CHA MẸ LÀ NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
Lứa tuổi mới lớn đánh dấu bước
trưởng thành ban đầu của đời người. Những thay đổi về sinh lý, những sự biến
động về tâm lý là những khó khăn, thách thức đối với các cô, cậu học trò mới
lớn. Để cho chúng tự vượt qua ải cam go của giai đoạn này sẽ rất khó khăn đối
với chúng. Vai trò của cha mẹ đối với con cái ở lứa tuổi này phải được coi như
người thầy đầu tiên trong việc giáo dục nhân cách, giới tính - tình yêu và định
hướng nghề nghiệp giúp con. Chúng đang học làm người lớn chứ chúng chưa phải là
người lớn thực sự. Suy nghĩ của chúng vẫn còn hạn chế bởi kinh nghiệm sống,
hành động thường bồng bột và nông nổi. Nhiều bậc cha mẹ đều mong muốn con cái
mình khôn lớn nên người, thành tài, thành danh nhưng lại không nhận thức được
vai trò của mình với tư cách là người thầy đầu tiên của con. Họ cho rằng, việc
giáo dục và dạy dỗ con thành tài là thuộc về trách nhiệm của nhà trường, họ phó
mặc trách nhiệm ấy cho các thầy cô giáo, còn trách nhiệm của cha mẹ chủ yếu là
nuôi dưỡng. Đó là một quan điểm hết sức phiến diện, chủ quan và có phần vô
trách nhiệm đối với con cái. Lẽ đương nhiên, giáo dục trong nhà trường là quan
trọng trong việc bồi dưỡng tri thức, nâng cao năng lực bản thân, hình thành
nhân cách. Song đó mới chỉ là một nửa về phía nhà trường, còn gia đình là nửa
còn lại mới có thể tạo nên phần hoàn thiện trong việc giáo dục, nuôi dưỡng và
dạy dỗ. Nếu các bậc cha mẹ coi thường vai trò giáo dục của mình đối với con cái
thì quả là sai lầm nghiêm trọng. Cha mẹ đóng vai trò quyết định đến sự trưởng
thành của con cái, còn trường học chỉ là nơi gửi gắm tạm thời, gia đình mới là
cội rễ.
Đối với tuổi mới lớn, sự quan
tâm, chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ đòi hỏi phải sát sao hơn, cần nghiêm khắc
nhưng không cứng nhắc, rập khuôn. Bởi vì ở lứa tuổi này, do có những chuyển
biến về tâm lý mạnh mẽ nên đôi khi hay khác thường, lúc vui, lúc buồn bất chợt;
khi thì sôi nổi nhiệt tình, lúc lại trầm lắng ưu tư; có lúc hiền lành ngoan
ngoãn nhưng bỗng có lúc lại nổi loạn và ngang bướng phản kháng người lớn kịch
liệt. Để có cách giáo dục phù hợp, đúng đắn đối với con cái ở lứa tuổi này,
điều trước tiên đòi hỏi cha mẹ phải tìm hiểu tâm lý của con mình, thông cảm và
chia sẻ với chúng, giúp chúng hiểu và chấp nhận những thay đổi lớn về cơ thể và
cả về tình cảm. Từ đó mới có thể giúp con bước qua giai đoạn này một cách vững
vàng để chuẩn bị cho những bước thành công sau này.
Không phải đến lứa tuổi này mới
cần có sự giáo dục của cha mẹ, mà “dạy con từ thở còn thơ” là trách nhiệm và
nghĩa vụ của mỗi bậc làm cha, làm mẹ. Đứng từ góc độ gia đình nói chung, cha mẹ
đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc giáo dục con cái. Có nhiều ông bố quan
niệm rằng, trách nhiệm dạy dỗ và nuôi nấng con cái thuộc về người mẹ là chủ
yếu. Vì vậy, trong nhiều gia đình, người mẹ đóng vai trò chủ đạo trong việc
nuôi dạy con. Nhưng trên thực tế cho thấy, người cha nên đóng vai trò chủ đạo
trong việc nuôi dạy con, như vậy sự trưởng thành của con cái sẽ toàn vẹn và
cứng cáp hơn.
Hiển nhiên, khi em bé vừa mới
sinh ra, người mẹ là người đầu tiên chăm sóc, bế ẵm và cho con bú. Ngay từ buổi
ban đầu, con cái đã cảm thấy gần gũi, quấn quýt mẹ hơn. Đó cũng là lẽ thường
tình, nhưng không phải vì thế mà người cha quên lãng trách nhiệm của mình. Khi
con còn nhỏ, chúng thường gần gũi mẹ nhiều hơn. Nhưng khi đã lớn, chúng lại cần
có sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Người cha vừa là trụ cột của gia
đình, là chỗ dựa của gia đình cả về kinh tế và tình cảm. Cách dạy dỗ nghiêm
khắc của người cha sẽ bổ sung cho sự giáo dục mềm dẻo của người mẹ. Nhờ đó mà
sự phát triển của con cái cả về tư duy và tình cảm sẽ có sự hài hòa. Con trai
thường học theo tính cách, tư duy và cách rèn luyện của người cha. Học tập
người cha để sau này chúng cũng muốn trở thành người đàn ông vững chắc, là trụ
cột của gia đình. Còn bé gái thường thừa hưởng ở mẹ tính nết nhu mì hiền lành,
phúc hậu để sau này chúng cũng sẽ là một người mẹ tốt. Đó chính là những ông
bố, bà mẹ lý tưởng trong mắt con cái họ. Con trẻ học được ở người cha sự dũng
cảm, tự tin, mạnh mẽ và học hỏi ở mẹ lòng khoan dung độ lượng, nhân từ, đó là
sự kết hợp giáo dục con cái ở cả cha và mẹ. Song, trong suy nghĩ của con cái, vai
trò của cha và mẹ lại có sự phân biệt. Đối với chúng, người cha luôn nghiêm
khắc, quyết đoán và khó lay chuyển, còn mẹ thì dễ lay chuyển hơn vì tình thương
của mẹ dành cho con cái thường nông nổi hơn cha. Người cha thường chú trọng
nhiều hơn đến việc học hành của con cái, nhưng mẹ là người chúng tin tưởng hơn
để thủ thỉ những tình cảm riêng tư thầm kín. Ở lứa tuổi này, cha mẹ đừng vội
trách mắng chúng vì bất cứ chuyện gì, hãy tìm hiểu nguyên nhân đã. Nếu không,
lần sau chúng sẽ che giấu tất cả. Giáo dục con cái ở lứa tuổi này cần phải biết
kết hợp giữa nghiêm khắc và khoan dung; nguyên tắc mà không cứng nhắc, rập
khuôn; thông cảm, chia sẻ nhưng không nhu nhược, cương, nhu đúng lúc. Trong
việc giáo dục toàn diện, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn trong việc giáo dục nhân
cách, giới tính và định hướng nghề nghiệp cho con cái.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
chăm sóc sức khỏe0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời thư giãn với nhạc phẩm BÀ TÔI
của Nguyễn Vĩnh Tiến, qua tiếng hát Ngọc Khuê:
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319,
quận Long Biên,
thành phố Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
..............................................................................................................
- Cập nhật theo
nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.05.2024.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa
cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét