QUẢN NGỤC VÀ NGƯỜI TỬ TÙ - Tác giả: Đỗ Ngọc Thống (Thanh Hóa)

Leave a Comment


QUẢN NGỤC VÀ NGƯỜI TỬ TÙ
*
(Tác giả Đỗ Ngọc Thống)
Lâu nay khi dạy tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, giáo viên thường tập trung nhiều vào việc phân tích vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao như sách giáo khoa đã nêu: “một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất”. Tôi cứ băn khoăn về điều này và thấy hình như có gì đó không ổn lắm.
Vấn đề đặt ra là viết truyện này Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi Huấn Cao hay viên Quản ngục? Tôi cho rằng Nguyễn Tuân chỉ mượn 1 Huấn Cao ngời sáng để ca ngợi, biểu dương một nhân vật khác trong bóng tối là Quản ngục (viên quan coi ngục, không tên). Không phải là Huấn Cao không đáng ngợi ca, mà do ông không phải là đối tượng gây cảm hứng mạnh cho Nguyễn Tuân. Cũng không phải Huấn Cao không đáng phân tích mà do những phẩm chất và tính cách của nhân vật này gần như đã được tác giả bày hết lên trên trang sách; ai đọc cũng thấy. Tôi bảo đảm chỉ cần học sinh đã đọc truyện này, nếu hỏi: nhân vật Huấn Cao có phẩm chất gì cao đẹp, thì học sinh gần như sẽ trả lời được hết; giáo viên chẳng cần phân tích thêm gì.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ” và thầy giải thích: “Ngông là một sự chống trả với mọi thứ nền nếp, phép tắc, mọi thứ "đạo lý" thông thường của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời. Đó là đặc điểm của tất cả những nhân vật ưa thích nhất của Nguyễn Tuân trong các tác phẩm của ông trước Cách mạng tháng Tám”. Nói ngắn gọn, Nguyễn ngông ở chỗ cứ làm ngược lại. Những gì thiên hạ cho là to thì ông cho là chuyện nhỏ; những gì người đời thấy nhỏ bé, bình thường thì ông lại nhìn ra và ngợi ca như vật cao sang, đáng trọng, từ hạt cốm đến bát phở. Huấn Cao là một người nổi tiếng thiên hạ “đứng đầu bọn phản nghịch”, lại nổi tiếng có tài viết chữ “nhanh và rất đẹp”. Liệu một người nổi tiếng như thế có phải là đối tượng gây được cảm hứng "ưa thích" cho Nguyễn? Ca ngợi Huấn Cao có khác gì “khen phò mã tốt áo”. So với Huấn Cao, Quản ngục là người thường, chẳng tiếng tăm gì, vô danh tiểu tốt. Một người quanh năm sống với ngục tù, nơi bùn lầy nước đọng “khó mà giữ được thiên lương cho lành”, nơi dễ “nhem nhuộc mất đi cái đời lương thiện”…Ấy thế mà Quản ngục vẫn như bông sen tỏa hương thơm ngát giữa chốn ngục tù; “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Người ấy mới thực sự là đối tượng gây nguồn cảm hứng ngông cho Nguyễn.
Đúng là Huấn Cao có tài. Nhưng Quản ngục có lòng liên tài, yêu quý và trọng người có tài. Tài viết chữ (thư họa, thư pháp) như Huấn Cao là do thiên phú, không cần cố gắng vẫn có. Nhưng để có thái độ và lòng liên tài như Quản ngục thì phải có tâm, phải phấn đấu, tu dưỡng mới có được. Có người lại bảo Huấn Cao có dũng khí. Cũng đúng. Nhưng Quản ngục còn có dũng khí hơn. Huấn Cao 1 thân 1 mình, đứng đầu bọn phản loạn, có chết chém cũng chẳng hề gì. Quản ngục có gia đình, người thân; lại là người chấp pháp, liên quan đến “chuyện triều đình quốc gia”… thế mà bất chấp tất cả hiểm nguy, “coi thường” pháp luật, bỏ qua tất cả để cầu thân và “biệt đãi” tử tù. Chuyện ấy nếu bị lộ thì hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào… Huấn Cao có tấm lòng nhìn ra được “tính cách dịu dàng…biết trọng người” của Quản ngục. Nhưng Quản ngục còn có tấm lòng hơn khi ông biết tiếc cái tài và biết trọng cái khí phách của một kẻ tử tù, một “thủ xướng ngạo ngược và nguy hiểm nhất”. Huấn Cao ghê gớm là thế mà khi biết ý nguyện muốn xin chữ của Quản ngục đã phải thốt lên: “Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”… Xem thế cũng đủ thấy vị Quản ngục vô danh tiểu tốt ấy mới là người gây được cảm hứng “ngông” của Nguyễn.
Theo tôi dạy đọc hiểu truyện “Chữ người tử tù” chỉ cần chú ý 2 trọng điểm: nhân vật Quản ngục và cảnh cho chữ cuối truyện. Cho học sinh trao đổi về nhân vật Quản ngục trong thế đối sánh với Huấn Cao để xem ai là người đáng ca ngợi hơn; để thấy tư tưởng và phong cách Nguyễn Tuân. Phân tích cảnh cho chữ là để thấy tài nghệ và bút pháp lãng mạn của Nguyễn ở thiên truyện này. Những nội dung khác chỉ cần hướng dẫn học sinh tự đọc, tự tìm hiểu.
*.
ĐỖ NGỌC THỐNG
Địa chỉ: Vụ Giáo dục Trung học
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số 35 Đại Cồ Việt - Hà Nội





  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 08.06.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      


0 comments:

Đăng nhận xét