‘TRÍ THỨC VIỆT’ MÀ THẾ NÀY SAO? - Tác giả: Hoàng Tuấn Công (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Ảnh: Hoàng Tuấn Công)

TRÍ THỨC VIỆT
MÀ THẾ NÀY SAO?
*:
(Tác giả Hoàng Tuấn Công)
Mấy năm gần đây, thị trường xuất hiện một loại sách được giới thiệu là “Tủ sách Việt Nam Đất nước - con người”, phần tác giả có cái tên gây chú ý: “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT biên soạn”. 

Sao chép vô tôi vạ:
Bộ sách của “Nhóm Trí Thức Việt” gồm hàng chục cuốn về các chủ đề khác nhau”, với những tên sách hấp dẫn, dễ tiếp cận. 
Ví dụ: “Quan hệ bang giao và những sứ thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Thời Đại - 2014); “Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Thời Đại-2014); “Những danh tướng trong lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Lao Động-2013). Hay “Các bậc vĩ nhân lập quốc trong lịch sử Việt Nam”; “Các Đại công thần trong lịch sử Việt Nam”; “Những công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam”; “Những bậc hiền nhân trong lịch sử Việt Nam”; “Những nền văn hoá cổ trên lãnh thổ Việt Nam”; “Các di tích lịch sử văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng ở Việt Nam”; “100 kỳ quan thiên nhiên Việt Nam”; “Di sản thế giới Việt Nam”…do nhiều nhà xuất bản khác nhau ấn hành.
Danh xưng tự tin của “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT”, khiến chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm thấy được nhiều điều mới mẻ, bổ ích trong sách. Tuy nhiên, mới chỉ lật giở chừng mươi phút, đã thấy sách của “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT biên soạn” có nhiều điều không ổn. 
Đầu tiên, nhiều quyển ngoài bìa ghi là “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT biên soạn”, nhưng trong ruột lại ghi “tuyển chọn”. Mà “tuyển chọn” cũng không đúng. Theo chúng tôi, “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT” cóp nhặt, xào xáo, vi phạm bản quyền thì đúng hơn. 
Ví dụ cuốn “Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”, viết về 29 “bậc tôn sư”, nhưng các bài viết thì  cóp nhặt khắp nơi, “thượng vàng, hạ cám”, có bài không rõ nguồn gốc. Xin liệt kê một số ví dụ:
- Bài “Nguyễn Thức Tự - Người đào tạo những nhân cách lớn”, và “Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân”, phần tên tác giả đều ghi “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”. 
- Bài “Hoàng Giáp Nguyễn Trù”, ghi “Theo Wikipedia” (không rõ, giữa hai cách ghi “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” và “Theo Wikipedia” có gì khác nhau?).
- Bài “Danh sĩ Lương Đắc Bằng” không có tên tác giả. 
- Bài “Thượng thư Quách Đình Bảo”, ghi “Theo (Theohttp://thaithuy.edu.vn/) và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” (không rõ ghi hai chữ “theo theo” như vậy là có ý gì. Phải chăng “Nhóm Trí Thức Việt” lại sao chép lại một cuốn sách nào đó vốn đã đề là “Theo http://thaithuy.edu.vn/”?). 
- Bài “Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ”, thấy phần chú thích dấu (*) gắn với tên bài ghi là “Nguồn http://hanoimoi.com.vn: Nguyễn Như Đổ, nhà chính trị ngoại giao kiệt xuất”, nhưng cuối bài lại thấy ghi “ST” (sưu tầm?). 
Những bài còn lại trong số 29 bài viết của cuốn sách, đều có chung kiểu xào xáo như vậy.
Cuốn “Quan hệ bang giao và những sứ thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam”, và “Những danh tướng trong lịch sử Việt Nam”, cũng có cách “biên soạn” tương tự. Nghĩa là các bài viết được cóp nhặt từ trang thông tin của các dòng họ, các báo địa phương, hoặc bất cứ một “nguồn” nào đó sẵn có trên mạng, kể cả không rõ nguồn gốc: 
- Bài “Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan”, không có tên tác giả.
- Bài “Quan hệ Đại Việt và Ai Lao (Lão Qua, Lạn Xạng)”, ghi “Theo Wipipedia tiếng Việt”. Tuy nhiên, thực tế chỉ có “Wikipedia tiếng Việt”, chứ không có “Wipipedia tiếng Việt”.
- Bài “Tư thế của người chiến thắng trong quan hệ với thiên triều”, phần tác giả ghi là “Tổng hợp” (không rõ “tổng hợp” từ những nguồn nào).
- Bài “Tranh luận với sứ thần nhà Minh về nghi thức đón tiếp và phong vương”, tác giả ghi là “Theo http//holevn. Org/” (Họ Lê Việt Nam?)
- Các bài “Hồ Tông Thốc đọc thơ chê Hạng Võ, chữa thơ Vương Bột”; “Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích”, đều ghi là “tổng hợp”, không rõ từ nguồn nào, và theo nguyên tắc nào.
- Rất nhiều bài không ghi tên tác giả, mà chỉ ghi tên viết tắt của trang báo, tạp chí nào đó. Ví dụ bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người làm thay đổi lịch sử”, chỉ ghi “(Theo HNM)” (đoán là “theo báo Hà Nội Mới”?). Hay bài “Nguyễn Biểu – sứ giả can trường”, chỉ ghi “Nguồn: http://trannhuong.com/”. 
Thậm chí rất phần lớn các bài viết, “Nhóm TRÍ THỨC VIỆT” còn ngại “đánh” tên miền, mà copy nguyên xi link bài trên mạng, rồi “dán” vào. Ví dụ bài “Trạng lợn Nguyễn Nghiêu Tư” được ghi như sau:
“Nguồn:http://www.bacninh.gov.vn/dukhach/Trang/Tin%20chi%20ti%El%BA%BFt.aspx?newsid=121&cid=13&dt=2011-06-14 (kiểu ghi này chiếm số lượng rất nhiều).
Sách “Những danh tướng trong lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Thời Đại), Nhóm Trí Thức Việt” tự tin (và thống nhất) ghi là “biên soạn”, nhưng thực tế hầu như toàn bộ nội dung là sao chép từ cuốn “Danh tướng Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần (các bài 1. “Hiển quốc công Nguyễn Chích”; 2. “Nhập nội Đại tư mã Lê Văn An”; 3. “Nhập nội Đại tư mã Lý Triện”; 4. “Đại tư mã Ngô Văn Sở”;  5. “Phan Văn Lân”). Những bài còn lại, sách này chép lại nguyên xi của “Bác Khoa toàn thư mở Wikipedia”; “Tây Sơn thất hổ tướng”; “Theo Võ nhân Bình Định”; “Nguồn Quảng Bình ẩn tích thời gian”,v.v…Thậm chí bài “Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản”, phần tác giả ghi “Theo Đ.T và Hàn Thuỵ Vũ” (chẳng biết “Đ.T” là ai!).

Vi pham bản quyền nghiêm trọng:
(Ảnh: Hoàng Tuấn Công)
Trước tiên, phải khẳng định rằng, không ai làm sách bằng cách copy lại Wikipedia rồi ghi là “biên soạn”, hoặc “tuyển chọn”. Vì Wikipedia được đóng góp bởi nhiều người, và liên tục được chỉnh sửa, bổ sung. Nghĩa là thông tin từ Wikipedia chỉ là một “kênh” tham khảo, đối chiếu nhanh, không mang tính ổn định. Tuy tư liệu của Wikipedia phong phú, bổ ích, nhưng đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ nhất định mới có thể thẩm định, sử dụng được (theo cách riêng của từng người). 
Với những bài “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT” copy từ các báo địa phương, các trang thông tin của dòng họ, hay trường học nào đó, phần lớn chỉ là những bài mang tính thông tấn báo chí là chính, nội dung thường hay lẫn lộn, đánh đồng giai thoại với lịch sử, hay đơn thuần chỉ là giai thoại, chuyện của người này gán cho người kia. Bởi vậy, rất dễ gây nhầm lẫn, ngộ nhận cho bạn đọc. Mặt khác, cách ghi “nguồn” (đối với sách xuất bản) cũng rất khó chấp nhận, bởi “trannhuong.com”, hay “holevn. Org” chỉ là tên miền của trang đăng bài (hoặc đăng lại) bài viết, chứ không phải là tên tác giả (cách ghi này chỉ có thể chấp nhận được ở loại hình báo điện tử).
Có bài như “Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật”, Nhóm Trí Thức Việt xào xáo, cóp nhặt từ 4 nguồn dồn lại (nguyên văn phần tên tác giả: “Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh – Đỗ Thị Hảo, Nguyễn Đức Hiệp, Phùng Văn Khai và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”). Kiểu xào xáo này đã tạo ra những câu văn ngồ ngộ: “Ngoài hai mươi tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan”; “nhãn quan quân sự của Trần Nhật Duật rất uyên thâm”; hay “giặc luôn nể phục và trân trọng tài năng quân sự của ông” (có giặc nào mà lại “trân trọng tài năng” của đối phương như cách “biên soạn” của Nhóm Trí Thức Việt?). 
Bài “Tiến sĩ Thân Nhân Trung”, phần tác giả ghi: “Theo Trịnh Hoành và Giáo sư Vũ Khiêu”. Bạn đọc không thể biết được, Trịnh Hoành, Giáo sư Vũ Khiêu, hay chính “Nhóm Trí Thức Việt”, đã đặt ra câu hỏi “Thế nào là hiền tài?” rồi tự trả lời rất “ngộ” như sau: “Người ấy vừa hiền lại vừa có tài…”(!). 
Có những thông tin “Nhóm Trí Thức Việt” cải chính một cách vu vơ, không dựa vào cơ sở nào, hay chú thích theo tài liệu nào. Ví dụ bài “Nguyễn Nễ - Hai lần đi sứ Trung Quốc”, nhóm này chú thích: “Thực ra tên của ông phải là Nguyễn Nể (dấu hỏi?), từ nghĩa kính nể nhưng đã viết thành Nễ thành quen thuộc từ trước tới nay” (có lẽ “Nhóm Trí Thức Việt” cho rằng, trong tiếng Việt, chỉ có “nể” chứ không có “nễ”?). Có chỗ sách này còn nhầm công chúa Huyền Trân thành Huyền Trang!
Trong các tập sách thuộc “Tủ sách Việt Nam Đất nước - con người”, do “Nhóm Trí Thức Việt biên soạn”, có một số bài đề tên tác giả cụ thể. Ví dụ bài “Quan hệ Việt - Triều từ góc độ văn hoá” của Trần Trọng Dương (sách “Quan hệ bang giao và những sứ thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam”); bài “Thám hoa Nguyễn Đức Đạt và trường Đông Sơn nổi tiếng cuối thế kỷ XIX” của Giáo sư Ngô Đức Thọ (sách “Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”). Bạn đọc tưởng chừng những bài viết này được “Nhóm Trí Thức Việt” đặt bài để đưa vào sách. Tuy nhiên, trong tất cả các lời nói đầu của cuốn sách, chúng tôi không tìm thấy bất cứ thông tin nào nói về cách thức “biên soạn”, hay nguyên tắc “tuyển chọn” của “Nhóm Trí Thức Việt” ra sao. Nghĩa là bạn đọc không được biết, tại sao khi bỏ tiền ra mua sách, những gì mình nhận được, lại chính là bài vở cóp nhặt ở khắp nơi, thậm chí chỉ cần một động tác “nhấp chuột” là đã có. Tuy nhiên, để chắc chắn, chúng tôi đã liên hệ với tác giả bài viết “Quan hệ Việt - Triều từ góc độ văn hoá - Trần Trọng Dương - thì được biết, ông không hề hay biết bài của mình in trong sách này, cũng không hề nhận được tiền nhuận bút, hay bất cứ một liên hệ nào từ “Nhóm Trí Thức Việt” (dù sách đã phát hành được 3 năm). Tương tự, Giáo sư Ngô Đức Thọ cũng không hề hay biết bài viết (đăng trên blog cá nhân) của mình “được” tập hợp, in thành sách, rồi đề là “Nhóm Trí Thức Việt biên soạn”.
Theo giới thiệu ở bìa sách, thì ít nhất đã có khoảng 30 đầu sách kiểu như trên được xuất bản, và chắc sẽ còn xuất bản thêm nữa.

“NHÓM TRÍ THỨC VIỆT” là ai? 
Chúng tôi thấy tất cả các đầu sách thuộc “Tủ sách Việt Nam Đất nước - con người” đều ghi tên “Công ty CP sách Trí Thức Việt - Nhà sách Đống Đa”. Phải chăng, “NHÓM TRÍ THỨC VIỆT” chính là công ty sách “Trí Thức Việt”? 
Như vậy, bước đầu có thể khẳng định, “Nhóm Trí Thức Việt” (hay Công ty Cổ phần sách Trí Thức Việt?) đã sao chép, xào xáo, thậm chí bê nguyên xi bài viết của người khác (đã đăng trên mạng, hoặc công bố trên các sách báo, tạp chí) vào sách, ghi là “biên soạn”, “tuyển chọn”, rồi xin giấy phép in ấn, phát hành. Bằng cách làm này, “Nhóm Trí Thức Việt” (thậm chí) còn không mất tiền đánh máy, cũng không phải trả nhuận bút cho tác giả, trong khi đó (với sự giúp sức của các nhà xuất bản), họ lại dễ dàng moi được tiền túi của độc giả, theo đúng kiểu “buôn tận gốc, bán tận ngọn”!(*)
Xưng danh “Trí Thức Việt”, mà lấy sao chép, xào xáo, đánh cắp bản quyền làm tôn chỉ, mục đích, thì học thuật nước nhà sẽ đi về đâu?

----------
(*) – Dường như đã và đang hình thành một xu hướng làm sách rất nguy hại, đó là nhà sách tự biên soạn, lấy tên công ty đặt làm tên tác giả, rồi xin giấy phép xuất bản, phát hành. Ví như cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Tác giả KHANG VIỆT, NXB Thanh Niên, 2016), rất nhiều sai sót (mà chúng tôi từng có bài viết chỉ ra rất cụ thể), chính là của Công ty Khang Việt, với những dòng thông tin ở bìa trong như: “Bìa: Công ty KHANG VIỆT. Trình bày: Công ty Khang Việt. Sửa bản in thử: Công ty Khang Việt”.
.
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC <ÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
           
*.
Thanh Hóa, tháng 12.2017
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành, phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email: tuancongthuphong@gmail.com.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn gửi: 19.04.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
         .

0 comments:

Đăng nhận xét