THƠ TÂN HÌNH THỨC:
THẤT VỌNG VÀ
KỲ VỌNG
*
ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ
(Tác giả Lê Nghị) |
Tôi được vài bạn thân, biết tôi là người yêu
thơ có giới thiệu đến tôi vài lần Bản Tin Tân Hình Thức, tôi đã bày tỏ lòng vui
mừng và kính trọng những người đang nỗ lực tìm cách nâng cao hiệu quả tiếng
Việt trong thơ ca.
Tôi hiểu rằng Ban Quản Trị Bản Tin Hình Thức
là một nhóm người có năng lực và tâm huyết, có học vị; đồng thời những người
tham gia làm thơ có vị đã có tiếng trên thi đàn và tri thức ở tầng lớp cao. Bản
Tin Tân Hình Thức cũng dày công tổ chức nhiều cuộc hội thảo tầm quốc gia trong
và ngoài nước. Các văn bản tham luận cũng như bảng tin thường kỳ có dáng dấp
hàn lâm hơn là phổ thông.
Những nỗ lực đó khiến ai yêu thơ và yêu tiếng
Việt đều phải trân trọng với công sức những người tìm mọi cách nâng cao hiệu
quả của thi ca Việt Nam, mà theo những mong ước của những người tham gia là bắt
kịp thời đại.
Tuy nhiên, với góc độ là một độc giả khao
khát thơ tiếng Việt được nâng cao, sau khi đọc qua một số bài thơ thì thấy thất
vọng. Những ý kiến phê phán dưới đây không nhằm đã kích, mà nhằm mong muốn nỗ
lực điều chỉnh để tốt hơn.
Các bài thơ về nội dung không bàn đến, mà
thường là những nội dung sâu sắc, nhân văn; ở đây chỉ xét về mặt hình thức,
nhiều bài thơ đã đi quá xa cấu trúc đặc trưng của thơ, đánh đồng giữa câu
văn chải chuốt và thơ. Rất nhiều cấu trúc khổ thơ không những xa lạ mà còn
trái với cấu trúc văn phạm (ngữ pháp) của tiếng Việt trong câu nói và câu viết.
Đọc nhiều các bài thơ đó, nhất là lớp trẻ sẽ tạo ra thói quen nói vụng về, viết
không cần chấm phẩy. Và… cuối cùng không có gì đọng trong lòng vì không nhớ nổi
đến nửa câu!
Trước khi đi sâu vào phân tích những hệ quả
tiêu cực này tôi thử hiểu thế nào là cách tân hình thức.
Lượt qua các hình thức thơ xuất hiện trong
lịch sử thơ Việt Nam để gọi cái gì là cũ, mới; cái gì là đặc trưng của thơ
Việt; và hình thức nào được người Việt chấp nhận nhất.
Thơ Việt Nam có lẽ bắt đầu bằng những câu
ngắn có vần: đồng dao rồi đến vè, ca dao lục bát rồi song thất lục bát.
Bên cạnh đó , hàng ngàn năm nô lệ ta có thơ
Tàu chiếm vị trí bác học: Cổ phong thể hành và ảnh hưởng nặng nề nhất là ngũ
ngôn, thất ngôn tứ tuyệt và bát cú. Nặng nề và học thức nhất nằm trong thơ
Đường.Sau này Hàn Thuyêncải biến ra Hàn luật để phù hợp với âm của Việt Nam
hơn, thoáng hơn nằm ở luật bằng – trắc: Lẻ không màng, chẳn kỹ càng.
Biết bao thi nhân Việt Nam đã phải làm thơ
bằng chữ Hán, và học thơ Tàu nhiều người tán dương ca ngợi; nhưng rốt cuộc
những câu thơ nhớ nhiều nhất chỉ là hai thể loại: Lục bát và song thất lục
bát. Bởi vì đó là tâm hồn của dân tộc , là hình thức thơ đọng
trong lòng người. Cứ thử hỏi mọi người mấy ai còn thuộc một khổ thơ 5, 7, 8
chữ? Nhưng ca dao, truyện Kiều, Chinh phụ ngâm thì ít nhất cũng hàng chục câu.
Đề tài này sẽ quay lại sau, trong một bài viết khác.
Tiếp đến từ gần 100 năm nay, với phong trào
thơ mới, theo lối thơ thịnh hành của châu Âu thời đó , tiền nhân đã kết hợp các
âm bằng- trắc trong thơ cũ, chỉ cần cước vận ở câu 2 và 4 là đủ, thêm một loại
tám chữ chữ thường có cước vận ở 2-3 trong một khổ và 4-1 giữa câu cuối khổ
trước và khổ sau. Đó là cuộc cách tân hình thức rộng rải nhất và hiệu quả
nhất trong thơ ca Việt Nam từ trước đến nay. Phong trào thơ mới cho đến
năm 1954 đã mở rộng lần hình thức về câu: Bắt đầu là bài Hồ Trường của Nguyễn
Bá Trác, câu dài ngắn khác nhau như thể hành cổ phong, câu nói lối trong hát cô
đào. Rồi đến Đoàn Phú Tứ không chú ý vần , chỉ chú trọng thanh, rồi các câu
toàn âm bằng của Bích Khê , các bài thơ sắp hình giọt sương, hình con thoi của
Nguyễn Vỹ…. Tất cả đều là tân hình thức nếu so với trước 1925.
Giai đoạn 54-75 ở miền Bắc Trần Dần, Hữu
Loan, nhóm Nhân văn giai phẩm và lúc đó ở Miền Nam cũng có nhiều bài thơ gọi là
thơ tự do. Đặc điểm của thơ tự do thời đó là câu dài ngắn không đều, đôi bài
không cần vần, chú trọng thanh âm nhịp nhàng, giống như ca từ của các bản nhạc.
Nhưng có một đặc điểm chung của tất cả thơ cũ
và mới, tự do không thay đổi là cách ngắt câu:
Ngữ pháp
(văn phạm) tiếng Việt đòi hỏi khi ngắt câu bằng dấu phẩy hoặc dấu chấm không
được chia ra từ kép, và dù bắng dấu phấy hay dấu chấm thì câu đó phải tròn
nghĩa. Các liên từ phải đúng vị trí câu , cho dù là câu thơ hay câu văn.
Bản thân tôi thấy lạ sao có trường phái lấy
số chữ làm trọng mà không lấy cấu trúc câu làm trọng. Dạo qua các bài thơ đăng
trên BảnTin Tân Hình Thức, tôi không muốn nói đến tác giả cụ thể, bởi vì đã quá
nhiều, ai cũng thấy; thì các khổ thơ vẫn bó buộc 5, 7, 8 chữ hay nhiều hơn, đa
phần một khổ 4 dòng, và một khổ là một câu dài. Cũng có khi là hai ba câu ngắn
đi liền mà không hề một dấu chấm, phẩy ? Tại sao lại không viết luôn câu mà lại
xuống dòng? Phải chăng chỉ tạo một vẻ đẹp in ấn bên ngoài?
Xét về tổng thể khổ thơ là cũ, có gì mới đâu?
Nhưng cái mới là chi tiết Các câu trong khổ thơ trái với ngữ pháp tiếng
Việt.!?Sự thực nó là những câu văn đã định trước : 20 , 24, 28, 32 chữ… Cứ chia
đều ra xuống hàng khi đếm đủ chữ, thế là thơ!
Chính vì vậy nó luôn chặn lại dòng cảm
xúc, vì người đọc phải dừng lại xem xét chữ này có liên quan gì đến dòng trên
và ăn nhập gì với dòng dưới.Trong một thời đại nhịp sống hối hả, con người phải
tất bật với công việc, ai hơi đâu mà ngồi suy nghĩ chuyện không đáng? May chăng
chỉ dành cho các vị hàn lâm rỗi việc. Mà có rãnh ngồi suy nghĩ chăng nữa thì
rốt cuộc nó không còn là thơ mà chỉ là những câu văn không chấm phẩy.
Đã qua rồi cái thời tranh luận nghệ thuật vị
nghệ thuật hay vị nhân sinh.Nghệ thuật nào cũng nằm trong nhân sinh cả. Vấn đề
là có được nhân sinh chấp nhận không. Thiết nghĩ trong thời đại ngày nay rất ít
người có thời gian để nghiền ngẫm những câu văn xem ta phải chấm, phẩy chổ nào
mới hiểu. Mất hứng thú!
Cho nên với hình thức dễ dãi trên lại càng không phù hợp với thời đại, vô hình trung nó khiến thêm phức tạp, bực mình. Nó có thể phù hợp với một loại ngôn ngữ nào đó, nhưng không phù hợp với tiếng Việt.
Cho nên với hình thức dễ dãi trên lại càng không phù hợp với thời đại, vô hình trung nó khiến thêm phức tạp, bực mình. Nó có thể phù hợp với một loại ngôn ngữ nào đó, nhưng không phù hợp với tiếng Việt.
Suy cho cùng thì Tân hình thức mà các bạn chủ
trương không ra ngoài phạm trù thơ tự do, mà là bộ phận nhỏ . Người đọc có cảm
giác là Bản tin THT tự định ra một số lề luật để tự trói buộc mình, để gọi là
có khác!
Mời đọc 1 bài thơ Tân Hình Thức:
Mẹ già đã già ngồi
còng lưng bên gánh hàng
rong nơi góc phố bụi
mờ những bước chân qua
mẹ chờ gì và mẹ
chờ ai không mẹ không
chờ gì và mẹ không
chờ ai ngòai nỗi buồn
canh cánh từ thuở khai
sinh mẹ còn gì và
mẹ còn ai không mẹ
không còn gì mẹ không
còn ai ngòai lũ con
đứa lang bạt kỳ hồ
đầu đường xó chợ đứa
….
(MẸ KHỔ – Khế Iêm) [*]
Làm thơ tân hình thức như trên trang các bạn
hiện nay quá dễ, so với việc chọn một câu ngắn mà phải có vần có nhịp. Các nhà
thơ được trọng vọng là chọn lọc từ ngữ đắc dụng, đắc vị, theo thanh theo nhịp
khiến trái tim người đọc tự nhiên rung động.Thơ có vần hay không , chẳng quan
trọng, quan trọng là nó mang tính nhạc, vì thơ về hình thức là ca từ của một
loại nhạc. Đó là đặc điểm chính của thơ, là cái mà ta mong đến.Theo như cách
thể hiện thơ gọi là Tân Hình Thức hiện nay, các bạn khuyến khích mọi người làm
thơ: tốt. Nhưng đồng thời các bạn đang làm giảm giá trị danh hiệu thi sĩ, thi
nhân!Nhưng tai hại nhất như tôi nhấn mạnh ở trên, phá vỡ cấu trúc câu tiếng
Việt một cách vô tình.
Tôi thử làm dạng tân hình thức năm chữ:
Hôm qua em nói lấp
lửng em có thể lấy
chồng anh liệu anh còn
nhớ người thuở yêu xưa.
Và tôi trau chuốt lại:
Hôm qua em lấp lững
Ngày mai em theo chồng
Có bao giờ anh nhớ
Một người thuở xưa không
Hoặc ngắn gọn hơn:
Hôm qua em nói ởm ờ
Em theo nhà họ , thẩn thờ không anh
Theo bạn, trong 3 khổ thơ bạn thích khổ thơ
nào, nếu bạn nói rằng bạn thích khổ đầu hơn thì tôi đành xem bài này là lần
cuối cùng góp ý cho trang các bạn vậy.
Hoặc tôi thử làm tân hình thức 7 chữ:
Buổi chiều nay tôi ngắm giọt cà
phê rơi rơi như nỗi buồn nhỏ
giọt xuống hồn tôi khi nghe đồng
hồ gõ tích tắc trên dòng thời
Gian vô cùng tận của đất và
trời ơi giọt cà phê rơi tí
tách trong cái tách tròn thuỷ
tinh tình buồn nhỏ giọt xuống số
phận một đời người buồn thỉu buồn
thiu giống bài thơ không điệu không
vần không nhịp cầu cho ai ngon
giấc quên những vần thơ xót xa….
Tôi trau chuốt lại:
Bên tách cà phê từng giọt nhỏ
Rớt xuống hồn tôi những giọt buồn
Đồng hồ tích tắc trên tường gõ
Ngỡ chân mình dần đến hoàng hôn
Đất trời vô tận tôi là mấy
Buồn thỉu buồn thiu một kiếp đời
Như một bài thơ không vần điệu
Nghe nhàm nên muốn ngủ mà thôi.
Tôi không là thi sĩ, nhưng rõ ràng mỗi lần
ngắt câu là nghĩa phải tròn. Đấy là tôi nói mấy câu vần vè của tôi. Bây giờ ta
hãy xem một bài thơ viết khoảng 1925, bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác:
……….
Chí không thành, danh chẳng đạt
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi
Ai người tri kỉ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu
Rót về phương đông nước chảy xiết sinh cuồng
lạn
Rót về phương tây mưa tây sơn từng trận chứa
chan
Rót về phương Bắc đá chạy cát tuôn
Rót về phương Nam có một người say uống như
điên như cuồng.
…..
Bài thơ có câu dài ngắn nhưng cụ Nguyễn đôi
khi giữ lại vần. Đó không phải là Tân Hình Thức sao?
Và đây là những khổ thơ trong bài nổi tiếng
của Nguyên Sa:
Paris có
gì lạ không em.
Paris có gì lạ không em
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
…….
Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một ít sương sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn theo gió đưa
Vẫn khổ thơ 7 chữ, nhưng không vần. Đồng thời ông mạnh dạn dùng chữ Paris thay
cho Ba- lê vốn quen tai mọi người thời ấy.
Triệt để tự do hơn nữa là ca từ của bài hát
nổi tiếng “L’Adieu” Bùi Giáng dịch từ thơ Guillaume Apollinaire, Phạm Duy
phổ nhạc:
Ta ngắt đi
Một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho
Mùa thu đã chết rồi
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
…….
Cả một bài thơ, câu dài ngắn không đều, không
một vần nào ăn nhau, là một điển hình toàn diện của thơ tự do. Nhưng quan trọng
là khi ngắt câu bao giờ cũng tròn ý.Đó là đặc điểm của tiếng Việt. Ngôn ngữ đa
âm cần trọng âm, trong ca từ đôi lúc họ tách ra , nhưng tiếng Việt không bao
giờ cho phép nói ngắt câu kiểu nói vui:
Chị em hồ hởi đánh cầu
Lông bay vùn vụt qua đầu anh em.
Đồng thời trong lúc viết, ta dạy con em ta
chính tả, không bao giờ cho phép viết: “hôm
nay bọn mình đi đánh cầu, lông nhé các bạn“, chứ nói chi cho phép xuống
hàng.
Bản tin Tân Hình Thức các bạn đã cố tình hoặc
làm ngơ một hình thức làm suy thoái tiếng Việt là vì vậy.
Vô số bài thơ của các bạn nói cho gay gắt là
những đứa con ngoại lai, áp dụng máy móc chủ quan của thơ nước nào đó.
Tôi không giỏi ngoại ngữ, nhưng tôi thấy
trong thơ tiếng Anh hiện đại người ta có giữ vần hay không đều ngắt câu đúng
ngữ pháp:
My favourit cities are London and Newyork
It has each unit delights
A perfect city would be a bit of both:
London days and Newyork nịghts
Newyork, the man of steel
With muderer in his eyes
(quên tên tác giả)
(có vần, nhưng câu dài, câu ngắn)
phóng dịch:
Thành phố tôi yêu: London và Newyork
Mỗi nơi một độc đáo riêng
Một thành phố tuyệt vời ắt là nơi hoà hợp
London ban ngày và NewYork về đêm
Newyork , người đàn ông rắn rỏi
Cặp mắt nhìn háo hức chết người thôi
Hoặc: The bone of an America soldier speaks
to MIA
Please just leave me be
I’m fine , I’m not missing
I know exactly Where I am
Where the US army left me
I have been here long time than I lived in
Okholama
(quên tên tác giả là một giáo sư đại học Mỹ)
(không
vần, câu dài ngắn)
Phỏng dịch:
Xương của người lính Mỹ nói với phái đoàn tìm
kiếm hài cốt Hoa Kỳ
Làm ơn hãy để tôi đây
Nhặt làm chi mảnh xương gầy thêm đau
Có hề mất tích gì đâu
Vẫn nơi chưa kịp chôn sâu thôi mà
Tôi nằm đây lại hoá ra
Dài hơn năm tháng quê nhà lớn lên
Thêm một điều tôi chỉ đồng ý với các bạn một
nửa về quan điểm ngôn ngữ của thơ: là ngôn ngữ đời thường.
Chính tôi nếu viết bài thơ nào tôi cũng cố
gắng dùng ngôn ngữ đời thường, nhiều nhà thơ khác cũng vậy, nhưng hơn nhau là
ngôn ngữ đời thường có nâng lên tầm nghệ thuật hay không! Tôi không nâng được
mà rất nhiều người nâng được nên họ trở thành thi sĩ, và tôi chỉ mong xách dép
cho họ để đi theo nghe họ nói thơ mà thôi.
Bởi vì nếu tả một con thuyền đi xa dần, giỏi
lắm tôi chỉ nói được:
Anh đi đấy anh về đâu
Con thuyền trôi mãi buồm nâu khuất dần
Nhưng Nguyễn Bính thì khác:
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
Ông kiệm từ hơn tôi, không có một động từ mà
vẫn thấy cánh buồm mờ dần. Thậm chí câu 8 của ông còn hay hơn cả một câu trong
bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo nhiên: ”cô phàm viễn ảnh bích không tận”. Vì vậy mà ông là thi sĩ, xương
ông chắc giờ đã mục mà tôi bạc tóc còn ráng học theo ông.
Ngôn ngữ đời thường mà không chen vào biện
pháp mỹ từ, không nhịp thì chỉ là câu nói, không là thơ. Đại đa số một câu cũng
khó nghĩ là thơ: “Anh đi đấy anh về đâu” nếu không gắn với câu “Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm” thì chỉ là câu nói chứ chưa
thành câu thơ.
Mặt khác dòng thơ trí tuệ tôi hoàn toàn thấy
hay và khâm phục. Một số tác giả dùng từ cầu kỳ, vô nghĩa tôi không bàn. Nhưng
có những nhà thơ dùng điển tích , điển từ, quy ước riêng của họ như Trịnh Công
Sơn, Bùi Giáng , Đông Hương Tôn Nữ … người yêu thơ chẳng những rung động con
tim mà còn khâm phục tính trí tuệ.Tôi đã và sẽ phân tích cần phân biệt cái hoa
hoè rỗng tuếch và trí tuệ sâu lắng trong bài viết khác. Ở đây tôi muốn nhắc
rằng dù ta thích phong cách , khuynh hướng nào thì cần khuyến khích và cần
ngưỡng mộ học hỏi các khuynh hướng khác nếu thơ họ đạt đến đỉnh cao nghệ
thuật.Như vậy mới thực sự là sự cách tân chân chính , góp phần giúp tự do, dân
chủ, hoà nhập; nói cách khác là góp phần xây dựng tính nhân văn.
KỲ VỌNG
Vậy tôi hiểu cách tân thơ là gì:
Về khổ
thơ:
Bài thơ chia nhiều khổ hay không chia khổ nào
cũng được. Nếu chia thì 2,3,4, 5 câu một khổ đều đặn, hoặn trộn khổ dài khổ
ngắn đều được: như vậy mới thoáng, mới tự do, không gượng ép phải thêm dài dòng,
cũng không phải nén để đôi khi tối nghĩa.
Về câu thơ:
Các câu cùng một lượng từ hay dài, ngắn khác
nhau đều được.
Về thanh: bằng trắc lộn xộn đều được:
Về vần: Có hay không đều được
Về nhịp: Bài thơ không nhịp thì chỉ là câu văn. Nhịp thơ có thể giữ nguyên hay thay đổi đột
ngột đều được: 2-2, 2-3,2-4; 3-3 3-4, 3-5, … hoặc ngược lại: …5-3, 4-3 , 3-3, 4-2, 3-2,
2-2
Về từ ngữ:
Sử dụng phong phú, kể cả đôi lúc chen tiếng
nước ngoài, nhất là các danh từ riêng như Paris, Newyork… cố gắng thuần Việt,
nhưng nếu cần thiết cũng có thể dùng Hán Việt.
Một bài thơ sử dụng đơn lẻ một trong các yếu
tố hay kết hợp các yếu tố kể trên cùng lúc ,đều được gọi là tân hình thức kể cả
Đường luật, lục bát, song thất lục bát nguyên thể hay phá cách đều có yếu tố
cách tân cả. Miễn sao khi đọc thầm vẫn rung cảm lòng người, khi đọc to thì có
âm hưởng của nhạc.Đồng thời phá cách nào, mới cách nào cũng không được phá vỡ
cấu trúc câu tiếng Việt trong thơ.
Do đó điều quan trọng nhất:
1. Không được ngắt câu mà không tròn nghĩa,
không được ngắt nhịp giữa một từ kép. Như vậy không có hiện tượng rớt chữ của
câu trước xuống câu sau làm cho câu sau vô nghĩa hoặc hiểu nhầm.
2. Điều thứ hai: liệu nó có đọng trong tâm
trí người đọc không? Nghĩa là nói một cách đơn giản,liệu người ta có nhớ được
một khổ thơ nào không?
Thực tế quá nhiều câu không vần thì người đọc
khó nhớ. Nhưng việc đó không ràng buộc, tuỳ chọn lựa của tác giả. Không thiếu
gì bài thơ có vần nhưng chẳng ai thèm nhớ, ngược lại không vần mà người ta vẫn
nhớ là vì người đọc tâm đắc với bài thơ.
Một bài hát, một bài thơ hay thế nào người
đọc cũng sẽ ráng học thuộc. Tôi chẳng sành tiếng Anh, nhưng hai đoạn thơ tiếng
Anh tôi trích là do tôi học thuộc lòng từ 18 năm về trước, lâu vậy tôi vẫn nhớ
vài khúc vì tôi mê các bài thơ ấy. Đến nay tôi vẫn thuộc lòng vài đoạn phiên âm
bài: Chinh
phụ ngâm mà tôi đã thuộc từ 45 năm trước, mặc dù tôi không học chữ Hán
Nôm lúc đó.
Tôi vẫn thường thử nghiệm nhiều bạn khen thơ
tôi hay. Trước hết tôi hỏi bạn còn nhớ câu nào của truyện Kiều không? Ít nhiều
gì họ cũng nhớ. Tôi hỏi tiếp bạn có nhớ bài nào của Xuân Diệu không, ít nhiều
gì họ cũng nhớ. Tôi đánh lãng sang chuyện khác một lúc rồi quay hỏi: bài nào
của tôi bạn thích nhất? Thế là bạn ta ú ớ liền! Thơ kiểu tôi chẳng qua họ khen
ngoại giao thôi. Các bạn hãy thử nghiệm như tôi một số bạn sẽ vứt bút ngay,
hoặc là phải mài mực tập viết lại.
Như vậy đôi lúc giữ vần, hoặc thanh ở từ cuối
cùng của các câu giúp cho người đọc dễ nhớ. Đời người làm thơ mà được người khác
nhớ và đọc chính xác cho người khác nghe mới thật là vinh dự, vì được đồng cảm
hoặc cảm phục. Tôi đã gặp nhiều người làm thơ nói với tôi rằng: “thơ tôi không cần ai đọc, tôi làm cho tôi.”
Nếu là người thân, tôi trả lời thẳng: anh đang phí phạm giấy bút và thời gian
của xã hội. Anh viết mà bây giờ ngay cả anh nhìn lần đầu mà khi lặp lại khi
không nhìn mặt chữ cũng khác câu anh vừa mới đọc, chứ đừng nói đọc cả bài thơ.
Việc làm vô ích!
Nhưng không có nghĩa ta không cần cách tân. Như nhiều lần tôi bày tỏ tôi yêu thơ tự do,
nếu thơ tôi cảm. Ngay cả tiếng nước ngoài tôi còn thuộc huống chi thơ tiếng mẹ đẻ. Tôi say mê đọc và luôn ca ngợi cách sử dụng
từ ngữ trong thơ của các bài thơ cách tân. Chúng ta không thể viện lý do nói
rằng do cảm xúc mỗi người một khác nên thích hay không thích. Điều đó là nói về
nội dung chứ không nói về hình thức, mà ở đây là hình thức về cấu trúc câu. Nếu
câu sai ngữ pháp là câu thơ đó phải làm lại.
Nếu xét về mặt diễn đạt mọi sắc thái, cung
bậc tình cảm của con người thì truyện Kiều là một minh chứng cho tiếng Việt đã
phát triển hoàn chỉnh. Nhưng từ đó đến nay từ điển tiếng Việt càng dày thêm,
phong trào thơ mới và tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn góp phần xiển dương tiếng
Việt, đặc biệt là lĩnh vực thơ. Hầu như mỗi lần cầm bút các nhà thơ đều ngại
trùng lắp các từ, ý, tứ mà ”hai thập kỷ ánh sáng” của tiếng Việt (1925- 1945) bùng phát. Hỏi có từ nào ta dùng
mà trước đó các thi nhân tiền chiến chưa một lần sử dụng? Có lẻ có nhưng đếm
trên đầu ngón tay.
Vì vậy các thi nhân chọn cách diễn đạt khác
với tiền bối ở cấu trúc câu nhưng phải bảo đảm tính ngữ pháp khi ngắt câu như
đã bàn trên.
Một số người đi chọn thêm một cách khác là
dùng biện pháp ẩn dụ: Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn là điển hình. Trịnh Công Sơn ít
làm thơ, nhưng ca từ của ông hoặc Từ Công Phụng là một cách tân cho thơ. Họ Trịnh đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ thơ.
Không phải ngẫu nhiên mà người nước ngoài đã nghiên cứu riêng ngôn ngữ của ông. Ta đã có một công trình nghiêm túc nào về
ngôn ngữ mang tính thơ của họ Trịnh chưa, hay chỉ mới là vài nhận xét qua loa?
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
(Diễm xưa – Trịnh Công Sơn)
Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì ? Em biết không?
Để nước cuốn đi
Để gió cuốn đi.
(Để Gió Cuốn Đi – Trịnh Công Sơn)
Những ngôn từ của Trịnh thoạt nhìn là để cảm
chứ không phải để hiểu. Nhiều người cho như vậy, ví dụ phiên khúc bài Diễm xưa
là không ăn nhập ý nghĩa gì với nhau trong câu chữ. Chẳng qua là những ngôn từ
tạo cho người ta cảm giác buồn buồn do những cụm từ: mưa bay, tháp cổ, xanh xao, lá thu mưa, reo mòn, đường dài hun hút, mắt
thêm sâu đi liền với nhau chớ có nghĩa gì đâu? Chỉ là những cảm giác mơ hồ!
Khổ dưới của bài hát Sống trong đời nghe vô
lý, có một tấm lòng chả biết cho ai, lại bỏ cho gió, cho nước cuốn đi thì sao
gọi là tấm lòng? Chẳng qua cho suông quãng nhạc!
Có thật sự là hai đoạn thơ vô nghĩa không?
Nếu chịu khó suy nghĩ thì có nghĩa rất rõ ràng.
Thật vậy, nếu ai nghĩ Diễm xưa là nét đẹp xưa,
là hoài cổ thì chắc họ có lý giải riêng của họ. Nhưng trong tiếng Việt không có
từ diễm đơn có nghĩa; nó chỉ đi liền với một từ kép Hán Viêt: diễm tuyệt, kiều
diễm… nên khó chấp nhận, cũng khó hình dung quá khứ là cô gái, nếu ví von thì
quá khứ là bà già!
Nhưng nếu giả sử Diễm Xưa là Cô Diễm ngày
xưa đi thì có gì bất hợp lý không? Không gì bất hợp lý cả, mặc dù thời điểm ra
bài hát hầu như người ta không quen dùng cụm từ như thế. Thời đó người ta gọi:
Diễm ngày xưa, chứ không gọi tắt: Diễm xưa. Vậy mà giờ chả ai nói dài dòng vậy nữa, người
ta nói Nga xưa khác Nga nay, Anh xưa, Em xưa là cách nói thông dụng. Đó mới là
cách tân ngôn ngữ.
Tiếp tục tìm hiểu: tầng tháp cổ, là tháp Chàm
đổ nát như trong thơ Điêu Tàn của Chế Lan Viên chăng?
Không, đó là cổ của cô Diễm, có thể ngước cao
vì ngóng đợi, và mưa vẫn mưa bay trên … chính là cô gái khóc, vì nước mắt phải
trên cổ. Tới đây thiết nghĩ cũng giải mã cho hàng loạt câu sau rồi.
Còn bài thứ hai dễ hiểu hơn, tấm lòng đối với
đời với người, đừng đòi hỏi gì cả, cứ hoà vào nước vào gió cho được chảy xa lan
rộng. Cuộc đời nghệ thuật của họ
Trịnh có lẽ đã đúng như tâm sự trong bài hát.
Hoàn toàn logic trong khúc hát, nó dừng lại để liên tưởng nhưng về mặt cú pháp
nó đã hoàn chỉnh. Cách sử dụng câu như vậy là cách tân hình thức.
Tôi chỉ nêu hai ví dụ trong hàng trăm ví dụ
trong ca từ của nhạc Trịnh để thấy cách tân hình thức là ta đổi mới cách sử
dụng từ và câu trong tiếng Việt là quan trọng. Cũng như mới đây ta có từ đi
“phượt”. Mới đầu nghe lạ lẫm nhưng bây giờ người ta chấp nhận vì có từ nào miêu
tả được tính chất của một nhóm người đi du lịch như dân phượt đâu? Đó là sáng
tạo ra từ mới. Đó chính là cách tân hình thức
Hoặc là như Bùi Giáng thay vì dùng: đam mê
hay từ tương đương ông dùng từ: máu me! Mới đầu nghe chướng tai lời lẻ điên khùng, nhưng
ngày nay ở đâu cũng nghe nói: nó máu me chuyện gái / bóng đá/ văn thơ …. Đó lại là mở rộng nghĩa của một từ vốn có nên
cũng là cách tân ngôn từ.
Tôi cũng có thể chỉ ra rất nhiều kiểu cách
tân ngôn ngữ. Chỉ cần đi ”lựa sao” trong vài chục bài thơ của nhà thơ Đonghuong
Tonnu tôi cũng nhặt ra bao nhiêu là cách tân trong việc dùng câu chữ tiếng
Việt.
Thơ chị Đông Hương là một hiện tượng ngôn ngữ
riêng, tương tự Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn cũng từng xác lập một hiện tượng ngôn
ngữ riêng cho mình vậy.Và còn biết bao nhiêu nhà thơ khác: Trần Dạ Từ, Du Tử
Lê, Phạm Thiên Thư… Không phải bài nào của các nhà thơ đều phù hợp với cái ta
gọi là tân hình thức, nhưng người làm thơ nên nghiên cứu chứ nói gì đến người
mới tập làm thơ như tôi.
Ở đây tôi chỉ ví dụ một bài chưa phải là bài
hay nhất của chị Đông Hương, cũng nhằm ta thấy thêm một phương diện cách tân
thơ:
HẠ SƠN
Ta _người kỵ sĩ vô tên tuổi
hảo danh nên gióng ngựa quanh đời
tìm giữa vô biên lời giáo huấn
sao ngọt đường quyền cho chất thơ
Xưa sư phụ còn cho theo học
chẳng biết lỗi gì, buộc hạ sơn
chắc chê đệ tử trình độ thấp
chỉ hoài, quyền thuật vẫn không thông
Lang thang gần tận cùng non nước
lượm lặt nhát quyền ai bỏ đi
đem về, ta ngồi mài kiếm thuật
mong ngày nhát chém ngọt đường thi
Sư phụ ta chừ e già lắm
đủ sức ngồi yên để tịnh tâm?
vì ta đứa học trò duy nhất
một tay ta trà nước ân cần
Thôi! Thầy đã đuổi thì cứ thế
một người, một ngựa cứ thong dong
ngày theo nhạc gió tìm phương hướng
đêm trăng, mài kiếm_ nhấp Hồ Trường
(đông hương)
Tôi đã thấy gì qua bài thơ ấy? Hạ sơn, bị
thầy đuổi hay cách nói đùa ta không quan tâm. Nhưng rõ ràng từ đây nhà thơ phải tự lực sáng
tác.
Chủ đề và nội dung quá rõ ràng không gì phải
bàn cãi, mặc dù chắc chưa hoặc rất ít bài thơ tâm sự con đường tham gia thế
giới thơ, và cách tham gia.
Sự cách tân trong bài thơ này là gì: là dùng
ngôn ngữ của võ học mà nhập một vào văn học. Không độc đáo sao? Xưa nay ai từng
nghĩ được như thế: Đấy cũng chính là một khía cạnh cách tân vì mở rộng phạm vi
ngữ nghĩa.
- Sao ngọt đường quyền cho chất thơ.
Ai làm thơ mà không muốn làm rung động trái
tim người đọc.
Sư phụ có chê không, chỉ nghe tác giả nói, điều quan trọng là tác
giả muốn nói tác giả phải tìm cho mình một con đường mới hơn cái mà thầy truyền
dạy vì tác giả chưa thông. Chưa thông không có nghĩa là thầy dỡ mà không phù
hợp với tác giả. Tóm lại tác giả muốn một con đường cách tân, phù hợp với tác giả hơn.
Và tác giả đã chọn con đường sáng tác, vẫn
những khổ thơ cũ của phong trào thơ mới, nhưng nhặt nhạnh ngôn từ bỏ sót hoặc
thô thiển mà trau chuốt lại cho bén như lưỡi gươm bén trong thơ, chém tới đâu
rụng tim đến đó , hay đâm vào đâu đều chảy máu nỗi đau.
Lang thang gần tận cùng non nước
lượm lặt nhát quyền ai bỏ đi
đem về, ta ngồi mài kiếm thuật
Mong ngày nhát kiếm ngọt đường thi
Nghe rất khiêm tốn: gần tận cùng chứ chưa dám
nói tận cùng; không hề dám nói sáng tạo mà chỉ lượm lặt cái người ta bỏ sót;
mong ngày chứ không dám nói có ngày. Một người làm thơ cần phải khiêm tốn, đừng tưởng mình tạo
ra cái gì đó mới mẻ.
Tôi không nhằm phân tích thơ chị Đông Hương,
vì trên 5000 bài với tỉ lệ bài hay cao là ở một cuốn sách dày, phân tích để học
hỏi. Tôi chỉ muốn đem một bài mới đăng của chị, chưa phải là hay nhất, để muốn
nói rằng trong một bài thơ thoạt nhìn như thơ cũ mà yếu tố cách tân rất
cao.
* *
*
Bài viết này tôi có hứa trả lời với Bản Tin Tân Hình Thức, với tư cách là
độc giả, chưa đi sâu lắm vào lý thuyết của các bạn. Vì lý thuyết của các bạn có
vẻ hàn lâm, đọc khó hiểu, nhức đầu. Tôi chỉ cảm giác các bạn muốn đưa ra cái
mới trong thi ca là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên ấn tượng ban đầu khiến cho một
độc giả yêu thơ như tôi lại khó chịu vì rất nhiều( tôi không nói là tất cả) các
bài thơ ràng buộc khuôn khổ không cần thiết, và lời lẻ không có gì mới lạ,
ngược lại vụng về trong cách ngắt và chấm dứt câu. Nếu các bạn giữ nguyên hình
thức đó chỉ là cùng tự thưởng thức thôi chứ quãng đại người yêu thơ lạnh nhạt.
Riêng cá nhân tôi kịch liệt phản ứng cách viết không chấm, phẩy, xuống hàng tuỳ
tiện của các bạn. Tôi nghĩ các bạn cứ viết câu cho đúng ngữ pháp như các bài
thơ tự do như tôi trích dẫn,sẽ không ai phản ứng, mà còn được ủng hộ. Còn hay,
dỡ là tuỳ khả năng và tuỳ bài, cũng như các tác giả khác. Vì những vướng mắc
ban đầu nên tôi chưa đi sâu vào tìm hiểu lý thuyết của các bạn. Chỉ nêu một ý
kiến chung một vấn đề: Ta không thể áp dụng biện pháp mỹ từ của ngôn ngữ
đa âm vào ngôn ngữ đơn âm được. Ngôn ngữ đa âm nghèo nàn về thanh nên người ta
có thể dùng phụ âm cuối tạo ra vần : ví dụ chữ s số nhiều trong từ tiếng Anh có
thể tạo vần cho câu trên câu dưới nếu hai từ cuối đều tận cùng bằng s ví dụ:
Keys và tables. Cũng vậy họ có điệp thanh chứ không điệp tự như ta…
Tôi không muốn gửi trực tiếp đến Trang Bản Tin Tân Hình Thức của các bạn
vì sẽ khiến nhiều người buồn, giận và nhiều khi ném đá. Nhưng tôi biết các bạn
có liên kết với trang này nên một số ít thành viên có thể xem xét. Nếu đáng xem
thì tôi cũng rất cám ơn, nếu xem bài viết của gã này chỉ là lời lẻ của một ông
nhà quê thì tôi cũng chẳng có gì phàn nàn vì tôi vốn dĩ là một nông dân,
lời lẻ nhiều khi vô ý xúc phạm.
Dù gì chăng nữa thì tôi cũng luôn ủng hộ cải
tiến, cách tân; chỉ là cần cho đúng đắn, và cố gắng nâng cao hiệu quả trong
cách sử dụng câu, chữ trong thơ. Rất mong các bạn chấn chỉnh lại hình thức mà
các bạn đề ra hoặc các thành viên đã đi lạc hướng.
Trân trọng
*.
LÊ NGHỊ
Địa chỉ: Số nhà 120/72A, Nguyễn Thiện Thuật,
thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Email: lilinghecr@gmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger Li Li Nghệ gửi ngày 10.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét