(Nguồn ảnh: internet) |
NGƯỜI XƯA
SOI RỌI THÓI HƯ
TẬT XẤU CỦA
NGƯỜI VIỆT
Thỉnh
thoảng đọc lại những bài báo cách đây hơn 70 năm mà cảm thấy ngạc nhiên. Hóa
ra, những thói hư tật xấu của người mình vẫn tồn tại từ lâu và chưa có dấu hiệu
nào sẽ thay đổi. Thời đó, những học giả như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Nguyễn
Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Phan Châu Trinh, Hoa Bằng, v.v. đã viết nhận ra khá
nhiều những thói quen không hay của người mình. Phần lớn là những thói xấu của
giới có học.
Đó
là những thói xấu mà chúng ta hay thấy ngày nay. Nào là tình trạng trống vắng
của đời sống tinh thần, hám chức danh, trẻ em hỗn láo, khôn vặt, ganh tị và đố
kị, v.v. đều được các học giả chỉ ra khá chi tiết. Dưới đây là những sưu tầm
của Vương Trí Nhàn, và tôi sắp xếp lại theo chủ đề để dễ theo dõi.
1. Thiếu giới trí thức
elite
Trí
thức là thành phần rất quan trọng của một xã hội, nhưng Việt Nam đã thiếu tầng
lớp này từ xưa. Trong bài "Đạo đức và luân lý Đông Tây" (1925), cụ
Phan Chu Trinh phê bình giới có học (chứ không phải 'trí thức') như là những kẻ
nói dối, hách dịch và kiêu căng với đồng bào, là đạo đức giả (nói một đằng làm
một nẻo). Ông viết:
"Tôi
thường thấy ở mình kẻ nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút
đỉnh, thuần chỉ nói dối. [...] Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai,
học thức không hơn ai, nhắm lại mình chưa khỏi hai chữ 'đầy tớ người' mà khi ra
đới với đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo là thầy đây! Ta là ông đây!
Chứ không có tự nghĩ cho rằng: Thầy đây, ông đây đã làm được điều ích lợi cho
bọn chân lấm tay bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than
thở rằng đạo đức nước nhà trụy lạc nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu
quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta
không giám theo các ông cũng là phải. Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ
tục của chế độ chuyên chế tạo ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta
không thèm nghe cũng không có gì là lạ."
Tại
sao? Tại vì, theo Đinh Gia Trinh, giới có học Việt Nam "Coi sự giật bằng
là cứu cánh, coi học vấn là phương tiện nên sau khi nhờ bằng cấp đưa nên tài
danh vọng, người ta liền vứt sách cho vở. Rồi lâu dần không hấp thụ được sinh
khí do kiến văn học thức mới mang lại, óc người sẽ han rỉ, cả cái học vấn khi
xưa tích lũy để đi thi cũng tiêu tan mất, để rớt lại họa chăng một mớ danh từ
rời rạc và một vài tư tưởng hàm hồ. Người đỗ đạt xưa kia trở lại thành một
người tầm thường lạ, có khi lạc xuống dưới cả mức trí thức trung bình
nữa." (Học khoa cử, Thanh Nghị, năm 1944).
Trong
một bài viết trên Nam Phong Tạp Chí (1931), học giả Phạm Quỳnh chỉ ra rằng
người Việt có thể ham học nhưng chưa thoát ra khỏi tư cách của người học trò.
Ông viết như sau: "Nước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ví như
một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy quyển sách giáo khoa cũ,
hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái tư cách làm học trò! Ấy
cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn
thế… Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm
học trò Tây mà thôi... chưa mấy ai là rõ rệt có cái tư cách - đừng nói đến tư
cách nữa, hãy nói có cái hy vọng mà thôi - muốn độc lập trong cõi tư tưởng cả.
Như vậy thì ra giống ta chung kiếp chỉ làm nô lệ về đường tinh thần hay sao?
Hay là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá không đủ cho ta cái óc tự
lập."
Mà,
cái hời hợt trong sự học là rất nguy hiểm. Học không đến nơi đến chốn mà ăn nói
lung tung chỉ làm hại mà thôi. Học giả Nguyễn Trọng Thuật, trong "Cùng ai
Trong ban Tây học" (Nam phong, năm 1933) nhận xét rằng:
"Vô
luận Tây học hay Nho học, hễ theo học nó mà không thâm đắc được chỗ tinh thần,
không suy diễn làm ra của riêng mình, không truyền thụ được cho đất nước, thì
đều là hủ bại cả. Mà cái hủ bại ấy mới là hủ bại tày đình, hủ bại cho cả nòi
giống."
2. Kém óc khoa học
Đó
là lời nhận xét và phê bình của cụ Phan Khôi. Trong bài "Người Việt Nam và
óc khoa học" (Tao Đàn 1939), ông viết: "Trong lúc nền học thuật nước
ta bắt đầu độc lập, tôi thấy như ai nấy có huynh hướng về văn học hơn khoa học.
Ấy là cái hiện tượng đáng cho chúng ta không lấy làm mãn ý. Có người đã ví văn
học và khoa học như hai anh chim chích một không bay nổi. Chuyện chuộng văn học
thì lâu ngày nó sẽ thành ra vô thực dụng, cái gương Hán học hồi trước vẫn còn
treo mãi cho chúng ta."
Thiếu
óc khoa học nhưng có xu hướng thực dụng. Học để kiếm tiền và danh, chứ không
hẳn vì học thuật. Học giả Đinh Gia Trinh viết (trong bài "Học khoa
cử" Thanh Nghị 1944): "Coi sự giật bằng là cứu cánh, coi học vấn là
phương tiện nên sau khi nhờ bằng cấp đưa nên tài danh vọng, người ta liền vứt
sách cho vở. Rồi lâu dần không hấp thụ được sinh khí do kiến văn học thức mới
mang lại, óc người sẽ han rỉ, cả cái học vấn khi xưa tích lũy để đi thi cũng
tiêu tan mất, để rớt lại họa chăng một mớ danh từ rời rạc và một vài tư tưởng
hàm hồ. Người đỗ đạt xưa kia trở lại thành một người tầm thường lạ, có khi lạc
xuống dưới cả mức trí thức trung bình nữa." Tuy ông viết là 'người xưa',
nhưng xem ra đây cũng là vấn đề thời sự của 'người nay.'
3. Người Việt có phần
thông minh, nhưng hay khoác lác, trọng hình thức
Ông
Lương Đức Thiệp, trong "Việt Nam tiến hóa sử" (1944), cho rằng người
Việt có phần thông minh, nhưng ít ai có trí tuệ lỗi lạc. Người Việt hiếu học
không phải để hiểu biết mà để có được chức quyền vì miếng cơm manh áo. viết:
"Về
tính chất tinh thần thì người Việt Nam phần nhiều là thông minh, song những
người có trí tuệ lỗi lạc thì xưa nay vẫn hiếm. Nhiều khi từ thông minh không có
chỗ dùng thuận tiện thường lại biến ra não tinh vặt. Trí nhớ của người Việt Nam
rất nẩy nở, đến não tường tượng thì hoàn toàn bị não thực tiễn làm tê liệt. Não
thực tiễn này mở nguồn cho nhiều đức tính khác, cho nên người Việt Nam hiếu học
không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội:
Học đối với người Việt.không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính
là để làm kế mưu sinh."
Sau
này, ông Đào Duy Anh bổ sung thêm: "Về tính chất tinh thần thì người Việt
Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường.
Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực
giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù
hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động.
Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam
ít người mộng tưởng mà phán đoán thường có vẻ thiết thực.
Tính
khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang
hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc. Não sáng tác thì ít, nhưng mà
bắt chước, thích ứng , dung hoà thì rất tài. NgườiViệtNam lại rất trọng lễ
giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo."
4. Nói năng lộn xộn.
Một
biểu hiện ngày nay là không ít những người có học và giới chính trị phát biểu
chẳng có đầu đuôi hay logic gì cả. Nhưng đây không phải là hiện tượng mới, vì
ngay từ 1922 cụ Phạm Quỳnh đã có nhận xét như thế:
"Người
mình không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu
đuôi manh mối cũng ít người nói được. Khi Hội đồng(1) thời(2) chẳng khác gì như
họp việc làng, tranh nhau nói, ồn ào lộn xộn mà ít ai nói được câu gì cho có
nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu vào đâu. Khi yến
tiệc thời đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là nói tiếng
bẩn, ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, cử toạ đều cười ầm cả
lên đến vo đổ nhà, thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn
ra oai mặt sắt chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng nghe
chưa? nghe chưa? thằng dân thưa thốt gãi tai gãi đầu, chỗ nghe những tiếng bẩm
bẩm dạ dạ nói không ra lời. Mấy cậu thiểu niên thời toa toa moa moa ngậu xị cả
đường phố câu chuyện không những vô vị mà thường bất thành ngôn nữa. Thời buổi
nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi chú bếp con bạc làng chơi ả giang hồ cậu
công tử, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta, có nhiều cái xã
hội không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp trong nước được mấy người là
biết nói năng lịch sự? Thật ít quá."
5. Mưu danh bằng cách hạ
nhục kẻ khác.
Một
thói quen của giới có chữ ở Việt Nam là hay tìm cách hạ nhục người khác để nâng
mình lên. Trong bài "Vài cái liệt điểm" (Tri Tân 1942), học giả Hoa
Bằng viết rằng:
"Lắm
kẻ, chỉ vì hám cái phù danh, đang tâm lê gót giày lên trên tình bạn hữu, hạ
chân lý xuống tận bùn đen. Tưởng mình như thánh như thần, ngoài ra, nhất là
những địch thủ, toàn là đàn chim chưa vờ bọng cả. Chưa đọc hết, có khi không
thèm xem qua bài văn của người khác, họ đã dài mồm chê bai. Chưa mở lấy một
trang sách, chưa rờ đến một tờ báo của bạn đồng nghiệp, họ đã yên trí là viết
không thành câu, hạ ngay những lời mạt sát thậm tệ. Trong khi trò chuyện, chỉ
hết sức khoe khoang về mình, còn những người khác dù đã lập được biết bao chiến
công trên trận bút trường văn, cũng chỉ đáng một con số không, theo ý họ."
6. Thiếu sáng tạo cái mới
Cách
đây không lâu, chúng ta đọc báo về những gian hàng triển lãm quốc tế của Việt
Nam vừa đơn điệu vừa nghèo nàn. Nhưng đó không phải là điều gì mới, bởi vì từ
1934, Nhà văn Nhất Linh (thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn) đã viết trên tờ Phong
Hóa (số ra ngày 30/11/1934) như sau: "Mấy gian hàng Hải Dương, Nam Định
vẫn như mọi năm không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy
như sống lùi lại mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt. Đồ đồng
của ta có lẽ nghìn vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái
đỉnh thứ nào cũng nguyên như cũ , hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ
sứ Bát Tràng men trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp, phần nhiều là
bắt chước Tàu”.
***
Những
bài viết và nhận định trên, tuy chưa đủ, nhưng đã vẽ lên chân dung của giới nho
sĩ, hay có thể gọi chung là những người 'có chữ', của Việt Nam thuộc vào thế hệ
đầu thế kỉ 20. Đó là chân dung của những người kém thông thái, yếu kém về khoa
học, nô lệ vào Tàu và Tây về ý tưởng, không sáng tạo ra tri thức mới mà chỉ
nhai lại những kiến thức của Tây Tàu, hay nói chung là thụ động. Nhưng họ lại
rất kiêu căng, hống hách với đồng bào 'ít học'. Họ cũng tỏ ra rất đố kị, ganh
tị với ai có tài hơn họ, và thích hạ nhục người khác để tự nâng mình lên.
Sự
học của họ không phải vì học thuật, mà vì chức danh, quyền, và tiền. Hễ người
ta có chức danh thì bị chê là 'nghèo', nhưng nếu người ta giàu thì bị chê là
'dốt'. Họ dành nhiều thì giờ để chê bai và chỉ trích lẫn nhau, nên cuối cùng
thì họ chẳng đóng góp gì đáng kể cho nền học thuật, cho khoa học, và cho nền
văn học nghệ thuật nước nhà.
Đó
là những nhận định và phác họa chân dung giới có học gần 100 năm trước, nhưng
nếu suy ngẫm lại thì thấy rất thời sự tính hiện nay. Đọc để trước là biết
chuyện, và sau là để tránh những thói quen không hay của những người đi trước.
*.
NGUYỄN
VĂN TUẤN
Địa chỉ: Viện Nghiên cứu Y
khoa Garvan
thành phố Sydney, Australia
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 28.03.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét