PHÊ BÌNH BÁO CHÍ LẤN ÁT PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP - Tác giả: Nguyễn Trang ; Nguyễn Tuấn Hùng giới thiệu

Leave a Comment

 


PHÊ BÌNH BÁO CHÍ

LẤN ÁT PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP

Đời sống sáng tác văn học nghệ thuật phát triển sôi động, không ngừng xuất hiện trào lưu, xu hướng mới. Kéo theo đó, báo chí nhộn nhịp bài phân tích, mổ xẻ trong khi lực lượng phê bình, lý luận chuyên nghiệp lại khá yên ắng. Đáng buồn là những gì nhộn nhịp trên mặt báo vẫn chưa đủ thấu đáo, tin cậy để làm nên một nền phê bình đúng nghĩa thẩm định vấn đề, định hướng dư luận.

Một nhạc sĩ từng rất bực mình khi nhiều phóng viên đến phỏng vấn viết bài đánh giá về hiện tượng âm nhạc nọ, xu hướng trình diễn kia nhưng ông nói đến đâu, phóng viên ngơ ngác đến đó. Thậm chí họ còn hỏi những câu tréo ngoe, ngớ ngẩn. "Có cảm giác họ như tờ giấy trắng khi đến gặp tôi. Tôi nói gì họ nghe nấy, chứ không có phản biện, tương tác. Dù là bài lấy ý kiến chuyên môn nhưng người viết phải có chính kiến, nắm căn bản vấn đề để chọn lọc thông tin cung cấp cho bạn đọc" - vị nhạc sĩ ngao ngán.

Có người viết bài phê bình về tác phẩm của tác giả A nhưng lại không hề đọc tác phẩm ấy lần nào. Chỉ tại tác phẩm ấy đang “hot”, gây bão dư luận nên phóng viên nhảy vào viết cho thời sự. Ca sĩ Ánh Tuyết cũng phàn nàn khi một phóng viên muốn viết chân dung chị nhưng không hề biết chị thành công với nhạc Văn Cao, dòng nhạc sở trường hay tiểu sử sơ lược của chị… Thế nhưng hôm sau, trên tờ báo đó vẫn có bài về chị hẳn hoi và thông tin sai sót là tất nhiên.

"Gà mờ" hoặc "mù tịt" trong chuyên môn khiến phê bình, lý luận trên báo chí đa phần chỉ đáp ứng được yêu cầu nóng sốt thời sự còn chất lượng thì "thượng vàng hạ cám". Nhiều cây bút non tay nhưng hễ gặp vấn đề là "choảng" ngay một bài bằng chính kiến non nớt của mình hoặc a dua, ăn theo đám đông.

Tại Hội nghị "Những người viết trẻ về lý luận phê bình văn học nghệ thuật khu vực phía Nam" diễn ra cuối tháng 7 tại thành phố Vũng Tàu do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng bày tỏ lo ngại: Phê bình báo chí với những biểu hiện thương mại hóa lấn át phê bình chuyên nghiệp.

 Hiện tượng này xảy ra vì đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chuyên nghiệp (nhất là đội ngũ trẻ) thiếu hụt nghiêm trọng, èo uột và phân bố không đều ở các loại hình văn học nghệ thuật. Đời sống sáng tác biến động, do vậy dư luận luôn cần thông tin, định hướng. Báo chí với nhiệm vụ phục vụ công chúng, định hướng dư luận không thể đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, lực lượng phê bình chuyên nghiệp không đủ đáp ứng cho các báo.

Số sinh viên đăng ký theo học chuyên ngành lý luận phê bình ngày càng ít ỏi. Họ e ngại bởi tương lai nghề nghiệp khi ra trường khá mù mịt, bấp bênh. Tiến sĩ Phan Tuấn Anh (Đại học Huế) cho biết số lượng các môn học của sinh viên chuyên ngành này thông thường là 80 môn nhưng các môn có liên quan trực tiếp đến lý luận phê bình chỉ có 10 môn. Do đó, sinh viên khi ra trường, để có thể viết phê bình lý luận đời sống văn học nghệ thuật một cách chắc tay là khá khó khăn.

"Chưa kể, những người được đào tạo bài bản về lý luận phê bình không phải ai cũng biết cách viết phê bình trên báo chí. Báo chí vốn phục vụ đại chúng, cần cách truyền đạt dễ hiểu trong khi bài viết của các nhà lý luận phê bình thường khiến độc giả khó tiếp thu vì khô khan, quá nặng nề học thuật, kiến thức chuyên ngành" - nhà phê bình Cẩm Lệ (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh) nói. 

Những bài viết phê bình, lý luận thường đăng trên tạp chí, nội san chuyên ngành khu biệt lượng bạn đọc. Điều này càng khiến hiệu quả bài viết bó hẹp. Nếu có viết hay, thuyết phục để đăng báo thì các nhà phê bình cũng ngán ngại vì đặt bút viết không tránh khỏi đụng chạm. Nhạc sĩ Trần Minh Phi từng là một cây bút phê bình âm nhạc sắc sảo trên các tờ báo ngày và tạp chí âm nhạc. Bẵng đi một thời gian, không thấy anh xuất hiện.

Hỏi thì anh lắc đầu: "Chén đắng phê bình mấy ai dám uống". Nhuận bút ít ỏi đối lập với sức đầu tư, đối lập với sự đả kích từ đồng nghiệp và dư luận. Khen thì không sao, còn chê thì người ta chỉ "găm" tư thù, tìm cách hạ bệ người phê bình chứ hiếm khi quan tâm đến vấn đề học thuật, nhìn nhận sai sót. Sự tiến triển tích cực của văn học nghệ thuật sau những bài phê bình chưa thấy đâu thì người phê bình đã chuốc họa vào thân. Với đội ngũ lý luận phê bình trẻ thì bước thử thách này càng ghê gớm khiến họ sợ hãi. Họ dễ bị quy là "trứng khôn hơn vịt", "lên mặt dạy đời".

Nhạc sĩ Trần Minh Phi bức xúc: "Làm phê bình sẽ nhận được kết quả như vậy thì xin hỏi có ai dũng cảm đeo gông vào cổ? Và nếu can đảm dám làm thì những cái gông kia cũng làm nhà phê bình chết dần chết mòn đi trong một tuổi thọ nghề rất ngắn ngủi". Một số tác giả lớn tuổi thì lại ít tiếp xúc với các tác phẩm, trào lưu mới của giới trẻ vì khoảng cách thế hệ. Họ không quan tâm, xa rời thực tế thì lấy gì mà phê bình.

Lực lượng phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật cũng phân bố không đồng đều. Dễ dàng nhận thấy ở địa hạt văn chương, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, lực lượng phê bình luôn áp đảo so với múa, hội họa, điêu khắc... Một bộ phim, một cuốn sách, một vở kịch ra đời đều nhanh chóng có bài đánh giá khen chê trên báo chí.

Với múa, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Phiên từng ví von chua xót: "Người làm lý luận, phê bình múa là "động vật quý hiếm" của ngành, đang có nguy cơ tuyệt chủng". Trong danh sách 600 hội viên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, số hội viên đăng ký chuyên ngành Lý luận chỉ có 17 người. Đa số đều tuổi cao sức yếu, chỉ có vài ba người là hoạt động thực sự. Điêu khắc và hội họa cũng trong tình trạng đỏ mắt tìm cây bút sắc sảo.

Vậy nên phóng viên của các báo đành tự bắt tay làm hoặc nhờ cậy cây bút phê bình tay ngang. Không vững chuyên môn nên đa phần các bài viết như thế thường chỉ dừng lại ở mặt phân tích, nhìn nhận vấn đề sơ lược, bề nổi chứ không thể đi sâu, tường tận bản chất, quy luật. Hiếm hoi mới có những bài viết thấu đáo, được đầu tư công phu. Những bài về âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh may ra được giới chuyên môn bàn luận nhiều nên phóng viên vẫn có những bài tạm ổn định. Nhưng nếu phê bình, nhận định đụng đến hội họa, múa thì rất nhiều phóng viên lúng túng vì không am tường. Một số cơ quan báo chí có đầu tư cho phóng viên theo học những khóa lý luận, phê bình về mảng họ cầm bút. Thế nhưng, các khóa học này không nhiều và không phải phóng viên nào cũng có cơ hội để nâng cao nghiệp vụ.

Hiện nay, dưới sức ép của thương mại hóa, sự phát triển của báo chí văn nghệ bộc lộ những bất cập khiến cho môi trường phê bình bị ảnh hưởng tiêu cực, vừa hạn chế diễn đàn, vừa làm nhiễu loạn thông tin, đảo lộn quan niệm về giá trị của văn học nghệ thuật. Sự nở rộ của báo mạng và trang tin điện tử, chạy theo tin tức giật gân, gây sốc để câu khách thì những bài mượn danh phê bình chẳng khác nào bài soi mói chuyện đời tư nghệ sĩ, khai thác triệt để những tai tiếng của nghề... Một số bài khác mang tính quy chụp hoặc nể nang, ca tụng không đúng với bản chất tác phẩm, tác giả, hiện tượng văn học nghệ thuật. Hậu quả là gây cái nhìn lệch lạc, dễ dãi cho dư luận.

Để báo chí trở về vai trò "bà đỡ" cho phê bình lý luận chuyên nghiệp,  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đưa ra giải pháp: "Cần chú trọng xây dựng kế hoạch sử dụng các cây bút lý luận phê bình được đào tạo bài bản, đặc biệt ở hệ thống các cơ quan báo chí văn nghệ hoặc có chuyên trang, chuyên mục văn nghệ.

Để khuyến khích, Hội Nhà báo Việt Nam cần bổ sung hạng mục giải thưởng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trong hệ thống giải báo chí toàn quốc hằng năm. Bản thân các cây viết trẻ cần tự học, tự đọc, đắm mình trong cuộc sống để tạo vốn sống cho sáng tạo các tác phẩm lý luận, phê bình, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Ngoài ra, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sẽ tăng cường phối hợp với các Hội văn học, nghệ thuật và các báo, đài để vừa tập hợp bồi dưỡng, định hướng vừa tạo nhiều diễn đàn cho lực lượng lý luận, phê bình hoạt động...".

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Hoàng Hải Vân0

- Các bài viết của (về) tác giả Phùng Hiệu0

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Thái Hạo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyên Lạc0

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài viết của (về) tác giả Phan Huyền Thư0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hưng Hải0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0

  

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

"CÔ" VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Nguyễn Tuấn Hùng giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Trang - nguồn: vnca.cand

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét