(Nhà thơ Trần Nhuận Minh (ôm bó hoa) giao lưu cùng Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) |
THƯ NGỎ GỬI
NHÀ THƠ
TRẦN NHUẬN
MINH
*
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông”
Từ những năm mới chín mười tuổi, tôi đã thuộc lòng
những câu thơ vui nhộn đó của Hồ Xuân Hương. Thuộc là do người lớn kể cho biết,
hay đọc được ở đâu thì tôi không nhớ được nữa. Rồi đến khi có tập “Hồ
Xuân Hương - Bà chúa thơ nôm” của thi sĩ Xuân Diệu
biên soạn, thì tôi càng đinh ninh, tất cả những bài thơ đó là của Hồ Xuân
Hương. Nhưng vừa rồi đọc bài “Vấn đề Hồ Xuân Hương đã rõ” của tác
giả, nhà thơ Trần Nhuận Minh, in trên báo Hạ Long, số 434, ngày 20/4/2013, thì
sự việc hầu như lại không phải là như vậy nữa. Đọc bài báo đó, tôi có mấy điều
thắc mắc, xin nêu ra đây, rất mong được anh Minh, cùng các bạn đọc trao đổi
giải đáp giúp tôi.
Về tiểu sử của Hồ Xuân Hương, tôi có hai điều thắc
mắc là: Độc giả cả nước ai cũng biết Hồ Xuân Hương đã từng lấy Tổng Cóc, nhưng
trong bài báo, tác giả đã bỏ qua, không đề cập đến vấn đề này. Vậy trong thực
tế, Hồ Xuân Hương có lấy Tổng Cóc không? Nếu không, thì xin giải thích, chứng
minh. Nếu có, mà tất cả những bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương, tác giả bài báo
đều cho là không phải của bà (tất nhiên cả bài “Khóc Tổng Cóc”). Vậy ai
là tác giả bài “Khóc Tổng Cóc",
và vì lí do gì mà người ấy lại giả danh Hồ Xuân Hương để làm bài thơ đó?
Điều thứ hai: Không biết anh Minh căn cứ vào văn
bản nào mà viết rằng: “…sau khi chồng
chết, để thể hiện lòng thuỷ chung đúng đạo nhà Nho của bà, bà đi tu ở Yên Tử và
khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây…”. Như vậy, theo nhà thơ Trần
Nhuận Minh, thì đạo Nho cũng có tục lệ và đặc quyền như đạo Quân - Thần. Quân xử thần tử.
Thần bất tử bất trung. Và khi đấng quân vương băng hà, thì tất cả Thần phi,
cung tần mỹ nữ đều bị hoả thiêu chết theo vua. Nhưng đạo nho, như anh Minh viết
thì hơi khác đạo Quân - Thần một chút là, khi
“nho phu” về “cõi hạc”, thì “nho phụ” phải đi tu, chờ ba năm mãn tang chồng, rồi
mới được chết theo chổng.
Nếu vậy thì từ thời thượng cổ đến khi nước ta có
chữ Quốc ngữ như bây giờ, các bậc đại nho, các nhà khoa bảng như Chu Văn An,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến…rồi xuống đến các ông thầy đồ, khi
họ chết, các bà vợ của họ, ai không biết chữ thì thôi, còn những người biết chữ
(tức là có theo đạo Nho), thì đều phải đi tu, chờ ba năm mãn tang chồng, rồi
mới được chết theo chồng, y như bà Hồ Xuân Hương vậy!
Có lẽ do đa cảm và giầu trí tưởng tượng mà tác giả
bài báo đã “hư cấu” ra như vậy, chứ đạo nho làm gì có cái tục lệ khủng khiếp
như thế. Ở nước ta thời xưa, chỉ có các vua chúa mới dàm làm cái việc vô cùng
ích kỷ và dã man đó. Nhưng đã được bãi bỏ từ thế kỷ 10, thời Nhà Lý rồi.
Mở đầu bài báo, nhà thơ Trần Nhận Minh viết: “Những bài thơ nôm đầu tiên được coi là của
Hồ Xuân Hương, xuất bản ở Hải Phòng, năm 1913, như một tài liệu không chính
thức…”. Nếu những bài thơ nôm đó là tác phẩm văn nghệ dân gian, do sưu tầm
được, không có tên tác giả, thì ghi khuyết danh, còn đã ghi tên Hổ Xuân Hương,
thì đích thực là của Hồ Xuân Hương, chứ sao lại “được coi là của Hồ Xuân Hương”? Và ấn phẩm đã ghi tên tác giả, thì
hiển nhiên là chính thức, chứ sao lại bảo là “tài liệu không chính thức”? Viết theo kiểu mập mở, lấp lửng như
vậy, phải chăng tác giả đã cố ý gây ra sự hoài nghi trong lòng người đọc, để
đạt được mục đích của mình? Đó là biểu hiện cái tâm của người viết không trung
thực, không khách quan trước vấn đề mình đang tham gia bàn bạc.
Bài báo viết tiếp: “Năm 1917, Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến xuất bản “Giai nhân di mặc”, toàn
những chuyện hư cấu…trong đó có chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương…dĩ
nhiên cũng toàn là những thứ hư cấu…”. Chúng ta ai cũng biết, cùng một tác
giả, ra một tập sách, vừa truyện vừa ký, thì phần truyện là tác phẩm hư cấu,
còn phần ký là sự thật. Cho nên không thể căn cứ vào phần hư cấu của tập “Giai
nhân di mặc” để bảo rằng cả chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương
cũng đều là hư cấu cả. Vả lại Hồ Xuân Hương là một con người có thật, bằng
xương bằng thịt. Cả thơ của bà cũng là có thật. Và chính tác giả bài báo đã cho
bạn đọc biết, thơ của bà đã xuất bản năm 1913, trước cả “Giai nhân di mặc” bốn
năm. Vậy sao lại bảo Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương “dĩ nhiên cũng toàn là hư cấu…”?
Bài tựa tập thơ “Lưu hương ký” của Hồ Xuân
Hương, người viết có trích câu nói của bà: “Đây
là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”. Căn cứ vào câu nói đó, nhà
thơ Trần Nhuận Minh viết: “…trong đó (tức trong tập “Lưu hương ký”-Tạ Hữu Đỉnh) không có bất cứ bài thơ nào trong số các
bài thơ nôm truyền tụng thường được gán cho bà. Như vậy theo ý của chính bà,
các bài thơ ngoài “Lưu hương ký” đều không phải là thơ của bà…”.
Theo tôi hiểu, thì câu nói đó của Hồ Xuân Hương
không có cái ý phủ định như anh Minh viết. Mà chỉ khẳng định rằng toàn bộ thơ
của bà từ trước đến thời gian xuất bản “Lưu hương ký”, chứ không phải là đến
khi kết thúc cuộc sống. Chúng ta đã biết bài tựa nói trên, được viết năm 1914,
và Hồ Xuân Hương mất năm 1822. Như vậy là sau ngày xuất bản “Lưu
hương ký”, Hồ Xuân Hương còn sống tám năm nữa, rồi mới tuẫn tiết thao
chồng (như anh Minh đã viết). Vậy tám năm ấy thi sỹ Hồ Xuân Hương có làm thơ
nữa không? Chắc hẳn là có…
Anh Minh còn dẫn ra hai bài thơ tình trong tập “Lưu
hương ký”, một bài tác giả gửi cho quan Tham hiệp, trấn Yên Quảng, Trần
Phúc Hiển. Bài kia gửi “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân”. Để chứng minh rằng, thơ
đích thực của Hồ Xuân Hương hoàn toàn khác với những bài thơ nôm vẫn được coi
là của bà.
Giới âm nhạc thường nói “Cây đàn muôn điệu”. Những
bậc tài danh thường đa phong cách. Như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, vừa viết châm
biếm, vừa viết trữ tình: “Dưới sân ông cử
ngẩng đầu rông/ Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt” Và: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò” (Tú
Xương).
Anh Minh trích dẫn như vậy, cũng chẳng nói lên được
điều gì. Vì thơ thế sự và thơ tình yêu đôi lứa bao giờ cũng rất khác nhau. Nhà
thơ trào phúng Tú Mỡ, nếu ông làm thơ tình cho người yêu, chắc chắn cũng không
có cái giọng trào lộng như những bài thơ ông viết để đăng báo.
Về tập sách “Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ nôm” của Xân Diệu, nhà thơ
Trần Nhuận Minh viết: “Thực ra
trước Xuân Diệu 30 năm, từ năm 1950, Lê Tâm đã gọi Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ
nôm trong tập sách do Nhà xuất bản Cây Thông ấn hành. (Như vậy là Xuân Diệu
đã “đạo” chữ của Lê Tâm để đặt tên cho sách của mình - Tạ Hữu Đỉnh). Theo tôi công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân
Hương, bà chúa thơ nôm này của Xuân Diệu là không có cơ sở khoa học, dứt khoát
sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hay muộn hơn mà thôi”. Rồi đến những dòng cuối
cùng của bài báo, tác giả còn khẳng định và chịu trách nhiệm về sự thật Xuân
Diệu đã nói với tác giả, sau một hội nghị bàn về thơ Hồ Xuân Hương, của Viện
Văn học rằng: “Có một Hồ Xuân Hương giả
mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao. Lại còn tìm ra với tìm vào”.
Khẩu thuyết vô bằng. Câu trích này chẳng biết có
thật không? Vì nhà thơ Xuân Diệu qua đời rồi, có ai cãi lại đâu. Song rõ ràng
người trích muốn người đọc hiểu rằng: cả Xuân Diệu cũng biết những bài thơ đó
không phải là của Hồ Xuân Hương, nhưng Xuân Diệu vẫn tôn vinh bà, chứng tỏ công
trình của ông không có cơ sở khoa học, đồng thời cũng chứng tỏ ông không trung
thực.
Nhà thơ Trần Nhận Minh viết tiếp: “Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư
Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris (Pháp) từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại
đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, toàn bộ thơ nôm truyền tụng của Hồ Xuân
Hương, tất thẩy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông
đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn”.
Đã lả thơ dân gian, tức là thơ vô danh, lưu truyền
trong dân gian như ca dao, tục ngữ, hò vè, hát đúm, hát đố… thì căn cứ vào đâu
mà biết đó là thơ của các ông đồ? Mà nếu đã có căn cứ để biết là thơ của các
ông đồ, thì tên của các ông đồ ấy là gì, sao không ghi? Bảo phải, hoặc không
phải là thơ của Hồ Xuân Hương, thì cũng phải có chứng cớ chứ? Chẳng biết hai vị
giáo sư khả kính ấy căn cứ vào đâu mà đưa ra nhận định võ đoán như vậy? Mà cũng
chưa biết chừng, đó chỉ là những lời “hư cấu” của tác giả bài báo, chứ lấy gì
để bảo đảm rằng, đó đúng là lời của hai vị giáo sư?...
Anh Minh không tin công trình của Xuân Diệu, vì cho
rằng công trình này không có cơ sở khoa học, nhưng lại “đồng tình” với nhận
định của hai vị giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Trần Thanh Mại, mà nhận định của họ
cũng chẳng có cơ sở khoa học gì. Vì sao vậy? Hay vì đó là lời của các vị giáo
sư có uy tín lớn đã đưa ra, mà nhất là, và đặc biệt là lại đưa ra ở Paris mở
ngoặc đơn Pháp đóng ngoặc đơn! Có lẽ mở và đóng như vậy cũng chưa thật chỉnh về
mặt ngữ pháp, mà nên thêm tữ “nước” vào trước từ “Pháp” thì mới thật chuẩn, anh
Minh ạ!
Từ thế kỷ 14, Hồ Quý Ly đã bỏ chữ Hán, dùng chữ
nôm, trong các văn bản giấy tờ của nhà nước. Thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã
thành lập Hội Tao đàn (tức Hội Nhà văn). Chứng tỏ nền văn hoá và văn học, nghệ
thuật nước ta đã phát triển từ lâu. Sang thế kỷ 19, thời Hồ Xuân Hương, chắc
chắn các văn nghệ sỹ đã quá hiểu cái quyền của người sáng tạo. Họ phải lao tâm,
khổ trí bao nhiêu ngày đêm mới làm được một bài thơ. Vậy làm gì có chuyện, các
ông đồ làm được những bài thơ hay đến mức “…cả
thế giới nó sợ” (chữ Trần Nhuận Minh viết) mà họ lại đem cho không Hồ Xuân
Hương, bằng cách ghi tên bà vào tác phẩm của họ. (Xin được hỏi anh Minh, anh có
làm như vậy không?). Hoặc khồng ghi tên ai cả, cứ buông thả cho thơ của họ trôi
nổi trong dân gian, rồi dân gian gán ghép cho Hồ Xuân Hương?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh còn trích lời Xuân Diệu
khen Hồ Xuân Hương: “Đặc trưng để bà có
lối thơ ám chỉ cái ấy của phụ nữ và chuyện ấy trong buồng kín, tạo thành đặc
sắc, có một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó
là một kĩ nữ”, mà các quyển từ điển tiếng Việt đều ghi kĩ nữ là gái mại dâm (là
làm đĩ)”.
Trích như vậy, phải chăng tác giả bài báo muốn ám
chỉ rằng, Xuân Diệu không hiểu nghĩa của từ kĩ nữ, cho nên đem dùng để ca ngợi
người mình yêu quý? Nếu đúng như vậy thì tôi xin “cãi lại” giúp Xuân Diệu, mặc
dù đang ở cõi “Niết Bàn”, ông không bảo tôi giúp. Rằng: Căn cứ vào các công
trình khảo cứu, nghị luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Xuân Diệu, thì ông
là người có trình độ hiểu biết sâu rộng, uyên bác, cổ kim, Đông, Tây, chứ không
phải ông không hiểu nghĩa của từ đó. Từ kĩ nữ ông dùng ở đây nghĩa là người có
kỹ năng, kỹ xảo, kỹ thuật, là tài hoa, là điêu luyện, để khen Hồ Xuân Hương là
đúng và rất chính xác.
Thời xưa không ai gọi gái mại dâm là kỹ nữ. Cả các
nhà văn đã viết về gái mại dâm như Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan cũng vậy.
Hay xa hơn như Truyện Kiều cũng thế. Thuý Kiều hai lần phải vào “lầu xanh”,
nhưng Nguyễn Du cũng không gọi Kiều la “kĩ nữ”. Người ta gọi họ là gái “lầu
xanh”, “gái điếm”, gái ‘giang hồ’, là “nhà thổ”, là “gái đĩ”. Cho nên có thành
ngữ “Gái đĩ già mồm”. Thời bây giờ, khi Tù điển tiếng Việt định nghĩa kĩ nữ là
gái mại dâm, thì Xuân Diệu đã qua đời rồi. Ông mất năm 1985, 19 năm sau, năm
2004, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học mới xuất bản. Trích như vậy có
phải là có ác ý. muốn dìm người ta xuống để mình nổi lên không, thưa nhà thơ
Trần Nhuận Minh?
Nhân đây, tôi cũng xin “liều thân” làm cái việc
“đánh trống qua cửa nhà sấm”, rằng: Các nhà ngôn ngữ học định nghiã từ kỹ nữ là
gái mại dâm là khiên cưỡng, là áp đặt, không thoả đáng. Người đọc không tâm
phục, khẩu phục. Từ điển tiếng Việt trang 519, cột hai ghi Kỹ: kỹ càng, kỹ
lưỡng, kỹ năng, kỹ nghệ, kỹ nữ, kỹ sư, kỹ thuật, kỹ tính, kỹ xảo. Nếu chiết tự,
thì từ “nữ” là giới tính. Còn từ kỹ, rõ ràng bao hàm ý nghĩa của các yếu tố kỹ
lưỡng, kỹ thuật, kỹ xảo… chứ có hàm ý gỉ về dâm dục đâu, mà khi kêt hợp với từ
nữ, thì lại thành ra gái mại dâm?
Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh và các bạn đọc quý
mến. Về vấn đề Hồ Xuân Hương, tôi tán thành quan điểm của nhà thơ Xuân Diệu. Vì
giá trị tác phẩm là ở nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, chứ không
phải là ở tên tác giả là ai. Những bài thơ nôm tuyệt vời đó, mấy trăm năm nay
đã chinh phục hàng triệu triệu trái tim người đọc Việt Nam, và cả bạn đọc thế
giới cũng khâm phục. Tổng thớng Hoa Kỳ Bill Clinton, trước khi sang thăm Việt
Nam, đã đọc Truyện Kiều và Hồ Xuân Hương-Bà chúa thơ nôm. Thế là sung sướng, là
vẻ vang cho nền văn học nước nhà rồi. Bất luận tác giả của những bài thơ ấy là
ai, thì giá trị của tác phẩm cũng không hề thay đổi.
Tất nhiên, biết tên tác giả để tri ân, để khen che
cũng là điều cần thiết. Song hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, các nhà nghiên cứu đã
bỏ ra bao nhiêu công sức và phí hoài bao nhiêu giấy mực, mà chỉ thu được mỗi
cái kết cục là, những bài thơ nôm đó không phải là của Hồ Xuân Hương, mà hình
như là của mấy ông thầy đồ (Tôi dùng chữ hình như, vì các nhà nghiên cứu chẳng
đưa ra được bằng chứng gì). Vậy thì cái kết cục ấy, phỏng có ích lợi gì cho
anh, cho tôi và cho chúng ta?./
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
TẠ HỮU ĐỈNH
Địa chỉ: số nhà 413, Phường
Quang Trung,
thành phố Uông Bí,
tỉnh Quảng Ninh.
Email: tahuudinhqn@gmail.com
Điện thoại: 033.3600656
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn gửi ngày 05.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét