TÔI ĐÃ CỐ BÁM LẤY ĐẤT NƯỚC TÔI - Tác giả: Phạm Vũ ; Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu

Leave a Comment

 

TÔI ĐÃ CỐ BÁM LẤY

ĐẤT NƯỚC TÔI

*

Hơn chục cú đánh, đạp thẳng vào người. Hơn chục lần dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu đối phương. Chiếc xe máy của người nạn nhân ngã chỏng chơ trên nền đất. Hai thanh niên bị đánh như hình ảnh thường thấy trong những bản tin về kẻ trộm chó, chỉ biết lùi vào góc tường, lấy tay che đầu, đỡ đòn chịu trận. Đó là những gì mà hai “con người” mặc đồng phục cho thấy là “lực lượng cảnh sát nhân dân” ra tay với hai thanh niên không to cao hơn họ, lưng mang balo, không một lần chống trả.

Trận đấu lấy mạng người diễn ra gần ba phút. Sau đó, một chiếc xe cảnh sát khác trờ đến. Không biết nhóm mặc áo xanh, áo vàng đó giải quyết thế nào, tính toán gì với nhau. Có vẻ họ cùng bỏ đi sau khi diễu võ dương oai.

Cũng không rõ hai thanh niên kia đã phạm tội tày đình gì và đắc tội gì, chỉ biết theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, “hai thiếu niên đi xe máy nghi không có giấy phép lái xe. Khi lực lượng ra hiệu dừng, hai thiếu niên không chấp hành mà bỏ chạy nên lực lượng cảnh sát giao thông đuổi theo. Khi đến vựa thu mua tôm thuộc xã Vĩnh Hải, cảnh sát giao thông mới đuổi kịp.”

 


Thì ra, lực lượng Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tức giận vì phải chạy đuổi theo hai thanh niên kia một đoạn đường. Toàn bộ chi tiết của đoạn video đang gây tức giận trong dư luận chỉ được phơi bày bấy nhiêu, cộng thêm cách xử lý làm dịu cộng đồng là “tạm đình chỉ công tác bốn chiến sĩ vụ clip công an đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy” (tựa bài của Tuổi Trẻ).

Với những gì đang diễn ra trong thực tế trong xã hội Việt Nam, thì đoạn video dài khoảng bốn phút đó không phải tình huống bất ngờ. Nó chỉ làm tăng thêm độ dày của thước đo về sự man rợ của một xã hội, một bày đàn đang nhân danh là “lực lượng của dân, do dân, và vì dân.”

Chỉ vài ngày trước thôi, dư luận truyền nhau bức thư tuyệt mệnh của cô giáo Võ Thị Hồng Phúc (33 tuổi, quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) với lời lẽ phủ đầy cay đắng: “Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả, thật kinh tởm”… Toàn bộ lá thư là một dấu hỏi lớn không bao giờ có lời giải đáp. Bao nhiêu định nghĩa, câu nói cao đẹp về nghề dạy học đã bị bỏ sông bỏ bể trong lá thư tuyệt mệnh đó. Một lá thư cho thấy sự cô đơn vô cùng tận của một con người. Ngay cả khi chết rồi, chỉ cầu mong đừng để thấy mặt nhau, hỡi những đồng nghiệp!

Trong một câu ngắn ngủi nhưng đầy mâu thuẫn: “nghề cao quý” và “thật kinh tởm.” Cô đang thương xót cho chính mình hay đang muốn chỉ thẳng tay vào một hệ thống giáo dục đang suy đồi đến cùng cực, mỉm cười rồi ra đi?

Không ai biết được nguyên nhân của cái chết thương tâm đó. Chỉ biết rằng, nếu cái chết của cô là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những quan quyền giữ chức vụ đào tạo một thế hệ làm cho “non sông Việt Nam vẻ vang, dân tộc Việt Nam vẻ vang” thì đó là sự hy sinh. Nhưng điều đó, không một ai trong xã hội “sống hôm nay không biết ngày mai” này có thể dám tin được. Mà nếu như thế, thì một ngày nào đó, sẽ có một cô giáo Phúc thứ hai, một thầy giáo Phúc thứ ba. Nó tiếp tục như thế cho đến khi hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn đã mục rửa, sẽ không còn con lươn, con rạch nào để đò có thể qua sông.

Cuối ngày mai, ngày mốt, ngày nọ, video cảnh sát đập vào đầu thanh niên, hay bức thư trăn trối kia sẽ lại là những nốt nhạc góp thêm độ dài vào phần “outro” cho bản nhạc đám ma của một chế độ. Trong một xã hội mà “mạng người như cỏ rác” đó, có bao nhiêu cô giáo Phúc, bao nhiêu người như thanh niên trẻ kia, bao nhiêu bà mẹ hơn mười năm đi kêu oan cho con… đang phải “cố bám lấy đất nước”?

Bỗng dưng, những câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn văng vẳng đâu đây, như “thêm máu lệ chứa chan một lần.”

“Hai mươi năm, cuộc tương tàn chưa đủ?
Người giết người, không kịp mở mắt trông
Hai mươi năm, mạng người như rác cỏ
Dây hòa bình, còn thắt cổ người tin…”

(Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi – Nguyễn Đình Toàn)

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Một chút lan man về ông Đinh La Thăngl

- Vẩn vơ về chuyện Ngựa muốn hóa Rồngl

- Người Sát âm là người như thế nàol

- Bàn thêm về câu “Tam nam bất phú”l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu -

Tác giả: Phạm Vũ ; Nguồn: saigonnhonew

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét