KHÔNG AI CÓ
THỂ
CÒNG TAY
ĐƯỢC LỊCH SỬ
*
(Tác giả Vũ Hữu Sự) |
Thế là
phiên tòa xét xử vụ án được ngành tư pháp xã hội chủ nghĩa gọi là “giết người”
và “chống người thi hành công vụ” xẩy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ
Đức (Hà Nội) vào khoảng 3 giờ ngày 9/1/2020, đã được mở.
Cáo
trạng thể hiện quyết tâm rất cao của ngành tư pháp xã hội chủ nghĩa, là cùng
với việc tước đoạt mạng sống của đảng viên 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời Lê Đình
Kình mà không cần khởi tố, truy tố, xét xử, sẽ tước đoạt mạng sống của nhiều
người nữa.
29 bị
cáo đều là những người nông dân ở làng Hoành, trong đó 25 người bị truy tố theo
điều luật có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Phần lớn trong số 29 người đó
là con cháu, họ hàng cụ Lê Đình Kình. Phải chăng thảm án Lệ Chi Viên đang lặp
lại.
Trong
mấy ngày nay, trên mặt rất nhiều tờ báo của nền báo chí cách mạng đã nhoe nhoét
máu tươi, đã kết tội 29 người dân kia trước khi tòa án kết tội. Việc này khiến
người ta nhớ lại cảnh máu me nhoe nhoét trên mặt các tờ báo của nền báo chí
cách mạng thời cải cách ruộng đất. Nào “địa
chủ ác ghê - C.B”, nào “giết,
giết nữa, bàn tay không phút nghỉ/ cho ruộng đồng xanh tốt, thuế mau xong/ cho
đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt
– Tố Hữu”, nào “thắp đuốc cho đỏ đình
làng/ thắp đuốc cho sáng đường làng đêm nay/ lôi cổ chúng nó ra đây/ đạp đầu
xuống đất, đọa đày chết thôi - Xuân Diệu”… Máu
của hàng ngàn người dân vô tội bị “đọa đày chết thôi” (trong đó có máu của bà
Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, một người phụ nữ yêu nước, đã đóng góp hàng trăm
lạng vàng và hàng chục tấn lương thực cho cách mạng) thời đó, đã trát đỏ lòm
lên gương mặt của chế độ, hơn 60 năm qua và mãi mãi về sau, vẫn bốc mùi tanh
tưởi. Phải chăng mấy ngày nay, báo chí cách mạng lại đang lặp lại những gì báo
chí cách mạng thời cải cách ruộng đất đã làm?
Kết luận
của cơ quan chức năng khẳng định việc lực lượng cảnh sát cơ động bắn chết cụ Lê
Đình Kình là đúng quy định của pháp luật? Ơ hay, nếu đã đúng pháp luật thì tại
sao lại ngăn cấm báo chí và các tổ chức vào làng Hoành để điều tra độc lập?
Thông thường, nếu đã làm đúng pháp luật thì người làm đó có lòng kiêu hãnh, và
người ta muốn càng nhiều người, kể cả người nước ngoài, biết sự thật, càng tốt.
Đằng này… dìm sự thật trong bóng tối là việc làm của loài dơi.
29 người
đã được giải vào, đứng chật cả phòng xét xử. Nhưng những câu hỏi về vụ án thì
vẫn chưa có lời giải một cách minh bạch. Báo chí nói rằng suốt năm 2019, những
người đó đã thành lập “tổ đồng thuận” để giữ đất đồng Sênh, đã góp tiền mua lựu
đạn, làm bom xăng, sắm sửa vũ khí thô sơ, và đã phát lên mạng rằng nếu công an
kéo vào thì sẽ giết từ 300 đến 500 người. Ơ hay, đó là dấu hiệu cấu thành tội
“tàng trữ vũ khí thô sơ” và “đe dọa giết người” một cách rất rõ. Lực lương công
an “giỏi nhất thế giới” có mù đâu, tại sao không khởi tố vụ án, khởi tố bị can
? và chỉ cần một tổ công an phối hợp với chính quyền xã Đồng Tâm là có thể bắt
tạm giam được họ để phục vụ điều tra rồi truy tố, xét xử một cách công khai
giữa “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”. Không ai bị khởi tố, nghĩa là ở
làng Hoành không ai vi phạm pháp luật. Vậy thì căn cứ nào để phải điều đến 3000
quân đến một ngôi làng không có ai vi phạm pháp luật vào ban đêm, phá sóng điện
thoại, cắt intenet, để bắt người, nuốt trọn lời hứa của chủ tịch Ủy ban Nhân
dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước đó rằng sẽ không truy cứu trách
nhiệm hình sự bất cứ một ai ở làng Hoành? nói rằng những người dân làng Hoành
đã tấn công lực lượng cảnh sát cơ động ư? thông tin này VTV đã đưa đi đưa lại
nhiều lần, nhưng tuyệt đối không đưa ra được một hình ảnh nào, dù chỉ một giây
thôi, cảnh những người dân tấn công lực lượng cảnh sát cơ động. Trong bài viết
“Tội
ác Đồng Tâm”, Giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú đã chứng minh rằng 3 chiến sỹ cảnh
sát cơ động đã bị giết trước đó rồi bị ném xuống hố kỹ thuật, và bị đốt bằng
một thứ chất cháy thể rắn, thứ mà người dân làng Hoành không thể có, chứ hoàn
toàn không chết do các “đối tượng” bị đưa ra xét xử hôm nay đổ xăng đốt.
Phiên
tòa có lẽ đã bắt đầu. Người dân Việt Nam chẳng mấy người dám lên tiếng trước
một rừng còng số 8 và một rừng lưỡi lê. Và rất có thể tới đây, máu của những
người dân Đồng Tâm này sẽ tiếp tục trát đỏ lòm gương mặt của chế độ.
Còng số
8 có thể còng tay bất cứ một người dân nào dám lên tiếng về vụ án này. Nhưng
không ai có thể còng tay được lịch sử.
Xin hãy
coi những lời này của tôi là lời an ủi, xẻ chia với 28 người dân Đồng Tâm đang
phải vùi mình trong tù tội và rất có thể tới đây sẽ phải vùi đời dưới 3 thước
đất. Xin bà con hãy yên tâm. Rồi đây, nhất định phiên tòa xét xử vụ án “giết
người” ở Đồng Tâm ngày 9/1/2020 sẽ được mở lại. Chỉ có điều bị cáo là những kẻ
khác. Xin nhắc lại, không ai có thể còng tay được lịch sử./
0 comments:
Đăng nhận xét