ĐỌC “CHỜ ĐẾN THIÊN THU
MỘT
BÓNG NGƯỜI” THƠ PHƯƠNG
TẤN
CHỜ ĐẾN THIÊN THU
MỘT BÓNG NGƯỜI
Chiều xuống sâu buông tiếng thở dài
Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai
Có cô gái nọ ngồi hong tóc
Ngỡ gió lùa mây xỏa xuống vai.
Sóng cuộn đời sông, sông bạc phếch
Giang hồ xếp vó tự bao năm
Nhớ em mình nhớ thời yêu mệt
Ngóng mãi bên đường bóng biệt tăm.
Ai lỡ đưa người qua bến sông
Hình như bến lạc sóng mênh mông
Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ
Mình, kẻ lạc loài giữa gió đông.
Và như pho tượng bên triền núi
Chờ đến thiên thu một bóng người
Chờ đến xuân già sông rã nhánh
Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi.
*.
PHƯƠNG TẤN
Nhà thơ Phương Tấn được Giáo sư Nguyễn Đại Hoàng gọi là “Nhân
vật văn chương” bởi những cống hiến của ông cho nền văn học nước nhà.
Với tôi nhà thơ Phương Tấn còn là một “Chàng trai trẻ mãi” bởi trong bài
thơ “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người” tác giả đã chờ em “chờ đến
thiên thu”, đã chờ em “chờ đến xuân già xuân rã nhánh” mà vẫn thấy
mình “Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi”.
Thật vậy, đọc “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người”
của Phương Tấn ta sẽ thấy tình yêu dầu có “Chạm bóng thu phai”, dầu có
thành “Sông bạc phết”, dầu có “Bóng biệt tăm”, dầu có “Xuân
già rã nhánh”, dầu có “chờ đến thiên thu” thì nó vẫn tuổi hai mươi.
Tất nhiên đó là thứ tình yêu lớn của những con tim si tình mà đời ca tụng như
Kim Trọng , như Phạm Thái, như Hàn Mạc Tử và như Phương Tấn trong bài thơ nầy.
Đọc khổ thơ đầu của bài thơ ta thấy một Sài Gòn buồn, một
nỗi buồn êm ái bàng bạc trong không gian, xỏa xuông vai, hong lên tóc và thấm
thía vào tâm hồn:
Chiều xuống sâu buông tiếng thở dài
Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai
Có cô gái nọ ngồi hong tóc
Ngỡ gió lùa mây xỏa xuống vai.
“Chạm” là đụng nhẹ nhưng “Chạm” cũng là chạm
trổ. “Thu phai” có thể hiểu là mùa thu phai lá, có thể hiểu màu thu
đã nhạt, hay hiểu là đã cuối mùa thu cũng đúng . Vậy câu thơ “Đêm Sài Gòn
chạm bóng thu phai” là đêm Sài Gòn vào cuối mùa thu, hoặc có hình bóng mùa
thu trong quá khứ chạm khắc vào trong đêm Sài Gòn hiện tại. Nói rõ hơn, “Đêm
Sài Gòn chạm bóng thu phai” có hai nghĩa. Một nghĩa là đêm Sài Gòn hiện tại
đã vào độ cuối thu. Một nghĩa khác là đêm Sài Gòn hiện tại khắc ghi những kỷ
niệm mùa thu Sài Gòn trong qúa khứ xa xưa.
Dầu hiểu như thế nào thì hình ảnh cô gái ngồi hong mái tóc của
mình trong đêm mùa thu Sài Gòn đẹp vô cùng. Hình ảnh đó nên thơ hơn cô gái mặc
áo lụa Hà Đông làm cho nắng Sài Gòn chợt mát. Nên thơ hơn bởi vì hình ảnh đó
cùng với “tiếng thở dài” của Sài Gòn trong đêm len lỏi vào tâm hồn
ta nỗi sầu nhè nhẹ vấn vương, vuốt ve nỗi nhớ một Sài Gòn xa xưa ngày nay không
còn nữa.
Khổ thơ thứ hai là sóng gió, là lênh đênh, là chia ly với nỗi
nhớ triền miên mà tác giả ôn lại đời mình trong đêm Sài Gòn:
Sóng cuộn đời sông, sông bạc phếch
Giang hồ xếp vó tự bao năm
Nhớ em mình nhớ thời yêu mệt
Ngóng mãi bên đường bóng biệt tăm.
Nhà thơ đã ví đời mình như con sông. Con sông có sóng cuộn đến
bạc phếch là con sông lớn. Đời người như con sông lớn thì thăng trầm nhưng đầy
ý nghĩa.
Câu thơ “Giang hồ xếp vó tự bao năm” bày tỏ thêm tư cách
người trong thơ. Đó không là Dũng trong tiểu thuyết Đôi Bạn của
Nhất Linh thì cũng là chàng trai được đưa qua sông của Thâm Tâm trong “Tống
Biệt Hành”, hoặc là chàng tráng sĩ gọi đò trên Bến My Lăng
của Yến Lan, hay có thể là một Phạm Thái dừng chân xếp vó để mài gươm dưới
nguyệt. Dầu chàng là ai thì hình ảnh sóng trên sông lớn và xếp vó giang hồ cũng
nói lên được tư cách anh hùng, hảo hán của một con người.
Con người hảo hán đó còn mang nặng một mối tình theo suốt cuộc
giang hồ, với những thăng trầm của cuộc sống. Tình yêu đó có từ thời “Yêu
mệt” có nghĩa là yêu nhiều, yêu say đắm. Tình yêu đó chia ly vì sao ta
không biết nhưng để chàng trai giang hồ mang nặng trong tim và ngóng chờ mãi
trên mọi nẽo đường phiêu linh của chàng.
Hai khổ thơ một và hai đưa ta vào một khung trời trầm lắng.
Trong khung trời trầm lắng đó có tiếng thở dài của vạn vật hòa với tiếng sóng
dậy lên trong lòng. Hình ảnh cô gái ngồi hong tóc xỏa xuống vai như gió lùa
mây, hình ảnh sóng cuộn trên dòng sông lớn, rồi bước chân giang hồ, rồi xếp vó
ngồi nhìn con đường xa xăm biệt bóng người, tất cả sự xao động như khắc vào
hình bóng thu phai của một bức tranh tỉnh lặng. Điều đó khiến khi đọc thơ, ta
nghe tiếng thở dài của buổi chiều xuống sâu lắng, tràn ngập trong lòng ta một
thứ hương tình yêu thắm thiết trong trầm tư, tịch mịch, cô liêu. Thơ như thế là
thứ thơ đem cho ta nỗi buồn diệu vợi, nỗi sầu quyện vào hồn ta thứ tình say
đắm.
Rồi thì khổ thơ thứ ba là sự ân hận của một lần “Ai đã đưa
người qua bến sông”. “Ai” chính là người ấy. Người ấy đưa ta qua
sông để người ấy và cả ta “Như có tiếng sóng ở trong lòng”. “Người
đi? Ừ nhỉ người đi thật”. Tâm trạng người đi và người đưa tiễn lúc ấy
chẳng khác chi tâm trạng trong bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm
Tâm. Để rồi khi qua sông rồi thì ”Hình như bến lạc sóng mênh mông”,
người đi không quay về được nữa:
Ai lỡ đưa người qua bến sông
Hình như bến lạc sóng mênh mông
Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ
Mình, kẻ lạc loài giữa gió đông.
Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm thì không
đưa người qua sông, còn khổ thơ nầy của Phương Tấn thì đưa người qua sông,
nhưng chắc chắn tâm sự hai người đưa li khách đi đều giống nhau, đều phải nhận
chịu nỗi đau và thổn thức như Thâm Tâm đã thổn thức: “Mây thu đầu núi, giá
lên trăng / Cơn lạnh chiều nào đổ bóng thầm / Ngừng ở bên trời nghe tiếng khóc /
Tiếng đời xô động tiếng lòng câm”. Thế nhưng khác với “Tống Biệt Hành”
người đi thề không quay lại nếu chưa tròn chí lớn, còn đối với Phương Tấn thì
người đi đã bị “Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ”, dầu muốn quay lại cũng chẳng
thế nào quay lại!
Qua khổ thơ chót Phương Tấn biến thành hòn đá như hòn đá vọng
phu, đứng chờ thiên thu bên triền núi, đợi người yêu của mình quay lại:
Và như pho tượng bên triền núi
Chờ đến thiên thu một bóng người
Chờ đến xuân già sông rã nhánh
Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi.
Đây là một khổ thơ như sông núi hùng vĩ, như vách đá trường tồn,
như tùng bách đứng sừng sững giữa phong ba, như mùa xuân chín, như dòng sông
chảy mãi vô biên, như đất trời tán dương tôn vinh một mối tình tươi trẻ hoài
qua năm tháng. Khổ thơ có 4 câu thơ kết, tuyệt vời cho một bài thơ hay, nó như
lời thề non nước, nó như tiếng vọng ngàn thu, nó như một phán quyết cuối cùng
mà thiên thu không làm lay chuyển được.
Bài thơ “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người” mở đầu
bằng một tiếng thở dài của không gian chiều, đóng lại bằng một pho tượng đứng
thiên thu bên triền núi, để nói về một khối tình thủy chung mãi mãi, một tình
yêu sống mãi, trẻ mãi không già. Thứ tình đó nếu là tình yêu trai gái, thì sẽ
là tầm thường với người có chí lớn. Đối với người từng giang hồ qua sóng nước
mênh mông, bất đắc chí vì bị “Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ” thì
tình yêu thiên thu đó để dành cho chí tang bồng của mình, vì sông vì núi, vì
hạnh phúc con người, vì lý tưởng cao xa. Từ đó ta sẽ hiểu nối lòng của tác giả
chờ đợi một người hay chờ đợi một Sài Gòn đẹp lại như xưa tùy theo ý của
ta. Dầu ý ta hiểu thế nào thì bài thơ vẫn lung linh một khối ngọc tình làm ngây
ngất mắt ta nhìn, tai ta nghe và tâm hồn ta đồng cảm ./.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:
*.
CHÂU THẠCH
(Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính,
Thuận Phước,
Hải Châu, thành phố Đà
Nẵng.
Điện
thoại: 0929128967 - 0842267607
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 16.11.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét