TẢN MẠN VỀ THƠ BÚT TRE - Tác giả: Khuyết Danh

1 comment

 .

(Nguồn ảnh: internet)

TẢN MẠN

VỀ THƠ BÚT TRE

*

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng. Sinh ngày 23/8/1911, tại xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Trước năm 1945 dạy học ở Tuyên Quang, có truyện dài kỳ đăng trên trang Tiểu thuyết thứ 7 của tờ Đông Pháp, bút danh Lục Y Lang. Năm 1956, thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm.

Nhà Bút Tre nghèo, ông ngủ trên một cái chõng tre, nhà không cánh cửa, chỉ che bằng phên liếp lá cọ, nghe tin người bạn mất trộm, ông đùa:

Cứ như tớ hoá lại hay

Chẳng lo giữ của cả ngày lẫn đêm

Cửa ngõ không phải cài then

Ai thăm cứ việc đẩy phên mà vào.

Năm 1962, Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ. Năm 1968, phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Năm 1970, nghỉ hưu.

Ở tuổi 56 (1967), Bút Tre vẫn đầy đam mê nhiệt huyết vì sự nghiệp văn hóa, từ Việt Trì (Phú Thọ) ông dẫn đầu đoàn tham quan gồm tám cán bộ đi xe đạp vào tuyến lửa Quảng Bình để thực tế xem trong đó văn hóa phát triển ra sao. Khi trở về Phú Thọ, vè sĩ là người khởi xướng phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, chỉ đạo mỗi làng thành lập một đội văn nghệ xung kích.

Bút Tre Đặng Văn Đăng mất ngày 18/5/1987 trong cảnh thanh bần tại quê nhà. Ngoài những tác phẩm đã công bố ông còn để lại hơn nghìn trang bản thảo chưa kịp xuất bản.

Nhiều người Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới tự dưng đều thuộc dăm ba câu thơ Bút Tre, thuộc mà không biết vì sao mình thuộc...

Hoan hô đồng chí Bút Tre

Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay

Phải chăng trường phái thơ ngây

Làm cho ai cũng mê say thích nghè

Không giống với các thi sĩ nổi tiếng của chế độ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Xuân Diệu… Bút Tre là người làm thơ theo kiểu dân gian của người miền Bắc thời kháng chiến và hậu kháng chiến.

Phong cách thơ của Bút Tre vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa dung tục nhưng lại giàu sức lan tỏa trong dân gian. Cũng vì thế, Bút Tre đã trở thành một trường phái thơ dân gian rất thịnh hành ở miền Bắc và cho đến sau này cũng được nhiều người ở miền Nam biết đến.

Cả cuộc đời của Nhà thơ dân gian Đặng Văn Đăng sống bần hàn và thanh cao. Ông là người có trí nhớ siêu việt. Có thể làm 1 lúc 3 việc khác nhau . Những người cùng thời ông còn nhớ như in khi ông vừa trả lời các câu hỏi của Bí thư tỉnh ủy, vừa hí húi làm thơ, thỉnh thoảng quay sang đọc cho cô thư ký cái công văn. Ông cũng là người rất giỏi tiếng Pháp, có thể nói chuyện bằng Tiếng Pháp thành thạo. Niềm say mê lớn nhất cuộc đời ông là làm thơ và đọc sách.

Trong cuộc sống và mối quan hệ công tác, ông là người đơn giản, xuề xòa, luộm thuộm, cẩu thả nhưng rất thẳng thắn, không biết nịnh bợ ai bao giờ. Chuyện kể rằng tại cuộc họp giao ban của Bí thư tỉnh ủy, khi đồng chí bí thư điểm danh từng trưởng ty, ai cũng đứng lên thưa gửi: báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt ạ, rồi thưa anh, em có mặt. Khi điểm danh đến ông, Bút tre đứng dậy, dùng tay mô phỏng điệu vuốt râu trong tuồng cổ, nói giọng mũi: Có ta đây.

Tính cách ông thẳng thắn, hơi ngang ngược nhưng chẳng ai ghét ông bao giờ vì ông sống rất trong sạch, thanh cao và tận tụy với công việc.

Tác phẩm:

Hiện nay ông có 2 tác phẩm chưa in gồm: địa chí xã Đồng Lương và Nguyễn Trãi người anh hùng của dân tộc.

Về thơ ông có 4 tập thơ chưa in: Nguyễn trãi, Nguyễn Quang Bích, Nhật ký thơ, Tia lửa làng.

Các tập thơ đã in gồm:

- Rừng cọ đồi chè

- Phú thọ lớn lên

- Sông Lô sông Chảy

- Quê hương Phú thọ…

Ngoài ra ông có những tác phẩm nghiên cứu về Hùng Vương dựng nước về địa chí xã quê ông và rất nhiều bài thơ tặng các đồng chí lãnh đạo.

Nhưng nói đến ông là nói về thơ của ông, thơ Bút tre có những nét rất độc đáo được phổ biến phần nhiều là truyền khẩu, vì ông nói thành thơ. Có thể khẳng định, thơ Bút tre không phải là thơ bác học (theo cách dùng từ của ông là Bút Sắt), đó là thể thơ dân gian, hồn nhiên, ngẫu hứng và rất tự do phóng túng.Đột khởi có những bài rất độc đáo và đầy chất nghệ thuật.

Dưới đây là bức tranh làng quê qua ngòi bút phác họa của Bút Tre:

Làng ta có cái núi voi

Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi

Voi cũng hăng say đua sản xuất

Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai

Với ngôn ngữ đặc thù của miền Bắc trong thời kỳ đi lên xã hội chủ nghĩa, Bút Tre đã vẽ một bức tranh ‘tăng gia sản xuất’ của một xã điển hình:

Bà con toàn thể xã ta

Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê

Dái dê to mập dài ghê

Năm sau ta cứ dái dê ta trồng

Và đây là một buổi học tập chính trị với cách dùng từ ‘sửa dấu, ép vần’ một cách tài tình nhưng cũng pha lẫn chút mỉa mai, dung tục:

Hôm qua học tập chính tri [chính trị]

Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu [phát biểu]

Cơm ăn chẳng được bao nhiêu

Đảng uỷ lại bắt phát biêu cả buồi [cả buổi]

Hoặc tả cảnh quê hương Phú Thọ của ông với đầy đủ đồi chè, đồi cọ… có đàn bò giống nhập từ Cu Ba lang thang gậm cỏ:

Quê Hương thi sĩ Phú Thò [Phú Thọ]

Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi [chuối]

Lòng còn nhớ mãi cái buôi [buổi]

Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo [chăn nuôi đàn bò]

Cu Ba lông mượt giống to

Cách màng văn hoá đất tô lại càng...

Bút Tre sống dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa nên thơ ông là tấm gương phản chiếu cuộc sống hàng ngày với những sinh hoạt của một xã hội mà đối với người miền Nam hoàn toàn xa lạ:

Thi đua ta quyết thi đua

Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu

Hàng đầu rồi biết đi đâu

Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi

hoặc:

Hội trường yên ắng ngủ say

Thuyết trình vừa dứt… vỗ tay ra về

Khẩu hiệu ‘Hoan hô…’ cũng là một đề tài thường được nhắc đến trong thơ Bút Tre.

Sự kiện nhà phi hành vũ trụ Phạm Tuân (sinh năm 1947) tại Thái Bình trở thành người châu Á đầu tiên bay vào không gian năm 1980 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô, đã được nhiệt liệt hoan hô tại miền Bắc. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bút Tre góp tiếng hoan hô bằng những lời thơ chất phác:

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân

Bay vào vũ trụ một tuần về ngay

Trước đó, Liên Xô có con chó Laika là sinh vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ và cũng là động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo năm 1957. Laika qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng, cái chết được dự đoán là do tình trạng căng thẳng và nhiệt độ tăng cao. Bút Tre cũng có thơ ca tụng chó khi nghe tin qua radio:

Hôm nay đài nói vui thay

Người ở dưới đất, chó bay lên trời

Đến khi Yuri Alekseievich Gagarin (1934–1968) là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Bằng kỹ thuật ‘sửa dấu, ép vần’, Gagarin biến thành Ga Ga Rỉn nên mới có câu:

Liên xô rất đỗi tự hào

Anh Ga Ga Rỉn bay vào vũ tru [vũ trụ]

Bóng đá cũng đi vào thơ của Bút Tre. Gheorghe Hagi là một cầu thủ bóng đá Romania, người nước xã hội chủ nghĩa anh em, nổi tiếng với kỹ thuật cá nhân điêu luyện và những cú sút xa rất chính xác:

Hoan hô đồng chí Hagi

Cách ba mươi mét mà ghi được bàn

Loại thơ ‘Hoan hô…’ còn rất nhiều, từ đồng chí lái tàu Trần Đăng Ấn chạy nhanh như… rùa:

Hoan hô! đồng chí Trần Đăng

Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa.

đến những người cao tuổi tham gia chiến dịch ‘trồng cây nhớ Bác’:

Hoan hô các cụ trồng cây

Mười cây chết chín một cây gật gù.

Chúng mày có mắt như mù

Mười cây chết cả gật gù ở đâu?

Chị em nô nức đặt vòng hoa trên mộ liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn đến khi được diễn tả bằng một câu lục bát với kỹ thuật ‘cố ý ngắt từ’ đã trở thành một câu cổ súy cho việc ‘đặt vòng’ qua chương trình kế hoạch hóa gia đình:

Chị em nô nức đặt vòng

Hoa mồ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn

Cũng với lối xuống dòng ngang xương một cách cố tình, người đọc không khỏi bật cười với cảnh chơi cầu lông:

Chị em mặc váy đánh cầu

Lông bay phơ phất trên đầu các anh

Phong cách ‘cắt tên, xuống dòng’ xuất hiện khá nhiều trong thơ Bút Tre và cả trong trường phái Bút Tre sau này.

Anh đi công tác Pơ - Lây-

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra? [Pleiku]

Còn em, em vẫn ở nhà

Cửa mình em mở người ra kẻ vào

Niêm luật lục bát không cho phép một câu dài quá 8 chữ nên tác giả thay vì viết ‘cửa nhà mình’ đành phải rút gọn thành cửa mình… Cũng vì lý do đó, ta lại gặp ‘cửa mình’ trong hai câu:

Chị em du kích tài thay

Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa… mình

Lại nữa, tỉnh Bắc Ninh có Nguyễn Trùng Dương đã giành chức vô địch đô vật trong lễ hội xuân được Bút Tre ca tụng:

Bắc Ninh có cậu Nguyễn Trùng

Dương vật khỏe quá cả vùng thất kinh

Trong thơ Bút tre có đủ cả cửa mình lẫn dương vật, những ngôn từ dung tục đã đi lạc vào thơ. Thế mới gọi là ‘chữ nghĩa’ bình dân, chữ thì tục nhưng nghĩa lại thanh!

Rất nhiều địa danh từ Bắc xuống đến Nam đã được nhắc đến trong thơ Bút Tre nguyên thủy cũng như thơ Bút Tre cải biên. Tại tỉnh Lai Châu thuộc vùng biên giới Việt-Trung có huyện Mường Tè nằm ở phía Tây Bắc, giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Phía Tây và phía Nam huyện Mường Tè giáp huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Phía Đông Mường Tè là huyện Sìn Hồ.:

Anh đi công tác bản Mường

Tè xong một cái lên đường về quê

Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối là ngã ba Việt Trì, còn gọi là ngã ba Hạc. Sông Lô ‘anh hùng’ là địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua Trường ca sông Lô của Văn Cao vàTiếng hát sông Lô của Phạm Duy:

Chồng người du kích sông Lô

Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần

Lại nói về danh lam thắng cảnh, Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ.

Không đi không biết Tam Đao [Tam Đảo]

Đi thì không biết chỗ nào mà ngu [ngủ]

Một giường nó nhét hai cu [cụ]

Thôi thì cố nhịn đến chu nhật về…[chủ nhật]

Tại Hải Phòng có bãi biển Đồ Sơn là một quận cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về hướng đông nam. Đồ Sơn có một khu nghỉ mát gồm nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp ở miền bắc ViệtNam. Bút Tre chơi chữ Đồ Sơn và… đồ nhà:

Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn

Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà

Ðồ nhà tuy xấu tuy già

Nhưng là đồ thật hơn là Ðồ Sơn

Tỉnh Hà Tĩnh có kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc (đậu phộng). Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại.

Cái tên Cu Đơ được cho là xuất phát từ xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nơi có người đầu tiên làm loại kẹo này. Vốn dĩ kẹo Cu Đơ ban đầu chỉ được gọi đơn giản là kẹo lạc, nhưng được dân gian hay gọi là kẹo Cu Hai để ghi danh người làm ra nó, vốn là một người cha có hai con trai (cu hai). Cái tên Cu Đơ như hiện nay bắt nguồn từ tiếng Pháp Deux (đọc là đơ) có nghĩa là hai.

Chưa ăn chưa biết Cu đơ

Ăn rồi mới biết nó đờ cu ra

Kẹo ‘cu đơ’, đặc sản Hà Tĩnh

Tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió Lào nên:

Nghệ An nổi tiếng gió Lào

Trẻ già trai gái người nào cũng đen

Cửa Lò là một thị xã thuộc phía đông tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với bãi biển, khu nghỉ mát và cảng biển sầm uất. Cửa Lò lớn lắm nhưng vẫn chưa to bằng cửa…:

Chưa đi chưa biết Cửa Lò

Đi về mới biết nó to thế này

Thị xã Phan Thiết là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Phan Thiết nằm trên quốc lộ 1A, cách Sài Gòn 198 km, vốn nổi tiếng về nước mắm:

Nhớ nhung về thị xã Phan

Thiết tha mơ tưởng cô hàng nước măm [nước mắm]

Ban Mê Thuột vốn là thủ phủ của miền cao nguyên cũng được Bút Tre để mắt đến:

Anh đi anh ghé Buôn Mê

Thuột xong một cái thì về với em

Bài lục bát dưới đây về Sài Gòn ngày 30/4/1975, chắc chắn không phải của Bút Tre, nhưng thuộc về trường phái Bút Tre:

Hôm nay giải phóng Sài Gòn

Bà con phấn khởi chạy bon ra đường

Có cô đang ngủ trên giường

Vội vàng tỉnh dậy, bị thường vào tày [bị thương vào tay]

Ô tô cấp kíu đến ngay

Ðưa vào bệnh viện ba ngày thì khoi… [khỏi]

Cách Sài Gòn khoảng 50km có Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía đông nam. Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông có một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam.

Chưa đi chưa biết Cần Giờ

Đi rồi mới biết họ… không cần gì

Thơ Bút Tre còn vói tới các nước lân cận với Việt Nam như Lào và Campuchia. Một cán bộ tham nhũng bị ở tù:

Anh đi công tác Cam Pu

Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm

Loại thơ theo kiểu ‘con cóc nhảy ra, con cóc nhảy vô’ khá phổ biến trong văn chương bình dân Việt Nam. Ở miền Nam có dạng thơ ‘lẩy’ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu như:

Vân Tiên cõng mẹ trở ra

Đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô

Vân Tiên cõng mẹ trở vô

Đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra…

Trong thơ Bút Tre và trường phái Bút Tre, người ta cũng bắt gặp rất nhiều hình ảnh ‘đi vào, đi ra’:

Ở trong hang đá đi ra

Vươn vai một cái rồi ta đi vào

 

Hôm nay mồng tám tháng ba

Chị em phụ nữ đi ra đi vào

Anh em thấy vẫy tay chào

Chị em phấn khởi đi vào đi ra …

 

Rộng lớn như thể nước Nga

Người ta không cấm thụt ra thụt vào

Nhỏ bé như thể nước Lào

Cũng không có cấm thụt vào thụt ra

Chỉ riêng có Việt Nam ta

Đâu đâu cũng cấm thụt ra thụt vào.

 

Trăm năm trong cõi người ta

Ai ai cũng phải hít ra thở vào

Trăm năm trong cõi người nào

Ai ai cũng phải hít vào thở ra

Xa xa như nước Cu-Ba

Người ta còn phải hít ra thở vào

Gần gần như cái nước Lào

Người ta cũng phải hít vào thở ra

Nói chung trong cõi người ta

Bắt buộc là phải thở ra hít vào.

Bút Tre dí dỏm cho rằng “… loại thơ đứng đắn là thơ nghiêm còn loại thơ tếu là thơ nghỉ”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, không ít những bài thơ nghiêm được viết để ca tụng nhưng Bút Tre lại có hai câu thơ nghỉ viết theo kiểu ‘huề vốn’:

Bỗng nghe tin sét đánh ngang

Bác Hồ đang sống, chuyển sang từ trần.

Chính nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã nhắc nhở giới lãnh đạo văn nghệ Vĩnh Phú và Hội Nhà Văn cần phải nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng thơ Bút Tre, vì tác giả của nó, một người có học vấn, không thể vô tình khi hạ bút viết những câu thơ tưởng như ngô ngê, ngớ ngẩn kia.

Bút Tre có tên trong Tự Điển Văn Hóa (Nhà Xuất bản Văn Hóa, năm 1993, trang 49). Ông được coi là ‘tấm lòng thơ của một cán bộ văn hóa’ (Lê Huy Ngọ), ‘xứng đáng với danh hiệu nhà thơ dân gian’ (Nguyễn Hữu Nhân), ‘ông là nhà văn hóa mà dòng đời của ông đắm mình trong dòng văn hóa dân gian’ (Ngô Quang Nam).

Có người lại nói ông Đặng Văn Đăng vốn là dân tập kết từ miền Nam ra Bắc, quê ông ở Bến Tre nên mới lấy bút hiệu Bút Tre (!). Có lẽ vì quá ngưỡng mộ tài làm thơ của ông nên mới có trường hợp ‘nhận vơ’ như vậy. Tuy nhiên, nếu Bút Tre là người miền Nam thật thì hai câu thơ cổ động bầu cử tự do của ông lại càng thâm thúy:

Ta đi bầu cử tự do

Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm

Người miền Bắc dùng chữ hòm để chỉ cái thùng, cái hộp trong khi đó ở miền Nam hòm lại là quan tài dành cho người chết. Thế cho nên, chọn người xứng đáng mà cho vào hòm hiểu theo người miền Nam thì… hết nước nói!

Có thể nói, phong trào làm thơ Bút Tre theo lối “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” là độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam. Cốt lõi của dòng thơ là tính trào phúng và chất dung tục. Khi thì tục lồ lộ, khi thì tục mà thanh, khi thì thanh mà tục… đáp ứng được thị hiếu của người đọc cần những nụ cười sảng khoái để quên đi những khoảnh khắc lầm than. Tuy nhiên, có điều người làm thơ Bút Tre cần ghi nhớ:

Làm thơ nên tránh vần ồn

Kẻo không lại đụng cái … lưng chị em

Tương truyền Bút Tre có viết sẵn bản Di chúc như sau:

Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng

Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngang

Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng

Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng

Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng

Họ hàng thân thuộc chút khăn tang

Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng

Trầm mặc, cử hành đám lễ tang

Riêng về viết lách, ông chăm viết nhiều hơn, có bận chuyển sang viết nghiên cứu. Vè sĩ vẫn làm thơ như mọi ngày, có ngày đến ba bài thơ đưa cho bà Ngà đánh máy, có một bài thơ ở thời kỳ sóng gió ấy làm bà Ngà nhớ nhất, trong đó có những câu:

Bút Tre văn nghệ không thừa nhận

Thêm bao bịa đặt cá nhân xuyên (xuyên tạc)

Nỗi oan trái đâu cần ai rửa

Ánh trăng vằng vặc góc trời riêng.

Bút Tre cũng có lần tâm sự với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, họa sĩ Ngô Quang Nam là những người thân nhất hay cận kề bên ông: “Oan tớ hơn oan Thị Kính!”.

Về sau có quá nhiều bài thơ theo trường phái này. Cuối cùng chẳng rõ bài nào của Bút Tre thật, bài nào là của các đồ đệ theo trường phái Bút Tre. Chẳng hạn:

Thi đua ta quyết tiến lên

Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu

Hàng đầu không biết đi đâu

Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi

 

Con đò dịch đít sang ngang

Bên kia có một cái làng thò ra.

 

Anh đi chiến dịch bản Mường

Tè xong rồi lại tìm đường về xuôi.

 

Phụ nữ thường rất hay lươi

Riêng em anh thấy là người cần cu.

 

Bây giờ đang đứng trưởng ty

Bút Tre thơ phú tôi thì có sau

Cuối cùng xin nhắc một câu

Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.

 

Ông Khiêm kể cũng đã tài

Trong chuồng sáu lợn có vài con to

Ông Lai theo Đảng dặn dò

Chuồng ông bảy lợn chăm cho béo tròn.

 

Anh đi đồng ruộng lắng nghe

Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn.

(Anh đây là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Nguyễn Chí Thanh).

Chú sang công tác bảo tàng

Đó cũng là việc cách màng giao cho.

 

Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.

 

Hoan hô đồng chí Trần Hoàn

Lên làm bộ trưởng chiếu toàn phim hay !

 

Hoan hô bác Võ Chí Công

Cho làm khoán hộ ruộng đồng tốt tươi.

 

Tiễn anh lên bến ô tô

Đêm về em khóc ... tồ tồ cả đêm

 

Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo

Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu

Dừng chân đứng lại trên cầu

Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng

 

Hôm nay trên quốc lộ hai

Thể nào cũng có một vài ô tô.

 

Anh đi giường chiếu lặng câm

Anh về giường chiếu reo ầm cả lên

 

Anh đi em bấm đốt tay

Anh về em bấm chỗ này chỗ kia.

 

- Khen thay giám đốc sở mình

Làm việc thì ít xuất... ngoại thì nhiều-

 

Đồ Sơn sóng biển dập dồn

Mấy cô thiếu nữ ngứa chân chạy quanh. (hay... ngửa lưng ra phơi)

 

Vân Tiên ngồi cạnh bụi môn

Chờ cho trăng khuất bóp ...chân Nguyệt Nga

 

Trên cành con khỉ đánh đu,

Có anh cán bộ vạch cây bên đường.

Ngày nay khắc phục gian kho

Ngày mai mới có ấm no tương lài

 

Đoàn vừa ghé xuống Mũi Ne

Ngó ra thấy những chiếc ghe thật bừ.

(cố tình để mọi người sửa cho đúng vần)

 

Mời anh vào quán kara

OK em đã mở ra sẵn sàng.

 

Hôm qua anh đến chơi nhà

Thấy mẹ chăn vịt thấy cha chăn ngồng

Thấy em hát nhạc Trịnh Công

Sơn xanh sơn đỏ anh không dám vào.

 

Lần đầu đến nước Xin-Ga

Po vào rồi lại po ra hại đồ

Tuần sau lại đến nước Bồ

Đào Nha rồi lại đào nhô mệt quà

Thế rồi lại đến nước Hoa

Kỳ đi kỳ lại Cu Ba đây rồi.

 

Tại vì em chẳng có kinh

Nghiệm nên không thể một mình giúp anh.

 

Chị em du kích tài thay

Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình !)

 

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn

Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà

Đồ nhà tuy có hơi già ( hoặc : tuy rất tương cà )

Nhưng là đồ thật chẳng là đồ sơn.

 

Chưa đi chưa biết Vũng Tàu

Đi rồi mới biết ta giàu hơn tây

Đúng là họ thiếu vải may

Hai mảnh bé xíu làm vày làm ao.

 

Chưa đi chưa biết Cà Mau

Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà

Cà nhà tuy có hơi già

Nhưng là cà chậm không là cà mau.

 

Bốn ông chung một dĩa lòng

Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi.

 

Con ruồi là giống hiểm nguy

Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều.

 

I-meo anh viết thật bay

Bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.

 

Nhà máy sản xuất nhiều mu

Để đem đi bán các chu đội đầu

An toàn ta nhắc nhở nhau

Hễ đi xe máy hàng đầu là mu

 

Một ông người Ốt – tra - lây (Australia)

Một ông đích thị là Tây bán nhà (Tây Ban Nha)

Một ông ở xứ buôn gà (Bungari)

Cả ba ông ấy đều là con dê (con rể)

Cùng nhau có một lời thề

Làm con dê cụ không về bên Tây (con rể cụ)[5]

 

Việt Nam rồi sẽ có ngày

Tham gia World Cup đứng đầu bảng A

Thể lực thì có khó gì

Cứ xơi meat dog là ghi được bàn (thịt chó)

Kìa xem đội tuyển Nam Hàn

Xơi nhiều thịt chó nên toàn thắng luôn

 

Bốn ông chung một đĩa lòng

lợn ngồi chễm chệ với thùng bia to

 

Nếu hết sữa, ấy thì cho bú

Hết vú này đến vú bên kia

Sữa nhiều ta phải phân chia

Hôm này vú nọ, hôm kia vú này

 

Trung thu là tết thiếu nhi

Mà sao người lớn lại đi là nhiều

Đi nhiều rồi lại làm liều

làm liều rồi lại có nhiều thiếu nhi

 

Ước gì em biến thành trâu

Để anh là đỉa anh bâu vào đùi

Ước gì anh biến thành chầy

Để em làm cối anh Giã ngày Giã đêm

 

Hôm nay học cả một buôi

Ăn một quả chuối gọi là tĩnh dương (tĩnh dưỡng)

 

Hôm qua em đến đồi Lê

Nin ngồi đợi mãi, đành về lại ky

Túc xá buồn, em xem Nhi

Cu-lin diễn để vơi đi nỗi buồn

 

Mỗi người được một quả chuồi

Ai về cũng nhớ cái buổi hôm nay!

 

Hôm qua học tập chính tri (chính trị)

Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu (phát biểu)

Cơm ăn chẳng được bao nhiêu

Đảng uỷ lại bắt phát biêu cả b`… (cả buổi)

 

Anh đi công tác Sông Đà

Vướng phải tai nạn ở phà sông Gianh

Tay chân thì vẫn nguyên lành

“Cần tăng dân số” tan tành khói mây.

 

Quê Hương thi sĩ Phú Thò

Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi (chuối)

Lòng còn nhớ mãi cái buôi (buổi)

Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo

Cu Ba lông mượt giống to

Cách màng văn hoá đất tô lại càng...

 

Khen chê thì cũng chẳng sao

Thơ Bút Tre vẫn đi vào quần chung

Chê khen có sái có đùng

Thơ Bút Tre vẫn quần chùng mà ra!

*

TÁC GIẢ (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

 

 

- Nhà thơ NGUYỄN KHÔI giới thiệu -

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 23.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

.

1 nhận xét: