VỤ HIẾP DÂM Ở BÁO VĂN NGHỆ: TIẾNG NÓI CỦA LƯƠNG TRI - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

VỤ HIẾP DÂM Ở BÁO VĂN NGHỆ:

TIẾNG NÓI CỦA LƯƠNG TRI

*

Tác giả: Nguyễn Thành Phong

CHUYỆN RẤT BUỒN TỪ VĂN NGHỆ TRẺ

Tôi thấy rất bất ngờ và trào lên một cảm giác chua xót, giận dữ khi tiếp cận câu chuyện xảy ra giữa Dạ Thảo Phương và Lương Ngọc An ở Văn nghệ Trẻ cách đây hơn 20 năm.

Đây là vụ việc diễn ra sau khi chúng tôi đã rời đi. Chúng tôi ở đây là ba người: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập và tôi giai đoạn ban đầu, sau đó là một vài người khác nữa, rất có tên tuổi và tư cách, cùng xúm tay vào nhiệt huyết làm ra tờ Văn nghệ Trẻ. Tờ Văn nghệ Trẻ số đầu tiên ra mắt vào đầu tháng 9/1995.... Chúng tôi rời đi vào khoảng thời gian nửa đầu năm 1999, tâm trạng không vui vẻ gì, sau gần 4 năm cống hiến cho tờ báo. Còn câu chuyện đang đề cập ở đây diễn ra vào cuối năm 1999 và năm 2000.

Sau khi rời Văn nghệ Trẻ, tôi liền khoác ngay ba lô lên đường đi làm phóng viên, đi khắp các nơi, rồi về nhà ngồi viết bài, viết sách, không mấy chú ý đến những chuyện đang xảy ra ở báo Văn nghệ, dù tôi vẫn còn là người của báo cho đến khi chuyển hẳn sang cơ quan khác vào tháng 8/2002.

Tôi nhớ vào thời gian sau khi Văn nghệ Trẻ đã bắt đầu có tăm tiếng thì Dạ Thảo Phương và Lương Ngọc An xuất hiện ở đây. Tôi không chú ý họ xuất hiện từ đâu, từ ai. Họ xuất hiện để làm việc thì tôi và các anh làm Văn nghệ Trẻ để cho họ làm việc. Ban đầu là giao cho làm các công việc hành chính, tiếp cộng tác viên, đi đặt bài, đi nhận bài, rồi tiếp theo là công tác tòa soạn, giao dần cho biên tập tin bài.

Trong mắt tôi, Dạ Thảo Phương là một cô bé mơ mộng, nhí nhảnh, làm việc say mê. Có lúc chậm việc, tôi còn quát cho, cô bé dân dấn nước mắt, báo hại, có khi tôi phải xuống giọng dỗ dành... Còn Lương Ngọc An thì tận tụy, chả có gì đáng chê trách, ngoại trừ sau này xảy ra chuyện Văn nghệ Trẻ in truyện ngắn "Đi" của Nguyễn Bình Phương và tôi bay mất chức. Tôi sẽ viết về vụ việc này vào một dịp khác.

Vì thế, sau đó có nghe loáng thoáng chuyện anh chị này quan hệ tình cảm với nhau, xô xát với nhau ngay tại tòa soạn, thì tôi chả chú tâm. Tuổi trẻ mà, chấp làm gì. Rồi đến lúc Dạ Thảo Phương buồn bã chuyển đi, không hề trở lại...

Bây giờ là biết câu chuyện này. Tôi cũng nghĩ thoáng như nhiều người, tuổi trẻ yêu đương, tự nguyện dâng hiến rồi ghen tuông, xô xát, là chuyện bình thường. Nhưng tôi cũng như nhiều người, căm ghét chuyện bạo lực, cưỡng ép, lợi dụng... Không biết sự thật vụ việc này đến đâu, nhưng đây là câu chuyện rất đáng phải căm ghét. Hơn nữa, nó đã đẩy một cô gái mơ mộng, nhí nhảnh, say mê với công việc và sáng tác, vào một đoạn đời khốn khổ, đau đớn (như những gì cô ấy đã viết). Tôi không thể tin được là chuyện như thế này lại đã xảy ra ở chỗ chúng tôi từng làm việc.

Tôi đã từng nghe chuyện có những người bị xâm hại tình dục, họ im lặng đến tận trước khi chết, rồi cũng phải nói ra để thanh thản nhắm mắt. Có những người im lặng rất lâu, luôn luôn lo sợ bí mật sẽ bị lộ ra với ai đó. Rồi đến một thời điểm nào đấy, họ thấy mình đã đủ sức đương đầu thì nói ra để đối mặt, để không còn phải lo sợ nữa... Còn nhiều lý do khác nữa mà ta không thể biết hết khiến nhiều người khác im lặng hoặc nói ra mà chúng ta cần chia sẻ hay thấu hiểu.

Một vụ việc, nhìn từ góc độ nào cũng chua xót, phải mất thời gian rất lâu sau đó, mới được nói ra. Và nói ra là tốt hơn thay vì giấu kín nó đi.

Tôi nghĩ, những người có trách nhiệm đã không làm đúng nhiều điều gì đó để khiến một vụ việc như thế phải âm thầm giấu kín đến 23 năm lại xuất hiện trở lại, kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Là một người đã từng chịu trách nhiệm về tờ Văn nghệ Trẻ một thời gian, nhiều người đã gọi hỏi tôi về câu chuyện này. Tôi chưa có đủ thông tin để trả lời. Nhưng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải nói gì đó.

Về pháp luật hình sự, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm vụ việc này. Nhưng về khía cạnh nhân phẩm, tư cách và lương tâm của những người liên quan thì không bao giờ có quy định về thời hiệu xem xét cả.

Phải có một cách thức nào đó để đối mặt với câu chuyện này, để đưa ra những phán xét và xử lý. Phải làm sao đó để lương tâm và nhân phẩm không bị đánh tháo!

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.thanhphong.319247/posts/1841002546105243

 

 

 

Tác giả: Hà Quang Minh

VỀ VỤ DẠ THẢO PHƯƠNG

Có vài người bạn viết lách có nhắn tôi “Minh viết vài dòng về chuyện của Dạ Thảo Phương đi”. Thú thực, tôi định không viết gì vì mình không nắm được sự thật đầy đủ nên cần phải có sự thận trọng nhất định. Xã hội hiện đại, với nhiều công cụ, dễ khiến chúng ta xúc cảm nhanh mà bỏ quên nhiều thứ đằng sau. Một vụ tố cáo nào đó mà nạn nhân tố cáo là nữ và thủ phạm bị tố cáo là nam, chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng chọn đứng về phía nạn nhân nữ. Song, sẽ có những việc nếu không suy xét kỹ, thậm chí hồ đồ, chính chúng ta có thể sẽ giết lầm một nạn nhân khác, là nam giới với những hệ luỵ đến cả thân nhân của họ.

Riêng trường hợp của Dạ Thảo Phương, tôi tin là Dạ Thảo Phương ít nhất là có bị bạo hành. Cơ bản, bản tường trình được viết bởi anh Nguyễn Lê Tâm, một đồng nghiệp có đạo đức đang công tác cùng toà soạn, và ở đó có cả sự làm chứng của những nam nhân uy tín như hoạ sỹ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến…

Đứng ở giác độ niềm tin riêng này, tôi viết vài dòng trong một giả định ”Sự kiện này có thật”. Thứ nhất, vì tôi cũng biết chị Dạ Thảo Phương, từ hồi đi dự Hội nghị viết văn trẻ với nhau hồi 1993 hay 1994 gì đó. Thứ hai, vì không muốn sẽ có những tương tự xảy ra.

Sự việc xảy ra đã 23 năm, Dạ Thảo Phương mới có thể lên tiếng. Đó là một sai lầm. Nhưng dù sao, chị lên tiếng còn hơn là cứ cầm tù mình trong ám ảnh ấy suốt cuộc đời. Chị lên tiếng không chỉ cho mình chị mà mang tính cảnh báo xã hội là phần nhiều.

Chính sự chậm trễ, không quyết liệt này dẫn tới hệ luỵ là bằng chứng gần như không có. Pháp y là không thể rồi. Phải có pháp y mới xác thực được có chuyện người kia hiếp dâm Dạ Thảo Phương hay không. Còn đối chất thì thực sự mong manh lắm. Dù sao, đối chất cũng chỉ là lời. Kinh thánh viết “Mọi sự khởi từ lời” nhưng lời của nguyên/bị đơn ở trước toà thì khó có sức nặng hơn một bản cung.

Hành vi duy nhất có thể xác định lúc này chỉ là hành động bạo lực của người kia với Dạ Thảo Phương, cũng qua bản tường trình (là lời) của anh Nguyễn Lê Tâm. Cái ngón tay bị cắn bật máu của Dạ Thảo Phương không còn nữa, dù vết sẹo trong lòng còn dài, và thậm chí chưa lành. Bằng chứng cuả Dạ Thảo Phương yếu quá.

Và Dạ Thảo Phương sẽ phải đưa sự việc tới đâu? Đây chính là câu hỏi mà chính chị phải giải đáp. Không thể chỉ là một bản ghi trên facebook. Nó chỉ kéo theo dư luận chứ nó không mang lại hình phạt đủ thích đáng và đầy đủ với kẻ phạm tội. Chị cần phải đưa ra toà. Mà nếu đưa ra toà như một vụ kiện dân sự thì cũng không được đầy đủ. Đây là hành vi hình sự. Cơ quan thẩm quyền phải là các cơ quan điều tra. Để đi đến tận cùng, với Dạ Thảo Phương lúc này, là rất vất vả.

Dạ Thảo Phương có chia sẻ, chị xuất thân trong một hoàn cảnh gia đình thế nào nên do đó chị chần chừ và do dự bởi không muốn ảnh hưởng đến cha mẹ mình. Cái day dứt này khiến chị không thể vùng lên ngay lúc xảy ra sự việc dù chị có sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp nam trong báo Văn Nghệ. Và đây chính là mấu chốt của câu chuyện mà tôi rất muốn bàn tới. Đó là Bây giờ hay Bao giờ?

Các bạn nữ bị xâm hại không thể chờ đợi, không thể do dự chỉ vì sợ ảnh hưởng danh dự gia đình để rồi bỏ qua thời điểm quan trọng nhất trong tố tụng. Gia đình không sống dùm các bạn. Dạ Thảo Phương đã tự cầm tù mình trong ám ảnh 23 năm nay và các bạn đừng lặp lại sai lầm ấy của chị. Thương chị Dạ Thảo Phương vì 23 năm ấy là gì? Là tuổi trẻ, là khát vọng, là bao nhiêu thứ tươi đẹp cuối cùng bị chôn vùi trong một nhà lao vô hình chỉ vì cái sợ hãi danh dự như một thứ bóng đè. Các bậc cha mẹ cũng cần phải hiểu, danh dự của mình và danh dự của con mình gắn liền mật thiết với nhau như thế nào và cách lấy lại danh dự không thể là im lặng và chấp nhận. Phải ”nổ súng” khi cần. Tinh thần quyết liệt ấy mới chính là tinh thần để được sống chứ không phải tồn tại vô hình.

Nếu 23 năm trước Dạ Thảo Phương lên tiếng, chắc chắn rồi kiểu gì chị cũng tìm được công lý. Tôi tin là vậy. Chị có bè bạn đứng bên cạnh mình, không chỉ những người làm chứng như anh Lê Tâm, anh Thành Chương mà còn cả những bạn bè báo chí sẵn sàng cất lên tiếng nói đồng vọng đòi công lý, đủ tạo áp lực để không nén bạc nào đâm toạc được tờ giấy. Tiếc cho 23 năm chấp nhận tủi hờn của Dạ Thảo Phương nhưng cũng phải cảm ơn chị đã cất lên tiếng nói muộn màng, vì nó sẽ là một tham chiếu hành động cho rất nhiều nạn nhân nữ khác của ngày hôm nay, ngày mai.

Chúc Dạ Thảo Phương sẽ tìm được sự bằng an trong lòng mình. Cầu cho không còn những nạn nhân tương tự như chị nữa. Chỉ khi ấy, chúng ta mới dám khẳng định xã hội mình đang sống là văn minh.

Nguồn: https://www.facebook.com/quangminh.ha1/posts/10166381552340512

 

 

 

Tác giả: Hoàng Nguyên Vũ

NỖI SỈ NHỤC LỚN CỦA LÀNG VĂN NGHỆ

Nỗi sỉ nhục lớn nhất của làng văn nghệ: Nữ nhà văn tố cáo kẻ cưỡng hiếp cô 23 năm trước tại trụ sở báo Văn nghệ và muôn vàn kẻ còn đi tấn công nạn nhân!

Trước nay tôi vẫn nghĩ, giới văn chương với không ít kẻ quen thói bỡn cợt với phụ nữ, với những kiểu đùa vô duyên và không ít sự bẩn bựa, nhưng việc tấn công tình dục một nữ nhà văn, ngay tại trụ sở làm việc của một tờ báo tập trung các “tinh hoa văn học”, là chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Nạn nhân, nhà thơ Dạ Thảo Phương, là nhân chứng sống. Tất cả những ai làm chứng cho cô qua bản tường trình (hoạ sĩ, nhạc sĩ Lê Tâm; hoạ sĩ Thành Chương; nhà thơ Phong Điệp, cùng rất nhiều nhân chứng khác), hiện đang còn sống.

Bao lần họp hành, bao lần tường trình, bao lần ra văn bản về câu chuyện này. Nhưng rồi mọi thứ chìm đi như thể cô gái ấy nhỏ đến mức rơi rớt cùng nỗi đau của mình, chẳng ai bận tâm cả.

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, một người thân thiết với Dạ Thảo Phương, cũng đã lên tiếng kể về những ngày sống như không còn sống, những ngày Phương luôn nghĩ về cái chết ngày đó và nhiều năm sau đó.

Có nghĩa là, không quá khó để xác định sự thật, phía sau câu chuyện đau lòng 23 năm trước, kéo dài trong 2 năm trời, của một cô gái trẻ thân cô thế cô; và một anh lái xe “đúng quy trình” được nâng đỡ trong sáng lên đến chức Phó Tổng biên tập của hiện tại.

Nói gì thì nói, bình phẩm gì thì bình phẩm, một người phụ nữ giờ ấm êm với chồng ở nước ngoài và đã có 2 đứa con, chắc chắn sẽ không có mục đích gì khác ngoài việc tự giải thoát những đau buồn cô ấy phải chịu suốt 23 năm qua.

Nếu có sự thù hận, hay trả thù trong trường hợp này, tôi nghĩ hết sức bình thường. Chúng ta ủng hộ việc trả thù ấy, vì kẻ ác nhân, chắc chắn sẽ phải nhận lại những gì đã gây ra.

*

Muôn vàn câu hỏi đặt ra từ nghi kỵ cho đến giễu cợt, từ chứng tỏ “à chuyện đấy tôi đã biết” cho đến những lời lẽ chat chúa cay nghiệt tấn công nạn nhân, tất thảy đều không nên có trong trường hợp này.

Chuyện t.ấn công t.ình dục phụ nữ là việc làm bại hoại đạo đức xã hội, bất cứ ai cũng cần đồng hành nói “không”, vì những người phụ nữ ở ngay cạnh chúng ta, là người thân của chúng ta, bạn bè của chúng ta.

“Chuyện đấy tôi đã biết” mà im lặng, chẳng khác gì đồng loã với tội ác. Hoặc chứng tỏ mình biết và t.ấn công lại nạn nhân bằng một lý do nào đó, là thứ kh.ốn nạn nhất trên đời.

Có người hỏi tại sao tận đến 23 năm, tại sao bạn không nghĩ cho nạn nhân 23 năm đó họ đã sống cuộc sống như thể họ đã chết? Bạn không nghĩ họ đã đớn đau thế nào?

23 năm chứ thậm chí cả trăm năm, sự thật cũng cần vén màn và trả mọi thứ về đúng chỗ, để lẽ công bằng muộn màng thực hiện đúng chức năng của mình.

*

Dạ Thảo Phương khó khăn lắm mới viết ra những dòng như m.áu mình trên những trang giấy và post một cách dũng cảm tối hôm qua.

Trước đó, chị đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nói hay không nói: Nói thì nhẹ một chút nhưng 23 năm rồi, cuộc sống cũng dần trở lại yên bình sau giông bão.

Mà không nói, không lẽ ôm nỗi ấm ứt uất hận nhiều lần đến mức muốn tự t.ử, không lẽ ôm xuống mồ? Kẻ kia thì còn đó, lại thăng quan tiến chức ầm ầm, nói những điều đạo lý mỗi ngày. Không nói, sẽ còn biết bao nạn nhân nữa đây?

Nghĩ đến những lần cô gái trẻ bị tấn công ngay chỗ làm việc, bị đánh, một lần rồi nhiều lần tại nơi làm việc đó, đến mức có th.ai rồi ph.á thai, phá th.ai xong lại bị kẻ đó t.ấn công tiếp vì “anh thích làm khi em đang buồn, anh sẽ thấy em đẹp hơn”, tôi không thể chịu đựng nổi.

Đã vậy, cô gái còn bị lãnh đạo tờ báo hăm doạ, rồi bị vu khống, bị đuổi việc, đẩy vào tình thế sống không ra sống tồn tại không ra tồn tại. Còn kẻ kia thì vẫn được ưu ái nâng niu, từ một gã lái xe vèo một cái lên các chức vụ cao hơn.

Cái quái quỷ gì đã xảy ra ở nơi đó và cái quái quỷ gì đang hiện hữu trong cuộc sống này với những cảnh tượng như thế?

Phương có hỏi tôi trước đó, vài bạn bè và người thân can ngăn đừng nói ra, nhưng tôi ủng hộ.

Tôi nói với Phương, chị cứ mạnh mẽ lên, đây không đơn thuần là vấn đề cá nhân nữa mà là vấn đề thời đại, vấn đề bảo vệ phụ nữ, hãy dồn hết can đảm nói ra, mỗi người sẽ ở bên chị và câu chuyện 23 năm trước sẽ có lối thoát thay vì ám ảnh như hiện tại.

*

Tôi thấy đây là một nỗi sỉ nhục lớn nhất của làng văn nghệ ở thời điểm này. Những “tinh hoa tinh tinh” văn đàn mũ cao áo dài không bảo vệ một cô gái yếu thế thời điểm đấy, thì nói gì đến cái đẹp đẽ hoa mỹ của văn chương?

Ngay tại trụ sở một tờ báo văn lớn nhất quốc gia, tiếng kêu cứu và bao người làm chứng, kẻ tấn công vẫn từng bước đi lên vèo vèo ở cái nơi ấy còn cô gái gần như bị tước đoạt cả một chặng đời. Còn điều gì mỉa mai hơn cái cảnh tượng này không?

Hay là văn chương này, xã hội ấy, đàn ông kia, cho phép điều này xảy ra và kết thúc theo cách mình muốn?

Và cả những người đàn bà đến giờ vẫn cao giọng: “Chúng nó yêu nhau, đưa nhau đi khắp nơi, con này a,b,cd”, làm ơn, ngậm những cái mồm thối lại. Yêu nhau giả sử có đi chăng nữa thì việc t.ấn công tình dục là một câu chuyện khác.

Nếu tình yêu là cảm xúc thì tấn công tình dục là bệnh lý, là ung nhọt xã hội. Bao người vợ vẫn bị bạo hành tình dục đấy thôi, hay các cô các anh có cái vui thú này để thấy những gì nạn nhân chịu đựng là bình thường, là đáng mỉa mai hỡi những kẻ “đạo đức”?

Chuyện kéo dài suốt từng ấy năm và chìm xuồng đi cũng vì cái sự k.hốn n.ạn như thế của các người thôi! Hãy sám hối đi, nếu còn kịp!

Nguồn: https://www.facebook.com/hoangnguyenvunhabao/posts/10209014743482070

 

 

 

Tác giả: Đinh Đức Hoàng

NHỮNG BÌNH PHẨM HÈN HẠ

Một đêm muộn, nhà thơ Dạ Thảo Phương gọi cho tôi từ Đức. Chị bày tỏ sự bối rối trước những điều chính mình đang nghĩ và cảm thấy. Chị gửi cho tôi biên bản của một cuộc cưỡng hiếp, bạo hành, vu khống và hãm hại chính trị từ hơn 20 năm trước - dài nhiều nghìn chữ. Những gì tôi đọc đêm đó tạo cảm giác đau đớn và dằn vặt hơn những gì các bạn đọc bây giờ rất nhiều. Văn bản trên mạng bây giờ, đã là một sự kìm nén cảm xúc của tác giả.

Tôi đã khách quan và sẽ khách quan. Tôi nói với nữ nhà thơ, rằng tất cả những điều này, về một con người khác, chỉ có chị có thể chịu trách nhiệm. Không ai nói thay lời chị được. Tôi cũng không thể khuyên chị nên tố cáo, hay đừng tố cáo. Khi người ta đang khủng hoảng, đẩy người ta về đâu cũng là tạo nghiệp, khuyên gì cũng là tôi có tội. Chị tự quyết định. Tôi chỉ bảo, vì chị nói rằng tâm lý mình đang yếu – mà không ai biết rằng cuộc công bố này có thể dẫn đến đâu – nên chị hãy tìm cách giải quyết tâm lý của mình trước khi làm bất kỳ điều gì, vì khi đã bàn đến “trầm cảm”, thì kẻ thù số 1 cho tính mạng của chúng ta, chính là bản thân mình.

Hôm nay chị đã quyết định xuất bản lời tố cáo. Đẩy viên đá từ đỉnh đồi và nhìn nó lăn, chấp nhận đất có thể sụt dưới chân mình. Dù tôi tin những gì đã đọc, nhưng đó là một cảm giác rất cá nhân, tôi không có ý định thuyết phục người khác tin theo.

Tôi viết status này chỉ để chia sẻ một điều. Lác đác đã có người hỏi: “Tại sao đến giờ mới tố cáo?”. Hơn hai mươi năm rồi, chẳng phải thế là vô lý hay sao? Tôi sẽ chỉ phân tích một đoạn ngắn trong status của Dạ Thảo Phương, để nói về một điều mà tôi hiểu.

Đó là khi nữ nhà thơ nói rằng chị muốn tố cáo, vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân, và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng.

Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu “Con này thật ra cũng là loại...”, hoặc “Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo...”, hoặc “Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là...”.

Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị - rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia; vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà; vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố; và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu (thề).

Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay trong thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính; ngay trong thời điểm bạn bình phẩm “con này gài bẫy (ấy mà)”, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: “Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? Trong chuyện này không có gì để xem xét hết, nhân phẩm con cặc. Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi đéo nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.

Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực.

Tất nhiên, bạn biết tính tôi, ngày thường đọc những điều đó, tôi chỉ lầm bầm: “ĐM bọn hèn hạ”, rồi đóng facebook đi làm việc. Nhưng hôm nay, tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: “Chẳng qua là” và “Con này cũng là loại”. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.

Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới - vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ “cũng phải như nào thì thằng kia mới thế”. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân.

Kịch bản mà Dạ Thảo Phương viết trong lời tố cáo của mình, rằng một tay đàn ông có thể dễ dàng diễn ngôn một cuộc lạm dụng tình dục, có đơn tố cáo, thành (Thật ra là) lúc đầu đồng thuận nhưng (chẳng qua là) chia tay cô ấy muốn làm ầm lên, vì sao đó vẫn rất dễ tưởng tượng. Dù đã hai mấy năm đi qua và xã hội tưởng đã rất trưởng thành.

Nguồn: https://www.facebook.com/hoangfaver/posts/10216201075059566

 

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Những nhân chứng vụ hiếp dâm ở báo Văn Nghệl

- Kẻ từng hãm hiếp tôi đang là Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệl

 


Mời nghe đọc truyện ngắn CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ

của Đặng Xuân Xuyến, do Khề Khà Truyện diễn đọc:



 

 

 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)



0 comments:

Đăng nhận xét