ĐÔI ĐIỀU VỀ LỤC BÁT HẢI PHÒNG VÀ VẤN ĐỀ LÀM MỚI LỤC BÁT - Tác giả: Nguyễn Lâm Cẩn (Hà Nội)

Leave a Comment


ĐÔI ĐIỀU VỀ LỤC BÁT HẢI PHÒNG
VÀ VẤN ĐỀ LÀM MỚI LỤC BÁT
*
(Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn)
Hải Phòng cũng là một địa danh thơ lục bát được đông đảo bạn thơ cả nước tôn vinh.
Tôi không đủ tư liệu để đánh giá thành tựu Lục bát của Hải Phòng. Tôi chỉ dám nêu vài nhận định khái quát sơ lược, để từ đó bàn đến vấn đề làm mới lục bát mà thôi.

1.Vài nét về lục bát Hải Phòng
Hải Phòng có những tên tuổi làm nên một địa danh lục bát như Hà Thúc Chỉ, Vân Long, Phạm Ngà, Đồng Đức Bốn, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Lâm Cẩn và gần đây xuất hiện Phạm Xuân Trường (con)… và còn nhiều nhà thơ viết lục bát nữa.
Hầu như các nhà thơ Hải Phòng không ai không viết lục bát. Nó là món ăn dân tộc khai vị từ lúc ta lọt lòng và cứ thế thấm vào hồn cốt thi ca.
Lục bát Hải Phòng chia làm hai nhánh. Nhánh theo truyền thống dân gian mà điển hình là Đồng Đức Bốn. Nhánh theo truyền thống bác học là Hà Thúc Chỉ, Phạm Ngà, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Lâm Cẩn, Phạm Xuân Trường (con). Trường (con) cũng đậm chất dân gian nhưng tính bác học trội nổi hơn.
Đồng Đức Bốn nhà nhà thơ tài hoa trong lục bát, đặc biệt ông có những cặp lục bát hay đến sững sờ, khó ai theo kịp:
Đừng rơi giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không vẫn chìm.
Đọc lên ta cứ thấy phảng phất mùi vị ca dao, lời hát dân ca Bắc bộ. Nó bình dị mà sâu lắng, mộc mạc mà thiết tha. Những câu lục bát ấy đạt đến độ giản dị tối đa trong nghệ thuật. Theo tôi, nghệ thuật thi ca đòi hỏi sự giản dị (Không phải đơn giản). Giản dị trong nghệ thuật thi ca là sự tinh luyện, chắt lọc quặng thành vàng nguyên chất. Đấy là một thử thách không hề dễ đối với nhà thơ. Câu thơ giản dị với câu văn xuôi có khoảng cách rất mong manh. Chỉ cần nghiêng nhẹ là sẩy chân sang văn xuôi.
Đồng Đức Bốn tài hoa trong câu và những bài lục bát ngắn. Những bài ông viết dài tứ thơ có phần lỏng lẻo, không chặt chẽ.
Lục bát theo dòng dân gian dễ thuộc, dễ truyền miệng và có công chúng rất đông đảo. Sức mạnh này làm cho văn bản lục bát được sáng tạo thêm nhiều dị bản.
Em rơi giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không vẫn chìm
Hoặc
Nước mắt em rơi xuống sông
Cho dù sông cạn, đò không vẫn chìm
Một văn bản thơ trên giấy, nhưng sẽ có nhiều văn bản trong đời sống xã hội được lưu truyền. Có thể người ta sẽ không biết đến Đồng Đức Bốn là ai, nhưng câu lục bát ấy cứ ngân nga mãi với thời gian. Văn bản sáng tác của nhà thơ chỉ còn là bản nháp. Bản chính đã theo thời gian sống trong lòng người qua các thế hệ.
Nhánh bác học theo cụ Nguyễn Du viết tiếp giai điệu Truyện Kiều. Đọc Hà Thúc Chỉ, Phạm Ngà, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Lâm Cẩn ta thấy rất rõ nét. Dân gian có khi được các nhà thơ sử dụng chất liệu như dụng điển văn học.
Ơ này
Ơi ấy
Ấy ơi
Trăng đang xõa xuống bờ vai nõn nà
Tầm xuân nảy nụ vườn cà
Mắt còn cành biếc la đà rủ nhau
(Thu chín - Nguyễn Lâm Cẩn)
Ca dao:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biễc
Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Tác giả lấy hình ảnh nụ tầm xuân đưa vào vào thơ như một điển cố văn học.
Đọc lục bát Phạm Xuân Trường, chất hiện thực ngồn ngồn, chất đầy trong những cặp lục bát.
Bài “Làm vua” là điển hình lục bát của ông
Rủ nhau vô Huế làm vua
Vương triều cũ hóa trò đùa hôm nay
Tôn nghiêm rẻ đến thế này
Thì ta chân đất điếu cày lên ngôi
Vàng son ờ cũng thế thôi
Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa…mưa
Bài thơ như vở bi hài kịch của thời đại chuyển giao quyền lực của lịch sử.Thì ra lịch sử là vình hằng, nhưng văn hóa lich sử biến thiên theo thời đại. Chốn tôn nghiêm cửu trùng ấy ngày xưa chỉ có con trời mới được tọa thượng, bây giờ nhường chỗ cho chân đất điếu cày. Thì ta! Nhà thơ tự nhủ mình là kẻ bần hàn cũng có thể leo lên đó được. Nhà thơ hạ một câu bình : Vàng son cũng thế mà thôi! Chua chát, đắng cay biết chừng nào cho một triều đại bị sụp đổ.Nó như một lời cảnh báo lịch sử. Bài thơ không hề có chút giọng điệu dân gian thấm trong thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn.
Dòng thơ này nó đài các, triết lý, ngôn từ được mỹ hóa trên dòng chảy hiện thực xã hội hoặc tâm lý thời đại để thức tỉnh hoặc thăng hoa cảm xúc cá nhân con người trên con đường đi tìm chân lý.
Tách ra hai dòng chỉ là tương đối để dễ tìm hiểu. Thực ra, đã là lục bát thì dù có là Tryện Kiều đi nữa, vẫn không thoát khỏi chất dân gian hồn nhiên trong đó.
Lục bát Hải Phòng đa dạng, dạng nào cũng có thành tựu, làm cho mảnh đất lục bát Hải Phòng phong phú, đa chiều, đa diện. Hải Phòng là một gương mặt lục bát sáng giá trong nền thơ đương đại.

2. Việc làm mới lục bát
Lục bát là thể thơ cổ điển, định hình trong cấu trúc và quy chuẩn khắt khe về vần, nhịp, luật bằng trắc.Vì thế tính bảo thủ rất cao.
Viết thành lục bát thì dễ, viết hay thì khó, viết cho có phong cách cá nhân càng khó hơn. Thể thơ lục bát là sự thử thách tài thơ của nhà thơ. Mở tập thơ, nếu có lục bát, ta đọc ngay sẽ biết nhà thơ ở vị trí nào trong đẳng cấp lục bát.
Lục bát dễ viết nên ai cũng có thể viết được. Tính dân chủ rất cao. Người ăn mày và ông vua cũng có thể ngồi cùng chiếu lục bát và chưa biết ai hơn ai. Lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, tính phổ cập cao nên dễ truyền miệng trong dân gian. Nó trở thành những câu hát dân gian trữ tình say đắm.Trải qua hàng ngàn năm, lục bát vẫn thế, không thay đổi. Dân gian đã thấy được tính bảo thủ của lục bát nên nghĩ cách làm mới, nhưng chỉ bó hẹp trong khuôn khổ kéo dài, thêm chữ cho câu thơ để diễn tả nội dung mình cần phô diễn:
Ví dụ:
Yêu nhau bao núi cũng trèo
Bao sông cũng lội, bao đèo cũng qua
Được dãn ra:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo (7 chữ)
Ngũ lục sông cũng lội tam tứ thất bát đèo cũng qua (12 chữ)
Nghệ thuật có nhu cầu biến đổi tự thân. Nó luôn luôn vận động, phát triển theo sự thay đổi của nền văn hóa xã hội. Nghệ thuật đứng yên là tự sát.Thơ nói chung và lục bát nói riêng cũng vậy.
Các nhà thơ rất có ý thức làm mới lục bát trong khuôn khổ định hình của thể loại. Khảo sát thơ lục bát, tôi có mấy nhận xét sau:
2/1: Làm mới lục bát bằng hình thức cắt dòng 6/8.
Cá nhà thơ lục bát đương đại sử dụng khá phổ biến hình thức này. Có thể coi đây là thủ pháp nghệ thuật vừa mang tính hình thức và vừa mang tính nội dung.
Ví dụ:
“Vì sao
Có chuyện
Thất tình

Vì ai
Cũng chỉ
Yêu mình
Mà thôi”
Ta có thể bắt gặp khá nhiều kiểu cắt dòng này ở đâu đó trong các tập thơ, kể cả các nhà thơ đã thành danh.
Cắt nhỏ dòng thơ lục bát nhằm 3 mục đích:
- Thay đổi ngữ điệu để nhấn mạnh ý
- Tạo thêm trường nghĩa cho thơ
- Nhằm đa nghĩa hóa thơ.
Đoạn thơ trên tác giả nhằm vào mục đích thứ nhất: Thay đổi ngữ điệu và nhấn mạnh ý.
Đây là biện pháp mang tính hình thức thuần túy nếu như không làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và biểu cảm cho thơ.
Ta thử xếp lại dòng lục bát trên xem sao:
Vì sao có chuyện thất tình
Vì ai cũng chỉ yêu mình mà thôi
So sánh hai đoạn cắt và không cắt dòng, nôi dung thơ không có gì thay đổi.Thơ không thêm và bớt nghĩa . Chỉ có cách đọc thì khác theo ngữ điệu mà thôi..
Nếu chỉ vì hình thức thì việc ngắt dòng thơ không cần thiết, nó trở nên vô nghĩa, chỉ phá vỡ câu thơ lục bát truyền thống. Câu chữ đang quấn quýt nhau bị xé ra ta làm câu thơ bị tổn thương. Các nhà thơ đang lạm dụng chủ nghĩa hình thức một cách thái quá.
Theo tôi, nếu ngắt dòng để tăng nội dung biểu cảm, gây xúc động trong lòng độc giả thì hình thức ấy mới có tính nội dung.
Ngắt dòng để tăng thêm trường nghĩa cho thơ.
Trong bài “Về làm chi”, Nguyễn Lâm Cẩn viết:
Trí người
Người để dưới chân
Bao nhiêu trang giấy phù vân đế dày
Nếu viết:
Trí người người để dưới chân.
Câu thơ chỉ ra: Chỉ có một người và chỉ có một thông báo: Trí của mình mình để dưới chân mình. Mình tự phủ định mình.
Nhưng nếu ngắt dòng, trường nghĩa câu thơ thay đổi và mở rộng lên nhiều.
Trí người./ Người để: là hai con người.
Trí người là con người thứ nhất, ông trí thức. Ông có trí tuệ, có tư tưởng khoa học… Người để dưới chân là con người thứ 2, con người quyền lực. Quyền lực đã đạp lên trí tuệ và đè bẹp nó, coi trí tuệ là thứ phù vân ta nghiền nát dưới đế dày.
Câu thơ đa nghĩa và mở ra nhiều liên tưởng, làm cho nội dung phong phú lên. Lục bát đã được làm mới, lục bát truyền thống không có.
Có những tay lục bát tài hoa, họ ngắt dòng lục bát rất tài tình:
Một mình ngồi với một mình
Một mình nhấp chén
Một mình đầy vơi
Một người ngồi ngắm một người
Một chênh chao bóng
Một cười ngất ngư
Một thưa
Một gọi
Một ừ
Hết thời lõng vọng còn dư cái buồn
(Một mình đối bóng - Bùi Ngọc Trinh)
Như vậy, theo tôi, ta không nên lạm dụng, ngắt dòng thơ lục bát một cách tùy tiện mà chỉ khi nào tạo thêm trường nghĩa cho câu thơ hoặc giả cần tạo ra điểm nhấn thì ta mới ngắt dòng thơ.
2/2.Thay đổi nhịp truyền thống lục bát
Lâu nay ta vẫn coi nhịp là yếu tố bên ngoài, hình thức. Tùy theo từng thể thơ mà ông cha ta có cách tạo nhịp khác nhau.
Thực ta, nghiêu cứu sâu, thơ có nhịp nội và nghịp ngoại. Nhịp ngoại là nhịp thể loại , cái ta nhìn thấy được và nghe được khi ta đọc lên.
Nhịp trong là nhịp do tác giả có dụng ý, do tính nhạy cảm của nhà thơ mách bảo, nó còn là sự sáng tạo của độc giả ngoài văn bản.
Nhịp thơ tham gia vào hệ thống cấu trúc tác phẩm. Trong thơ có những khoảng trống vô hình do các bước thơ tạo ra. Đi qua các bước thơ ấy, ta mới thấy được nhịp thơ có ý nghĩa như thế nào. Ngắt nhịp không hợp lý, thơ trở nên vô nghĩa.
Khảo sát một cặp lục bát trong ca dao:
Chiều chiều / ra đứng / bờ sông (Nhịp 2/2/2)
Muốn về / bên mẹ / mà không / có đò(Nhịp 2/2/2/2)
Khảo sát một cặp trong tuyện Kiều
Trăm năm / trong cõi / người ta (Nhịp 2/2/2)
Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau (Nhịp 2/2/2/2)
Trải qua / một cuộc / bể dâu (Nhịp 2,2,2)
Những điều / trông thấy / mà đau / đớn lòng (Nhịp 2/2/2/2)
Như vậy, nhịp trong thơ lục bát cổ điển thường nhịp chẵn (2/2/2), đôi khi có cả nhịp lẻ (3/2/2)
Các nhà thơ hiện đại đã phá vỡ hình thức ngắt nhịp này, tạo thêm nhịp mới cho lục bát.Nhịp 1.
Du Tử Lê sáng tạo:
Xin em/ đôi cánh/ tay mềm ( Nhịp 2/2/2)
Một bên nắng/…dắt,/ một bên mưa/…dìu ( Nhịp 3/1/3/1)
(Trầm ca tháng giêng)
Người về/ quên trả/ cho tôi ( Nhịp 2/2/2)
Áo phơi dây,/ lạnh/, còn hơi bướm,/ nồng ( Nhịp 3/1/3/1)
(Tưởng tượng tôi)
Rõ ràng cách ngắt nhịp của Du Tử Lê làm cho câu lục bát tạo được ngữ điệu mới, gây được hiệu ứng khoảng trống trong thơ. Tôi cũng hay ngắt nhịp theo lối này
Ngắm em, ta, kẻ dại khờ
Trải bao nhiêu kiếp nằm chờ chiêm bao
Ô là!, em, thực đó sao
Một trời thanh khiết ta nào dám mơ
(Em tắm - Nguyễn Lâm Cẩn)
Đây cũng là biện pháp làm mới thơ lục bát.
2/3: Đưa siêu thực vào lục bát
Các nhà thơ đang tìm cách xâm nhập vào thơ siêu thực để hiện đại nền thơ Việt Nam.
Thực ra thơ siêu thực in đậm nét trong thơ Hàn Mặc Tử. Có điều dòng thơ này không phát triển được. Hiện nay các nhà thơ đang tìm đường mở khóa để lọt được vào ngôi lầu thơ hậu hiện đại. Có người bảo đọc thơ họ không hiểu họ nói gì. Xin thưa đọc thơ siêu thực như xem tranh trừu tượng. Đừng cảm nhận theo cách hiểu thông thường là nó nói lên cái gì, cắt nghĩa ra sao mà hãy xem mình có rung động gì trước cái đẹp của màu sắc hay ngôn ngữ, biểu tượng nhà thơ diễn tả hay không.
Có người khuyên tôi, ông đi vào lục bát sẽ bị hạn chế khi viết thơ hiện đại. (Tôi chuẩn bị cho xuất bản tập thơ hiện đại). Tôi đọc lục bát các nhà thơ siêu thực xem họ thể hiện trong lục bát ra sao, nhưng quả là khó thấy. Thì ra làm mới thể lục bát bằng siêu thực hiếm hoi vô cùng.Tôi đã cố dấn thân vào như một sự thể nghiệm:
Thả trăng lên đỉnh trời tròn
Môi hôn mài miệt không mòn đêm thu
(Thu)
Trăm tay mọc tự hồn ra
Móc vào con mắt mới ra nhãn tiền
Cán cân công lý xỏ xiên
Con cò lặn lội trăm miền trắng phau
(Thân cò)
Nếu ta đưa được siêu hình vào lục bát, tôi tin lục bát còn đi xa hơn nữa trên con đường tiến hóa.
2/4. Biến đổi thể loại lục bát trong khuôn khổ lục bát
Đọc ca dao Nam Bộ, ta thấy các nhà thơ dân gian rất tài tình và uyển chuyển biến tấu thể lục bát
Cục đá cheo leo, trên trèo dưới trượt
Ngựa trèo ngựa trượt,ngựa đổ ngựa xiêu
Tiếc công lao khổ từ cổ chí kim
Biết làm sao cho đá nổi bóng chìm
Muối chua chanh mặn mới tìm đặng nhau
(Ca dao Đồng Tháp Mười)
Các nhà thơ đã tiếp thu, vận dụng rất thành công và đầy sáng tạo. Mỗi người tìm cách làm mới cho mình.Họ đã đưa thêm câu chữ vào dòng lục bát làm thay đổi cấu trúc lục bát nhưng vẫn giữ giai điệu lục bát
Tình bằng có cái lều tre
Vô duyên để dột
Gió đưa cái soạt
Gió đưa cái sột
Ai che cho mình
(Vô duyên lục bát - Nguyễn Lâm Cẩn)
Tuổi hai mươi chống gậy như già
Trẻ trai leo dốc hóa ra lưng còng
Đi rừng bạn hỡi chớ ngại đường vòng
Chớ e lối tắt tắm dòng suối sâu
Qua cầu nước dựng chớ đứng trông cầu
Run tay rơi mũ biết đâu mà tìm
(Câu hát tản mạn - Nguyễn Đức Mậu)
Có người hỏi tôi: Thế còn là lục bát không? Xin nói: Là lục bát mà cũng không phải lục bát. Nếu lục bát, thì chỉ có 6/8.Thế là không phải.Nhưng đọc lên hồn cốt lục bát 100% không thể phủ nhận được. Ta cứ coi đấy là con lại lục bát đi. Nếu các nhà thơ phát huy, chúng ta làm phong phú thêm cho lục bát rất nhiều.
2/5: Cắt hai chữ cuối câu 8 thành khổ thơ độc lập
Khổ thơ là một yếu tố không thể thiếu được trong thơ, nhất là thơ truyền thống. Các nhà thơ thường để 4 câu làm một khổ thơ. Thơ hiện đại tùy theo cấu trúc từng bài mà các nhà thơ chia cắt thơ thành khổ theo dụng ý của mình. Có nhà thơ để khổ thơ chỉ một dòng thơ. Hiện tượng cắt hai chữ cuối của câu bát để thành một khổ thơ cũng là cách làm mới lục bát.
Ví dụ:
NỖI NIỀM

Đi đi!
Đi đi!
Đi đi….!

Sao còn ngoảnh lại làm gi!
Cạn thôi!

Người đi thì đã đi rồi
Cái con mắt ấy
Thôi!
Thôi…!

Tạ từ!
Người đi thì đã đi

Ừ!
Gía như ngoái lại
Bây chừ…!

Mà Không!
Nhủ lòng nhắm mắt đừng trông

Sau lưng núi dựng mênh mông
Sập rồi!
(Nguyễn Lâm Cẩn)
2/6. Sử dụng điệp từ đứng đầu câu trong khổ thơ.
Hiện tượng này như một thứ chơi chữ trong thơ.Trong ca dao truyền thống, nó như một mô típ nghệ thuật đứng riêng trong những đơn vị nhỏ lẻ.Các nhà thơ đã sáng tạo, đưa nó vào cấu tứ như một chỉnh thể nghệ thuật thẩm mỹ hoàn chỉnh có tính hệ thống trong tác phẩm.
Ví dụ:
THẤT TÌNH LỤC BÁT

Biết mà em sẽ quên anh
Biết mà thu đến lá xanh cũng vàng
Biết mà đò lướt sang ngang
Biết mà giải yếm tày gang thắt rồi

Chẳng quên sợi chỉ cắn môi
Chẳng quên hơi ấm chỗ ngồi đêm khuya
Chẳng quên lời ngọc sẻ chia
Chẳng quên canh ngọt chung thìa húp nhau

Trông theo ngọn cỏ dàu dàu
Trông theo mù mịt một màu mây bay
Trông theo tuột chỉ cổ tay
Trông theo hút bóng chim bay về ngàn

Ta về lặng ngắt dây đàn
Ta về tắt ngọn đèn tàn đêm thâu
Ta về khâu vá nỗi đau
Ta về để trước quên sau một đời.
(Nguyễn Lâm Cẩn)
Có rất nhiều thủ pháp làm mới lục bát như việc sử dụng ngôn ngữ, cấu tứ… trong thơ lục bát. Tôi sẽ bàn vào dịp khác.
Tôi xin gợi ý mấy nét để các nhà thơ lục bát lưu tâm tìm tòi thêm, tìm cách làm mới lục bát nhằm đưa lục bát lên đỉnh cao mới trong nền thi ca đương đại.
Lục bát Hải Phòng đã có nhiều thành tựu với những tên tuổi làm cả nước nhớ đến, hy vọng Hải phòng sẽ tiếp tục phát huy và sáng tạo thêm những áng lục bát hiện đại
*
Hà Nội, ngày 06/09/2020
NGUYỄN LÂM CẨN
Địa chỉ: 226 thôn Đản Dị, xã Uy Nổ,
huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyenlamcanna@gmail.com
Điện thoại: 036.622.0261  
.




  ......................................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 12.09.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét