ĐÀN CỪU VÀ BẦY SÓI - Tác giả: Alan Phan ; Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Leave a Comment

 

ĐÀN CỪU VÀ BẦY SÓI

*

Một sự cố lúc lên 10 tuổi tạo nên một cảm nhận sâu sắc khiến tôi hiểu rõ mình hơn. Kiên, một thằng bạn thân luôn cặp kè bên tôi qua nhiều năm trường lớp, cùng tôi tạo cặp bài trùng giang hồ trong thế giới nhỏ bé của tuổi học trò. Cho đến một ngày, vì sự khích bác của một đứa con gái cùng học, chúng tôi chửi nhau và kết thúc bằng một cuộc vật lộn, giữa tiếng reo hò của nhóm.

Kiên lớn xác hơn tôi, nên sau một hồi, nó nằm trên và đấm liên tiếp vào mặt tôi. Sưng bầm, đau đớn, tôi loay hoay mò tìm được một cục đá lớn, đập thẳng vào trán nó. Máu phọt ra, Kiên sợ khóc rống và tôi cũng sợ, khóc theo. Sau khi lãnh thêm nhiều roi vọt từ thầy giám thị đến ông bố, chúng tôi làm lành và nắm tay nhau, hứa không bao giờ để một đứa nào, trai hay gái, làm sứt mẻ tình bạn. Nhất là một đứa con gái mập, mặt rỗ và hôi hám. Chúng tôi không hiểu ma quỷ nào đã khiến chúng tôi ngu thế.

Sau lần đó, vết máu trên trán Kiên ám ảnh tôi. Tôi tránh xa những cuộc cãi vả gây gỗ vì không muốn thấy những đau đớn mình gây ra cho kẻ khác. Ngược lại, Kiên thích đánh nhau hơn, trở nên tên du côn số một của trường. Hắn có thêm vài thằng lâu la phụ giúp và luôn gắng kéo tôi về phe hắn để phá làng phá xóm. Nhưng tôi từ chối và theo con đường học hành nghiêm chỉnh. Hắn thi rớt Tú Tài vài năm liên tiếp, còn tôi thì được học bổng qua Mỹ. Ngày về nước, tôi đến thăm gia đình, họ cho biết Kiên cầm đầu một băng đảng cướp, bị bắt đi tù ở Chí Hòa và chết trong tù sau một cuộc tranh chấp quyền lực gì đó của các tay xã hội đen.

Kiên có bản chất tốt. Hào hiệp, phóng khoáng, thích giúp đỡ người khác và trung thành với bạn bè. Nhưng khi diễn vai trò anh chị của giới giang hồ, Kiên tàn nhẫn vả lạnh lùng cho đúng vai diễn. Rất nhiều nhân vật khác ngoài đời, từ các chính trị gia đến các bố già, thường biểu hiện hội chứng quyền lực này và đều biến thái trầm trọng khi vai diễn đã nhập tâm xác.

 

Bóng tối của văn minh

Qua các nghiên cứu xã hội và nhận xét cá nhân, tôi thường chia con người trong xã hội thành 2 thành phần chính: sói và cừu. Sói sinh ra để săn, để cưỡng đoạt, để tạo dựng uy quyền, để làm “lãnh tụ” bằng bất cứ giá nào và đường nào. Cừu sinh ra để làm nạn nhân của sói, để được an phận và để phục vụ sói theo bản năng sinh tồn.

Sói hay cừu đều có thể rất thông minh hay ngu dại, rất liều lĩnh hay sợ sệt, rất cuồng tín hay nghi ngại…nhưng khi hành động thì luôn chạy theo cá tính cơ bản của mình. Sói là sói và cừu là cừu. Cừu có thể hoang tưởng cho mình là sói; nhưng sói thì không bao giờ nhầm lẫn.

Biết rõ bản chất thiên nhiên của sói và cừu là hiểu được cái tương quan trong quan hệ quyền lực của thực tại, dù trên bình diện chánh trị, kinh tế, xã hội hay gia đình.

Những cuốn sách gối đầu giường của các lãnh tụ (đang làm hay đang mong ước) về quyền lực phải là “Binh Thư Tôn Tử”, “The Prince” của Machiavelli và“ The 48 Laws of Power” của Greene. Những con sói muốn đi xa và sâu hơn trong sự nghiệp “lãnh đạo” cần đọc thêm tất cả những phù phép trong lịch sử của các quyền lực “cứng” như Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông, Napoleon…và những quyền lực “mềm” như Christ, Lincoln, Churchill, Warren Buffett, hay Ghandi.

Cá nhân tôi, sau bao học hỏi về lý thuyết, cũng như qua những trận đấu sinh tử trong đời làm ăn, rút ra được vài quy luật căn bản về quyền lực, không đầy đủ nhưng rất thiết yếu để các bạn trẻ “bớt ngây thơ” về thế giới của đàn cừu và bầy sói.

 

1. Không bao giờ có chuyện nhượng quyền tự nguyện

Văn hóa từ chức hiện diện trong nhiều xã hội văn minh và nặng lòng tự trọng. Nhưng một con sói đúng nghĩa chỉ bước xuống khi không còn lựa chọn cho tương lai mình. Từ chức là hành động duy nhứt để cứu vãn chút hư danh còn sót lại. Trong những xã hội hoang dã hơn, hy vọng lãnh tụ sẽ tỉnh ngộ để nhường ngôi cho người tài giỏi hơn là một hiện tượng tự sướng dành riêng cho các trí thức tháp ngà ngây thơ và thích lý tưởng hóa thực tại. Những vị học giả này là những con cừu thông minh nhưng hèn kém và sợ sệt mọi đấu tranh có thể làm bẩn áo quần.

Tôi còn nhớ câu chuyện của một anh bạn bị vợ sói nắm đầu tuyệt đối trong mọi sinh hoạt 24/7, trong và ngoài nhà. Sau một chầu rượu và lời khuyên nhủ của bạn bè, anh chồng cừu về nhà đóng cửa phòng, chỉ mặt vợ,” Gia đình này phải thay đổi. Tôi không thích một chút gì đang xảy ra tại đây”. Bà vợ sói nghiêm giọng,” Tôi đồng ý hoàn toàn. Bắt đầu ngay bây giờ sẽ có những thay đổi lớn lao. Và tôi chắc là anh càng không thích những thay đổi này”.

 

2. Không bao giờ có chuyện sói thương cừu và hy sinh cho cừu

Có những sói lãnh tụ diễn vai rất xuất sắc và mạng lưới PR của đàn em rất tinh xảo để đem một thông điệp và một hình ảnh tuyệt vời về lòng yêu nước thương dân, những hy sinh vì đại nghĩa trong quá khứ (phần lớn là BS đã được xịt nước hoa Gucci), và một viễn ảnh mê hoặc của một thiên đường đầy buffets, chân dài và siêu xe. Đây là những con sói cực kỳ nguy hiểm vì không những bầy đàn phe nhóm của chúng rất lớn rộng, mà chúng sẽ thu hút rất nhiều “cừu thơ ngây” mang nhiệt huyết và ngây dại của tuổi trẻ phục vụ những ý đồ ngông cuồng để phá hoại toàn diện xã hội.

Các loại sói thường phản bội và bán đứng các đàn anh, đàn em của chúng để đạt điều mong muốn. Chúng đối xử tệ hại với sói đỡ đầu và cả với tay chân bộ hạ nên sự yêu thương dành cho đám cừu hay đám sói đối thủ là chuyện không bao giờ xẩy ra. Đừng hoang tưởng về bản chất thực sự của các sói lãnh đạo.

 

3. Các sói lãnh đạo không bao giờ “ngu”

Sói lãnh đạo có thể thiếu học vấn, không biết chuyên môn hay vụng về trong giao tiếp vì quen sống ở nhà quê hay rừng rú. Nhưng đừng đánh giá thấp trí thông minh sáng tạo của họ, nhất là khi phải đối đầu đánh đấm dối thủ và kẻ thù. Mao xem “trí thức không bằng cục phân” vì ông biết rằng thủ đoạn hay sự tàn bạo của ông sẽ dư sức bẻ gẫy mọi chống đối nửa vời của đa số người dân, có học hay không học.

Bao nhiêu sói và cừu đã bị tiêu diệt vì coi thường kỹ năng gian dối, tàn nhẫn và trí khôn của các sói lãnh đạo. Họ không hiểu là cái học sách vở không thể so sánh với kinh nghiệm chiến trường khốc liệt mà các sói lãnh đạo đã hấp thụ sau bao ân oán giang hồ.

 

4. Săn theo bầy nhưng sẵn sàng giết nhau để chiếm quyền

Đặc tính dễ nhận ra nhất là sói sống theo đàn, săn theo bầy, luôn vâng lệnh lãnh tụ và khi tấn công kẻ thù thì rất lớp lang chiến thuật, không kém một đạo binh thời drones này. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm yếu lộ diện, là con sói đầu đàn sẽ bị đảo chánh và ăn thịt ngay. Chắc chắn là stress của các lãnh tụ này cao ngất trời xanh.

Cuộc chiến nội bộ âm thầm diễn ra liên tục. Do đó, dù sói không muốn giao quyền lại cho ai, và tìm đủ mọi cách để triệt hạ các dối thủ tiềm năng, định luật thiên nhiên luôn đào thải kẻ yếu và cho phép kẻ mạnh nhất, tàn nhẫn nhất ‘lãnh đạo”.

 

5. Quyền lực mềm bền vững hơn trong thời “kiến thức”

Qua lịch sử nhân loại, sói lãnh tụ mang đầy đủ sắc mầu và chiến thuật: mềm, cứng và những pha lẫn giữa hai thái cực. Các lãnh tụ tôn giáo và xã hội thường không có quân đội nên phải tùy thuộc vào kỹ năng biện thuyết và tạo động lực cho đàn em cũng như tín đồ. Bù lại, ảnh hưởng của họ thường vượt thời gian và không gian. Trong khi đó, các lãnh tụ “cứng” đo sự thành công của họ bằng những chiến tích và xác người. Nhất tướng công thành vạn cốt xương. Với ước tính hơn 60 triệu người bỏ mạng dưới tay ông, Mao Trạch Đông có lẽ là con sói “vĩ đại” nhất.

Tuy nhiên, nhờ công nghệ thông tin và đám mây Internet, dân chúng khôn ra và dấu hiệu về ngày tàn của các quyền lực cứng bắt đầu với Đông u, mùa xuân Á Rập và những bất ổn xã hội tải Trung Quốc. Đièu quan trọng là cũng đừng nên đánh giá thấp sự phản ứng theo bản năng sinh tồn cùa các sói lãnh đạo “cứng”.

Một bài học về kỹ năng quản trị có thể soi sáng tâm trạng người dân? Hội Đồng Quản Trị của một công ty bỏ phiếu về một phi vụ sáp nhập. Phải có sự đồng thuận tuyệt đối nên khi một quản trị viên từ chối không bầu chấp thuận, mọi người còn lại thay phiên thuyết phục anh chàng cứng đầu này. Sau 2 ngày, họ báo cáo với ngài Chủ Tịch là hoàn toàn thất bại. Đến lượt ngài Chủ Tịch. Vốn xuất than là một công an làng, xã, huyện đến tỉnh, ngài không mất nhiều thì giờ. Ngài thượng cẳng tay hạ cánh chân và 10 phút sau, ông quản trị viên bò càng ra đất. Ông nói bây giờ ông sẵn sang bỏ phiếu thuận. Sau đó, Ban Quản Trị hỏi lý do gì làm ông thay đổi ý định nhanh như vậy khi gặp riêng ngài Chủ Tịch, ông trả lời, "Không ai giải thích cho tôi nghe vấn đề một cách tường tận rõ ràng như vậy”.

 

Sói hay cừu?

Quay lại với ông già Alan. Nhiều người hỏi thế ông là sói hay cừu? Tôi cũng muốn hoang tưởng cho mình là một con sói thông minh kiểu The Lone Wolf của văn chương u Mỹ. Nhưng tôi biết cá tính mình không bao giờ có thể làm sói, dù lãnh tụ hay theo đàn. Mà mình cũng không phải là cừu để làm nạn nhân của ai. Ở tuổi này, tôi chỉ có thể làm một con khỉ già, sống trên những tàng cây cao, tránh xa nanh vuốt của loài sói.

Và những đêm sáng trăng, đứng trên xa, nhìn tiếng hú gọi đàn của bầy sói và tiếng la hét kinh hoàng của đàn cừu, tôi mới hiểu tại sao Joseph Conrad nói về The Heart of Darkness. Không làm gì hơn ngoài một tấm lòng bất nhẫn… nhưng phải lặng im chấp nhận quy luật và chu kỳ của thiên nhiên.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Tác giả: Alan Phan  Nguồn: Góc nhìn Alan

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét