CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI CHẾT ĐI SỐNG LẠI - Tác giả: Đỗ Việt Phương (Hải Phòng)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI
CHẾT ĐI SỐNG LẠI
*
Có rất nhiều câu chuyện rất kỳ thú, khoa học chịu bất lực khi tìm câu trả lời cho những trường hợp cụ thể đó, ví dụ như chuyện người chết sống lại, được đăng tải trên các báo, tạp chí ở Việt Nam gần đây.
(Cụ Phan Thị Huyến)
Câu chuyện thứ nhất:
Câu chuyện về cụ Phan Thị Huyến (SN 1920, ngụ thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sau 11 năm sống trong bóng tối vì mù lòa, bỗng nhiên đôi mắt sáng trở lại được tác giả Phương Thảo ghi lại, đăng trên báo Pháp Luật Việt Nam, ngày 28 tháng 03 năm 2016, như sau:
Mắt sáng lại sau một giấc ngủ trưa
Hỏi thăm về cụ Huyến, hầu như người dân thôn Kim Sơn đều biết bởi “kì tích” đôi mắt mù lòa nhiều năm đột nhiên sáng lại. Có người nhiệt tình vừa kể chuyện vừa đưa khách đến tận nhà cụ. 
Được biết, cuộc đời cụ Huyến đã qua nhiều mất mát. Chồng mất sớm, một mình cụ phải chăm sóc ba con nhỏ. Năm 1968, người con trai út trúng bom Mỹ qua đời. Cụ Huyến chèo chống đủ nghề nuôi hai người con gái còn lại. Người con gái đầu lấy chồng và sinh sống tại Đà Nẵng. Hiện cụ sống cùng vợ chồng người con gái thứ hai ở thôn Kim Sơn này.
Căn nhà cấp bốn nằm khuất sau những rặng tre xanh. Thấy có khách, ông Nguyễn Quang Hòa (SN 1954, con rể cụ Huyến) vội chạy ra tiếp. Người con rể cho biết bà cụ đi chơi chưa về. Dù đã 95 tuổi, cụ Huyến vẫn minh mẫn, sống vui, sống khỏe. Từ khi sáng mắt lại, ngày nào cụ cũng chống gậy đi khắp xóm làng cho bù lại những ngày tháng sống trong tăm tối.
Nhắc đến câu chuyện kì diệu về đôi mắt của mẹ vợ mình, ông Hòa chia sẻ: Vào một buổi chiều mùa đông năm 1996, cụ Huyến cùng vợ chồng ông đi hỏi thăm gia đình một người họ hàng bị mất tích trong xóm về, tự nhiên bà cụ kêu đau mắt không nhìn thấy gì.
(Tác giả Đỗ Việt Phương)
Tưởng mẹ bị bụi bám vào mắt, vợ chồng ông Hòa lấy nước và khăn lau nhưng không có tác dụng, sáng hôm sau thì đưa cụ vào viện. Sau nhiều ngày nằm điều trị, đôi mắt bà cụ vẫn không nhìn được. Gia đình đành đưa về nhà chăm sóc. Từ đó cụ Huyến phải sống cảnh mù lòa.
Không nhìn được, cụ Huyến chỉ ngồi một chỗ trong nhà, mọi sinh hoạt đều do con cháu giúp. Bà cụ buồn ủ rũ hẳn. Người thân phải ra sức động viên, cụ mới phần nào lấy lại được tinh thần. Rồi cụ tập làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Một thời gian sau, cụ tự đi lại được, tự rót nước, rửa mặt... mà không bị vấp té, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không dám đi đâu vì sợ ngã.
Cả gia đình đều đã chấp nhận cảnh sống như vậy, ngờ đâu 11 năm sau, hè năm 2007, sau giấc ngủ trưa, cụ Huyến bỗng dưng nhìn lại được. Ông Hòa tâm sự: “Lúc đó tôi đang cùng bốn người họ hàng ngồi uống rượu thì nghe mẹ bảo mắt mẹ nhìn thấy rồi. Cứ nghĩ mẹ bị lẫn, ăn nói lung tung, nên không ai tin. Nhưng khi bà chỉ từng người nói đúng tên tuổi, mọi người mới ngớ người ngạc nhiên”.
Bán tín bán nghi, ông Hòa liền dẫn mẹ vợ đi một vòng quanh vườn để xác thực. Thấy bà cụ dễ dàng đi lại không cần người dìu như ngày thường, ông rất bất ngờ. Để chắc chắn hơn, hôm sau ông dắt bà xuống nhà đưa từng chiếc áo, chiếc quần hỏi thì cụ nói vanh vách màu sắc và chủ nhân của từng đồ vật. Lúc này ông Hòa mới tin mắt mẹ mình đã sáng lại thật. Cả gia đình òa khóc vì quá vui mừng, sung sướng.
Chuyện lạ có thật
Ông Hòa tâm sự: “Khi tôi gọi điện báo tin mắt mẹ sáng lại cho chị vợ và anh rể trong Đà Nẵng, họ không tin. Anh chị ấy còn bảo “dượng đừng đùa như vậy, làm gì có chuyện người mù tự nhiên sáng mắt lại”. Tôi phải khẳng định “em nói thật, không đùa đâu”, anh chị ấy mới bắt xe về. Khi nhìn thấy mẹ đi lại thoăt thoắt, vợ chồng anh chị mới bật khóc tin là sự thật”.
Tin cụ Huyến bị mù 11 năm bỗng dưng sáng mắt nhanh chóng lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Người dân ngạc nhiên kéo đến vừa chia vui, vừa kiểm chứng thực hư. Ông Hòa kể, một số người đồn cụ Huyến uống được thuốc dân tộc gì đó, người khác cho rằng bà cụ sáng là vừa đi mổ về.
Nhưng gia đình khẳng định, sau thời gian đầu đi viện không có kết quả, bà cụ không chữa trị gì vì nghĩ đã mù lòa vĩnh viễn. Nay bỗng dưng nhìn lại được, ngay cả con cháu trong nhà lúc đầu cũng không tin, chưa nói đến người ngoài.
Cũng theo người con rể, từ ngày mắt sáng, cuộc sống của cụ Huyến cũng thay đổi hẳn. Cụ như trẻ ra, yêu đời hơn. Đến nay dù đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn, sống vui vẻ với gia đình hai người con gái, tám cháu và 14 chắt. Mỗi bữa cơm, cụ vẫn ăn đều đặn một bát, không hơn không kém. 
Chỉ hơn một năm nay, cụ mới bắt đầu nặng tai. Ai muốn nói gì với cụ đều phải ghé sát tai. Câu chuyện về cụ Huyến khiến người hàng xóm nghe đi nghe lại nhiều lần vẫn thấy thú vị. Người này góp lời: “Gặp cụ Huyến chống gậy đi chơi khắp nơi, ai cũng ngạc nhiên. Mọi người vội xúm lại hỏi, cụ bảo: “Mắt tôi sáng lại rồi”. Nhiều người không tin nên thử hỏi cụ một số đồ vật xung quanh, không ngờ cụ nói đúng hết. Ai cũng thấy thú vị trước sự việc hi hữu này”.
Khách đợi đến gần trưa mới thấy cụ Huyến chống gậy đi về. Bước chân gầy guộc vẫn nhanh nhẹn, vững vàng. Khuôn mặt cụ bà xếp đầy nếp nhăn ngang dọc nhưng tươi tắn, khỏe khoắn. Được hỏi về những năm sống cảnh mù lòa, cụ tâm sự: Làm sao nói hết nỗi tuyệt vọng khi mắt đang sáng tự nhiên mù, vừa chán nản thấy mình vô dụng, vừa thương con thương cháu. Nhưng các con, các cháu không ngừng động viên nên cụ cũng dần vượt qua, tự mò mẫm làm quen với cuộc sống trong bóng tối. 
Cụ đã cam chịu sống trong bóng tối đến hết đời, không ngờ mắt đột nhiên sáng lại. Bà cụ coi đó là “món quà lớn ông trời ban tặng cho tôi những ngày cuối đời”. “Lúc đó tôi vừa ngủ dậy, mở mắt ra chợt thấy có tia sáng, rồi các đồ vật hiện ra mờ ảo. Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình nằm mơ, đến khi nhìn rõ mọi thứ mới biết mắt mình sáng lại thật. Tôi mừng quá vội chạy ra nói với con cháu là “mắt mẹ sáng lại rồi”. Con cháu ban đầu nhất định không tin”, cụ Huyến vui vẻ nói.
Bất tỉnh chín ngày vẫn tỉnh lại
Kể lại đời cụ Huyến mới hay, ngoài kì tích sáng mắt lại, cụ còn nổi tiếng về việc “chết đi sống lại” sau chín ngày nằm mê man bất tỉnh. Gia đình chia sẻ: sức khỏe cụ Huyến vốn rất tốt, ít đau ốm. Tuy nhiên, tháng 9/2015, bỗng nhiên cụ không muốn ăn uống gì, chỉ nằm một chỗ. Gia đình lo lắng đưa cụ đi bệnh viện thì cụ nhất định không chịu. Sau đó cụ lịm đi không biết gì nữa. Nghĩ cụ không qua khỏi, con cháu khắp nơi kéo về chuẩn bị lo hậu sự. 
Đột nhiên sau chín ngày nằm liệt giường, cụ tỉnh lại, nói thèm ăn và tỉnh táo một cách khác thường. Từng có nhiều trường hợp người già trước khi mất đều tỉnh lại như vậy rồi ra đi nên con cháu càng buồn đau, cho rằng cụ hồi lại lần cuối để tạm biệt người thân. Nhưng cụ Huyến tỉnh lại, ăn khỏe, uống khỏe và ngày ngày có sức đi chơi khắp xóm cho đến nay, tính quãng đường có khi đến hàng cây số. 
Chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1984, cháu dâu cụ Huyến) chia sẻ: “Từ ngày mắt sáng lại, cụ trở nên nổi tiếng. Mỗi lần cụ đi chơi trong xóm, người ta gặp lại biếu cụ ít gạo, bánh. Có người còn biếu cụ tiền mong cụ mạnh khỏe, sống lâu. Gia đình cũng lo cụ cao tuổi đi lại nhiều không tốt nên khuyên ở nhà tĩnh dưỡng nhưng cụ không nghe. Cụ bảo chẳng sống được bao lâu nữa nên phải tranh thủ đi lại ngắm cảnh làng xóm”.
Được biết, cụ Huyến ngày trẻ là dân công hỏa tuyến vận chuyển gạo, san lấp hố bom... khắp các miền rừng núi Hà Tĩnh. Năm 2009, cụ được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen vì thành tích tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Võ An Ninh, Phó công an xã Kỳ Bắc cho biết: Cụ Huyến hiện là người cao tuổi nhất làng và có sức khỏe thuộc hàng tốt nhất so với các cụ cao niên khác./.
(Cụ Trần Thị Sương)
Câu chuyện thứ hai:
Cũng trên báo Pháp Luật Việt Nam, câu chuyện về sự chết đi sống lại của cụ Trần Thị Sương, sinh năm 1924, quê gốc tại Hội An, Sa Đéc, sống ở Tây Ninh từ năm 1954 đến nay được tác giả Kỳ Văn kể lại, đăng ngày 01 tháng 06 năm 2016 như sau: 
Cách đây mấy chục năm về trước cụ đã trải qua một cơn bạo bệnh để rồi chết đi. Nhưng không ngờ, trong lúc mọi người đang nhốn nháo lo thủ tục đưa tang, thì cụ bỗng dưng tỉnh dậy trước sự kinh ngạc của người thân, bạn bè. Để rồi cũng từ đó, cụ như trở thành một người hoàn toàn khác.
Chết sau cơn bạo bệnh
Người mà chúng tôi nói tới đây là cụ bà Trần Thị Sương, sinh năm 1924, quê gốc tại Hội An, Sa Đéc. Nhưng năm 1954, do gia đình bị giặc Pháp truy lùng gắt gao nên đã trốn lên Tây Ninh và sống từ đó đến nay. 
Ngày 2/7, vào khoảng 8 giờ tối, đột nhiên trong người cảm thấy khó chịu, bà vội vào giường nằm, bổng thấy chân tay lạnh dần. Bà cố gắng gọi người nhà nhưng hình như không ai nghe thấy tiếng kêu cứu của bà. Lúc đó bà có cảm tưởng máu trong người đặc lại, tim đập loạn, hơi thở nặng nhọc, đầu tê dần, lưỡi cứng lại không còn cử động được nữa. 
Trong lúc đau đớn, hấp hối ấy, bà bỗng thấy một vầng sáng tròn đường kính khoảng 2 thước hiện ra trên đầu  như chong chóng, có một sợi dây nhỏ màu xám, nối liền vầng sáng đến đỉnh đầu bà, vầng sáng càng quay nhanh, bà càng mệt, hơi thở gần như đứt đoạn, rồi vầng sáng và sợi dây bỗng biến mất. Lúc ấy, bà thấy tự nhiên khỏe lại, liền đứng dậy nhẹ nhàng, ngó thấy xác mình đang nằm bất động. Bấy giờ,  bà mới biết mình là một chơn linh đã xuất khỏi xác.
 Bà Sương tiếp tục câu chuyện: “Lúc này, tôi định đi ra đằng trước liền thấy mình đi xuyên qua vách nhà, thấy người nhà tôi đang nằm ở đi văng. Tôi đến trước bàn thờ Đức chí tôn bỗng thấy có hai đấng thiêng liêng hào quang lấp lánh hiện ra, một ông mặc đạo phục màu xanh, một ông mặc đạo phục màu trắng cầm cây phướn dài, đứng ở sau lưng tôi, lạ một điều là hai đấng thiêng liêng ấy nghĩ gì tôi hiểu ngay tức khắc, chứ không phải nói ra”. 
Dù thời gian đã trôi xa mấy chục năm, bà Sương vẫn nhớ, lúc linh hồn bà xuất ra khỏi xác: “Tôi nhìn thấu qua tường nhà thấy chung quanh một màu u tối, vô số chơn hồn bị đọa qua lại, than khóc rên la nghe thảm não. Tôi cảm thấy tất cả đều là huyết nhục của mình, nên rất đau buồn vì nỗi thống khổ của họ. Lúc này, theo lời dạy của đấng thiêng liêng, chơn linh của tôi bay bổng lên cao. Ông cầm phướn giảng giải cho tôi biết: Đây là cảnh thiên thai trên cõi trần một bực”. 
Lúc này, bà thấy ở đây khắp nơi nhà cửa, cây cối, y phục con người...mọi vật giống như cõi trần. Tuy nhiên người ở đây cốt cách phong lưu đẹp đẽ, có người già râu dài, nhưng trong sắc diện vẫn còn trẻ, mọi sinh hoạt ở đây đều có vẻ an nhàn và không có tiếng động. 
Rồi bà gặp Thượng đế. ông nói: “Công quả con chưa đủ, chưa ở lại được, phải trở lại lập công, sẽ có thần thánh giúp”.
Thế là ngay lập tức, có một luồng sáng từ Thượng đế bay xẹt xuống ngang đầu khiến bà Sương cảm thấy nhẹ nhàng, thông thái hắn. Tiếp đó, như có ai ở đằng sau xô bà, khiến linh hồn bà trở về với thân xác mình và tỉnh dậy sau một đêm chết đi. 
Trong ký ức của mình, bà nhớ, lúc ngồi dậy, thấy khung cảnh xung quanh nhốn nháo, tiếng khóc, tiếng nói inh ỏi. Thế rồi biết bà tỉnh dậy, ai ai cũng xúm lại xem. 
Bỗng dưng tỉnh dậy và sống khác trước
Những cụ già trong ấp Trường Lưu cho biết, nếu khoảng 2 giờ đồng hồ nữa mà bà Sương không tỉnh dậy thì mọi người sẽ làm công tác khâm liệm tử thi để đưa bà nhập quan. Nhưng thật không ngờ mắt bà Sương nhấp nháy, mở dần, rồi từ từ ngồi dậy, khiến ai ai cũng tròn mắt kinh ngạc. 
Cũng từ đây, con người bà Sương như biến thành một người hoàn toàn khác. Trước khi chưa chết, bà không ăn chay, không tin có linh hồn, Thượng đế, nhưng kể từ khi sống lại, mỗi ngày bà đều ăn chay. Bà nói: “Sẵn có bàn thờ Thượng đế của ông bà ở đó, tỉnh dậy mỗi ngày tôi thắp hương thờ bốn bận, sáng trưa, chiều tối. Trước khi chưa chết, mặc dù có đó nhưng chẳng mấy khi tôi thắp hương”.
Từ đó bà quyết sống một đời sống có tâm linh, tín ngưỡng, sẵn sàng làm điều thiện. 
Bà Sương nghĩ, làm như thế sẽ cung cấp cho mọi người kiến thức, lòng tin vào đạo, giúp họ sống tốt hơn với cha mẹ, ông bà...Đó mới là sự giúp đỡ lâu dài, bền vững.
Hiện tượng chưa thể lý giải
Bác sỹ Ngọc Phượng, đồng thời là trưởng ấp Trường Lưu (xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) chia sẻ: “Hiện tượng của cụ Sương là một hiện tượng lạ lùng trong ấp mà đến nay vẫn chưa ai lý giải được. Đến nay vẫn còn nhiều người tò mò tìm đến cụ để hỏi chuyện. Trước đây, khi cụ còn khỏe, còn đi lại được, thỉnh thoảng cụ đi giỗ, tết, là mọi người lại xúm lại bảo cụ kể lại câu chuyện chết đi sống lại của mình cho mọi người nghe. Trong ấp, cụ là người được lòng bà con bởi những việc thiện mà cụ đã làm để giúp đỡ mọi người”.
(Cụ Nguyễn Thị Dí)
Câu chuyện thứ ba:
Và câu chuyện thứ 3 cũng được tác giả Kỳ n kể lại đăng ngày 29 tháng 04 năm 2016 trên báo Pháp Luật Việt Nam về cụ bà Nguyễn Thị Dí, sinh năm 1937, cư trú tại ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Sài Gòn, đuối nước nửa ngày bỗng dưng sống lại. Câu chuyện như sau:
Xác chết trôi sông bỗng dưng sống lại
Sự việc đã qua cách đây nhiều năm, thế nhưng khi chúng tôi tìm đến địa phương, hỏi chuyện thì người dân nơi đây vẫn còn bàn tán, kể về bà với một “tinh thần” hồ hởi, cứ như sự việc vừa mới xảy ra gần đây. Đó là trường hợp của cụ bà Nguyễn Thị Dí, sinh năm 1937, cư trú tại ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Sài Gòn.
Người dân địa phương vẫn gọi bà là bà Út Dí, hay bà Tám, bởi bà là người con gái út trong số 8 anh chị em. Hiện bà đang sống chung cùng một người chị gái của mình và 2 người con, cùng một đứa cháu ngoại bị thiểu năng. Khi chúng tôi tìm đến gia đình, bà từ trong nhà bước ra. 
Nhớ lại sự việc cách đây mấy năm, bà Dí bảo đó là một ngày vào khoảng tháng 10/2010, lúc đó khoảng hơn một giờ sáng, bà bỗng dưng như một người mộng du rồi cứ thế đi ra bờ sông cái cách nhà mấy cây số mà con cháu không hề biết gì.
Ngay cả việc té xuống sông lúc nào bà cũng không thể nhớ nổi. “Tôi chẳng biết gì cả. Chỉ đến lúc mở mắt ra thì đã thấy mọi người đứng vây quanh mình rất đông rồi”, bà Dí kể. 
Theo những người dân địa phương kể lại rằng, thời điểm họ phát hiện một xác chết trôi sông là khoảng 8 giờ sáng ngày 11/10. Những người phát hiện đầu tiên là những người đàn ông chèo ghe, thuyền trên sông.
Thấy cái xác trôi lại gần ghe, họ liền lấy cái cây đẩy ra xa, nhưng một lúc lại dạt vào. Cứ như thế cái xác của bà cứ trôi dập dềnh trên sông đến khoảng 10 giờ trưa thì mới được vớt lên bờ”, một người hàng xóm của bà Dí kể.
Những người dân địa phương cho biết, vì con sông này lớn, sâu nên đã có nhiều người chết đuối, rồi xác trôi qua đây nên. Chính vì thế, khi thấy xác của bà Dí trôi, không ai nghĩ là người địa phương, mà cứ nghĩ là người chết ở đâu trôi về.
Cho đến khi một người thanh niên trên ghe lấy dây mây cột xác bà kéo vào bờ thì người dân địa phương mới hoảng hốt nhận ra bà Dí. Một lúc sau, tin đồn đã lan khắp địa phương. Người nhà bà Dí nghe thế thì ai cũng khóc lóc, đau khổ và chuẩn bị làm thủ tục để lo hậu sự cho bà. 
Tôi nghe nói, khi thanh niên đưa bà lên bờ, thì bà không có triệu chứng sặc nước. Có nghĩa là trong khoảng thời gian ngâm mình dưới nước bà ấy không uống một ngụm nước nào cả. Nghĩ bà đã chết, họ lấy dây quấn quanh người, đặt lên chiếc chiếu mới. Nhưng vừa đặt được lúc thì bỗng dưng bà mở mắt, co chân đạp, rồi bất ngồi dậy như không có chuyện gì.
Thấy vậy, ai cũng hoảng hốt, sợ hãi bỏ chạy như gặp phải ma đuổi”, bà Anh (81 tuổi) sông gần nhà bà Dí vừa cười vừa nhớ lại. 
Được biết, sau khi bà Dí tỉnh lại, con cháu đưa bà về nhà thay quần áo rồi đem lên bệnh viện huyện Hóc Môn chữa trị. Tại đây, bác sĩ khám và bất ngờ thông báo rằng trong cơ thể bà không có một giọt nước nào. “Mẹ tôi ở lại đấy một đêm rồi sáng mai nằng nặc đòi về vì thấy trong người không bệnh tật gì cả”, người con trai cả sống chung với bà Dí kể.
Được người địa phương phong thánh
Theo phán đoán của người dân địa phương, kể từ khoảng thời gian bà bị té sông cho đến lúc được vớt lên là không dưới 10 tiếng đồng hồ. Bởi theo lời bà Dí kể lại, thời điểm bà bỏ nhà đi là khoảng 2 giờ sáng, nhưng mãi đến 10 giờ trưa hôm sau xác của bà mới được vớt lên khỏi mặt nước. “Thật không thể nào tin nổi, nếu người bình thường chỉ cần té sông 5 phút mà không có người cứu thì đã chết rồi chứ nói chi đến hàng chục tiếng đồng hồ”, một người đàn ông cho biết.
Thông tin bà Dí bỗng dưng mở mắt rồi sống lại được truyền đi đã gây tò mò cho người dân địa phương. Còn những người tận mắt chứng kiến thì không thể nào tin nổi. Có người bảo, mãi đến mấy tháng sau gặp lại bà Dí, họ vẫn còn cảm giác ớn lạnh, không tin là bà Dí còn sống thật.
Ngay cả bản thân bà Dí, khi được con cháu, người dân kể lại câu chuyện của mình, bà cũng không thể tin nổi sự thật ấy. Bởi theo bà, từ nhỏ đến giờ bà chưa một lần bơi sông, cũng không biết bơi là gì cả. 
Bà Dí bộc bạch: “Tôi cũng không hiểu làm sao nữa. Cũng có thể do ma nhập vào nên tôi mới như thế cũng nên. Kể từ đó đến giờ tôi sống khỏe bình thường, chỉ có căn bệnh viêm khớp thỉnh thoảng đau nên đi lại hơi khó khăn”.
Bà Dí cũng cho biết, câu chuyện kỳ lạ của bà những người biết đã vượt ra khỏi phạm vi đất nước Việt Nam, ngay cả bên Mỹ, bên Nhật cũng có người tìm đến nhà bà hỏi chuyện. Bà chia sẻ: “Cũng không biết từ đâu mà họ biết được. Có người đến nói chuyện rồi còn hứa cho tôi cái này, cái kia”.
Nhớ lại cái đêm bỏ nhà ra đi, bà Dí cho biết rằng, bà đang nằm ngủ thì bỗng dưng có một người đàn ông gọi rồi dẫn bà đi. “Tôi cứ thế đi theo mà không biết gì, mọi việc sau đó thế nào tôi cũng không biết”, bà Dí khẳng định. 
Qua quan sát của mình, bà Dí thấy người đàn ông “gọi” bà đi là một người đàn ông gốc Bắc, vào Nam đánh giặc và cuối cùng bị giết. Đến nay người này đã hơn 200 tuổi, có ý muốn trở về quê hương xứ sở, tìm lại người thân thích nhưng không biết làm cách nào. 
Ông Đặng Văn Cật (57 tuổi, tổ trưởng tổ 11, ấp 1, xã Đông Thạnh) cho biết rằng, lúc được người dân báo có người chết trôi sông, ông và ông ấp trưởng chạy ngay lập tức chạy ra hiện trường. “Chúng tôi chạy ra thì thấy bà đang nằm ngữa trôi theo dòng nước. Lúc đầu tôi cứ tưởng là người chết lâu rồi, nay phình bụng ra rồi mới nổi lên. Sau đó, chúng tôi gọi điện ra ngoài trạm 2, nhờ họ vớt lên dùm.
Sự việc bà Dí chết trôi sông mấy tiếng đồng hồ rồi sống lại, nói thì người ta không tin nhưng người dân ở đây người ta chứng kiến hết. Chuyện này là chuyện hiếm thấy, chưa bao giờ xảy ra ở địa phương cả. Hôm đó người dân họ ra coi đông như đám hát, có người gọi bà là thánh chứ không phải người nữa. Sau này còn có người đến gặp bà để xin số đề nhưng bà không cho”, ông tổ trưởng kể. 
Nói về việc, bà Dí có khả năng bị hồn ma nhập hay không, ông Cật cho biết: “Dân họ nói có người khuất mặt khuất mày nhập vào bà thì cũng không biết được, trước mắt thấy vậy thì biết vậy thôi”. Cũng theo ông tổ trưởng, con sông mà bà Dí trôi 10 tiếng đồng hồ đã từng có rất nhiều người chết.
Ông nói: “Hôm trước gần đây thôi mới có mấy người công nhân đi chơi bị hụt chân chết đuối, rồi cũng vớt xác về địa phương. Chuyện của bà Dí chỉ là chuyện hi hữu, hiếm thấy chứ một khi bị té sông mà không có người phát hiện cứu lên là khó sống sót lắm”./.



Mời xem: KHOA HỌC NHẬN ĐỊNH VỀ NHÂN QUẢ:

*
ĐỖ VIỆT PHƯƠNG
Địa chỉ: Khu tập thể đóng tàu Bạch Đằng
Ngã tư An Dương, Lê Chân, Hải Phòng.
Email: dovietphuong118@yahoo.com.vn






.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.06.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét