...". Hoặc khi ông dùng cách nói hình tượng và trực giác của dân tộc mình để diễn đạt tình cảm: "Thương nhau / Xoay trời làm bạn / Xoay đất nên tình...", hay khi ông diễn tả sự nối tiếp của cuộc sống bằng một lối nói chân mộc và rất lay động: "Và trước lúc sắp đi xa bà hôn con dâu út / Để truyền lại hơi thở cho đời sau ..."

Người bà của nhà thơ đã truyền hơi thở mình lại cho con dâu út, cũng như nhà thơ đã truyền lại hơi thở của hồn mình cho mỗi câu thơ. Tuy nhiên, công cuộc truyền dương khí cho thơ của Lò Ngân Sủn không phải lúc nào cũng thuận buồm mát mái. Ấy là khi ông chưa chế ngự được bệnh dễ dãi, bệnh ưa triết lý, bệnh lạm dụng cách nói phóng đại, ngoa ngôn trong thơ ca dân gian và thơ cổ của các dân tộc. Lò Ngân Sủn dễ thành công hơn trong những bài thơ ngắn và thường là ngược lại. Ví dụ như trường hợp của bài thơ: "Chuyện từ đôi guốc hoa" kể lại câu chuyện người vợ dặn chồng về thành phố nhớ mua cho nàng một đôi guốc hoa. Người chồng đã mang ước mơ kia về cho vợ, nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục đi chân đất... Nếu nhà thơ bỏ đi một nửa bài khá dài giải thích việc vợ mình không thể xỏ chân vào ước mơ nhỏ bé kia vì còn phải lên nương rẫy... thì bài thơ có thể đã đứng được. Chúng tôi đang có trong tay năm tập thơ của Lò Ngân Sủn: "Những người con của núi", "Dòng sông mây", "Chiều biên giới", "Đường dốc" và tập "Đám cưới" vừa được giải A của Ủy ban Trung Ương liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.Ngoài ra ông còn dành được khá nhiều các giải thưởng thơ khác. Nghe nói, ông lại sắp in hai tập thơ nữa.

Một người năm mươi tuổi, đã làm thơ ba chục năm nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì là chựng lại, đủ biết sức viết của Lò Ngân Sủn qủa là đáng nể thật. Có điều, ông cần phải chắc lọc và nâng tay nghề lên cao hơn bằng cách ý thức được bản năng mình, đồng thời biết cách tránh lối mòn của chính mình. Nếu ít năm nữa, Lò Ngân Sủn chọn lọc chừng ba chục bài thơ để in thành tuyển, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tập thơ hay. Và thơ hay thì không phải thi sĩ dù nổi tiếng nào cũng có sẵn trong tay đâu. Cùng với hai nhà thơ lứa tuổi năm mươi là Vương Anh và Y Phương, Lò Ngân Sủn không chỉ là gương mặt thơ bật trội vào hàng đầu trong số các nhà thơ dân tộc ít người, mà ông còn là nhà thơ đáng nể trọng trong các nhà thơ Việt Nam đương đại.

Khi chúng ta bước vào cõi thơ của Lò Ngân Sủn, ông đã có một lời mời hóm hỉnh: "Thương nhau ta cùng lên rừng / Và đừng buộc đuôi ngựa vào nhau bạn nhé ...". Hi vọng người viết bài này đã không buộc đuôi ngựa thi ca của ông vào cái đuôi con nghẽo phê bình vốn dĩ còi cọc hơn cả con chiến mã ho hen Rossinante của Don Quichotte của mình. Vâng, tôi đã hứa với Lò Ngân Sủn, dịp nào sẽ quay lại Sa Pa trong mùa tuyết rơi, để cưỡi ngựa cùng ông lội qua những vùng núi đồi xinh đẹp và mênh mông hơn cả những trang bản thảo đầy khát vọng của chúng ta. Ở đó, trong giá rét, có thể tâm hồn tôi sẽ bị rán lên xèo xèo trong đôi mắt của người con gái miền núi mà Lò Ngân Sủn đã tả trong thơ mình: "Đôi mắt ướt như mỡ nóng trong chảo"...

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Đoàn Chính Vương ngày 21.12.2016.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét