ĐỐI THOẠI VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ: KHÔNG NÊN CÃI THEO TƯ DUY ANH DÂN QUÊ TRANH ĐẤT - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

1 comment

ĐỐI THOẠI VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ:
KHÔNG NÊN CÃI THEO
TƯ DUY ANH DÂN QUÊ TRANH ĐẤT
* 
(Tác giả Chu Mộng Long)
Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Do dư luận rất lệch lạc về vấn đề chủ quyền biển đảo qua cách đọc hiểu Công hàm 1958, trong đó có cả đội ngũ giáo sư tiến sĩ, nên tôi thấy cần thiết phải viết bài này.
Việc các học giả sưu tập bản đồ cổ từ thời nhà Nguyễn để đòi “kiện Trung Cộng ra Tòa quốc tế” có lẽ không cần nói đến nữa. Trò chơi đồ cổ của "Vang bóng một thời", như tôi đã viết ở bài trước, chỉ thêm mắc mưu giặc và làm trò cười cho thế giới văn minh.
Nhưng xem các phát ngôn báo chí và dư luận từ miệng các giáo sư, tiến sĩ xung quanh cái Công hàm 1958 của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôi thật sự lo ngại cho năng lực của sĩ phu Việt Nam hiện đại. Họ quanh co mấy điểm sau: 1) Đó không phải là "Công hàm" mà chỉ là "Công thư" hay "Công điện" ngoại giao. 2) Văn bản do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký chỉ nói thừa nhận lãnh hải 12 hải lý trong Tuyên bố của Công hòa nhân dân Trung Hoa, “không nói gì đến Hoàng Sa, Trường Sa”!
Đối thoại quốc tế trong thời đại văn minh mà lẩn thẩn trong cái tên gọi "Công hàm" hay "Công thư", "Công điện", trong văn bản có dùng từ "Hoàng Sa", "Trường Sa" hay không là lối cãi tủn mủn của anh dân quê tranh đất. Mà dân quê tranh đất thì kết cục thường là dùng cuốc choảng nhau!\
Thế giới văn minh cần đối thoại hòa bình. Không cãi nhau để choảng nhau như thời hoang dã.
Các loại từ điển đều định nghĩa: "Công hàm là công văn ngoại giao của nước này gửi cho nước khác để thừa nhận hoặc phản đổi một vấn đề nào đó". Vậy thì không gọi là “Công hàm” mà gọi là “Công điện” hay “Công thư” ngoại giao thì có khác gì nhau?
Trong quan hệ liên văn bản, giữa Tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bên A) và Công hàm 1958 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (bên B), dù cả hai đều không có hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng rõ ràng người đọc văn bản ở trình độ lớp 7 cũng hiểu: 1) Bên A xác định hải phận 12 hải lý, được tính từ “đường cơ sở” bao gồm đất liền, các đảo, trong đó hai lần nhắc đến Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Đó chính là đường 9 đoạn hay “đường lưỡi bò” theo cách gọi hiện nay. 2) Bên B mặc nhiên thừa nhận nội dung tuyên bố của bên A, giống như cái gật đầu, trực tiếp (chứ không phải gián tiếp như một số bạn phân tích) mà không cần nhắc lại nội dung của bản tuyên bố. Không thể nói “tôi gật đầu chung chung chứ không thừa nhận cụ thể cái gì” như bọn dân quê vẫn cãi chày cãi cối khi xảy ra tranh chấp.
Tôi muốn nhấn trọng tâm của bài viết vào bối cảnh ra đời của hai văn bản trên. Trích một đoạn trên Wikipedia:
"Tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 để giải quyết các vấn đề về lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai, phái đoàn Liên Xô ngày 5 tháng 9 năm 1951 đã đề nghị trao trả 2 quần đảo cho chủ cũ. Hai ngày sau, ngày 7 tháng 9 năm 1951, tại hội nghị này Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã lên tiếng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có đoạn: "Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam". Lời tuyên bố này đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản. Và trong tất cả 51 phái đoàn các nước, không có phái đoàn nào phản đối, kể cả Liên Xô.[7]
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1958, lần đầu tiên có hội nghị về Công ước Luật biển. Trong số 4 công ước được bàn thảo, có Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, hội nghị thất bại vì không thống nhất được khoảng cách lãnh hải là 12 hải lý vì nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau, Mỹ chỉ chấp nhận 3 hải lý, có một số quốc gia cho là 4,5 hải lý thì tốt hơn, còn Trung Quốc đòi 12 hải lý, lại còn một số quốc gia Nam Mỹ muốn 200 hải lý.
Vào thời điểm 1958, quan hệ Mỹ-Trung Quốc cực kỳ căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả "quần đảo Tây Sa" (Hoàng Sa) và "Nam Sa" (Trường Sa). Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra công hàm ủng hộ hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Năm 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi ý và giải thích rằng ông đưa công hàm vào thời điểm đó là do các nhu cầu chiến tranh." (Hết trích).
Như vậy, có thể nói gọn thế này. Tuyên bố hải phận của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp. 1) Bên A chỉ đưa ra một tuyên bố đơn phương, phi lý, không được thế giới ghi nhận, 2) Bên B thừa nhận một Tuyên bố phi pháp, suy ra, Công hàm 1958 không có giá trị pháp lý, 3) Kết luận, cả hai văn bản trên đều không là căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Nói thêm, Công hàm 1958 chỉ có giá trị nhất định như một vấn đề ngoại giao song phương.khi và chỉ khi Việt Nam dân chủ cộng hòa đang sở hữu Hoàng Sa, Trường Sa. Giống như đất của tôi, tôi có quyền cho anh. Trong khi sau Hiệp định Geneve (các bên cùng ký), Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam cộng hòa quản lý. Không ai có quyền cho ai cái không phải của mình.
Không cần lấy mốc lịch sử trung đại hay cổ đại, chỉ cần tính từ năm 1951, khi cả thế giới sắp xếp lại địa đồ tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình để chấm dứt tranh chấp sau chiến tranh thế giới thứ hai, tuyên bố của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu về sở hữu hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị là một vấn đề pháp lý quan trọng. Còn Tuyên bố của Cộng hóa Nhân dân Trung Hoa năm 1958 là tuyên bố hàm hồ, muốn thôn tính mảnh đất mà mình chưa bao giờ có, nên không có quốc gia nào thừa nhận.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích ông đưa công hàm vào thời điểm đó là “do các nhu cầu chiến tranh” là giải thích đúng bối cảnh lịch sử. Chiến tranh hai miền Nam Bắc, cũng là chiến tranh ý thức hệ, việc thống nhất đất nước được đặt lên hàng đầu, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không thể không tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh thay vì đối đầu với cả hai phía Mỹ và Trung. Điều đó cũng có nghĩa là Thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa hiểu Công hàm 1958 không có giá trị pháp lý khi Tuyên bố của Cộng hóa nhân dân Trung Hoa là phi lý, động chạm đến lợi ích của nhiều quốc gia. Nên nhớ đường lưỡi bò không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến lợi ích hàng hải quốc tế.
Tóm lại, chiến lược bành trướng đã có trong đầu nhà cầm quyền Bắc Kinh ngay từ khi lập quốc, từ đó luôn có những âm mưu thâm hiểm để thôn tính đất đai của các nước lân bang. Cho nên không thể lấy cái mưu vặt của anh dân quê ra đối thoại song phương với kẻ tự cho mình là Thiên triều, kể cả đem cái mưu vặt ấy ra lòe quốc tế trong bối cảnh văn minh hiện đại. Giặc càng lưu manh, thủ đoạn thì ta càng phải khách quan, trung thực. Trí trá đến tủn mủn từng câu chữ như các giáo sư, tiến sĩ tự cho thông minh, hiểu biết chỉ càng tạo cớ cho giặc rêu rao rằng Chính quyền Việt Nam “man trá” (Chữ dùng của Bộ Ngoại giao Trung Hoa trong một tài liệu được xuất bản với tên gọi "Chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa"),.Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo mới là tư cách Đại Việt.
-------------
MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

Mời nghe nhạc phẩm TRUYỀN THUYẾT HOÀNG SA - TRƯỜNG SA
của Công Quế, qua tiếng hát Lê Anh Dũng:
            
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75
.
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 27.04.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: