VỀ BỒ ĐỀ TÂM - Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng (Thái Bình)

Leave a Comment


VỀ BỒ ĐỀ TÂM
*
(Tác giả Nguyễn Toàn Thắng)
Theo Tỳ Kheo Thích Chúc Xuân thì Bồ-đề tâm phát xuất từ chữ ‘bodhicitta’, là một thuật ngữ của Phật giáo Bắc truyền. ‘Bồ-đề’ là phiên âm của chữ ‘bodhi’ (tiếng Pali/Sanskrit), nghĩa là ‘giác’, ‘giác ngộ’, ‘tuệ giác’, tức là hiểu biết các pháp một cách rốt ráo, không có chấp thủ. Bodhi là quả vị giác ngộ tối thượng mà đức Phật đã chứng đắc dưới gốc cây Assattha mà sau đó cây này được gọi là cây Bodhi (Bồ-đề). Tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ, tâm thấy được bản mặt thật của chư pháp, tâm tin nơi nhân quả và Phật tánh nơi chúng sanh cũng như luôn dụng công tu hành hướng về quả vị Phật. Bồ-đề tâm (bodhicitta) do đó có thể được hiểu là tâm giác ngộ.
Tâm cầu Vô thượng Bồ đề gọi là Bồ đề tâm, tâm ấy là thệ nguyện, tức dục tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh. Dục tâm sở không cầu Bồ đề của Thanh văn, Độc giác và Bồ tát, mà chỉ cầu Vô thượng Bồ đề, nên gọi là Bồ đề tâm. Và như vậy, chữ ‘Phát’ trong từ ngữ phát Bồ đề tâm có nghĩa là lập: lập cái chí nguyện mong cầu Vô thượng Bồ đề, gọi là phát Bồ đề tâm. Đó là cái nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất về sự phát Bồ đề tâm của người học Phật.
Đối với chư Phật, nó là thực tại; còn đối với chúng sanh, nó cần phải được phát huy, cho nên được gọi là ‘phát tâm bồ-đề’. Người phát tâm bồ-đề cần hiểu rõ rằng bồ-đề sẵn có trong mỗi chúng sanh và sẽ hiện rõ khi màn vô minh được vén lên. Điều này muốn nói đến tánh giác trong mỗi chúng sanh. Theo Phật giáo Nguyên thủy (Pali), từ tương đương của bồ-đề tâm có lẽ là ‘pabhassara citta’, nghĩa là ‘tâm sáng chói’. Kinh Tăng Chi chép: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào” (A.i, 9). Như vậy, phát tâm bồ-đề có thể được hiểu là hướng tâm đến sự thanh tịnh sáng chói vốn có (của tâm), và cũng tức là hướng tâm đến sự giác ngộ bồ-đề (bodhi).
Theo Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy: “Nầy thiện nam tử! Bậc Bồ Tát phát lòng Vô Thượng Bồ Đề là ‘khởi lòng đại bi cứu độ tất cả chúng sanh. Khởi lòng cúng dường chư Phật, cứu cánh thừa sự. Khởi lòng khắp cầu chánh pháp, tất cả không sẻn tiếc. Khởi lòng thú hướng rộng lớn, cầu nhứt thiết trí. Khởi lòng đại bi vô lượng, khắp nhiếp tất cả chúng sanh. Khởi lòng không bỏ rơi các loài hữu tình, mặc áo giáp kiên thệ để cầu Bát Nhã Ba La Mật. Khởi lòng không siểm dối, vì cầu được trí như thật. Khởi lòng thực hành y như lời nói, để tu đạo Bồ Tát. Khởi lòng không dối với chư Phật, vì gìn giữ thệ nguyện lớn của tất cả Như Lai. Khởi lòng nguyện cầu nhứt thiết trí, cùng tận kiếp vị lai giáo hóa chúng sanh không dừng nghỉ. Bồ Tát dùng những công đức Bồ Đề Tâm nhiều như số bụi nhỏ của cõi Phật như thế, nên được sanh vào nhà Như Lai. Nầy thiện nam tử! Như người học bắn, trước phải tập thế đứng, sau mới học đến cách bắn. Cũng thế, Bồ Tát muốn học đạo nhứt thiết trí của Như Lai, trước phải an trụ nơi Bồ Đề Tâm, rồi sau mới tu hành tất cả Phật pháp. Thiện nam tử! Ví như vương tử tuy hãy còn thơ ấu, song tất cả đại thần đều phải kính lễ. Cũng thế, Bồ Tát tuy mới phát Bồ Đề tâm tu Bồ Tát hạnh, song tất cả bậc kỳ cựu hàng nhị thừa đều phải kính trọng nể vì. Thiện nam tử! Như thái tử tuy đối với quần thần chưa được tự tại, song đã đủ tướng trạng của vua, các bầy tôi không thể sánh bằng, bởi nhờ chỗ xuất sanh tôn quý”.
Phát bồ-đề tâm như thế nào? Trước hết chúng ta cần xác định rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến con người và tâm người, mà không có một sự phân biệt nào liên quan đến giai cấp, sắc tộc, tôn giáo, v.v. Và hành động hay nghiệp (karma) được xem là chủ trương của Phật giáo với mục đích là làm thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý (việc làm, lời nói, ý nghĩ). Đây là con đường đưa đến sự đoạn tận tham, sân, si, thành tựu quả vị bồ-đề. Nói cách khác, quả vị bồ-đề có thể chứng đắc nếu hành trì đúng pháp (tức là làm thanh tịnh ba nghiệp, đoạn tận tham, sân, si), mà không tùy thuộc vào một quan điểm hay danh xưng nào. Trung Bộ Kinh, số 126, nói rằng “dù có nguyện vọng hay không, việc hành trì Phạm hạnh một cách chánh đáng thời đạt được quả vị.”
Chướng ngại của bồ-đề chính là vô minh và các cấu uế từ bên ngoài vào, được hiển thị qua thân, khẩu, ý. Càng ít vô minh (tức trí tuệ càng nhiều) chừng nào thì người ta càng dễ dàng buông bỏ những cấu uế ngoại lai chừng ấy, và ngược lại.
Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong Niệm Phật Thập Yếu, không phải chỉ nói suông “Tôi phát Bồ Đề Tâm” là đã phát tâm, hay mỗi ngày tuyên đọc Tứ Hoằng Thệ Nguyện, gọi là đã phát Bồ Đề Tâm. Muốn phát Bồ Đề Tâm hành giả cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thật, và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình. Có những người xuất gia, tại gia mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quỳ đọc bài hồi hướng: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não…” Nhưng rồi trong hành động thì trái lại, nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ, bữa kia nói xấu hay chê bai chỉ trích người, đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi gây gổ buồn ghét nhau. Như thế tam chướng làm sao tiêu trừ được? Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức, chứ ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng hực, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của Đức Phật đã chỉ dạy.
Phát Bồ Đề Tâm là để chỉ một một tâm nguyện vô cùng thiêng liêng cao quý, là niệm khởi đầu tiên trên con đường tu hành của người Phật tử để chuyển hóa tâm thức từ trạng thái mê vọng trôi lăn trong vòng sinh diệt triền miên trở thành giác ngộ Trí Tuệ Bát Nhã.
Tâm Bồ Đề là Tâm Giác Ngộ, là Phật Tánh. Phát Bồ Đề Tâm là “Khởi lên tâm nguyện tu hành thành Phật để cứu độ chúng sinh”. Nếu chúng ta tưởng rằng Phát Bồ Đề Tâm là làm những việc thiện tạo phước trong vòng tương đối như “lấy giúp con dao”, “khiêng hộ cái bàn”, là vô tình chúng ta đã làm mất đi ý nghĩa của một tâm nguyện cao thượng về công đức tu hành, mục tiêu cốt tủy của đạo Phật.
Phát Bồ Đề Tâm là công đức do tu hành, có công năng giải thoát kiếp người ra khỏi dòng nghiệp lực triền miên sinh tử luân hồi.
Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Nầy thiện nam tử! Bậc Bồ Tát phát Bồ Đề Tâm là khởi Tâm Đại Bi cứu độ tất cả chúng sanh”.
Phát Bồ Đề Tâm như trên đã nói, có thể tóm tắt trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện:
“Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành”.
Đại sư Thật Hiền, một vị cao tăng đã thiết tha kêu gọi mọi người Phát Bồ Đề Tâm như sau:
- …Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát Tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, Tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà kinh Hoa Nghiêm đã nói, quên mất Tâm Bồ Đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nên muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát Bồ Đề nguyện, không thể chậm trễ”.
Đạo Phật có rất nhiều kinh điển, cùng sách vở giới thiệu tất cả các pháp môn tu tập tự cổ chí kim, trình bày các kinh nghiệm tu hành, thích ứng cho đủ mọi căn cơ, trình độ. Với mục đích duy nhất là khai mở và chỉ bày cho tất cả nhân sinh thấy rõ cái "bản tâm thanh tịnh" của chính mình. Phần còn lại của chúng ta là tự mình ngộ và nhập được bản tâm thanh tịnh đó. Nếu không ngộ được điều này, tức là không sống được với bản tâm thanh tịnh, dù có tu tập nhiều công phu cũng khó thu lượm kết quả khả quan. Người giữ được tâm bình thường, ngộ và nhập được bản tâm thanh tịnh, là người thấy đạo, vào được đạo. Thiền sư Phổ Nguyện, Nam Tuyền, có dạy, "Bình thường tâm thị đạo." Cầu nguyện với tâm hồn bồn chồn, lo lắng, lăng xăn lộn xộn, khổ đau tuyệt vọng chỉ đem lại sự bình an tâm trí tạm thời. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng, địa ngục hay đau khổ, hạnh phúc tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng thực sự, tất cả chỉ là các trạng thái ở trong tâm của chúng ta mà thôi.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật có dạy, "Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền. Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc." Nghĩa là khi nào các tâm sanh diệt, tức là tâm tham sân si, nổi lên rồi lắng xuống, sanh khởi rồi diệt đi, không còn nữa, gọi là sanh diệt, thì tâm trí bình yên lặng lẽ, không xáo trộn, gọi là tịch diệt hiện tiền, hay tịch diệt vi lạc, tức là cảnh giới an lạc, niết bàn tự tại, hiện ngay trước mặt. Tâm trạng bất an vì những niệm sanh diệt, gọi là tâm chúng sanh. Tâm sanh diệt diệt rồi, không còn lăng xăng lộn xộn nữa, trở nên tâm trống không và tịch tịnh, hoàn toàn thanh tịnh, gọi là bản tâm thanh tịnh, hay tâm bình thường, đó chính là Phật tâm.
Vậy làm sao để phát Bồ đề tâm? Có hai phương pháp chính:
Thứ nhất là quán sáu nhân và một quả. Tu quán sáu nhân: nhận biết tất cả chúng sanh đều đã có lần làm mẹ chúng ta - tình thương của người mẹ - tư tưởng báo hiếu - khởi tâm thương yêu - từ bi và nguyện gánh trách nhiệm cho thế gian; đưa đến một quả là Bồ đề tâm.
Phương pháp thứ hai là quán chiếu trao đổi trực tiếp, thay vì ái luyến bản thân thì quan tâm đến tha nhân.
Muốn tu tập một trong hai pháp Phát Tâm Bồ đề này, đầu tiên phải phát khởi thấy tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Quán từ từ, mới đầu xem một số chúng sanh nào đó, quán họ như người thân, rồi sau quán đến những người ghét, những kẻ thù, sau nữa đến hết những người lạ đều như thế. Cho đến lúc đạt đến sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh. Bằng không dù có muốn thiền quán để phát tâm Bồ đề cũng chẳng ảnh hưởng chi! Cũng tương tự như thế, không thể đạt tâm Bồ đề viên mãn khi tâm thức còn phân biệt người này bạn, kẻ kia thù hay người nọ xa lạ.
Vì thế chúng ta nên phát tâm sâu rộng làm lợi ích chúng sanh, mở rộng lòng thương đến hết thảy muôn loài. Đừng để tâm mình dần trở nên chai sạn, hãy để tâm ấy thăng hoa thành đại từ bi, mong mỏi chúng sanh thoát vòng đau khổ. Mỗi khi đối diện với người đang khổ, trong tâm cần có tình thương như tâm người mẹ nhìn đứa con thơ duy nhất, đang trong lửa dữ hay đang bị cuốn xuống sông sâu, lúc đó người mẹ chỉ có một niệm duy nhất là làm sao cứu đứa con yêu ra khỏi nguy hiểm mà thôi; và hãy để tâm mình trào dâng lòng bi cảm với người như thế. Gặp ai đang khổ, nên nguyện: “nguyện cho con giúp người hết khổ”. Với ai đang vui, phát nguyện: “nguyện cho con giúp người mãi được vui”.
Tâm nguyện đó phải bình đẳng đối với hết thảy mọi loài chúng sanh, đừng như một số người chỉ biết thương bạn bè hay người thân thuộc, và dửng dưng với người lạ hoặc kẻ thù của mình. Đó không phải từ bi mà chính là sự ràng buộc. Lòng từ bi chân thật phải hoàn toàn không phân biệt, xem tất cả đều bình đẳng như nhau.
Bồ Đề Tâm là nền tảng của tất cả mọi công việc chúng ta làm, giống như rễ một cây thuốc có cành, lá và hoa, tất cả đều tạo ra những chất dinh dưỡng. Phẩm chất và sự thanh tịnh trong hành trì của chúng ta tùy thuộc vào Bồ Đề Tâm Nguyện thẩm thấu trong mỗi phương pháp tu tập. Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy, cuối cùng, phát hiện bản thể của tuệ giác ấy là chân như. Có Tâm Bồ Đề thì mọi việc đều hoàn tất mỹ mãn. Đó là cách xác lập chí hướng tâm nguyện thù thắng. Không có tâm nguyện này thì mọi sự đều không đi tới đâu. “Tâm Bồ đề kiên cố, chí tu học vững bền” an trú trong trái tim Bồ đề và đến với thế gian cũng bằng trái tim Bồ đề. Xin chắp tay cầu nguyện cho tâm Bồ đề của quí vị luôn kiên cố.
*.
NGUYỄN TOÀN THẮNG giới thiệu
Địa chỉ: thôn Tống Vũ, xã Vũ Chính,
thành phố Thái Bình
Email: nguyentoanthang77@gmail.com
.





..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.06.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét