CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA PHÊ BÌNH - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

1 comment

 

(Nguồn ảnh: internet)

CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI

NGHỆ THUẬT CỦA PHÊ BÌNH

*

PHÊ BÌNH CUỐN SÁCH “ĐỂ ĐỜI” CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH:

“CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN”,

 

.

Lời dẫn: Hãy xem Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh “lập thuyết”: “…phương pháp luận là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu…”! Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thực chất đã không hiểu được nội hàm của khái niệm “phương pháp luận” và nội hàm từ “lý thuyết”; than ôi, thuyền đua, lái cũng đua, thấy người ta lập thuyết, mình cũng “lập thuyết”!

 

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có cậu học trò ruột là Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống lúc nào cũng bám theo thầy như một cái đuôi, như một tiểu đồng theo sau tiên ông kiểu: “Sau lưng theo một vài thằng con con”, để làm nghề bốc thơm thầy ngay cả khi thầy nói sai, viết bậy, khi thầy bầy ra trận đồ bát quái “Văn mẫu” tàn sát môn văn trong trường phổ thông. Trên facebook của mình, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống trong bài: “Những hồi quang” viết ngày 18-3-2017 vẫn tiếp tục hành nghề bốc thơm ông thầy vua văn mẫu như sau: “Gần đây, thi thoảng tôi đến thăm Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Lần nào cũng thế, suốt buổi hầu như chẳng thấy thầy nói câu gì. Ông cứ ngồi im như một ngôi sao lặng lẽ giữa trời. Chợt nghĩ, ngôi sao ấy nếu mai này có lặn, chắc sẽ để lại hồi quang rất MẠNH. Ánh hồi quang ấy trước hết hắt lên từ những bài viết tuyệt hay, những ý tưởng độc đáo, những nhận xét, bình luận tinh tế, sắc sảo của ông. Hậu thế còn tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ về Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng… thì người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh.”

NHỮNG ÁNH HỒI QUANG (trích facebook của Đỗ Ngọc Thống) Thứ bảy,18-03-2017

https://www.facebook.com/thongdongoc?fref=ts

Xin chào thầy trò ông “ngôi sao ngồi im, lặng lẽ giữa trời” và xin đọc bài phê bình cuốn sách: “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh do Trần Mạnh Hảo viết năm 1995 đã in trên báo “Văn Nghệ” và in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư”:

Cuốn sách: “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, dày 252 trang, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1994, đã được Đỗ Ngọc Thống ca ngợi hết lời trên tuần bào “Văn Nghệ” số 19 (1843), ra ngày 13-5-1995, với tiêu đề: “Người không giấu nghề”, khiến người viết bài này phải đi tìm, khó khăn lắm mới mua được cuốn sách trên. Đỗ Ngọc Thống quảng cáo cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Đăng Mạnh công bố nó như là một lý thuyết nghiên cứu tác giả văn học của riêng mình”.

Cuối bài báo này, ông Thống viết tiếp: “Thưởng thức một bài phê bình văn học hay cũng như được uống rượu làng Vân vậy. Nguyễn Đăng Mạnh không những đã cho bạn đọc xa gần uống thứ rượu ngon này của ông còn chỉ cho họ cách nấu rượu nữa. Cuốn: “Con đường…” vì thế gần như một cuốn nhập môn cho những ai muốn học nghề nấu rượu làng Vân” (hết trích)

Qủa là may mắn, kẻ viết bài này xưa nay từng tôn quý rượu làng Vân, đã mấy lần thử nấu rượu này mà chỉ ra một thứ nước cất chua loét. Nay có cuốn sách nhập môn dạy phép nấu rượu làng Vân của phê bình văn học như lời quảng cáo kiểu Sơn Đông mãi võ kia thì may biết nhường nào. Hãy nghe và xem ông học trò làm nghề bốc thơm thầy mình lên chót vót đỉnh cao của lý luận phê bình rượu làng Vân, à quên của văn học . Cứ tưởng lời tâng bốc tới trời của ông Thống với sách này của ông Mạnh quá lời, ai dè đúng ý tác giả: “Phương pháp luận, xét đến cùng, là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu. Nó phải đề xuất được một hệ thống khái niệm, phạm trù, những quy luật không đến nỗi sai lệch với đối tượng, tuy rằng đây là một đối tượng hết sức tinh vi” (trang 83)

Từ trước đến nay, chưa có nhà lý luận phê bình văn học nào của Việt Nam lập được thuyết cao siêu như ông Nguyễn Đăng Mạnh khi ông huyênh hoang một tấc tới trời rằng ông đã tạo ra hàng xâu chuỗi các khái niệm, các phạm trù (dập?) đưa ra hàng loạt quy luật kinh thiên.

Trong bài: “Vài lời mở sách” ông Mạnh viết: “Đối tượng nghiên cứu của ta có còn là văn chương nữa không? Hay là ta đã bước chệch sang “vườn rau” của người khác?” (trang 6)

Thưa ông Mạnh, chính ông đã “bước chệch sang vườn rau của người khác” khi ông định nghĩa: “Văn học nghệ thuật thực chất là một hoạt động tư tưởng. Vậy nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng của ông ta…Tầm cỡ của một nhà văn rút cục phụ thuộc vào tầm cỡ tư tưởng của ông ta…” (trang 7) (hết trích)

Định nghĩa như trên, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã trở thành nhà sai học. Ông Mạnh không hiểu được bản chất của văn học nghệ thuật là hoạt động thẩm mỹ, là quy luật của cái đẹp, của xúc cảm, của rung động nơi tâm hồn con người. Chỉ có triết học mới là hoạt động của tư tưởng, thưa ông. Cứ tưởng chuyện này, học sinh qua trung học đều đã biết, ai dè ông Mạnh là giáo sư đầu ngành cũng i tờ rít luôn.

Chính vì việc hiểu sai bản chất của văn học nghệ thuật một cách ấu trĩ như vậy, mà ông Mạnh bị sa lầy vào khái niệm “tư tưởng nghệ thuật” của Biêlinxki (idée Poétique). Ông Mạnh đã lấy ngôn từ “tư tưởng nghệ thuật” của Biêlinxki làm xuất phát điểm và đích đến của mình, trong khi ông không hiểu được sự ra đời của khái niệm này. Thời thế kỷ thứ XIX, văn học nghệ thuật thường bị kính chiếu yêu triết học chiếu tướng. Người ta coi văn học nghệ thuật chỉ là cái loa của triết học. Nên Biêlinxki phải dung cụm từ “tư tưởng nghệ thuật” để khu biệt “vườn rau” của mình. Phái phê bình văn chương thời Nga hoàng ưa làm dáng trí thức bằng triết học, thích khoác áo triết nhân ngay cả trong phòng ngủ, mắc chứng bệnh quáng gà tư tưởng khi thưởng thức văn chương. Rất tiếc, ông Mạnh không hiểu được điều này nên ông bị món xà lát tư tưởng choáng hết bàn ăn văn học của mình, rơi vào chốn mà Biêlinxki tránh…Mặt khác, thời Sa hoàng, phái duy mỹ trong văn học nổi lên chống lại yếu tố tư tưởng trong nghệ thuật. Biêlinxki, chống lại phái duy mỹ và chống lại phái duy tư tưởng trong văn học, nên thuật ngữ “tư tưởng nghệ thuật” của ông cần phải hiểu hoàn cảnh ra đời của nó.

Cho nên, trong sách giáo khoa môn văn của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có nhiều bài văn, bài thơ quá dở, chẳng có nghệ thuật gì mà các ông bắt học sinh moi ra hết tư tưởng này đến tư tưởng khác chính là một cách hữu hiệu giết chết môn văn vậy! Văn học sẽ chẳng có tư tưởng nào hết nếu nó không làm tâm hồn con người rung động, nghĩa là nó thiếu tính thẩm mỹ, thiếu cảm quan về cái đẹp, thưa các ông vua duy tư tưởng… trống rỗng lập thuyết vớ vẩn kia ơi!

Chúng ta cần biết thời ông Nguyễn Đăng Mạnh đi học môn văn tại đại học dưới ánh sáng soi đường của cuốn “Những nguyên lý văn học” của Timôphêép do Nguyễn Lương Ngọc dịch hầu như chỉ chú ý tới tính nhận thức (tư tưởng) và tính giáo dục của văn học và hầu như bỏ qua tính thẩm mỹ của văn chương, mới là tính quyết định nó có phải là văn hay không? Cho nên cuốn sách “lập thuyết” này của ông giáo Mạnh vẫn chưa thoát khỏi cái ấu trĩ của một thời có tên là “tư tưởng”! Đến nỗi nó bị lạm dụng: “tư tưởng yêu nước” (yêu nước là tình cảm), “tư tưởng buồn thương”, “tư tưởng hiếp dâm”, “ tư tưởng ngoại tình”, “tư tưởng lãng mạn”….

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lập thuyết thật kinh hãi như sau: “Nhưng cần nhớ phương pháp luận là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu” (trang 5,6). (hết trích)

Qua kết luận này, chứng tỏ Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không hiểu nội hàm khái niệm “phương pháp luận” cũng như không hiểu nội hàm khái niệm “lý thuyết”. Trước một đối tượng nghiên cứu, phương pháp, dù đã được hệ thống hóa, khái niệm hóa sao có thể biến thành lý thuyết? Lập ra lý thuyết về “phương pháp luận”, ông Mạnh muốn bày trò gì nữa đây? Phương pháp, nói cho cùng là một cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu mà thôi, sao lại đánh đồng “phương pháp luận” là “lý thuyết”? Phương pháp và lý thuyết là hai khái niệm rất khác nhau, như anh với tôi tuy đều là một chủng loại, đều là một giống nhưng không thể là nhau được! Đánh đồng phương pháp tiếp cận thành lý thuyết tiếp cận đối tượng nghiên cứu là một sự ấu trĩ ngô nghê, thưa ông giáo sư! Lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực và phương pháp luận tiếp cận chủ nghĩa hiện thực là hai điều rất khác nhau vậy?

Áp dụng một cách khiên cưỡng, máy móc một khía cạnh trong hệ thống lý thuyết về lý luận phê bình văn học của Biêlinxki trong những thời gian, điều kiện và hoàn cảnh rất khác nhau với chúng ta hiện nay là “tư tưởng nghệ thuật”, Nguyễn Đăng Mạnh đã khá lúng túng và mơ hồ, thậm chí phiêu lãng, lan man là những trạng huống rất xa lạ với một công trình khoa học nghiêm túc như tiêu chí cuốn sách ông đề ra là muốn lập một thuyết mới mẻ về lý luận phê bình văn học. Chúng ta thử tạm thời khảo sát một vài đối tượng nghiên cứu của ông trong cuốn sách, xem hệ quả của phương pháp luận bòng bong của ông có khoa học và hiệu quả hay không ?

Xin xem Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh “tiếp cận” đối tượng nghiên cứu : nhà văn Nguyễn Tuân. Ông Mạnh chỉ ra tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân là “ngông” như sau: “Ở Nguyễn Tuân tư tưởng nghệ thuật cũng như quy luật nội tại của thế giới hình tượng đều gắn với chữ ngông” (tr. 35). “Ngông” thưa ông giáo Mạnh là từ chỉ hành vi, quyết không phải là biểu hiện của tư tưởng. Từ điển “Tiếng Việt” Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội 1977, trang 555 định nghĩa từ “ngông” như sau: “Nói cử chỉ hành động ngang tàng, khác hoặc trái với cái thông thường: chơi ngông”. Nói tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân là ngông là sự nhắm mắt nói càn của ông giáo gàn thiếu hiểu biết về phương diện ngôn ngữ và không biết gì về văn học cả mà thành giáo sư môn văn đầu ngành để học trò Đỗ Ngọc Thống tụng ca lên mây xanh!

Ông Mạnh tiếp tục tư tưởng hóa, ngông hóa Nguyễn Tuân: “Trước hết đây là một cách thể hiện phong cách ngông của ông” (tr. 15)… “ Nguyễn Tuân đã thể hiện đúng phong cách của mình mà tinh thần cốt yếu có thể gói gọn trong một chữ ngông” (tr. 159). Hết ngông là tư tưởng Nguyễn Tuân, lại đến món phong cách ngông, tinh thần ngông Nguyễn Tuân, hỡi nhà ngông học Nguyễn Đăng Mạnh, người đọc văn Nguyễn mà không thẩm được văn Nguyễn, than ôi !

Thưa ông giáo sư có biệt tài đọc sách mà không hiểu sách lại nói rất bậy về nhà văn Nguyễn Tuân thì coi như ông đã giết chết Nguyễn Tuân vậy! Thành tựu lớn của Nguyễn Tuân trong tùy bút là văn phong tuyệt mỹ của ông. Ông chơi văn một cách cầu kỳ, tài hoa, lộng lẫy. Văn tùy bút của Nguyễn mềm mại, duyên dáng, tinh tế, uốn lượn kỳ khu như rồng bay phượng múa, không thể hiện một chút ngông vô vị vô duyên nào như Nguyễn Đăng Mạnh viết bậy. Ông Mạnh bồi tiếp cho Nguyễn Tuân một đòn nốc ao: “ĐÃ NGÔNG THÌ PHẢI NÓI NGANG NÓI NGƯỢC” (chữ in hoa do Trần Mạnh hảo nhấn mạnh). Không, Nguyễn Tuân có giọng văn duyên dáng nhẹ nhàng tinh tế bậc nhất Việt Nam, chẳng hề thấy ông nói ngang nói ngược bao giờ. Chỉ có Nguyễn Đăng Mạnh nói ngang nói ngược nói bậy bạ về Nguyễn Tuân mà thôi!

Thấy văn Nguyễn Tuân bị Nguyễn Đăng Mạnh xử tử chưa chết, ông đao phủ phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bèn bồi cho văn chương Nguyễn Tuân phát sung ân huệ cuối cùng: “Con người thích chơi ngông ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết. Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch thuyết…” (tr. 154)

Nguyễn Tuân dưới tuyền đài hẳn rất buồn đau khi biết Nguyễn Đăng Mạnh ném bùn dơ lên mặt mình như thế! Sao hậu duệ của Nguyễn Tuân không kiện ông Mạnh ra tòa vì tội phỉ báng một thiên tài văn học có giọng văn tuyệt mỹ như thế là nghịch thuyết, là ăn nói ngang ngược?

Viết dông dài bậy bạ “ngông là tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân” nhàm quá, ông lại quay ra bảo, không, tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân là yêu nước: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Nguyễn Tuân là một tinh thần yêu nước thiết tha” (tr. 27). Chao ôi, tinh thần yêu nước là phạm trù tình cảm, nhờ có “thiên tài” Nguyễn Đăng Mạnh chợt biến thành tư tưởng là sao?

Viết bậy mãi về Nguyễn Tuân cũng chán, Nguyễn Đăng Mạnh quay sang viết bậy về Xuân Diệu. Ông Mạnh nhận xét thơ Xuân Diệu: “Ở Xuân Diệu là thế giới hồng tươi mơn mởn và đầy tính sắc dục” (tr.13). Không, thơ Xuân Diệu tuy có nói đến thân xác, đến ngực đến môi, ôm xiết nồng cháy nhưng chỉ là thứ ngực môi của tình đầu trong sáng không phải là thứ tình yêu “đầy tính sắc dục” như ông Mạnh ngộ nhận. Hãy nghe Nguyễn Đăng Mạnh nói về tư tưởng nghệ thuật của Xuân Diệu: “Vậy tư tưởng Xuân Diệu là gì? Tôi cho rằng Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình giữa con người với con người” (tr. 119). Chao ôi tư tưởng sao lại là niềm giao cảm hả ông giáo sư? Kết luận về thơ Xuân Diệu trên đây đặt vào Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc từ đều đúng vì ông nhà thơ nào, văn sĩ nào không “giao cảm với đời”!

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh tiếp tục viết bậy về Vũ Trọng Phụng: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng có nội dung triết lý bi quan định mệnh chủ nghĩa” (tr. 25). Bi quan sao lại là tư tưởng hả ông giáo sư? Xem ông Mạnh viết tiếp: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng: ấy là tâm trạng phẫn uất khôn nguôi”. Ôi, “tâm trạng phẫn uất khôn nguôi” ơi, ta chào mi, vì sao mi đang là tâm trạng lại thoắt biến thành tư tưởng hở trời?

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh viết bậy về Ngô Tất Tố: “Nhiều người cầm bút ở nước ta vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Riêng Ngô Tất Tố thì chủ yếu là nhà báo” (tr.39). Về hiện tượng, quả tình Ngô Tất Tố sống bằng nghề viết báo, mà bài báo của ông rất hay; nhưng bản chất ngòi bút của văn hào Ngô Tất Tố là nhà văn, là một văn hào lớn nhất của dòng văn học hiện thực phê phán với kiệt tác “Tắt đèn”. Ngoài ra các uốn tiểu thuyết “Lều Chõng”, “Việc Làng”, “Tập án cái đình”…của ông đều là những tiểu thuyết nổi tiếng. Viết như Nguyễn Đăng Mạnh là giết chết một văn hào!

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh thể hiện “cái tài” đọc thơ mà không hiểu thơ, bèn viết rất nhảm nhí về một câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên:

“Ta là ai? như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”

Hãy nghe ông giáo Mạnh bình câu thơ trên một cách chết cười như sau: “Ta là ai? Là câu hỏi về tài. Ta có tài viết văn thực không ? Tài ấy là tài viết về cái gì, thể hiện tư tưởng gì, thuộc khuynh hướng cảm hứng nào, lãng mạn hay hiện thực? Câu hỏi “ta là ai” nhà văn phải đặt tự đặt cho mình ngay từ khi bắt đầu cầm bút…Ta sinh ra có phải để làm nhà văn không?” (tr. 73)

Bình thơ kiểu ngô nghê tầm phào như trên, chứng tỏ Nguyễn Đăng Mạnh không hề có một chút thẩm mỹ văn học nào, thua một học sinh phổ thông.

Không, câu thơ “Ta là ai? như ngọn gió siêu hình” là một câu thơ lên án chủ nghĩa vị kỷ lấy mình làm cái rốn vũ trụ. Nó thể hiện sự chia tay của nhà thơ với triết học siêu hình để đi đến với mọi người theo ý thơ của Paul Eluard: “từ chân trời một người đến với chân trời của mọi người” nên mới có câu thơ sau: “Ta vì ai khẽ xoay chiều ngọn bất”…Đó là con đường nhận thức của Chế đang tự đập con ốc cô đơn để chạy ra cùng nhân dân đất nước, không phải cái ý nghĩa tầm phào bậy bạ của nhà lý luận phê bình không hề có chút năng khiếu thẩm văn chương là ông đao phủ chuyên giết văn thơ Nguyễn Đăng Mạnh.

Giáo sư nhà giáo nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh còn sản xuất ra những thuật ngữ vớ vẩn, buồn cười khác để chứng tỏ mình là nhà lập thuyết: “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết ” (tr. 35), (chả lẽ còn chủ nghĩa nhân đạo rên rỉ ư?) “chủ nghĩa hiện thực mãnh liệt” (tr. 27) (chả lẽ còn thứ chủ nghĩa hiện thực ỉu xìu hay sao ?) ….

Tóm lại, “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh là một cuốn sách viết bậy là chính, viết đúng và hay hầu như chưa thấy .,.

(Cáo lỗi cùng quý bạn đọc, vì phải tự đánh máy lại bài viết này nên chúng tôi đã bỏ bớt đi bốn trang in theo bản chính đã in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” do Nhà Xuất bản Văn Học ấn hành năm 1999, và đã in trọn vẹn trên báo “Văn Nghệ” số 33 năm 1995)

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

 

 

 

 


 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com, ngày 13.06.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

1 nhận xét:

  1. GÓP VỚI TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN
    (Copy trên facebook của Thái Hạo)
    Thái Hạo
    11 tháng 6 lúc 01:10 ·
    CHUA CHÁT…
    Đã 1h sáng rồi nhưng tôi phải ngồi bật dậy để viết mấy dòng này khi đọc thấy cái tút của thầy Trần Đình Sử (hình 1). Vì nó khiến tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
    Mở đầu, thầy Sử viết: “PGS Đỗ Ngọc Thống than phiền về nỗĩ giáo viên thiếu tri thức nền. Tôi đồng ý. Cái chính là chương trình giáo dục đai học của ta hỏng”. Tôi ngạc nhiên vì…chương trình giáo dục đại học ở ta chẳng phải do các thầy soạn ra ư! Nói nó “hỏng” một cách vô tư như thế nghĩa là thế nào nhỉ? Hay là các thầy không có liên quan gì đến cái chương trình ấy? Rồi tôi lại tìm lý do để an ủi chính mình: Hay đây là một sự thành thật, một lời thú tội? Như vậy thì cũng thật đáng quý. Hạ mình nhận lấy một “vụ” tày đình như thế (chương trình giáo dục đại học của ta hỏng) phải là người dũng khí lắm!
    Tôi vào phần bình luận để xem các thầy nói những chuyện gì. Một lần nữa tôi phải thấy kinh ngạc (không phải ngạc nhiên nữa) khi thầy Sử nói: “Tôi chỉ tham gia xây dựng chương trình lí luận văn học. Toàn do thầy Hà Minh Đức soạn, tôi chỉ thống qua. Toàn bộ khung chương trình đều do ai đó trên bộ soạn”. Thầy Sử không biết ai đã soạn ra khung chương trình?! Nghe như một chuyện hài.
    Trong một bình luận khác thầy nói rõ hơn: “Các thầy như thế hệ tôi, là giảng viên chuyên ngành lí luận văn học, không phải ngành giáo dục học, chỉ được giao từng việc, từng lúc, và chỉ làm tròn việc ấy. Không ai có được cơ hội nhìn toàn cục giáo dục. Bây giờ sau khi tìm hiểu giáo dục bốn phương mới nhìn thấy. Trước dây ta chỉ có tư tưởng giáo dục của Liên Xô, Trung Quốc. Mãi sang thế kỉ XXI mới biết giáo dục phương Tây”.
    Tôi thấy đúng là thế hệ các thầy dũng cảm quá. Đào tạo giáo viên phổ thông cho cả nước mà không biết ai đã soạn ra khung chương trình giáo dục đại học! Rồi khi bắt tay vào soạn thì “Không ai có được cơ hội nhìn toàn cục giáo dục”. Thế này thì có khác gì người mù mà đi dạy trẻ con cách sử dụng đèn soi!
    Các thầy không thể nói vô trách nhiệm như vậy được. Cho dù “không biết ai đã soạn ra khung chương trình đại học” thì khi nhận nó trên tay để kiến thiết toàn bộ đầu ra cho ngành sư phạm, các thầy phải coi nó hay dở ra sao, chỗ nào cần điều chỉnh, thậm chí thấy nó hỏng thì phải đề xuất làm lại hoặc kiên quyết từ chối chứ! Sao lại có thể nói một cách ráo hoảnh như thế được? Tổng chủ biên chương trình mà thầy nói “không có cơ hội nhìn toàn cục giáo dục” và lại còn "soạn hoàn toàn trong tình thế ứng phó" thì quả thật tôi không biết lấy lời lẽ gì để bình luận nữa.
    Cái gì đã diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam mấy chục năm qua vậy? Để đến nỗi, chúng tôi, những giáo viên được đào tạo bởi những “cây đa cây đề” bỗng một ngày té ngửa ra rằng, chính những bậc thầy ấy lại cũng không biết mình đang làm cái gì và ở đâu! Tôi thấy mình bị xúc phạm. Đây có lẽ là một sự mỉa mai lớn nhất mà tôi từng gặp phải cho đến giờ phút này sau gần 40 năm hiện diện trên cuộc đời và 10 năm làm thầy với đầy những thăng trầm.
    Tôi có cái may mắn là được làm một kẻ vô danh tiểu tốt nên bớt được những e dè và ngại ngần để nói cái tiếng nói của cả một người thầy và một người học trò trung thực với suy nghĩ của chính mình. Có thể vì thế mà cũng sẽ ít người giận tôi, ai lại thèm chấp một kẻ quê mùa không danh không phận bao giờ.
    Chợt giật mình, mai đây khi cái chương trình "đổi mới căn bản toàn diện" đang tiến hành mà lỡ có sụp đổ, không biết các vị gs Thuyết, gs Thống có lại nói như thế chăng?
    Thái Hạo

    Trả lờiXóa