TẬP TỤC ĐÓN
TẾT CỦA MỘT SỐ
DÂN TỘC Ở VIỆT NAM
*
Mỗi dịp Tết đến xuân về,
đồng bào các dân tộc trên cả nước lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết
cổ truyền, mừng năm mới, tạo nên những bản sắc vô cùng đa dạng.
1. Tục vỗ mông của người
H’Mông
Người H’Mông luôn giữ cho
mình những phong tục tập quán riêng trong dịp tết âm lịch. Đáng chú ý nhất là
lễ hội cầu phúc Sải Sán diễn ra vào mùng 2 tết. Trong đó tục “vỗ mông” cũng
được coi là nét văn hóa tiêu biểu của người Mông. Vào ngày này, trai gái khắp
thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng tục kỳ lạ này. Theo tập
tục này, khi đi du xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một
cô gái, anh ta sẽ tiến tức vỗ vào mông người đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa
lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “đối tác” lần nữa. Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại
cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên
thành vợ chồng.
2. Đón giọng gà của dân
tộc Pu Péo
Dân tộc Pu Péo ở Hà Giang
chỉ có vài trăm người, trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại
các xã Phố Là, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh, một
số ít sinh sống tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Người dân tộc Pu Péo luôn quan
niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng
gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc. Chính
vì vậy, đêm 30 Tết khi giao thừa đến, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh
chừng mấy chú gà trống. Khi thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là các chàng trai
này phải đốt ngay một quả pháo ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi
nhau gáy, ngay lập tức tất cả những người trong gia đình và hàng xóm xung quanh
cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà gáy.
3. Lễ bắt chồng ở Tây
Nguyên
Khi Tết nguyên đán đến,
đồng bào các dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng.
Lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về
thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu
cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một
đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7
ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ
thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận. Trước khi cưới một ngày,
buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Trong đêm hội này, chàng
trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số
câu luật độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải
hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với
nước…”. Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho
nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại
nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.
4. Người Lô Lô đi ăn
trộm lấy may
Người Lô Lô sinh sống
trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) từ nhiều đời nay vẫn tồn tại một tập tục
lạ gọi là “khù mi” (ăn cắp chơi – ăn cắp lấy may). Đồng bào Lô Lô ở Hà Giang
luôn quan niệm rằng vào thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được
một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành. Do đó, tối 30 Tết, mỗi
gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô
đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng
trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4… tức chưa đủ 12 mà đã bị
phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó
thì phải kiêng kỵ không được làm những công việc lớn do sợ rủi ro.
5. Người Thái gọi hồn
vào dịp Tết
Một tục lệ không thể
thiếu và là nét đặc trưng của người Thái vào ngày Tết là tục gọi hồn. Theo đó,
vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên,
một con gọi hồn cho những người trong nhà.Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành
viên trong nhà, bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai. Tay
thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng và gọi hồn. Sau khi gọi
khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang của gia đình này gọi thêm một lần
nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của
gia đình đó để trừ tà ma.
6. Người Pà Thẻn với tục
“thờ bát nước lã”
Trên mỗi bàn thời của
người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm.
Bát nước này phải luôn được đậy kín vào không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ
đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào. Vào đêm
giao thừa, nhà nào cũng sẽ đóng kín cửa, từ cửa ra vào, cửa sổ, cửa hậu…, cẩn
thận cài then vào bịt hết những lỗ hở ra ngoài. Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát
nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến. Những
hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu
những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm
sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên,…
7. Người Nùng với tục
“không làm bánh ngày chẵn”
Người Nùng cũng đón Tết
gần giống với người Kinh. Bữa ăn đêm giao thừa luôn được coi trọng nhất, và
nhất thiết cũng phải có bánh chưng. Nhưng điều đặc biệt là trước đó mấy ngày,
người Nùng không bao giờ gói bánh vào những ngày lẻ. Người dân tin rằng những
ngày chẵn không may mắn, nếu cố tình gói bánh chưng vào ngày đó thì nương ruộng
dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng,…Sang đến sáng mùng một Tết, người Nùng
cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong gia đình và
trên cả mỗi góc cây trong vườn nhà, chuồng trại. Họ thắp hương cầu thần linh
phù hộ cho mọi việc đều suôn sẻ trong năm mới.
8. Hát sắc bùa trong
ngày tết của dân tộc Mường
Hát sắc bùa là một trong
những phong tục không thể thiếu của người Mường vào dịp Tết. Việc diễn sắc bùa
cồng chiêng trong dịp đầu năm vừa mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp, lại
vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm xua đuổi ma quỷ, cầu an lành, mưa
thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gắn kết cộng đồng.
9.Gọi trâu về ăn Tết
Từ mấy ngày trước Tết,
người Mường ở Hòa Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía
trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia
chủ cấy cày. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản
xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết
với gia đình. về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng,
làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng
cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
10. Gội đầu bằng nước
gạo chua của người Thái trắng
Vào chiều 30 Tết Nguyên
đán, người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu để xua đi tất cả những gì không
may mắn trong năm. Họ còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi
xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật
tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ.
11. Xem bói gan lợn
thiến của người Hà Nhì
Trong ngày Tết của người
Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù
giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Đây
là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự
nuôi lấy. Nhà có điều kiện mổ lợn từ 60-100kg hoặc 150kg, nhà khó khăn cũng mổ
lợn 40-50kg. Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan được người Hà Nhì dùng để xem bói. Nếu
lá gan lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi
phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
12. Ném xôi lên mái nhà
và tết ăn than của người Giẻ Triêng
Người Giẻ Triêng sống chủ
yếu ở Quảng Nam
và Kon Tum đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Vì trong
ngày Tết người Giẻ Triêng quan niệm rằng ai dính nhiều tro đốt từ than thì nhất
định sẽ may mắn và thu hoạch màu màng tươi tốt. Để có thể dính tro than, trước
Tết 3 ngày, các chàng trai cao to sẽ được cử lên rừng đốt củi thành những đống
than lớn và mang về làng. Ngoài ra, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ
khô rồi đốt lên thành tro. Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính
được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất. Người Giẻ Triêng cũng sẽ cầm một
nắm xôi ném lên mái nhà, nắm xôi của ai dính lên đó sẽ năm mới người ấy sẽ có
100 gùi lúa.
13. Người Cao Lan dán
giấy đỏ từ nhà tới chuồng gà
Người Cao Lan ăn Tết từ
cuối tháng Chạp tới tháng Giêng. Họ cùng Tết ở nhà riêng lẫn đình làng và họ
vẫn còn giữ tục lệ lấy nước giếng ở đình làng để thờ cúng. Trước Tết khoảng 2
ngày, người Cao Lan mang giấy đỏ dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên,
cối xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà. Vì giấy đỏ chính là biểu tượng của
niềm vui, sự tốt lành.
14. Phong tục cúng trâu
của người H’rê
Theo phong tục, Tết của
đồng bào Hrê kéo dài vài tháng liền. Bởi vậy mỗi gia đình phải lo nấu thật
nhiều bánh tét, ủ thật nhiều rượu và chuẩn bị vài con trâu để đãi buôn làng.
Vào ngày Tết thứ hai, khi tiếng gà rừng cất tiếng gáy, Người dân H’Rê phải dậy
để làm lễ cúng trâu. Đối với họ, con trâu là cánh tay đắc lực, giúp kéo cày,
bừa, giải quyết lúc gia đình khó khăn… Vì thế, lễ cúng trâu đặc biệt quan
trọng. Trong lễ cúng trâu, họ chuẩn bị một nghi lễ tươm tất: Con gà sống, rượu,
trầu cau… Họ trải chiếu hoa trước cổng chuồng trâu để làm lễ, khấn vái cầu mong
cho con trâu khỏe mạnh, mập tròn như trái sim, để kéo cày, bừa tốt, đẻ được
nhiều con.
Mời thư giãn với nhạc phẩm LẮNG NGHE MÙA XUÂN VỀ
của Dương Thụ, qua tiếng hát Bằng Kiều và Hồng Nhung:
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
.
……………………………………………………………………………………………………………………………………..………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email
ngày 10.12.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Cám ơn tác giả Vũ Thị Hương Mai nhưng giá như bài viết giới thiệu thêm một số phong tục đón tết của các dân tộc thiểu số khác nữa thì thật hay
Trả lờiXóa