PHẢI ĐỐI XỬ VỚI VÕ SƯ TIẾN SỸ PHẠM ĐÌNH QUÝ THEO ĐÚNG LUẬT PHÁP - Tác giả: Nguyễn Ngọc Chu (Hà Nội)

Leave a Comment

 

(Võ sư Phạm Đình Quý (giữa), cùng hai HLV Nguyễn Tú và Lê Hiếu Nghĩa của Saigon Kid Warriors. Nguồn: VTC)

PHẢI ĐỐI XỬ VỚI VÕ SƯ TIẾN SỸ

PHẠM ĐÌNH QUÝ THEO ĐÚNG LUẬT PHÁP

*

1. TINH THẦN THƯỢNG VÕ

Dân tộc Việt Nam chiến thắng được giặc ngoại xâm là một phần rất lớn nhờ vào khả năng võ thuật và tinh thần thượng võ. Nhờ võ thuật mà quân sỹ trở nên thiện chiến, góp phần tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận. Tinh thần thượng võ nuôi dưỡng tính không khuất phục và trượng nghĩa. Trượng nghĩa là giúp kẻ yếu trước bạo ngược của kẻ mạnh. Không khuất phục trước giặc ngoại xâm mạnh đã góp phần bảo toàn dân tộc trước sự cai trị ngàn năm của giặc phương Bắc.   

(Tác giả Nguyễn Ngọc Chu)

Trên đất nước ta, trải dài khắp từ Bắc Trung Nam, ở đâu cũng nổi danh các lò võ lò vật. Chính các lò võ lò vật khắp Bắc Trung Nam này là nơi cung cấp các võ tướng và các chiến binh thiện chiến, làm rạng danh các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn. Các trường phái võ của nước ta từ đời này qua đời khác được truyền nối và mỗi ngày một hoàn thiện, phát triển mở mang ra xa ngoài bờ cõi, sang nhiều nước khác trên thế giới. Có được như vậy là nhờ công lao truyền đời của giới võ sư. Cho nên, từ ngàn xưa, các võ sư là lớp người được xã hội kính trọng, nghề dạy võ là nghề cao quý.

 

2. MỜI LÀM VIỆC SAO LẠI VÂY BẮT

VÀ ÁP TẢI VÕ SƯ TIẾN SỸ PHẠM ĐÌNH QUÝ?

Trong các lò võ của Việt Nam, Quang Ngãi là một cứ địa vang danh.

Bố của võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý là võ sư Phạm Đình Trang vì mưu sinh nên rời Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó định cư tại Bình Thuận năm 1985. Phạm Đình Quý sinh năm 1981. Năm 13 tuổi đã vô địch thi quyền giải quốc gia. Năm 23 tuổi vô địch đối kháng giải võ cổ truyền quốc gia. Phạm Đình Quý tiếp tục học thêm các môn võ khác, đạt được danh hiệu vô địch Karate - do thành phố Hồ Chí Minh và vô địch Pencak Silat thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2007 Phạm Đình Quý trở thành giảng viên võ cổ truyền tại Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010 bảo vệ luận án Thạc sỹ tại Đài Loan và năm 2015 võ sư Phạm Đình Quý nhận được bằng Tiến sĩ Võ học tại Trung Quốc. Năm 2019 võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý giảng dạy ở Đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh. Võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý có các học trò đạt giải ở các cuộc thi võ thuật quốc gia và quốc tế.

Nay nghe tin mà kinh sợ, rằng Công an Đắk Lắk đã vây bắt, áp tải võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý vào lúc 18h ngày 23/9 tại địa bàn quận 7, thành phố Hồ Chí Minh trước bàn dân thiên hạ, không cáo trạng, không đọc lệnh bắt giam, để áp tải lên Đắk Lắk "làm việc", chỉ vì võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý và đồng nghiệp đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk về việc đạo luận án tiến sĩ.

Gần 2 ngày sau, sáng ngày 25/9, báo chí đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận đã mời ông Quý "lên làm việc"!

 

3. SAO KHÔNG KIỆN RA TOÀ ÁN

MÀ LẠI SỬ DỤNG BỘ MÁY CÔNG AN?

Đơn của võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý cùng đồng nghiệp tố cáo ông Bùi Văn Cường được thực hiện công khai, gửi đến các cơ quan báo chí, và đã được các cơ quan báo chí đăng tải rộng rãi.

Nếu ông Bùi Văn Cường thấy mình bị vu cáo thì kiện võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý ra Toà án. Tại sao Công An Đắk Lắk vây bắt áp tải võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý? Sao lại “mời lên làm việc” theo cách vây bắt áp tải?

Nếu ông Bùi Văn Cường không phải là Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk thì Công An Đắk Lắk có thực hiện vây bắt võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý không?

Việc kiện tụng giữa võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý và ông Bùi Văn Cường là việc dân sự giữa 2 cá nhân, sao lại có Công An Đắk Lắk tham gia?

(https://tuoitre.vn/giang-vien-truong-dai-hoc-ton-duc...).

 

4. GIỚI VÕ SƯ Ở ĐÂU?

Việc tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo luận án tiến sỹ của võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý đúng sai thế nào sẽ có toà án phân xử theo pháp luật. Hoàn toàn không thể cậy thế mạnh để vây bắt như Công An Đắk Lắk đã làm.

Khi mà võ sư bị vây bắt trước bàn dân thiên hạ không có cáo trạng là đòn chí mạng lên danh dự võ lâm.

Nếu các võ sư không bảo vệ được chính mình thì những kẻ yếu thế còn biết trông cậy vào ai?

 

5. ĐẤT NƯỚC CÓ CÒN QUỐC PHÁP?

Không ai bênh vực cho võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý. Chỉ đòi hỏi đối xử với võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý theo đúng pháp luật. Nếu võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý có tội, thì tội đó phải được tuyên bởi một bản án của toà án thượng tôn pháp luật.

Khi mà những người được xã hội tôn trọng như võ sư, lại có học vị tiến sỹ, lại thành danh trong các cuộc đấu võ, lại giảng dạy ở trường đại học, lại có các học trò đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế về võ thuật, mà lại bị đối xử theo luật của kẻ mạnh, thì đó là lúc quốc pháp không được tôn trọng, là lúc mạng người mong manh, là lúc kẻ mạnh làm điều họ thích làm.

Hành động của võ sư tiến sỹ Phạm Hữu Quý không phải là nhằm lật đổ chế độ. Các vị Đại biểu Quốc hội, là đại diện của cơ quan lập pháp, không thể làm ngơ.

----------

Để có thêm thông tin, xin mời đọc bài của facebooker Sông Trà

ĐAU XÉ LÒNG VÕ LÂM QUẢNG NGÃI

Vùng đất Quảng Ngãi đã được tộc họ Phạm định cư trước cả Chiêm Thành. Trong huyền sử và trong gia phả tộc họ Phạm đều có nhắc đến nước Lâm Ấp - Nam Chiếu có từ thời Hùng Duệ Vương.

Họ Phạm làm vua vùng đất này trải qua 19 đời đóng tại thành Châu Sa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Nhân tài họ Phạm góp công sức cho đời nhiều vô số kể.

Dòng dõi tộc Phạm ngày nay tập trung ở vùng Mộ Đức.

Bác Phạm Văn Đồng và gần đây có chú Phạm Đình Khối, nguyên bí thư tỉnh ủy QN cũng thuộc dòng dõi họ Phạm này.

Năm 1778, Phạm Hầu, dòng dõi họ Phạm tại Mộ Đức (Mộ Hoa) đạt thủ khoa võ triều Tây Sơn, được giao Lãnh binh trấn thủ thành Quảng Ngãi. Năm 1780 ông lại tiếp tục đoạt quán quân võ cử.

Cháu 3 đời của Phạm Hầu là Phạm Định dạy võ cho 4 người con.

Đầu thế kỷ XX, tại Thu Xà thiết lập võ đài. Một võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái Hổ Quyền đã thủ đài trong 3 ngày liên tục mà không ai hạ nổi.

Phục tài, Phạm Định đã mời võ sư đó truyền dạy tiếp cho 4 người con.

Người con Phạm Trinh thừa hưởng võ học tuyệt kỹ Tây Sơn Long Quyền từ ông cha kết hợp Thiếu Lâm Bắc Phái Hổ Quyền của sư phụ lập nên võ phái Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo vào năm 1920

Ông được vua Bảo Đại phong Chánh Tổng Nghĩa Hành và làm quan đến cửu phẩm.

Võ sư Phạm Trinh đã truyền dạy cho lứa học trò đầu tiên, có 4 người xuất sắc gồm:

+ Bảo Tri Phong (Chín Sửu), vô địch Đông Dương

+ Đỗ Hy Sinh (người Thu Xà, từng hạ Bảo Tri Phong trong một trận tranh vô địch miền Trung ở trận chung kết)

+ Đỗ Đình Quý

+ Mười Thừa

Trong quá trình tầm sư học đạo, võ sư Lâm Võ và Ngô Bông đã được các học trò của Võ sư Phạm Trinh truyền thụ các tuyệt kỹ võ công.

Ông và cha mất sớm, cháu của võ sư Phạm Trinh là Phạm Đình Trang đã được hai sư thúc Lâm Võ và Ngô Bông truyền thụ tiếp những tinh hoa để kế nghiệp chưởng môn đời thứ 3.

Theo bước mưu sinh, võ sư Phạm Đình Trang vào Bà Rịa rồi năm 1985 về Bình Thuận an cư lập nghiệp.

Võ sư Phạm Đình Trang có 1 người con là Phạm Đình Quý sinh năm 1981. Năm 13 tuổi đã vô địch thi quyền giải quốc gia. Năm 23 tuổi vô địch đối kháng giải võ cổ truyền quốc gia. Anh tiếp tục nghiên cứu các môn võ khác và lấy vô địch Karate thành phố Hồ Chí Minh, vô địch Pencak Silat thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 26 tuổi anh được mời về giảng dạy võ cổ truyền tại Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh. Anh vừa dạy, vừa học, nghiên cứu hệ thống hoá các bài giảng võ cổ truyền và lấy Thạc sĩ.

Năm 2015 anh lấy Tiến sĩ võ học tại Trung Quốc.

Học trò của anh đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế.

Biết được tài năng của anh, người đồng hương Mộ Đức là thầy Lê Vinh Danh mời anh về Đại học Thể dục Thể thao và anh đã đưa đội tuyển sinh viên Tôn Đức Thắng lấy giải quốc gia và quốc tế.

Lại nói về nhân tài miền Ấn Trà vào Nam lập nghiệp, vang danh như Trương Định và Lê Văn Duyệt - Tổng trấn thành Gia Định, cũng vì cương trực mà lao đao.

Trong cuộc chiến tại Đại học Tôn Đức Thắng, tiến sĩ võ sư Phạm Đình Quý đã tố cáo anh Cường tổng Liên đoàn và cũng là bí thư Đăk Lăk đạo văn luận án tiến sĩ và anh vừa bị bắt vì tội vu cáo anh Cường?!

Một học trò từng theo học võ sư Ngô Bông trong 10 năm và từng thượng đài từ năm 14 tuổi với võ danh Ngô Ngân, giờ đây viết facebook với bút danh Sông Trà sẽ không thể thờ ơ.

Ngày xưa, võ sư Ngô Bông, không phụ lòng ân sư, bỏ công truyền thụ võ công để Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo khỏi thất truyền thì ngày nay Ngô Ngân cũng nguyện góp chút sức nhỏ nhoi.

Võ lâm Quảng Ngãi chấn động!!!

Các võ đường Nguyễn Hồng, Lâm Võ, Ngô Bông, Lâm Xí, Bùi Tá Tưởng, Huỳnh Long Hổ, Ngọc Cư, Tấn Hoành.... ít nhiều đều thừa hưởng võ công xuất xứ từ võ sư Phạm Trinh.

Luận án tiến sĩ của anh Cường sẽ được sớm công khai để nhân tài Quảng Ngãi xem xét có đạo văn hay không.

Dòng họ Phạm và những người con xứ Quảng phải chung tay mời những luật sư giỏi nhất.

Nếu Tiến sĩ, Võ sư Phạm Đình Quý có tội thì xử đúng tội. Nếu vô tội thì phải được minh oan!!!

Hậu duệ của tướng Phạm Hầu, người sẽ kế thừa chưởng môn THIẾU LÂM LONG HỔ MÔN VÕ ĐẠO, niềm tự hào võ thuật đất Quảng Ngãi, không thể bị mai một.

(https://www.facebook.com/profile.php?id=100027333155255)

*

NGUYỄN NGỌC CHU

Địa chỉViện Toán Học-A5/18 Hoàng Quốc Việt

quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

.

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 27.09.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét