TẬP VÔ LỐI *NHỮNG LỚP SÓNG NGÔN TỪ* CỦA MÃ GIANG LÂN THUA VĂN HỌC SINH LỚP SÁU - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, nhà thơ Lê Văn Lân - bút danh: Mã Giang Lân)
TẬP VÔ LỐI "NHỮNG LỚP SÓNG NGÔN TỪ"
CỦA MÃ GIANG LÂN THUA VĂN HỌC SINH LỚP SÁU
*
Tôi đã có lần viết về Mã Giang Lân hai lần cầm vé giả đi Tàu Thơ. Đó là lần Mã Giang Lân đoạt giải ba thơ Báo Văn nghệ với bài “Trụ cầu Hàm Rồng” năm 1975 và tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” - Giải thưởng năm 2013 của Hội Nhà văn Việt Nam. 
Lần này có điều kiện đọc được cả tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” của Mã Giang Lân nên tôi viết tiếp cảm nhận của tôi vê tập thơ đoạt giải này. 
Mã Giang Lân suốt đời làm nghề dạy học, suốt đời nhìn 4 bức tường
(Nhà thơ Đỗ Hoàng)
(Lời tự bày giải của Giáo sư Lê Trí Viễn), ít va chạm với cuộc sống. Bản tính lành chả động chạm đến ai, lại “tùy thơi chi hỉ vi đại tai” - Không tử (cái ý tùy thời lớn lắm thay), thời nào theo thời ấy, phong trào nào viết theo phong trào ấy, kiểu như “có xôi nói xôi dẻo, có thịt nói thịt bùi”, đậm chất văn nô, gồng lên không dám chịu thương đau cùng cộng đồng. Thi pháp lại rất kém nên vì thế thơ ông nhạt nhẽo, đơn điệu, viết như không có vốn sống, chả ai muốn đọc.
Trước hết là khuyên mọi người không nên đọc, nó chẳng đem đến một tình cảm, thẩm mỹ nào mà lại đưa cái bực bội vào người!
Tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” gồm 42 bài do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2013 với số lượng 500 bản. Trong đó có 10 bài cụ thể viết về quê, 2 bài viết về Đà Lạt, 1 bài viết về cháu nội, còn lại viết ở các miền đất khác và nước ngoài.
Riêng tựa đề tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” đã đáng cho điểm Một về chỗ. Ngôn và Từ nguyên chữ Hán, Ngôn có nhiều nghĩa. Ngôn ở đây là nói, tự mình nói. Từ là lời nói. Nghĩa ở đây là lời thơ, lời văn. Dịch ra thuần Việt là “Những lớp sóng nói lời thơ văn”
Những hồn thơ, hồn văn chưa ăn ai, huống gì cái lớp sóng ngôn từ bề ngoài. Phải là linh khí, tâm can:
“Máu đã khô rồi! Thơ cũng khô!
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ đây trong gió trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ!...”
(Trút linh hồn - Hàn Mặc Tử)
Bây giờ sinh ra nhiều loại nhà thơ chạy đi tìm cái vỏ bề ngoài hồn thơ như vây. Chẳng hạn “Bóng chữ” của Lê Đạt. (Lê Đạt viết hay thời trước năm 1960, sau đó bị Cách mạng đánh tơi bời, ông quay tìm lối tắc tỵ để tránh búa rìu dư luận). 
“Điêu trác tự thị văn chương bệnh
Kỳ hiểm vưu thương khí cốt đa”
(Gọt rũa là bệnh của văn chương
Cầu kỳ, rắc rối làm hại đến hồn thơ)
(Lục Du – Nhà thơ đời Tống)
Mã Giang Lân cũng vậy, cầu kỳ rắc rối, nhạt nhẽo đơn sơ, nghèo nàn, lạnh lẽo, vô cảm đọc xong tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” người ta chẳng thấy sóng ngôn từ - sóng lời thơ lời văn ở đâu cả. Chỉ một vài chữ nghĩa xơ cứng, vô hồn, dung tục, anh chị, dao búa, lại rối ra rối rắm, đánh đố bạn đọc.
“Một đêm gấu ăn trăng
nhà nhà truyền nhau gõ nồi gõ mâm gõ chậu
xé không gian
mặt trăng hiển thị 
trăng lạnh cứ nơm nớp có gì chưa ổn
người ngủ không ngủ yên ngồi đập muỗi
người áo vắt vai hóng gió giữa trời
người lắc đầu ca cẩm…
(Khúc biến tấu)
Viết ra văn xuôi thì mới thấy sự ngô nghê vô lối của nó:
“Một đêm gấu ăn trăng, nhà nhà truyền nhau gõ nồi gõ mâm gõ chậu xé không gian. Mặt trăng hiển thị, trăng lạnh cứ nơm nớp có gì chưa ổn. Người ngủ không ngủ yên ngồi đập muỗi, người áo vắt vai hóng gió giữa trời, người lắc đầu ca cẩm…”
(Khúc biến tấu)
Cái lớp sóng ngôn từ mà Mã Giang Lân khuếch trương lên là ngôn từ nước ngoài viết không dịch ra tiếng Việt để lòe người Việt không biết ngoại ngữ! - “Baiyoke sky hotel” – tên một bài thơ (Khách sạn nối bầu trời) – xin trở lại sau.
Mười bài thơ – vô lối viết về cố hương, có hai bài liền viết Hàm Rồng, bài nào cũng sơ sài cụt lủn, lạt lẽo tình quê, bài nào cũng giản đơn, thô kệch; bài nào cũng sường sượng, nhạt nhèo, có phần hâm hấp, dở dẫn:
Bốn lăm năm lại một sáng này
nhà chài tung lưới
đoàn tàu hối hả lao vào 
hình như ngày hè găm đầy mắt lưới.
(Một sáng Hàm Rồng)
Thú thực khi có điều gì khó nghĩ
tôi thường ra đây ngồi
với dòng sông vô tư về biển
đôi bờ yên ngủ
những con thuyền neo lại đợi triều lên
tiếng gầu kéo nước
dăm ba đốm lửa loang trên sông…
(Đêm Hàm Rồng)
Chuyển ra câu văn xuôi cũng chẳng ra cái gì:
“Bốn lăm năm lại một sáng này, nhà chài tung lưới. Đoàn tàu hối hả lao vào, hình như ngày hè găm đầy mắt lưới.”
(Một sáng Hàm Rồng)
“Thú thực khi có điều gì khó nghĩ, tôi thường ra đây ngồi với dòng sông vô tư về biển. Đôi bờ yên ngủ, những con thuyền neo lại đợi triều lên; tiếng gầu kéo nước. Dăm ba đốm lửa loang trên sông…”
(Đêm Hàm Rồng)
Viết về cố hương quá nhạt nhẽo.
Mã Giang Lân đầy chữ sáo rỗng, “ba voi không ngọt bát xáo”, tiền nhân chỉ vài từ:
“Tha hương sinh bạch phát
Cựu quốc kiến thanh san”
(Quê người đầu điểm bạc
Nước cũ núi còn xanh)
(Đường Thi)
Hay: 
Byron (Anh)
My native land - Good night!
Adieu, adieu! my native shore 
Fades o’er the waters blue; 
The night-winds sigh, the breakers roar, 
And shrieks the wild sea-mew. 
Yon sun that sets upon the sea 
We follow in his flight; 
Farewell awhile to him and thee, 
My Native Land - Good Night! 

Đất quê ta, đêm yên lành ! 
Tạm xin xa bờ biển quê, 
Với làn nước lục xanh mê bóng trời 
Dội đêm sóng gió thét lời.
Và bài ca bão của loài hải âu.
Mặt trời đã lặn biển sâu
Ta mơ theo lối sắc màu quê hương
Tạm xa nơi chói ánh dương
Đất đai nguồn cội, đêm thương êm lành ! 
(Đỗ Hoàng dịch)
Không phải so sánh với thi bá, thi hào ngay những nhà thơ cùng quê, cùng trang lứa với Mã Giang Lân, họ viết về quê sâu nặng, triết lý, rất hiện đại, hay:
“Những khế ổi
Chín quá thì rụng xuống
Lặng yên nằm
Trong bóng mát tán cây
Thả bước ngắm vườn quê
Chợt thấy lại
Quả rụng rồi
Nhưng chẳng rụng xa cây!
(Vườn quê – Mai Ngọc Thanh)
Viết về người chị họ mà như bản kê khai đi kinh tế mới gửi xã trợ cấp đói:
“Phải đi bộ mấy cây số rồi ngồi xe lai chị mới về tới quê
mỗi năm cũng chỉ một lần vào ngày giỗ bố
mấy chục năm xung phong đi kinh tế mới
suối khe cây cối um tứm[ng mù đồ đạc áo quần lúc nào cũng âm ấm
nước suối thì xanh ngăn ngắt
chỉ được dăm năm chồng lăn ra ốm, một năm sau là đi…”
(Người chị họ nóí)
- Đó đâu phải là thơ?
Người ta viết về chị, người thân hay lắm:
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” 
(Hàn Mặc Tử)
Rồi viết về mẹ, rồi cũng như bản báo cáo gửi an ninh xóm, chưa nói hai từ “qua đêm” rất dung tục thời này như “đi tàu nhanh qua đêm, ngủ qua đêm” ở các nhà thổ…
… “Hôm nay con cháu ở đâu cũng đông đủ
cùng nhau lặng lẽ
dâng một bát cơm 
dâng một chén nước 
khói hương bay như tóc mẹ ngày nào
mẹ chi còn là thế hay sao
Con đi vào bếp
con ra góc vườn
mấy quả cau già héo hắt qua đêm
dây trầu leo lá khô lá úa
vẫn đợi mẹ về…”
(Mẹ)
Chuyển ra văn xuôi: … “Hôm nay con cháu ở đâu cũng đông đủ, cùng nhau lặng lẽ, dâng một bát cơm, dâng một chén nước; khói hương bay như tóc mẹ ngày nào, mẹ chi còn là thế hay sao. Con đi vào bếp, con ra góc vườn. Mấy quả cau già héo hắt qua đêm, dây trầu leo lá khô lá úa, vẫn đợi mẹ về…”
(Mẹ)
Bài này thua bài văn của một học sinh lớp 6 Nam Định viết về mẹ của mình.
Bài văn về Mẹ của em Vũ Minh Hằng lớp 6:
“Người luôn quan tâm, dìu dắt em chính là mẹ. Mẹ như thiên thần hộ mệnh, luôn xuất hiện mỗi khi em cần hay gặp chuyện buồn. Năm nay, mẹ đã ngoài 40 tuổi, nhưng đối với em mẹ vẫn còn trẻ đẹp lắm. Mẹ có khuôn mặt trái xoan, nổi bật lên là đôi mắt, đôi mắt long lanh như hai giọt sương mai. Mỗi khi em được điểm tốt, đôi mắt mẹ lại ánh lên vẻ tự hào về em, còn mỗi khi được điểm kém, đôi mắt mẹ nhìn em trìu mến như muốn an ủi: “Con ơi,cố lên, đừng nản lòng”. Mái tóc mẹ không dài, đôi tay mẹ đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, có lẽ đếm những nếp nhăn ấy là đếm được mẹ đã bao nhiêu việc để nuôi gia đình. Đôi tay mẹ là đôi tay búp măng nên làm việc gì cũng khéo, món ăn mà mẹ đã làm thì không có ai có thể chê. 
Mẹ đã làm nhiều việc vì gia đình, mỗi khi đi làm về dù rất mệt nhưng mẹ vẫn phải nấu cơm. Nhìn mẹ thật khổ nhưng em cũng chỉ có thể giúp mẹ những việc có thể làm được, hình ảnh của mẹ mỗi khi làm việc lúc nào cũng in sâu trong tâm trí em. Em nhớ nhất một hôm, lúc nào đó vào buổi tối, mẹ bảo em đi ngủ, em chỉ lên gường và giả vờ ngủ. Vì mẹ em là kế toán nên lúc nào cũng làm việc với máy tính, đôi tay mẹ điêu luyện nhấn từng phím. Bỗng nhiên mẹ đứng dậy, em tưởng mẹ đã xong việc nhưng không phải, mẹ đứng dậy là để đắp lại chăn cho em rồi mẹ lại ngồi vào bàn làm việc. Một lúc sau bỗng thấy mẹ cười, đang thắc mắc thì một ngọn gió lướt qua như muốn trả lời em: “Mẹ cười vì mẹ đang vui đấy” Câu trả lời này lại càng làm em thắc mắc : “Mẹ vui vì việc gì nhỉ” Lần này thì cây bàng rung rung muốn nói “Mẹ vui vì kiếm được tiền nuôi gia đình đấy” Tình mẹ thật bao la và rộng lớn, mẹ ơi, có nhiều lúc con làm mẹ buồn, con xin lỗi mẹ nhiều, mong mẹ tha thứ cho con. Con sẽ học thật giỏi để sau này về giúp đỡ mẹ, để nụ cười mãi nở trên môi mẹ. Mẹ đã làm nhiều việc khổ vì gia đình, không ai có thể đếm được những việc ấy. Mẹ ơi, hãy làm những việc vừa sức mình thôi, để thời gian nghỉ ngơi. Con yêu mẹ nhiều lắm “ Mẹ mãi là nơi ấp áp của tâm hồn con”!
Em học sinh lớp sáu viết về Mẹ hay hơn vạn lần Mã Giang Lân, vì em có tình yêu Mẹ bao la! Có lối hành văn giản dị rung động lòng người!
Một tội nữa của Mã Giang Lân là tội ăn cắp ý, tứ từ thơ người khác một cách trắng trợn.
Ngô Thời Nhậm có nói: “Thơ kiêng mượn áo trăm nhà”. Học tập nhau là được, nhưng ăn cắp tứ, ý câu chữ lộ liễu quá với thi nhân là một trọng tội!
Bài thơ Trăng ở bên trời là một bài ăn cắp ý, tứ Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu là một điển hình.
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa, 
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ 
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời …
…Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau
(Hai nửa vầng trăng – Hoàng Hữu)
“Dọc hàng cây cò ỉa trắng đêm
Lầm lũi dắt nhau rạc rài đường vắng
Trăng xa xanh lạnh lẽo bên trời..”
Dù thế gian đêm tối mịt mờ
Ta nhắm mắt vẫn một vầng trăng viên mãn…”
(Trăng ở bên trời - Mã Giang Lân)
Con ong hút mật hoa chứ không ăn cắp cánh hoa. Mã Giang Lân đã ăn cắp cánh hoa của Hoàng Hữu về làm thơ mình mà thơ quá dở lại còn dung tục “cò ỉa trắng đêm” 
Tệ hại nhất trong tập thơ là bài vô lối Baiyoke sky hotel! Đây không phải là bài thơ. Nó là lời kể của một khách du lịch bình thường nào đó có chút khoe mẽ khi đến Băng kok, Thái Lan ngắm nhìn khách sạn Baiyoke sy 84 tầng, cao 300 mét – khách sạn cao nhất Thái Lan và đã đến Đức ngắm tháp truyền hình Đức cao 365 mét:
“Chiếc bút chì 
dựng đứng
viết lên trời xanh
baiyoke sky hotel
300 mét
84 tầng
Đêm Bangkok xoay quanh.
Tầng 84 xoay quanh
chiếc cối xay nặng nề xay thóc
văn minh lúa nước phương Đông
Viết liền văn xuôi: “Chiếc bút chì dựng đứng viết lên trời xanh Baiyoke sky hotel 300 mét, 84 tầng. Đêm Bangkok xoay quanh. Tầng 84 xoay quanh, chiếc cối xay nặng nề xay thóc .Văn minh lúa nước phương Đông…”
Bài này đã có các nhà thơ phê bình như nhà thơ Trần Mạnh Hảo phán xét. Riêng tôi, tôi không coi nó là thơ, là văn là cáo là chồn gì… mà là một thứ rác rưởi làm bẩn thơ ca Việt của ta.
Như nói ở đầu “Những lớp sóng ngôn từ” của Mã Giang Lân nhiều bài bê nguyên xi tiếng nước ngoài vào thơ để không một thảo dân nào hiểu được như mấy từ baiyoke sy hotel, thập tải đọc thư bần đáo cốt! Đành rằng khách sạn Baiyoke sky hotel quá nổi tiếng, ở đâu, người nào cũng lên mạng đặt phòng ngủ được! Đành rằng bây giờ người Việt rất nhiều người biết tiếng Anh, nhưng trong thơ Việt viết nguyên tiếng Anh cả câu, đặt luôn làm tựa đề như thế này có được không? Và nếu viết Hidden cam fuck hotel; Mature slut hotel thì mấy ai đọc hiểu để thấy sự bẩn thỉu của nhà nghỉ? Tại sao không dịch ra tiếng Việt để mọi người hiểu thêm “lớp sóng ngôn từ” mới: “Khách sạn nối với bầu trời” hay “Khách sạn bầu trời Baiyoke” hay “Nhà nghỉ Bầu trời Baiyoke”- “Quán trọ Bầu trời Baiyoke”!
Đáng ra không nên mất thì giờ về tập Vô lối này của Mã Giang Lân nhưng vì nó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2013, vì nhiều người tâng bốc về nó nên tôi phải viết. Họ khen Mã Giang Lân đã phát hiện ra một hình ảnh đẹp “Chiếc bút chì dựng đứng viết lên trời xanh”.
Không chỉ Thái Lan bây giờ nhiều nước có nhiều nhà cao trên trăm tầng nhìn từ xa đến đứa trẻ con cũng thấy nó giống cái bút chì, chứ chi đến người già mà khen phát hiện! Còn “viết lên trời xanh” là ăn cắp của cha ông. Đài Nghiên – Tháp Bút “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) của Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu đã viết từ mấy trăm năm trước, đến thần đồng Trần Đăng Khoa viết nâng lên. Khoa lúc này mới lớp 4 trường làng:
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao…
(Trần Đăng Khoa)
Nhưng cha ông ta viết thơ, viết nhạc, viết chữ, viết sử…lên trời xanh, còn Baiyoke sky hotel - khách sạn - quán trọ - nhà nghỉ - anh em cùng họ với nhà thổ thì viết gì lên trời xanh mà ai cho viết? Sao mà tự hào cho người Thái như vậy? - “ Văn minh lúa nước phương Đông”(!)
“Ước sao vọng tới quê nhà
nỗi niềm Bang kok
chiếc cối xay
quay
mệt nhọc…”
Dân Việt chúng ta xin chào thua cái nỗi niềm này!
Viết thế thì người Thái Lan cũng căm giận, chứ nói chi người Việt. Đúng là phải “túc cà ti lăng tẹt” - chơi ăn cắp gian, nói xấu phải đánh bét đít (tiếng Thái). Đề tài rượu hoa, mỹ tửu là đề tài dễ viết hay, thế mà Mã Giang Lân viết như người uống nước khoáng đóng chai:
…nắng chợt loe chút nắng
gió chợt dồn mây bay
nào rót thêm ly nữa
vang có làm ai say...
(Đà Lạt vang)
Vang mà uống không say thì uống làm gì! Đàn bà họ cũng không thèm uống, nói gì đến đấng mày râu!
Họ cũng:
… “Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
Sầm Phu tử
Đan Khâu sinh
Tương tiến tửu bôi mạc đình!
Ngũ hoa mã
Thiên kim cừu
Hô nhi hoán mỹ tửu
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu!
(Tương tiến tửu – Lý Bạch)
(Một lần gặp nhau uống say ba trăm chén
Bác Sầm
Anh Đan 
Rượu đã dâng đây, hãy uống tràn.
Ngựa năm sắc
Cừu nghìn vàng, 
Con ơi ! Đem đổi rượu ngon
Phá hết cái buồn muôn thuở cho tan!
(Sắp dâng rượu – Đỗ Hoàng dịch)
*
Đọc xong “Những lớp sóng ngôn từ” - dù cái tựa đề rất thời thượng nhưng chắng thấy một lớp sóng ngôn từ nào mà chỉ thấy rặt từ dung tục, chợ búa, anh chị, từ ăn cắp của thi hữu, từ bê nguyên xi không dịch của nước ngoài:
“Ta còn cả lô nhô mái phố
Dọc hàng cây cò ỉa trắng đêm”
(Trăng ở bên trời)
Vang cứ vang hết lòng
Ngon cứ ngon tới số
(Đà Lạt vang) 
Trăng xa xanh lạnh lẽo bên trời
(Trăng bên trời)
Để nguyên không dịch:
Thập tải đọc thư bần đáo cốt (Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi) 
(Ngẫu hứng)
Baiyoke sy hotet (Tiếng Anh)….
(Baiyoke sky hotel)
*
Mã Giang Lân muốn tìm một cách viết tự cho là mới nhưng không mới chút nào. Việc viết bỏ vần, bỏ điệu cha ông ta đã làm từ lâu và để lại những áng thơ bất hủ (theo quan điểm hiện đại) như: Bài cáo bình Ngô, Bạch Đằng giang phú, Phú hỏng thi, Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)…. 
Thế hệ các nhà thơ chống Pháp quê ở Thanh Hóa đã rất thành công trong tiến trình hiện đại thơ Việt: Hữu Loan (Màu tìm hoa sim, Đèo Cả), Trần Mai Ninh (Nhớ máu), Hồng Nguyên (Nhớ), Thôi Hữu (Lên Cấm Sơn)…Các nhà thơ thời chống Mỹ quê Thanh Hóa như: Nguyễn Duy, Xuân Sách, Mai Ngọc Thanh có nhiều đóng góp xứng đáng. 
Không chỉ tập này, mà cả một đời thơ, Mã Giang Lân là người thất bại với việc sáng tác thơ dù ông đã được các cơ quan công quyền cấp vé giả cho đi Tàu Thơ. 
Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội liên tục, nhiều lần trao vé giả cho nhiều người đi Tàu Thơ. Trước năm 2013 trao cho Đỗ Doãn Phương, Phạm Đương, Từ Qốc Hoài, Đinh Thị Như Thúy…Hội Nhà văn Hà Nội trao cho Nguyễn Bình Phương , Dương Tường…
Đến nỗi tôi phải viết Vô lối Từ Quốc Hoài, Phạm Đương, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Bình Phương thua văn học sinh lớp 7. Nay thơ - vô lối Mã Giang Lân lại thua văn học sinh lớp 6
Một nhà thơ có mác hội viên Hội nhà văn Việt Nam, một giáo sư tiến sỹ, nhà giáo nhân có thâm niên 50 dạy đại học hiểu thơ như thế, sáng tác thơ như thế quả là vô cùng tai hại. Tai hại hơn nữa là Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2013 cho tập “Những lớp sóng ngôn từ”. Việc làm này đã đẩy văn chương nước nhà vào bước đường cùng!
*
Hà Nội ngày 09 - 09 - 2015
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 0913369652





  ........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 09.07.2016
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

0 comments:

Đăng nhận xét