HÀN MẶC TỬ - MỘT THI SĨ CÓ SỐ PHẬN BI THƯƠNG - Tác giả: Phan Huy Đông (Hà Tây)

Leave a Comment

HÀN MẶC TỬ -
MỘT THI SĨ CÓ SỐ PHẬN BI THƯƠNG
*
Tên tuổi và thơ Hàn Mặc Tử đã được người đời biết đến và đánh giá cao, từ những năm 1930. Qua một thời gian chiến tranh, vào những năm 1990, giới văn học Việt Nam lại một lần nữa nhắc đến Hàn Mặc Tử một cách trân trọng: đánh giá tốt về thơ Hàn Mặc Tử, cho học trong chương trình nhà trường phổ thông và Đại học, in lại thơ Hàn Mặc Tử nhiều lần, nhiều bản, hội thảo bình luận về Hàn Mặc Tử ...
Thi sĩ Hàn Mặc Tử có tên thật là Nguyễn Trọng Trí.
Vì là người theo đạo Gia Tô nên thi sĩ có tên thánh là Pierre Francois.
Thi sĩ sinh ngày 22 tháng 9 năm 1921 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới) và mất ngày 11 tháng 11 năm 1940 tại Nhà thương bệnh phong Quy Hòa cách thành phố Quy Nhơn 3km. Lúc đó, mộ của nhà thơ được chôn tại nghĩa trang nhà thương Quy Hòa. Về sau, mộ được chuyển ra Gành Ráng.
Hàn Mặc Tử là một trong những bút danh của Nguyễn Trọng Trí và là bút danh cuối cùng, nổi tiếng nhất nên người đời quen gọi cái tên "Hàn Mặc Tử" để chỉ nhà thơ này.
Hàn Mặc Tử vốn gốc người Thanh Hóa. Nhà thơ có họ Nguyễn này, chính thực tổ tiên là họ Phạm, ông cố tên là Phạm Nhượng đã bị truy nã vì có liên quan đến quốc sự. Người con của cụ Pham Nhượng là cụ Phạm Bồi đành phải bỏ quê xứ Thanh để trốn vào Thừa Thiên. Vì cần phải mai danh ẩn tích nên cụ Phạm Bồi đã đổi theo họ mẹ là Nguyễn. Cụ Phạm Bồi này đến lập nghiệp tại làng Thanh Tân, quận Phong Điền, cách Huế chừng 30km. Đây là xứ theo đạo Gia Tô. Lúc đó, cụ Phạm Bồi được một linh mục người Pháp, được gọi theo tên Việt Nam là Cố Đồng, đỡ đầu.
Theo lời truyền lại thì cụ Phạm Bồi học giỏi, có sức khoẻ của một lực sĩ. Năm sáu mươi tuổi, cụ Phạm Bồi đã có sự tích một mình dùng vai kích đẩy được một chiếc thuyền ghe bầu chở đầy gạch bị mắc cạn. Cụ Phạm Bồi không hề làm việc cho chính quyền lúc đó, chỉ là người dân thường. Đến người con của cụ Phạm Bồi đã mang họ Nguyễn với tên là Nguyễn Văn Toản. Ông Nguyễn Văn Toản là con cả của cụ Phạm Bồi (! ?) chính là thân sinh của nhà thơ Nguyễn Trọng Trí.
Gia đình của Nguyễn Trọng Trí (Hàn Mặc Tử) thiết tưởng cũng có ảnh hưởng đến cuộc đời và thơ văn của nhà thơ.
Ông thân sinh Nguyễn Văn Toản học chữ Hán từ thuở bé. Khi lớn lên, ông vào học tại Đại chủng Viện Huế. Như thế là ông Nguyễn Văn Toản đã bước vào cuộc đời tu viện để làm thầy tu. Ông Nguyễn Văn Toản đã lên đến chức Thầy Tư. Sau đó, ông Nguyễn Văn Toản bỏ việc làm thầy tu để đi ra sống cuộc đời một viên chức thời đó. Ban đầu, ông làm thông ngôn (phiên dịch) tại Tòa Sứ Hội An. Sau ông chuyển sang làm ký lục Thương Chánh (giống như nghề Thương Nghiệp, Thương Mại hiện nay).
Ông thi đậu Tham tá và đổi ra làm chủ sự Sở Thương Chánh Nhật Lệ ở Đồng Hới (Danh từ Chủ Sự này ngang với chức danh Trưởng Ty, Giám đốc Sở thời hiện nay).
Chính vì xuất thân trong một gia đình viên chức thời Pháp thuộc như vậy nên Hàn Mặc Tử đã có nhiều dáng dấp của một "thư sinh nho nhã" là thân vóc gầy yếu, tinh thần hiếu học, thích giao du bạn bè, tính tình hiền lành, chất phác. Đặc biệt có tính nhút nhát, sợ đàn bà, không ưa chuyện trai gái cô đầu con hát nhưng lại rất si tình trong lĩnh vực tâm hồn. Có lẽ nề nếp gia đình đã tạo cho nhà thơ một bản chất tưởng như đối nghịch trong con người có học đó?
Mẹ của Hàn Mạc Tử tên là Nguyễn Thị Duy. Bà đã sinh hạ được sáu người con mà Hàn Mặc Tử là con thứ tư, sau một anh và hai chị, trên hai em trai.
Hàn Mặc Tử vào cuộc đời làm văn thơ từ những năm 1931 và đã có nhiều bút danh.
Thoạt đầu, Nguyễn Trọng Trí lấy bút danh là Minh Duệ Thị. Bút danh Minh Duệ Thị này không nổi tiếng nên ít người biết đến.
Khi đăng bài ở báo Phụ Nữ tân Văn, Nguyễn Trọng Trí ký bút danh là P.T. Vì thơ hay nên đã được độc giả tìm hiểu xem ai là tác giả của các bài thơ hay có ký tên là P.T đó. Người muốn tìm P.T chính là thi sĩ Quách Tấn. Ông Quách Tấn đã nhờ ông Nguyễn Trấp ở Quy Nhơn tìm hộ xem ai là P.T. Nhờ một lần tình cờ mà ông Nguyễn trấp đã tìm ra P.T chính là Nguyễn Trọng Trí. Chữ P.T chính là chữ Phong Trần viết tắt. Đây là bút danh mà Nguyễn Trọng Trí đã chọn lần thứ hai.
Bút danh lần thứ ba mà Nguyễn Trọng Trí lấy là sự ghép hai chữ đầu của sinh quán Lệ Mỹ và nguyên quán Thanh Tân mà thành chữ Lệ Thanh. Vì thi sĩ Quách Tấn đã chê bai cái bút danh "P.T" = Phong Trần là không phù hợp với tạng người mảnh khảnh của nhà thơ trẻ này.
Đến khi Nguyễn Trọng Trí lấy cái bút danh "Lệ Thanh" thì lại bị Quách Tấn cười trêu là tên nghe "con gái yểu điệu thục nữ" quá.
Vì vậy, Nguyễn Trọng Trí chuyển sang ký bút danh là Hàn Mạc Tử. Xin lưu ý độc giả khi đọc chữ "Mạc" đừng đọc nhầm là chữ "Mặc". Cái bút danh này có nghĩa như sau: "Hàn" nghĩa là "lạnh". "Mạc" là "cái rèm cửa, màn cửa". Vậy "Hàn Mạc Tử" có nghĩa là "con người... bức rèm lạnh" (cũng chỉ là mang nghĩa "cái rèm lạnh" mà thôi). Thật là... độc đáo... vì thế Nguyễn Trọng Trí đem khoe với ông bạn thi sĩ Quách Tấn. Không ngờ Quách Tấn cứ chê bai "Tránh kiếp Phong Trần lại đi tìm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp "rèm lạnh"... Sao mà luẩn quẩn thế?". Nguyễn Trọng Trí đã phát cáu lên mà rằng: "Anh thật đa sự! Không biết đặt "cái đếch" gì cho vừa lòng anh?". Vì vậy, Quách Tấn đã nói: "Đã có rèm thì thêm bóng trăng. Hỏi có cảnh nào nên thơ bằng!". Nghe vậy, Nguyễn Trọng Trí liền bẻ một vầng trăng non hình lưỡi liềm lên trên chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Như thế, chữ "Mạc" biến thành chữ "Mặc" mà nghĩa của "Mạc" là "rèm cửa" còn nghĩa của chữ "Mặc" lại là "mực". Từ đó, chữ "Hàn" trong "Hàn Mặc Tử" lại có nghĩa là bút. "Bút" mà đi với "mực" thì tuyệt đẹp! Bút danh "Hàn Mặc Tử" tuyệt đẹp là vì vậy! Nó có nghĩa "chàng bút mực". Vừa hợp với nhà thơ, với nghề thơ vừa không có thiên lệch như những bút danh khác. Cái bút danh "Hàn Mặc Tử" vì thế mà được nhiều người nhớ nhất và cũng là bút danh cuối cùng của nhà thơ.
Hàn Mặc Tử đã bị bệnh phong. Lúc đó không có cách nào chữa được và đó là loại tứ chứng nan y (phong, lao, cổ lại) nên Hàn Mặc Tử đã bị chết và vẫn chưa hề có vợ con gì.
Vì thế, có thể nói "Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có số phận bi thảm, chưa hề có vợ nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử thì thắm đượm nhiều hình ảnh người đẹp, người trong mộng tưởng".
*.
Viết: Mùa xuân Bính Tý 1996
PHAN HUY ĐÔNG
.






…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét