VỀ TIỂU
THUYẾT THỜI CỦA THÁNH THẦN
CỦA
HOÀNG MINH TƯỜNG?
THỜI CỦA THÁNH THẦN của Hoàng Minh Tường
là một tiểu thuyết đồ sộ. Truyện kể lại những thăng trầm, bể dâu của dòng họ
Nguyễn Kỳ qua các cột mốc lịch sử, chủ yếu là các sự kiện Cải cách ruộng đất-
Nhân Văn Giai Phẩm - Chủ Nghĩa Xét Lại- sự kiện 30/04... Trong đó nổi bật là
các nhân vật ông Nguyễn Kỳ Phúc, cùng các con Nguyễn Kỳ Khôi, Nguyễn Kỳ Vỹ,
Nguyễn Kỳ Vọng, và người con nuôi Nguyễn Kỳ Quặc. Những nhân vật này lại có mối
nhân duyên khá phức tạp với một nữ cán bộ Việt Minh là cô Đào Thị Cang.
Đáng tiếc là tôi chưa được đọc truyện sách
THỜI CỦA THÁNH THẦN để có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nhưng nghe MC Đình
Duy đọc trên kênh Youtube (21 tập) cũng truyền cảm lắm, dù nhiều chữ nghe không
ra. Ví như cô Bướm còn gọi là Can, Cang hay Cam? Cứ tạm gọi là cô Cang vậy.
Là một tác phẩm đồ sộ, tất nhiên nó chất
chứa nhiều nội dung, ý nghĩa. Tôi chỉ điểm qua số phận của một số nhân vật khá
ấn tượng trong truyện.
1. Ông
Nguyễn Kỳ Phúc (lý Phúc)
Nỗi oan khuất tận trời xanh của ông lý
Phúc rõ ràng không thể đổ lỗi cho ai ngoài Việt Minh! Ví thử ông không làm
những việc tốt như giúp đỡ tiền bạc của cải, làm tay trong cho Việt Minh thì
ông vẫn là một điền chủ nhân đức, lương thiện. Ông vốn dòng dõi Nho gia, đến
đời ông làm nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế. Nói ngắn gọn cơ nghiệp của ông là
do tổ tiên để lại, do ông làm ra, không cướp của ai. Lòng nhân hậu của ông thì
cả làng từ nông dân đến hội tề, thực dân, phong kiến hay cách mạng đều biết.
Ông cứu sống và nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi, yêu thương như con ruột. Vậy mà ông bị
kết án Việt gian, bóc lột đồng bào. Chính Việt Minh đã áp đặt, nhồi nhét
những ý tưởng bịa đặt, tội lỗi, tối tăm vào đầu người con nuôi Nguyễn Kỳ Quặc
(Cục), để anh ta như bị thôi miên, trở nên mù quáng, đần độn và làm một việc vô
luân là đấu tố cha mình. Vốn người khí tiết, ông lý Phúc đâu chịu đựng nổi nỗi
đau đớn, nhục nhã tột cùng như vậy. Ông tự chọn cho mình cái chết không toàn
thây, còn hơn phải chết dưới búa liềm của giai cấp bần cố nông bất hảo.
2.
Nguyễn Kỳ Vỹ
Từ một chàng trai khôi ngô, mơ mộng, tài
hoa, đầy lý tưởng nhiệt huyết, đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho cách mạng,
vậy mà anh bị Đảng "thanh trừng", đọa đày, cuối cùng trở thành phế
nhân. Chỉ vì anh dám "thật thà", dám "dừng lại" để xét lại,
để chiêm nghiệm lại những sự thật mà anh biết, anh thấy! Vỹ là người hùng
của cuộc kháng chiến và là nạn nhân đáng thương của chủ nghĩa ấu trĩ,
độc ác. Cường hào địa chủ chết oan có thể do sai lầm của một thời.
Nhưng đến thời kỳ của chủ nghĩa xét lại thì bách hại người có
tài, có tâm, có công với cách mạng, với đất nước lại không thể là
sai lầm nhất thời mà là đỉnh cao của sự độc tài, cố chấp, bất công và
bạc ác gấp mấy lần thời kỳ cải cách ruộng đất và Nhân Văn Giai Phẩm.
3.
Đào Thị Cang
Cuộc đời, hoàn cảnh của cô khá đau buồn.
Có vẻ giống như nỗi khổ tâm, éo le của nhiều cán bộ, đồng chí cách mạng
ngày trước. Cô có chồng có con mà không thể nhận chồng, nhận con. Dù là cán
bộ thì cô vẫn là phụ nữ yếu mềm, còn nỗi đau nào cao hơn thế! Nguyên nhân khởi
nguồn nỗi đau của cô có tên là "Trương Phiên", tên ác ôn vùng tạm
chiếm. Nỗi đau thành nỗi hận thù sâu sắc khiến cô bỏ nhà đi tu, sau
đó theo kháng chiến trở thành nữ cán bộ.
Ô hay, nhưng nghĩ kỹ thì hầu như chả liên
quan mấy đến thực dân phong kiến hay hoàn cảnh gì cả! Chính cô Cang nhẹ dạ cả
tin trao thân cho Trương Phiên, tên đồn trưởng lai Pháp đẹp trai tuyệt trần!
Cũng chính cô hiến dâng mình cho anh Nguyễn Kỳ Khôi đẹp trai tuyệt vời! Cũng
chính cô bỏ rơi đứa con sơ sinh của mình trên đồi Gấm. Cũng chính cô mượn danh
tính, uy tín đồng chí của mình (đã chết) để che giấu thân phận, lai lịch con
của cô với Nguyễn Kỳ Khôi. Là người trung gian liên lạc giữa ông lý Phúc và
Việt Minh, mà không thấy cô phản ứng gì khi ông Phúc bị nghi oan, bị đấu tố,
hoặc ít nhất khôi phục danh dự cho ông sau khi ông mất. Cô Cang còn mâu
thuẫn ở chỗ, cô đi làm cách mạng để chống thực dân và cường hào ác bá
nhưng lại chọn nhà địa chủ lý Phúc để ký thác đứa con.
Tóm lại, tôi thực chả thấy tội ác thực
dân phong kiến trong những "nỗi đau" của cô!
4.Trương
Phiên
Là nhân vật phụ, và như đã nói, là
ngọn nguồn nỗi đau của cô Cang. Dù được cho là một tên "khét tiếng gian
ác" nhưng trong truyện tôi thấy hắn có mấy tội là thích uống rượu,
chơi tổ tôm và bỏ rơi cô Bướm lấy người khác (so với tội hủ hoá của Nguyễn Kỳ
Khôi trộm yêu, trộm rình ni cô trong chùa và khi làm cán bộ Chính Thắng
Lợi thì quyến rũ cô Là cho vui qua đường, không nhận vợ con để bảo vệ quyền
lợi cá nhân và thanh danh của đảng, thì Trương Phiên còn kém xa). Trương Phiên
vào Nam vì lý do nào khác hơn là sợ Việt Cộng? Tôi đồ rằng sau này hắn tỏ ra ăn
năn hối lỗi khi gặp cán bộ nhà văn Châu Hà khi cán bộ văn chương này từ Việt
Nam qua thăm nước Mỹ, chắc cũng là do hắn sợ Cộng sản. Kể ra hắn hèn nhát.
Người hèn nhát mà khét tiếng gian ác kể cũng lạ!
5.
Nguyễn Kỳ Khôi
Là con cả của ông Nguyễn Kỳ Phúc. Nhân vật
này như là điển hình của phong cách cán bộ cấp cao. Ông yêu Đảng, sợ Đảng và
cuồng say như Đảng vậy. Khi giác ngộ cách mạng, ông ta dần dần trở nên lạnh
lùng, bạc ác, suy nghĩ cực đoan về giai cấp, ấu trĩ về tình yêu, tình người.
Ông ta lấy cái tên mới rất kêu đúng kiểu cán bộ hay vận dụng là "Chính Thắng
Lợi" (hay "Chiến Thắng Lợi", nghe không rõ). Việc lấy tên giả
không có gì sai, thậm chí rất quan trọng trong công tác bí mật, nhưng mục đích
lớn nhất của ông lại là để từ bỏ cái tên cha mẹ đặt cho, chối bỏ xuất thân của
gia đình mình và để dễ dàng... truất ngựa truy phong.
Ông ta không mảy may rúng động trước cái
chết oan khốc của cha, hay xót xa cho em ruột của mình bị đọa đày oan
ức. Không chỉ chối bỏ tình thâm để bảo vệ địa vị sự nghiệp của mình, ông ta đã
đồng mưu, đồng lõa với các đồng chí để hãm hại người em ruột Nguyễn Kỳ Vỹ,
khiến Vỹ từ một chàng trai khôi ngô, tài năng, nhiệt huyết, thành kẻ bất lực,
phế nhân. Trong chiến dịch đánh tư sản ở miền Nam ông ta cũng là cán bộ đắc
lực dù không trực tiếp ra mặt. Không cần thông minh thì ai cũng có thể
hiểu nguồn gốc khối tài sản của người em ruột thứ hai là Nguyễn Kỳ Vọng chẳng
hề liên quan tới giai cấp vô sản miền bắc.
Yêu Đảng, ông ta lấy làm xấu hổ, nhục nhã
vì lý lịch thanh cao của gia tộc Nguyễn Kỳ. Điểm đáng nói là khi đất nước
hòa bình thống nhất, ông Chính Thắng Lợi lại giàu có nhất họ, lại lập lại
bàn thờ gia tiên để thờ cúng giỗ chạp theo truyền thống xưa, và chấp nhận
xây dựng lại điền trang như... địa chủ ngày trước. Xem ra ông Nguyễn Kỳ Khôi
vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của chủ nghĩa lừa dối.
6.
Nguyễn Kỳ Quặc
Là kết quả lầm lỡ của cô Cang với
Trương Phiên. Tính cách của Cục (Quặc) không có gì nổi trội, là hình
ảnh của người nông dân hiền lành chất phác và dễ bị điều khiển, chi
phối. May cho anh ta 2 lần được cứu sống, được dựng vợ gả chồng, dù hoàn cảnh
khuyết tật như anh ta khó mà lấy vợ, nếu anh ta không được nuôi dạy trong một
gia đình tử tế. Vậy mà thoắt cái anh ta có mặt trong đoàn người đấu
tố, bịa đặt như thật những gì mà trước đó chính anh ta cũng không
tin. Tôi không rõ lắm dụng ý của tác giả, Nguyễn Kỳ Quặc là biểu
hiện của cái tầm thường pha tạp hay của hội chứng bầy đàn?
7.
Nguyễn Kỳ Vọng
Ông Nguyễn Kỳ Vọng vốn là cậu ấm hiền
lành nhưng có tính tự lập, hiếu thảo, hiếu học. Vì hoàn cảnh, ông trôi dạt
vào Nam và như mất tăm ở hơn nửa đầu câu chuyện. Nhưng đoạn cuối thì sự xuất
hiện của ông như luồng ánh sáng mới. Tài sản của ông thật bất ngờ, còn lớn hơn
gia sản mấy đời của thân phụ. Ngoài số vàng để chuộc lại điền trang cho
dòng họ Nguyễn Kỳ bị chiếm đoạt bất công, còn đủ cho ông vượt biên, giúp đỡ
vợ chồng ông Cục, chưa kể ngôi biệt thự bị cán bộ Khuất Sỹ Hào lừa đảo để chiếm
đoạt. Hai mươi năm tha hương mà lòng yêu quê hương, hiếu kính với cha mẹ, yêu
thương anh em vẫn sâu nặng, nguyên vẹn. Ông cư xử nhẹ nhàng, đúng mực,
phóng khoáng với anh em, bạn bè. Chứng tỏ môi trường mà ông được đào tạo,
bồi dưỡng không thể là một thể chế xấu xa như tuyên truyền. Đáng tiếc những người
như ông đã không được trọng dụng, đối đãi tử tế. Cuối truyện, Nguyễn Kỳ
Vọng đã giúp người anh Nguyễn Kỳ Khôi nhận ra những yếu kém, bất
cập của xã hội đương thời.
Như vậy, đây là câu chuyện về một gia tộc
nhưng lại mang ý nghĩa rộng lớn về lịch sử và đất nước. Tên truyện là THỜI
CỦA THÁNH THẦN. Đó là những thời kỳ nào? Thánh thần là ai? Tên của
các nhân vật trong truyện cũng khá đặc biệt. Nửa rất nghiêm túc, nửa
có vẻ khôi hài. Người có truyền thống Nho học như ông lý Phúc chắc chắn
không thiếu chữ khi đặt tên con. Nếu để ý thì tên Nguyễn Kỳ Khôi và
Nguyễn Kỳ Quặc hơi bất thường. Gần giống nhau ở chỗ... kỳ cục, nhưng
sắc thái khác nhau. Một người khác thường ấu trĩ. Một người bình
thường tầm thường. Vậy, hai cái tên Nguyễn Kỳ Vĩ và Nguyễn Kỳ Vọng
hẳn cũng gợi lên một ý nghĩa nào đó.
Không phải là không có một vài chi
tiết mà độ thuyết phục chưa cao khi tác giả viết về tính cách và suy
nghĩ của người Việt bên kia chiến tuyến hay người di cư vào nam hoặc
đang sống ở hải ngoại. Nhưng không sao, đó chỉ là tiểu tiết. Quan
trọng là truyện được viết dưới góc nhìn của một nhà văn lão luyện, sinh ra và
lớn lên ở miền bắc, đi qua các cuộc kháng chiến thần thánh, chứng kiến những
đổi thay của thế sự và hiện nay ông vẫn còn sống. Điều đó cho thấy ông là
chứng nhân lịch sử đáng kính, đáng tin cậy.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Hoàng Hải Vân0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phùng Hiệu0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đông La0
- Các bài viết của
(về) tác giả Thái Hạo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyên Lạc0
- Các bài viết của
(về) tác giả Kiều Mai Sơn0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phan Huyền Thư0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hưng Hải0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0
Mời
nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn
CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Vũ Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Minh Nhiên -
nguồn: facebook
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét