ĂN TẾT ... NHẦM!!! - Tác giả: Nhật Tuấn (Hà Nội)

Leave a Comment

 

ĂN TẾT ... NHẦM!!!

*

(Tác giả Nhật Tuấn)

Tổ địa chất chúng tôi hồi đó có 5 người, quanh năm lặn lội trên các đỉnh núi cao mây phủ. Thường thường đêm ngủ võng căng trên những vách đá cheo leo, may mắn mới kiếm được vạt rừng bằng phẳng để “lấy cây làm nhà, lấy lá làm chiếu, lấy sương làm màn”.

Sau một đêm lạnh buốt, chập chờn trong  giấc ngủ, sáng sớm trở dậy nấu cơm, lùa vội 3 bát vào bụng, cuốn tăng võng vào ba lô bắt đầu một ngày leo trèo. Công việc hằng ngày là cầm buá đập vào sườn lấy đá nhét ba lô, sau một tháng mới cử một người mang xuống núi cho phòng thí nghiệm ép nén, phân tích hoặc làm những trò quái quỷ gì đó. Công việc đó là của đám kỹ sư, bọn tôi công nhân chỉ biết leo trèo như 5 con khỉ đột lấy mẫu đá dọc đường.

Vùng núi Tây Bắc, người Mèo thường ở cao nhất. Ấy thế mà chúng tôi vào ngày nghỉ hiếm hoi còn xuống núi chơi bản Mèo. Từ trên cao nhìn xuống bản lố nhô những nóc nhà như tổ chim chênh vênh, và đàn dê phủ kín sườn núi thằng nào thằng nấy chỉ ước bắt một con mổ thịt.

Hồi đó chưa có đồ hộp, bữa cơm hàng ngày của chúng tôi rặt cá khô với bí đỏ là thứ thường trồng trong các bản vùng cao. Ăn đi ăn lại mỗi hai món đó, ngán tận cổ. Một bữa ăn xong, thằng “bần cố nông “đặc sệt biệt danh là “lông-din” từ chữ “nông dân” trệu ra, bỗng hô lớn:

“Đả đảo bí ngô

Ngăn ngừa cá khô ngóc đầu dậy…”

Thằng Tân “khoai lang”, dân Hànội chính gốc nhưng lại chỉ thích ăn khoai lang trợn mắt :

“Không ăn cá khô với bí ngô thì mày ăn gì? Trâu luộc “cả con” nhá?”

Thằng Mậu “mù” vốn hai mắt tí hí “mắt lươn” cười hề hề :

“Trâu luộc cả con thì chẳng dám nhưng giả tỉ có cái đùi dê xơi tái chấm tương gừng thì ôi thôi…còn hơn vào đặc sản…”

Thằng Hòa “tổ ong” vốn rỗ chẳng rỗ chịt dọa :

“Để hôm nào tao lẻn xuống bọn Mèo chặt trộm cái đùi dê mang lên xứ u tỳ này có ma biết …”

Tôi vội vàng quát:

“Cấm…cấm đấy ... thằng nào to gan phạm chính sách dân tộc là rũ tù…”

Tôi phải ngăn chúng nó vì tôi là tổ trưởng. Chao ôi, “quản” cho được 4 con khỉ đột này đâu phải chuyện dễ . Lắm lúc kiếm không ra một khe nước nấu cơm đành nhai gạo sống với bí ngô chúng nó chửi cha cả đảng chính phủ làm tôi hết hồn.

“Chúng mày chửi chế độ đến tai Ban chỉ huy thì tù mọt gông …”

Thằng Tân “khoai lang” gân cổ:

“Sao tới tai Ban chỉ huy được, trừ ra mày mách bố mày ..”

Nếu tụi nó không ngăn chắc tôi đã quại vỡ mồm nó. Làm tổ trưởng chẳng được cái gì, ngoài việc đeo thêm cái đài Orionton bên sườn, chiếc radio Hunggary độc nhất kết nối bọn tôi với xã hội con người. Cứ chập tối, cơm nước xong, tụi nó leo cả lên võng tôi mới trịnh trọng mở đài:

“Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hànội thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.

 Hồi đó năm sáu mươi mấy, tên nước vẫn gọi thế chưa có xã hội chủ nghĩa con mẹ gì. Ở tít trên núi cao, quanh năm chẳng nghe tiếng máy bay, tụi tôi chẳng cần biết Mỹ Mẽo ném bom ra sao, hôm nay bắn rơi mấy máy bay hoặc dũng sĩ miền Nam thi đua “giết giặc lập công” thế nào. Bởi vậy thường thường nghe oang oang tin sản xuất chiến đấu được vài phút là tụi nó đòi chuyển đài nghe ca nhạc. Riêng buổi “tiếng thơ” có  Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm là không bỏ buổi nào..

Dạo đó đã vào cuối Bính Ngọ sắp sang Đinh Mùi. Con ngựa sắp đi con dê sắp đến. Tết đến nơi rồi qua radio đã thấy làng Nhật Tân rực rỡ hoa đào rồi chợ Đồng Xuân đã bán lá dong gói bánh chưng ngày tết. Một buổi tối như thường lệ tôi mở radio.Những tưởng nhạc hiệu “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than” quen thuộc vang lên, ai ngờ tịt mít. Tôi hoảng hồn coi lại pin, coi lại các núm vặn vẫn im thít. Ôi thôi, chiếc radio Orionton hỏng thật rồi, mọi tối nó vẫn oang oang, giờ nó nằm im như cục sắt.

Tụi nó nhao nhao lên chửi bới, tết đến nơi rồi lại tịt đài. Rồi mai mốt sao nghe buổi phát thanh giao thừa tường thuật khắp nơi đón tết.

Đành chịu chứ biết sao giờ? Làm sao mang được về Hà Nội sửa? Không được, một thằng đi bốn thằng ở lại sao lấy được mẫu đá.

Thế là hàng tối cơm xong leo lên võng tất cả chìm vào âm thanh loạn xạ của núi rừng. nào tiếng dế, tiếng gió giật, tiếng “chót thì bóp”… nằm nghe chán tai rồi ngủ lúc nào không biết.

Một tối bỗng thằng Mậu “mù” kêu to:

“Hôm nay hăm mấy tết rồi chúng mày…”

Tôi giật mình…ừ nhỉ, quên khuấy đi mất, không có đài chẳng biết ngày mấy mà ăn tết… Thằng đoán hai mươi hai, thằng đoán ông táo chầu trời , thằng đoán 30 tết cứ nhao nhao cả lên.Tôi đành chơi trò bỏ phiếu và chẳng hiểu sao thằng nào cũng chọn 30 tết. Thằng lông-din gào:

“Mai nghỉ tết thôi… để sớm tao xuống bản kiếm cái gì ăn tết…”

Cả bốn thằng nhao nhao đòi đi, tôi đành ngồi lại một mình trông ba lô, tăng võng. Mãi đến quá trưa chúng mới kéo nhau về cùng với tiếng be be ầm ĩ. Tôi trợn tròn mắt :

“Dê đâu ra? Không lấy trộm của bản đấy chứ?”

Thằng Hòa “tổ ong” cười toe toét :

“Trộm đâu trộm…tụi tao mua đàng hoàng…”

Tôi biết chúng nó để hết tiền ở trụ sở Đoàn địa chất dưới chân núi, làm gì có mà mua, nhưng hôm nay mồng một tết cũng phải có cái gì ăn tết chớ. Tôi chưa kịp nói thằng Mậu “mù” đã cười hô hố:

“Năm nay Đinh Mùi – tết con dê, ăn thịt dê là đúng quá rồi còn gì…”

Thằng lông-din hùa theo :

“Phải đấy…phải đấy…nào thịt đi chúng mày…tế sớm khỏi ruồi…”

Thế là chúng nó hè nhau treo con dê lên cây rồi thằng Hòa tổ-ong, thằng Tân khoai-lang mỗi thằng mỗi gậy cứ thế mà phang vào người con dê làm nó kêu rống lên inh ỏi. Tôi quát:

“Chúng mày ác thế…sao không đập cái cho nó chết ngay…”

Thằng lông din cười hềnh hệch:

“Mày công tử Hànội chưa giết dê bao giờ phải không ? Trước khi cắt tiết phải đập cho nó kêu la ra hết mồ hôi thì thịt dê mới không hôi…”

Hai thằng đánh con dê đến lúc nó thượt ra thằng Mậu “mù” mới giơ tay :

“Thôi được rồi, giờ bắt đầu cắt tiết…”

Tôi bàn lùi:

“Chúng mày lấy nước đâu ra làm thịt dê, thả nó đi cho rồi…”

Thằng Tân khoai-lang cười hô hố :

“Tụi  tao lo hết cả rồi, cứ 5 biđông nước là làm con dê sạch tinh tươm. Thằng Mậu “mù” cắt tiết, nhà nó dưới xuôi chuyên bán thịt dê đấy..”

Thằng Mậu “mù” đắc ý:

“Chúng mày đừng tưởng cắt tiết dê dễ đâu nhá. Trước hết phải khoét một miếng da cổ , lấy chiếc đủa kéo cho đủ 5 tia máu ra, chọn cái tia đỏ mà cắt thì tiết canh mới thơm…”

Nó sai tôi đi lấy ca nhôm Trung Quốc đổ rượu và bỏ vào mấy viên nabica rồi cắt cho tia máu đỏ vọt vào trong chiếc ca. Chẳng mấy chốc ca tiết dê đã đầy, nó quấy lên, nhờ nabica làm sủi bọt, rót ra 5 cái ly cho 5 thằng rồi trịnh trọng:

“Nào cạn ly…uống tiết dê mừng tết con dê…”

Thằng nào thằng nấy làm một hơi. Rồi ngay lập tức tụi nó bật lửa lên thui, một thằng cạo lông, một thằng rót nước chút môt từ trong biđông Thằng  Mậu “mù” trổ tài mổ dê thật diệu nghệ. Loáng cái nó đã đưa lên cái đùi :

“Nào…tái dê chấm muối ớt đây…chỉ tiếc không có tương gừng…”

Hết hai cái đùi rồi đến cái mình, xương sườn bộ đồ lòng nấu cháo.. Suốt chiều cả 5 thằng ầm ĩ ăn uống.la hét mãi đến tồi mới tàn cuộc. Leo lên võng rồi thằng Hoà “tổ-ong” mới than:

“Tiếc nhỉ…không có đài mà nghe ca nhạc mừng Tết Đinh Mùi…”

Ba ngày sau, tôi trằn trọc mãi ngủ chẳng được, gần nửa đêm tôi đánh liều với cái radio mở đài…Bất chợt có tiếng rọt rẹt rồi bất ngờ vang lên tiếng Trần thị Tuyết ngâm thơ:

“Xuân về xin có một bài ca,

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi…

Tin mừng thắng trận nở như hoa…”

Thằng Mậu “mù” hét lên:

“Ối…bác Hồ chúc Tết tụi bay ơi…”

Thằng Hòa “tổ-ong” đang nằm võng ngồi bật dậy:

“Giờ mới giao thừa sang năm mới kìa…”

Tôi điếng người:

“Vậy mà chúng mày đã ăn tết từ ba hôm trước…”

Thằng lông-din cười hô hố:

“Thì mai lại xuống bản bắt con dê ăn tết nữa có sao?”

Tôi quát lên:

“Cấm…cấm đấy … chúng mày còn bắt dê nữa tao báo công an…”

Thằng Mậu “mù” cười cười:

“Thì mày cũng ăn chẳng kém gì anh em đó thôi…”

Tụi nó ồ lên cười làm tôi cứng họng. Tuy nhiên hôm sau không thằng  nào nhắc tới chuyện xuống bản bắt dê nữa. Thật là một cái tết nhầm nhớ đời.

 

Mời thư giãn với nhạc phẩm NGÀY TẾT QUÊ EM

của Từ Huy, qua tiếng hát Hồ Ngọc Hà:

*

NHẬT TUẤN (tên thật: Bùi Nhật Tuấn)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

- VŨ THỊ HƯƠNG MAI giới thiệu -

(Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 05.12.2021.

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.)



0 comments:

Đăng nhận xét