NGHĨ VỀ HỒN THƠ NGUYỄN TUYỂN - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

1 comment

 

(Nguồn ảnh: internet)

NGHĨ VỀ

HỒN THƠ NGUYỄN TUYỂN

*

CHỢT THƯƠNG CHIẾC LÁ BÊN THỀM

 

Nửa khuya tôi nghe chị hát

Ầu ơ... trăng khuyết sau đồi

Câu hát nghẹn đầy nước mắt

Thương thời thiếu nữ xa xôi.

 

Chị ra sông ngồi phía lở

Hỏi rằng đời nước nổi nênh

Lục bình vừa trôi vừa nở

Kiếp hoa mấy nẻo gập ghềnh.

 

Chị ngồi đếm đong niềm nhớ

Buồn len lên nhánh vai gầy

Gió lùa qua miền dang dở

Nghe ngày rụng xuống đầy tay.

 

Chị ngồi với bao khắc khoải

Những mùa dấu yêu qua rồi

Đã xa ngày xuân mật ngọt

Nụ cười rêu úa trên môi.

 

Nửa khuya tôi nghe chị hát

Những bài không tuổi, không tên

Gió thốc vào đêm gầy rạc

Chợt đau chiếc lá bên thềm ...

*.

NGUYỄN TUYỂN

LỜI BÌNH:

(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)

Thơ Nguyễn Tuyển bao giờ cũng rất dịu dàng và giàu lòng nhân ái dù thơ anh viết về đề tài gì. Tình yêu quê hương, tình yêu con người và cả những lúc viết về những thân phận, những chia li dang dở, viết về kiếp li quê... thơ anh vẫn giữ được sự chừng mực nhất định. Vì có lẽ như tôi đã nói trên anh luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân ái. Hình như con tim của anh là vạn ngàn sợi tơ mong manh dễ rung lên trước những biến động của cuộc sống để thành thơ. Dù viết về đề tài gì thì Nguyễn Tuyển bao giờ cũng có một cái nhìn, một suy nghĩ rất nhân văn. Anh tin rằng sau những điều mất mát khổ đau chia li bao giờ cũng còn những điểm sáng để cho ta vịn vào đó mà đứng dậy để rồi sống rồi yêu...

Anh:

“Chợt đau chiếc lá bên thềm ...”

Một chiếc lá rơi bên thềm cũng làm con tim anh nhói đau. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc cho thi ca vụt hiện từ chiếc lá anh nghĩ về phận người, nghĩ về cuộc sống – CHIẾC LÁ PHẬN NGƯỜI.

Đại từ nhân xưng CHỊ đã cho ta một thông điệp về sự sẻ chia ở đây được nâng lên một tầm cao của lòng nhân ái. Nếu là em thì cơ may vẫn còn nhiều vì em là còn trẻ. Còn CHỊ tuy ta không thể đoán định tuổi đời của chị vì nó chỉ mang tính ước lệ. Nhưng chắc chắn một điều chị tức là nhiều tuổi hơn nhà thơ, nhiều hơn bao nhiêu ta không biết. Chỉ biết người chị của nhà thơ vẫn vẹn nguyên những rung động cảm xúc và khát khao cuộc sống nhưng hình như hoàn cảnh đã không cho chị đi đến những khát khao và hy vọng. Từ đó hình ảnh và cả tâm trạng của chị cứ hiện dần lên trong từng chữ từng câu thơ đầy thương cảm sẻ chia:

“Nửa khuya tôi nghe chị hát

Ầu ơ... trăng khuyết sau đồi

Câu hát nghẹn đầy nước mắt

Thương thời thiếu nữ xa xôi.”

Nhà thơ đặt vào đây hai từ “nửa khuya” đã cho ta nhận biết về tâm trạng không chỉ của riêng chị mà tâm trạng của nhà thơ. Chị không ngủ được đã đành. Còn nhà thơ của chúng ta thì sao? Chỉ thế thôi ta hiểu được CHỊ ở đây không hề tình cờ mà hình ảnh chị cuộc sống của chị đã khắc sâu vào tâm khảm nhà thơ. Nửa khuya chị hát nhưng không phải là giai điệu trữ tình, mà ở đây là ẦU Ơ tức là điệu hát ru. Chị không ru cho mình mà ru về một vầng trăng khuyết. Sự tài hoa là ở chỗ này đây chị ru vành trăng khuyết sau đồi hay chị ru cuộc đời đã hao khuyết của chị. Có lẽ vì thế nên tiếng ầu ơ ấy mới nghẹn đầy nước mắt. Bây giờ thì nhà thơ đã dẫn dắt ta trở về hiện thực. Vâng chị thương đời mình. Chị tiếc nuối một đời thiếu nữ đã xa xôi của chị. Vì sao chị phải tiếc nuối. Xin đừng hỏi câu đau lòng ấy vì cuộc đời có vạn ngàn lí do.

Chị hát rồi, chị lại:

“Chị ra sông ngồi phía lở

Hỏi rằng đời nước nổi nênh

Lục bình vừa trôi vừa nở

Kiếp hoa mấy nẻo gập ghềnh.”

Nhà thơ lại gieo vào đây hai từ “phía lở”. Nếu là phía bồi thì đẹp và tròn đầy biết bao. Nhưng nghiệt ngã thay lại lại là phía lở. Phía của mất mát khuyết hao như chính cuộc đời của chị. Chẳng có ai để chia sẻ chị chỉ biết hỏi dòng nước vì chị hình như cảm nhận được rằng dòng nước cũng nổi nênh cũng trôi xuôi như chính cuộc đời của chị...Trên dòng nước đó những cụm hoa lục bình ở đây cũng có điều gì đó vừa dang dở và cũng rất vội vàng- vội vàng sống. Dù sao những cụm lục bình còn được nở hoa còn đời chị??? Tôi không dám viết vào đây những từ mang tính võ đoán vì nó đau lòng tôi lắm. Mong các bạn tự tìm cho mình một đáp số. Kiếp hoa đã đi suốt cả dòng sông cũng như cuộc đời của chị lúc thác lúc ghềnh lúc nông lúc sâu cứ thế gập ghềnh chìm nổi... Vẫn chưa hết:

“Chị ngồi đếm đong niềm nhớ

Buồn len lên nhánh vai gầy

Gió lùa qua miền dang dở

Nghe ngày rụng xuống đầy tay.”

Chị hát ầu ơ, chị ngồi ngắm sông, chị thương đời hoa lục bình như thương cuộc đời của chị. Giờ chị chỉ biết ngồi lẩm nhẩm đếm đong những nỗi nhớ niềm thương. Cứ đếm mãi, đếm mãi cho nỗi buồn cứ len lên. Nhưng sao không len vào hồn, vào tim mà lại len lên nhánh vai gầy? Hình như nỗi buồn của chị có sức nặng của hình hài và sức nặng đó cứ đè nặng lên đôi vai gầy của chị. Còn gió thì sao? Gió không làm dịu bớt nỗi buồn, không làm dịu bớt cơn đau mà cứ lùa qua những miền dang dở của cuộc đời của chị để xới tung lên làm đau thêm nỗi lòng làm buồn thêm kiếp sống. Cái cảm giác về sự mất đi tuổi thanh xuân, mất đi những tháng năm còn lại của chị đã được nhà thơ minh họa chỉ bằng sáu từ: “Nghe ngày rụng xuống đầy tay”. Những câu thơ ở đây thật nhiều thi ảnh những thi ảnh làm xa xót lòng người. Lại một khổ thơ làm tan nát lòng tôi:

“Chị ngồi với bao khắc khoải

Những mùa dấu yêu qua rồi

Đã xa ngày xuân mật ngọt

Nụ cười rêu úa trên môi.”

Hình như chị đã kiệt sức với những việc làm vô vọng của chị giờ chị cứ thế với bao khắc khoải với bao khát khao nhưng tất cả đã qua đi. Qua thật rồi, qua lâu lắm rồi giờ chẳng còn gì sót lại. Một chút dấu yêu cũng không còn. Một chút ngày xuân của bướm ong mật ngọt cũng không còn... Nhưng chị lại không thể khóc vì chắc rằng chị chẳng còn giọt lệ nào để khóc thương đời chị nữa rồi. Chị đành cười, thế nhưng trời ạ thà rằng chị đừng cười vì nụ cười của chị chỉ như sợi rêu úa trên môi. Một nụ cười làm tan nát cả cõi người...

“Nửa khuya tôi nghe chị hát

Những bài không tuổi, không tên

Gió thốc vào đêm gầy rạc

Chợt đau chiếc lá bên thềm ...”

Cứ thế nhà thơ cũng thức cùng chị nghe chị hát những bài hát ru, ru trăng, ru sông ru hoa lục bình và ru cuộc đời của chị hết đêm này đến đêm khác. Có lẽ cứ thế chị cứ ngồi bên lở của dòng sông chị hát cho đến lúc tảng đất nơi chị ngồi đã lở xuống dòng sông và.. thật đớn đau vì cuộc đời chị giờ đây đã hiện sinh qua câu câu thơ và cũng là tên bài thơ:

“CHỢT ĐAU CHIẾC LÁ BÊN THỀM”

Phận người mong manh và ngắn ngủi... thế này sao???

NGỒI KÉ NHÀ THƠ ĐỂ LÂY CHÚT DỊU DÀNG

*

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,

Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh

Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com

Điện thoại: 037.224.23.92

.                                         

 

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật nguyên bản từ facebook Nguyễn Xuân Dương ngày 13.06.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét: