(Nguồn ảnh: internet) |
TUYÊN NGÔN
VỀ NGHỆ THUẬT CỦA
NHÀ VĂN NAM
CAO RẤT SAI TRÁI
(Tác giả Trần Mạnh Hảo) |
Khoảng năm 1948-1949, trước khi vào đảng cộng sản, Nam
Cao phải viết bản thú tội về những tác phẩm xấu xa đầy chất tiểu tư sản của mình
trước năm 1945. May mà ông điềm đạm, nhỏ nhẹ, không lập công chuộc tội với đảng
như Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân biểu diễn màn kịch nịnh đảng ngoạn mục vô cùng:
treo cuốn "Vang bóng một thời" của mình in năm 1941 lên cây, dùng roi
gai đánh cho tan nát không còn manh giấy, giống kiểu người làm thịt dê treo con
dê lên cây, dùng roi quất tóe máu cho con dê ra hết mồ hôi rồi mới làm thịt!
Kinh!
Trong truyện ngắn "Trăng sáng", nhà văn
Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải
là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ
có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”
Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán. Ông để lại nhiều
truyện ngắn và tiểu thuyết giá trị. Truyện ngắn “Chí Phèo” của ông sẽ
tuyệt vời hơn nếu như không có “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn. Câu định
nghĩa nghệ thuật của Nam Cao: “Nghệ thuật
không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối,
nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”
đươc trích dẫn, được ra đề thi rất nhiều lần trong việc dạy môn văn phổ thông
cũng như trên bậc đại học của đa số các giáo sư đầu ngành dốt văn.
Vầng trăng từ ngàn xưa đến nay đã thành vẻ tuyệt đẹp của
vũ trụ và con người. Trăng còn đẹp hơn nữa khi nó vào ca dao, thơ văn, tranh
ảnh. Các tác gia vĩ đại từ thời cổ đại như: Homere, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Tagore, Hugo, Puskin, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mạc tử… đều ca ngợi vầng trăng và coi chúng là biểu tượng cho
sáng tạo nghệ thuật muôn đời.
Tóm lại, vầng trăng chính là tượng trưng cho cái đẹp nghệ
thuật, cho thi ca, văn học. Bản thân vầng trăng không hề có lỗi, có trách nhiệm
gì với nỗi thống khổ của con người.
Việc tuyệt đối hóa văn học hiện thực phê phán, coi nó mới
chính là văn học chân chính, còn dòng văn học mang yếu tố lãng mạn của Thơ mới,
văn xuôi như văn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…là xấu là lừa dối, là
không phải văn học chính là cái sai rất căn bản của nhà văn Nam Cao bắt đầu
mang yếu tố chính trị vào áp đặt cho văn học vậy!
Từ nhận thức về nghệ thuật rất ấu trĩ, rất sai lầm của
Nam Cao khi ông nguyền rủa vầng trăng, nguyền rủa cái đẹp tự nhiên muôn đời,
coi ánh trăng kia là sự lừa dối, là không có thật, để lên án thứ nghệ thuật “ánh trăng chủ nghĩa” giống hệt chiến
dịch diệt chim sẻ của Mao Trạch Đông, coi chim sẻ là nguyên nhấn mất mùa của
nông dân, coi sự lãng mạn là lừa dối, chỉ có dòng văn học tố cáo, đấu tố mới là
văn học thực sự đã gây tai hại cho các thế hệ dạy văn và học văn theo mỹ học
Mác xít. Thế thì thơ mới, văn chương lãng mạn tự lực văn đoàn thảy là ánh trăng
lừa dối hay sao?
Tôi lại nhớ thời đánh nhân văn giai phẩm do Trường Chinh,
Tố Hữu chủ trương và chiến sĩ dao găm Xuân Diệu tiên phong xông trận: chuyện về
nhà thơ Tế Hanh. Ông Tế Hanh chỉ nói vài ý trên báo rằng: trước bông hoa đẹp,
vầng trăng đẹp ai ai cũng có thể xúc cảm về cái đẹp vô cùng của tự nhiên. Ông
Tế Hanh bị đánh tới tấp vì quan niệm phi giai cấp trước cái đẹp mang “tính
người chung chung”, rằng cái đẹp có tính giai cấp, vầng trăng, bông hoa là cái đẹp
của bọn địa chủ tư sản phong kiến, người lao động bị bóc lột không thèm ngắm
vầng trăng lừa dối, bông hoa lừa dối…
Thương thay cho nhà văn Nam Cao một thời bị những quan
niệm dung tục, thô thiển, tả khuynh, lố bịch của cộng sản lừa dối, chứ ánh
trăng có bao giờ lừa dối ông?
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
Sài Gòn ngày 13-11-2015
TRẦN MẠNH HẢO
Địa chỉ: Số nhà 220/22
phố Hồ Văn Huê,
quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn
Email: hungdimy@yahoo.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét