NGHỆ THUẬT TRẢ LỜI “SẮC SẢO” - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
NGHỆ THUẬT TRẢ LỜI “SẮC SẢO” 
*
Trả lời là sự đáp lại ý nói và những câu hỏi của người khác để làm rõ mục đích vấn đề. Câu trả lời có sắc sảo hay không là thể hiện trí tuệ và khiếu hài hước của người ấy. Những câu trả lời hay, xác đáng sẽ khiến hai bên được mãn nguyện và khiến cho đối phương phải tôn trọng mình. Có nhiều hình thức trả lời mà bạn có thể áp dụng cho những cuộc trao đổi của mình sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất.
Những nhà nghiên cứu đã phân ra các dạng câu trả lời rất cụ thể và cũng khá phong phú như: câu trả lời trực tiếp vào vấn đề, câu trả lời phân đáp, câu trả lời biến đáp, câu trả lời đối xứng, câu trả lời lạc đề, câu trả lời qua các câu danh ngôn, tục ngữ, câu trả lời mang tính so sánh, câu trả lời lấp lửng… Chúng ta không thể nói hình thức trả lời nào là thông minh, sắc sảo nhất mà quan trọng là phải sử dụng cách trả lời đúng cách, đúng nơi, đúng đối tượng, đúng với câu hỏi… khiến người nghe cảm thấy thoả đáng và ấn tượng nhất.

- Câu trả lời trực tiếp:
Đó là câu trả lời thông thường, đơn giản, không có gì đặc biệt. Câu trả lời này đi vào chính diện của câu hỏi, đưa lại thông tin ngay lập tức. Thông thường đây là câu trả lời của những người thẳng thắn, chân thành, hay dùng cho cấp dưới nói với cấp trên, học trò nói với giáo viên…
Giám đốc hỏi nhân viên: - “Doanh thu của tháng này thế nào?”, nhân viên trả lời: - “Dạ, rất tốt, tháng này đã vượt mức tháng trước 40%, đạt kỷ lục so với hai năm qua”.
Câu trả lời này ở trong tình huống cụ thể ấy là cần thiết. Ở một góc độ nào đó người trả lời đã thể hiện được sự hiểu biết của mình.

- Câu trả lời “biến đáp”:
“Biến đáp” chính là câu trả lời biến đổi, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, từ bất lợi sang có lợi cho mình.
Ví dụ: Trong một kỳ tranh cử tổng thống Mỹ, có một nữ nhà báo tìm đến mẹ của ông ta, cuộc nói chuyện của nữ nhà báo và người phụ nữ diễn ra như sau:
Nhà báo: - “Con trai bà nói với cử tri rằng nếu như ông ấy nói dối, thì mọi người không cần bỏ phiều cho ông ấy, bà có dám chắc con trai mình chưa bao giờ nói dối không?
Bà mẹ: - “Có lẽ con trai tôi cũng đã từng nói dối, nhưng đó đều là những lời nói dối thiện chí”.
Nhà báo: - “Thế nào là một lời nói dối thiện chí?”
Bà mẹ: - “Cô có còn nhớ mấy phút trước không? khi tôi gặp cô ở cửa, tôi đã nói cô xinh đẹp, lúc đó tôi thấy cô rất vui”.
Câu trả lời của bà mẹ ứng cử viên tổng thống đã thực sự nhằm thẳng vào đối tượng, đã khiến cho cô nhà báo cảm thấy rất ngại ngùng. Tuy nhiên câu trả lời của bà không làm bà kém thân thiện và đáng trân trọng, ngược lại cô nhà báo đã phải cảm phục con người thật điềm đạm và đầy trí tuệ này. xét về nội dung, ý nghĩa thì câu trả lời ngắn gọn ấy đã thực sự khéo léo, khôn ngoan và cũng thật thoả đáng.
Có những người lại thích “bới chuyện của người khác”, “đâm bị thóc chọc bị gạo” để nhạo báng, bóc mẽ người khác. Đối với những người nhút nhát, kém nhạy bén thì có thể âm thầm chịu đựng, chấp nhận để cho người khác giễu cợt. Nhưng với một con người bản lĩnh thì không bao giờ chấp nhận như vậy. Họ sẽ coi đó là một cơ hội tốt để phản công lại.
Trong một ngày đẹp trời, một vị thị trưởng cùng với phu nhân đi thị sát công trường xây dựng công trình. Bỗng nhiên có một công nhân, đầu đội mũ bảo hộ chạy tới và nói: - “Bà thị trưởng, bà có nhận ra tôi không, thời học sinh chúng ta đã từng hẹn hò nhau mà”. Sau đó hai người đã vui vẻ ôn lại chuyện xưa.
Trên đường về nhà, ngài thị trưởng đã nói với phu nhân bằng giọng điệu chế nhạo: - “Bố mẹ em gả em cho anh là một vận may cho em đấy, nếu không thì em sẽ trở thành vợ của một anh công nhân xây dựng chứ không phải vợ của một thị trưởng”.
Bà phu nhân thị trưởng trong lòng còn đang vui vì được gặp lại người tình cũ, nghe chồng nói như vậy cũng không thể cam chịu mà đáp lại rằng: - “Có lẽ anh nên mừng vui vì đã lấy được em làm vợ, nếu không cái chức thị trưởng này chính là của anh ấy chứ không phải của anh đâu”.
Giá như trước sự chế nhạo của chồng mà bà vợ lại phớt lờ đi thì chắc chắn trong lòng bà sẽ không được vui, còn ông thị trưởng thì lại càng có cớ để thể hiện sự oai phong của mình. Chính cái phản xạ rất nhanh ấy của bà đã chế giễu lại chính chồng mình. Chắc chắn rằng, trong hàm ý những câu nói của ông thị trưởng phải dương dương tự đắc, nhưng không ngờ rằng bà phu nhân lại ra đòn quật lại thật lợi hại và chí lý. Sở dĩ ông ta làm được đến chức thị trưởng này là nhờ vào hồng phúc của tôi, tôi mới chính là quý nhân của ông. Đương nhiên ông ta không khỏi ngỡ ngàng trước câu trả lời quá thông mình của vợ.
Còn một tình huống “biến đáp” rất đặc biệt đó là trả lời bằng những câu hỏi:
Có thể đưa ra đây một ví dụ: khi Mỹ và Liên Xô ký kết 4 hiệp định về vũ khí chiến lược, ông Kixinge giới thiệu tình hình với nhà báo người Mỹ tại khách sạn ở Maxitcơva, dưới đây là cuộc nói chuyện giữa họ.
Ông Kixinge: - “Tốc độ sản xuất bom nguyên tử của Liên Xô mỗi năm khoảng 250 quả, thưa các ngài. Nếu như bắt tôi làm gián điệp, chúng ta biết nên trách ai đây?
Nhà báo: - “Vậy thì tình hình của chúng ta thì sao? Chúng ta có bao nhiêu bom nguyên tử ?
Ông Kixinge: - “Tôi không biết chính xác là bao nhiêu, con số mà tôi biết không biết có phải giữ bí mật không?
Nhà báo: - “Có lẽ không cần phải giữ bí mật
Ông Kixinge: - “Không phải giữ bí mật sao? Vậy bạn nói có bao nhiêu?
Nhà báo: “…”
Ông Kixinge biết rõ điều đó là bí mật, không thể trả lời, nhưng ông lại không nói câu “không thể thông báo” mà ông trả lời bằng những câu phản vấn lại, kết quả là từ thế bị động chuyển sang thế chủ động. Ngược lại, ông đã rất khéo léo đưa vị nhà báo rơi vào thế bị động mà không hỏi thêm được gì nữa.

- Câu trả lời kiểu “đối xứng”:
Khi Yến Tử đi sang nước Sở, Sở vương đã đưa ra một câu hỏi có ý sỉ nhục Yến Tử: - “Tại sao nước Tề lại phái một sứ giả vừa nhỏ bé vừa vô đạo đức như ngươi tới nước ta?”. Yến Tử đã đáp: - “Nước Tề phái sứ giả có một quy định, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: người hiền đức sẽ gặp người hiền đức, còn người vô đạo đức sẽ gặp người vô đạo đức. Tôi là người vô đạo đức nhất, chính vì thế mà đã được phái đến gặp Sở vương”. Sở vương vốn dĩ muốn làm nhục Yến Tử, nhưng không ngờ lại bị Yến Tử sỉ nhục lại. Câu trả lời của Yến Tử đã gắn liền sự vinh nhục của mình với Sở vương khiến cho ông ta cứng lưỡi.
Khi gặp phải những câu hỏi cố ý gây khó khăn hoặc mang tính lăng mạ sỉ nhục, nếu như trả lời thẳng thì sẽ bất lợi, cho dù có trả lời tốt đến mấy cũng chỉ mang tính phòng vệ giải thoát mà thôi. cách trả lời “đối xứng” sẽ nắm bắt được những gì có liên quan đến sự việc, đưa ra một mệnh đề có liên quan đến người hỏi và người trả lời, nhằm tiêu diệt thế tấn công của đối tượng, tạo ra lợi thế cho mình. Tuy nhiên, cần sử dụng cách trả lời này có chừng mực, bởi nó như con dao hai lưỡi “tôi như thế này, ông cũng như thế này, nhưng ông như thế kia tôi cũng như thế kia”, rất cần phải thận trọng.

- Câu trả lời không đúng chủ điểm:
Người trả lời không trả lời thẳng vào vấn đề nhưng cũng không im lặng hay phản đối, mà là trả lời theo kiểu “ông hỏi gà, bà nói vịt”.
Một cô nàng đang có chuyện buồn, muốn ngồi trong quầy bar một mình uống rượu để quên đi tất cả, nhưng lại có anh chàng đến làm phiền: - “Chỗ này có người ngồi chưa, tôi ngồi gần cô được không?” Thật là phiền phức quá, cô gái nghĩ vậy và đã thản nhiên buông ra câu trả lời: - “Đi khách sạn ư? Nghe cũng được đấy”. - “Không! Không! Cô hiểu sai rồi, ý tôi không phải như vậy, tôi chỉ muốn hỏi gần cô đã có người ngồi chưa thôi”. - “Anh nói là đi ngay bây giờ hay đêm nay?” Cô gái lại hỏi và cũng là câu trả lời anh chàng nọ. Cô gái đã khiến cho chàng trai đỏ mặt và lủi đi chỗ khác ngồi và không làm phiền cô nữa.

- Câu trả lời bằng “danh ngôn”
Cách trả lời này quả là khó với những người kém văn thơ và không thể phủ nhận sức thuyết phục và thú vị của nó. Đó là những câu trả lời cực kỳ hàm xúc, ngắn gọn, tinh tế, thể hiện sự hiểu biết rộng, mà người nghe cảm thấy hấp dẫn.
Một bà hàng xóm đã hỏi một phụ huynh rằng: - “Nghe nói con nhà bác sau khi gửi đến trung tâm giáo dục đặc biệt, đã rất ngoan ngoãn, kỷ luật, học tập cũng tiến bộ rất nhiều, có đúng như vậy không?
Vị phụ huynh chỉ nói vẻn vẹn: - “Đúng là tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” thật không sai chút nào”. Câu tục ngữ này đã thay câu trả lời cho vị phụ huynh nọ, rất ngắn gọn, chuẩn xác, rõ nghĩa.

- Câu trả lời tức là phản vấn:
Trong một lần đi thăm đài truyền hình, một nhà văn nổi tiếng đã gặp phải câu hỏi của một nhà báo nước ngoài: - “Không có cuộc đại cách mạng văn hoá có thể không có thế hệ nhà văn như các anh, vậy thì theo anh, cuộc cách mạng đại văn hoá đó là tốt hay xấu?
Nhà văn này đã lặng đi một lúc, liền ý thức ngay được đó chính là một “cạm bẫy”, nếu đưa ra câu trả lời khẳng định hay phủ định đều sẽ rơi vào “vòng nguy hiểm” của họ. Nhà văn ấy đã nhanh trí nghĩ ra một giải pháp và trả lời ngay rằng - “Không có cuộc chiến tranh thế giới thứ hai thì theo bạn, là tốt hay xấu?
Quả là một câu trả lời ngắn gọn nhưng rất thông minh, đương nhiên ở vào thế chủ động, khiến cho nhà bào không thể nói được gì nữa.

- Né tránh câu trả lời bằng một câu trả lời:
Lãnh đạo một công ty đến một nơi để đặt văn phòng đại diện, lúc đó một đối tác làm ăn đã hỏi ông ta: “lần này đến đây các ông mang theo bao nhiêu tiền?” Chưa biết đối phương hỏi câu đó thực chất là có ý gì, nên ông ta đã nghĩ ra cách phải trả lời đối phương theo cách: “có nghĩ rằng không nên hỏi tuổi phụ nữ và hỏi tiền nam giới không?” Câu trả lời đã giúp ông ta thoát ra khỏi thế bí và cũng không làm cho đối phương cảm thấy khó chịu.

- Câu trả lời loại suy:
Trong cuộc họp báo của một công ty lớn, một nhà báo đã hỏi vị lãnh đạo “Nghe nói công ty của ngài đang nợ rất nhiều, vậy ngài có thể tiết lộ con số đó là bao nhiêu không?” sau đó, vị lãnh đạo vừa cười vừa bình tĩnh trả lời “Một đối thủ rất lớn cạnh tranh với công ty tôi nói rằng chúng tôi đang mắc nợ đến vài trăm tỷ, chẳng bao lâu sẽ phải đóng cửa. Chị có nghe thấy không?”
Vị lãnh đạo đó đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của nhà báo mà bằng câu nói của đối thủ cạnh tranh của mình để loại suy, đã thể hiện một cách thật khéo léo, kín đáo. Câu trả lời không đúng chủ điểm nhưng vẫn mang lại sự hấp dẫn cho người nghe.

- Câu trả lời thẳng thắn, thành khẩn và kiên định:
Một vị lãnh đạo cấp cao của chính phủ đã trả lời họp báo một cách rất mềm dẻo và tự tin “theo đánh giá bên ngoài thì tôi là ông hoàng kinh tế hay cái gì cũng được. Nhân dân đã lựa chọn và bầu tôi làm thủ tướng, tôi vô cùng vinh hạnh, tôi sợ phụ lòng mong mỏi của nhân dân. Nhưng cho dù phía trước là một “trận địa”, bãi bom mìn hay thung lũng sâu, tôi vẫn không ngần ngại vượt qua, không bao giờ quay trở lại cho dù có phải chết đi chăng nữa”.
Lời phát biểu ấy đã thực sự gây xúc động cho báo giới và người dân chứng kiến. Dù là một lời nói, một câu trả lời ngắn gọn nhưng đã mang lại niềm tin cho nguời dân.


Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:

 *
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                     .

.




..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét