ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: LƯU TỬ NGHIỆP - Chuyển ngữ: Trần Đình Hiến (Hà Nội)

Leave a Comment

 

LƯU TỬ NGHIỆP

Ông vua bị phế truất triều Lưu Tống:

đứa con bất hiếu, gian dâm thác loạn

*

Năm 464 sau công nguyên, Hạ Lịch là năm Giáp Thìn.

Triều đình nhỏ bé Lưu Tống (Nam triều) xảy ra hai chuyện lớn:

Một là, lịch Đại Minh, lịch mới do nhà toán học, thiên văn học Tổ Xung biên soạn, sau bao lần trắc trở, nay được Tống Hiếu Vũ Đế Lưu Tuấn phê chuẩn, cho phép lưu hành.   

(Dịch giả Trần Đình Hiến)

Hai là, Hiễn Vũ Đế Lưu Tuấn, người đích thân phê chuẩn phát minh trên của Tổ Xung, tạ thế.

Sau khi Lưu Tuấn mất, con trai là Lưu Tử Nghiệp thừa kế ngôi vua.

Lưu Tử Nghiệp, tiểu tự Pháp Sư là con cả của Lưu Tuấn, sinh năm 449, chết năm 465, chỉ sống có 17 tuổi, là một người đoản mệnh. Thời gian Lưu Tử Nghiệp ở ngôi vua lại càng ngắn: chưa đầy hai năm.

Trong hơn 500 ngày làm vua, Lưu Tử Nghiệp kế thừa “truyền thống vẻ vang” của người tiền nhiệm, “rượu chè be bét”, thậm chí còn tồi tệ hơn.

 

1. CHỖ NGƯỜI ỐM NHIỀU MA, SỢ LẮM! ĐẾN ĐẤY SAO ĐƯỢC? - MẸ ỐM MÀ CON  NÓI NHƯ THẾ. LẤY DAO MỔ BỤNG VÌ ĐÃ SINH RA ĐỒ OAN NGHIỆT - THÁI HẬU RÊN RỈ LÚC LÂM CHUNG.

Trong xã hội phong kiến mấy nghìn năm, quyền thừa kế của con cả gần như pháp qui không thành văn phải tuân thủ trong chuyển giao quyền lực. Tất nhiên qui tắc trên cũng có những ngoại lệ. Thí dụ, nó rất ít tác dụng đối với triều đình Lưu Tống. Cha của Lưu Tử Nghiệp và Lưu Tuấn không phải là con trưởng Tông Văn Đế Lưu Nghĩa Long. Trong hoàn cảnh không bình thường đó, kẻ nào có sức mạnh, kẻ đó có thể làm vua. Tuy nhiên, với Lưu Tử Nghiệp thì sau khi Lưu Tuấn chết, chuyện kế vị của Nghiệp cũng không hẳn như trên đã nói. Có thể như thế này, sở dĩ ông ta được ngoảnh mặt về nam xưng Cô với thiên hạ là do ông ta có một bà mẹ cực tốt và rất yêu ông ta.

Mẹ Lưu Tử Nghiệp họ Vương, tên thời con gái là Hiến Nguyên, là một phụ nữ hiền thục. Ông tổ ba đời của Tể tướng Vương Đạo, nổi tiếng triều Đông Tấn. Năm Nguyên Gia thứ 20, Vương Hiến Nguyên được sắc phong Vương phi, lần lượt sinh Lưu Tử Nghiệp, Lưu Sở Ngọc (nữ sau phong là Sơn Âm công chúa), tất cả sáu người cả trai lẫn gái. Lúc này Lưu Tuấn chưa lên ngôi vua, tình cẩm vẫn có thể nói là hoà thuận. ít lâu sau (tháng 2 năm 453) Lưu Tuấn mượn cớ thảo phạt Thái tử Lưu Chiểu rồi nhân đó cướp ngôi chí tôn: liền nhanh chóng tìm thú vui mới, yêu cô em họ tên là Lưu Thục Nghi, lại thêm khi ấy Vương Hiến Nguyên đã ngoài ba mươi tuổi, tuổi tăng thì nhan sắc giảm, do vậy lúc đầu Lưu Tuấn không có ý định lập Lưu Tử Nghiệp làm Thái tử. Chỉ vì Vương thị là con người đoan trang, nghiêm cẩn, rất hiểu đạo làm vợ, Lưu Tuấn không tìm ra một lỗi nhỏ ở bà nên không có cớ để phế bỏ Lưu Tử Nghiệp.

Từ ý nghĩa trên mà xét ngọn nguồn, có thể nói Vương phu nhân đối với Vương Tử Nghiệp vừa có cái ơn dưỡng dục, vừa có cái đức khiến Nghiệp trở thành vua.

Vậy thái độ của Lưu Tử Nghiệp đối với bà mẹ thân sinh này như thế nào?

Năm 464, Vương Hiến Nguyên lúc này đã được tôn vinh là Thái hậu, đột nhiên bị bệnh nặng. Các cung nữ và đại thần trong triều đánh tiếng với Lưu Tử Nghiệp (lúc này đã lên ngôi vua) đến điện Hàm Chương để sớm hôm chăm sóc Thái hậu. Biểu chương tới tấp dâng lên, thậm chí có cả những lời lẽ thống thiết như “Bệ hạ không có Thái hậu thì không có ngày nay, Thái hậu mà không có Bệ hạ thì không thể hưởng trọn tuổi trời”. Lưu Tử Nghiệp xem rồi, nghe rồi, nhưng không mảy mai xúc động.

Một thái giám thân tín hỏi nhà vua vì sao không đến thăm Thái hậu đang bị ốm. Không cần suy nghĩ lâu la gì, Lưu Tử Nghiệp tuôn ra một danh ngôn lưu truyền thiên cổ, ông ta nói:

- Ở chỗ người ốm nhiều ma, sợ lắm! Đến đấy sao được?

Nói vậy có nghĩa là đến thăm lúc mẹ ông ta không ốm thì được, nay đã ốm rồi thì không được. Theo nhận xét của Lưu Tử Nghiệp thì lần này Vương Thái hậu ốm rất nặng, gần như đã cận kề Quỉ môn quan, chắc chắn suốt ngày có ác quỷ vây quanh. Bản thân Thái hậu không phải là quỷ nhưng đã là “quỉ dự bị” rồi, làm sao để một người tôn quý như vua đến gần quỷ? Nếu phân tích sâu hơn, ta thấy lời của Tử Nghiệp còn có một ẩn ý; “Sao mãi không chết? Chết nhanh cho gọn việc!”, tuy rằng sử sách không ghi chép câu này.

Một cung nữ hay mách lẻo nói lại câu của Hoàng thượng với Vương thị. Nghe xong Vương Hiến Nguyên lông mày dựng ngược, mắt trợn trừng, toàn thân run bắn. Bà ta không ngờ hòn máu do bà ta rút ruột đẻ ra và tốn bao công sức nuôi dưỡng, lại thốt ra những lời  táng tận lương tâm, đại nghịch bất hiếu đến như vậy.

Bà run rẩy hai tay quát liên hồi:

- Đem dao lại đây, đem dao lại đây!

Các cung nữ đứng hầu bên cạnh không rõ nguyên do, cho rằng Thái hậu định giết nhà vua, ai nấy thất sắc, đồng loạt qùi xuống van xin:

- Xin Thái hậu bớt giận! Xin Thái hậu bớt giận! Thái hậu cầm dao để làm gì ạ?

Đang giận điên người, Thái hậu bỗng bình tĩnh lại, nói rành rọt từng tiếng một bằng một giọng lạnh người:

- Ta muốn mổ bụng ta để xem vì sao lại đẻ ra thằng con “quý tử” như vậy?

Ngay hôm ấy, phần vì bệnh nặng, phần vì giận dữ, Thái hậu mất tại điện Hàm Chương, mới 39 tuổi.

Sau khi Thái hậu mất không lâu, theo ghi chép của “Nhị tập ngũ sử, Tống thư”, Lưu Tử Nghiệp mơ thấy Thái hậu vì giận nhà vua mà chết. Thái hậu thay đổi thái độ thường ngày, với giọng thống thiết bảo nhà vua:

- Nhà ngươi bất nhân, bất hiếu, vốn không có tướng làm vua. Ma mà được ta lập lên, nhưng nhà ngươi ngu muội như vậy, e rằng miếng thịt cũng không phải để nhà ngươi hưởng! Cha ngươi gian hiểm còn ngươi gian dâm. Nếu không nghĩ lại, tất hoạ lớn sẽ giáng xuống đầu nhà ngươi.

Lưu Tử Nghiệp nghe lời trách mắng mà không chút rung động. Quả thật nhà vua còn đang muốn làm nhiều chuyện, do vậy những lời giáo huấn của Thái hậu trong giấc mơ nhà vua hoàn toàn không nhớ nữa.

 

2. CHỊ EM THÔNG DÂM, EM VÌ CHỊ MÀ TUYỂN DIỆN THỦ. NGƯỜI GIAO HỢP VỚI THÚ VẬT, AI KHÔNG CHỊU THÌ CHÉM ĐẦU.

Các sử gia  khi bàn luận về hành động của tiền phế Lưu Tử Nghiệp, đều cho rằng, so với những hành vi khác của Lưu Tử Nghiệp, thì tội bất hiếu chỉ là một lỗi nhỏ. Sự thông dâm thác loạn trong tính giao, mới là tội lớn của ông ta.

Thường thì không có bạn độ trong tính giao vốn là bệnh chung của các đế vương. Nếu không có sự “vượt khung” thì không có gì đáng bàn.

Nhưng cuộc sốn tình dục của Lưu Tử Nghiệp thì “vượt khung” một cách quá quắt.

Sử chép rằng: “Tử Nghiệp ít tuổi mà cường bạo, khi lên ngôi thì sự ngang ngược lại càng quá quắt, thông dâm với cả chị ruột là Sơn Âm công chúa”.

Sơn Âm công chúa, tên thời con gái là Sở Ngọc, chị em ruột với Lưu Tử Nghiệp, đều do Vương Hoàng hậu sinh ra.

Nghe nói sau một lần chị em thông dâm, Sơn Âm công chúa buồn bã không vui. Công chúa không thoả mãn vì không đạt được cực khoái. Lưu Tử Nghiệp – người rất thích “thi thố tài năng” trên mình phụ nữ (tất nhiên là những thanh nữ trẻ đẹp), thấy tình hình như vậy liền hỏi duyên cớ làm sao.

Sơn Âm công chúa làm mình làm mẩy, cằn nhằn:

- Thiếp và Bệ hạ tuy nam nữ có khác biệt, nhưng đều là thác thể của Tiên đế. Bệ hạ có hàng vạn người trong sáu cung, mà thiếp chỉ có mỗi một Phò mã, vậy là không công bằng.

Nghe nói vậy, Lưu Tử Nghiệp trầm ngâm hồi lâu, rồi phá lên cười, nói:

- Chị nói nghe có lý, có điều đây là chuyện lớn, chưa có tiền lệ. Chị xem như thế nào?

- Mặc kệ, Bệ hạ sướng, thiếp cũng muốn sướng.

- Được rồi, được rồi- Lưu Tử Nghiệp không đủ kiên nhẫn để nghe những lời phàn nàn của công chúa, xua tay – Ta tuyển 30 nam kỹ để chị dùng, được chưa.

Nam kỹ? Cái tên sao khó nghe thế? – Sơn Âm công chúa vừa muốn gái chơi lại vừa muốn  có chiêu bài đức hạnh, dẩu đôi môi anh đào ra.

- Nam kỹ mà khó nghe thì đổi thành Diện Thủ vậy – Về mặt này thì Lưu Tử Nghiệp lại có vẻ thông minh, nói – Diện, tức là mặt mũi phải đẹp: Thủ, tức là tóc phải mượt. Hai cái đẹp ấy rất đáng sài, vậy chị bằng lòng chưa?

Từ chỗ công chúa Sơn Âm ra về, Lưu Tử Nghiệp trong lòng không vui. Thế là lập tức cho triệu các Vương phi, công chúa, mệnh phụ vào cung. Đồng thời cho triệu số ác thiếu (không phải hoạn quan) hàng ngày vẫn đùa giỡn với nhà vua, lệnh cho những tên không biết sợ là gì, cởi hết quần áo, sau đó lột hết quần áo phụ nữ để hành lạc tập thể trong điện.

Người phi của Nam Bình vương Lưu Nhạc (Giang Phi) không chịu, cho rằng hành lạc tập thể thì chẳng khác loài cầm thú. Thấy vậy, Lưu Tử Nghiệp cả giận, lập tức sai người đi bắt ba con trai của Giang Phi đem vào cung, dùng ba đứa trẻ này để cưỡng bức mẹ chúng. Giang Phi không vì vậy mà chịu nhún, Lưu Tử Nghiệp vung kiếm, tự tay chém chết ba con trai của Giang Phi, lại sai người lột truồng Giang Phi ra, đánh Giang Phi 100 roi da, rồi nhà vua đích thân cưỡng dâm.

Hành động trơ trẽn như thú vật đó, khiến cho những Vương phi, công chúa mệnh phụ thường ngày vẫn tự cho mình là cao quí và trong trắng, sợ vỡ mật “vội cởi hết quần áo, không còn mảnh vải che trên người, hành lạc tập thể cho nhà vua xem để tránh hậu hoạ”.

Sau một trận quần giao, trên từ vương công phò mã, dưới đến quan tam tứ phẩm, vợ của họ không ai thoát khỏi bị cưỡng dâm mà bầm gan tim ruột, còn Lưu Tử Nghiệp thì cứ thản nhiên như không.

Sử ghi: “Nhà vua dạo chơi ở Trúc Lâm đường trong Hoa Lâm Viên, bắt các phi, cung nữ và tả hữu cởi chuồng theo sau, hoặc bắt một số nữ hành lạc với một nam, hoặc một số nam hành lạc với một nữ. Lại bắt cung nhân cởi truồng giao cấu với dê đực, khỉ hoặc chó, lại trói ngựa đặt nằm ngửa trên mặt đất, bắt cung nhân lão thể mà giao hợp với ngựa. Một cung nữ không chịu, liền bị chặt đầu.

Hành vi của Lưu Tử Nghiệp khiến cho nhà tâm thần học sau này là tính thác loạn trong tính thác giao.

Không chừng mực trong tình dục vốn đã bị người đời chê cười, thông dâm với chị ruột thì là loạn luân, còn như bắt cung nữ và các phi giao hợp với ngựa dê chó khỉ, thì thật không bằng giống cầm thú. Phải biết rằng, cầm thú còn biết giao hợp với đồng loại.

Sau khi chém đầu người cung nữ không chịu giao hợp với ngựa, Lưu Tử Nghiệp lại mơ thấy người cung nữ đó chỉ mặt nhà vua nói rằng:

- Hôn quân, nhà ngươi chống lại đạo trời, khó có thể còn đến sang năm.

Tỉnh dậy, Lưu Tử Nghiệp trong lòng không vui, sai người triệu quân sư đến, yêu cầu “cách giải mộng”. Tên quân sư chó má đó đã đề xuất một cách giải quyết chết người:

- Chọn một trong số cung nhân lấy một người giống người trong mộng thì giải được điềm gở.

Lưu Tử Nghiệp tin là thật, quả nhiên tìm được một cung nhân giống người trong mộng đem ra chém. Nhà vua cho rằng thế là giải được mối lo.

Kỳ thực, Mối nguy hiểm đối với Vương Tử Nghiệp không vì thế mà được giải thoát, cái hoạ mất mạng đã ở trước mặt.

 

3. ĐỂ GIAN DÂM, GIỮ CÔ RUỘT TRONG CUNG, ĐỔI THÀNH HỌ TẠ. SỢ NGƯỜI THÂN, LỆNH CHO CHÚ BÁC ĐỔI VƯƠNG HIỆU THÀNH LỢN, LỪA.

Cha của Lưu Tử Nghiệp là Lưu Tuấn khi làm vua, từng lưu một cô em họ ở trong cung làm vợ lẽ (phi). Sau đó, để che mắt thế gian, đổi tên cũ là Lưu Thục Nghi thành Ân Thục Nghi, để lại trò cười cho hậu thế.

Lưu Tử Nghiệp sau khi kế vị, bắt chước cha, cũng đưa một người thân vào cung, thay họ đổi tên lấy làm vợ lẽ (tiểu thiếp).

Chỗ khác nhau giữa Nghiệp với cha là, người thân mà Lưu Tử Nghiệp đem vào cung lại là em gái ruột của cha, tức cô ruột, công chúa Tân Sái Trường.

Cô công chúa này lớn tuổi hơn Lưu Tử Nghiệp, có nhan sắc, đã lấy chồng. Chồng là Tướng quân Ninh Sóc của triều đình Lưu Tống, họ Hà tên Mại, Lưu Tử Nghiệp sau khi đưa công chúa vào cung, bèn đổi thành họ Tạ, bắt trong cung gọi là Tạ Quí Tân. Đồng thời giết một cung nữ, khâm niệm kỹ lưỡng, giả làm công chúa đưa về nhà Hà Mại. Cái kiểu gói lửa bằng giấy, thây trong tuyết đó bị Hà Mại phát hiện ra ngay. Con người hiên ngang khẳng khái như Hà Mại làm sao chịu được nỗi nhục này? Ông ta định liều mạng, đem quân phế truất Lưu Tử Nghiệp, lập em trai Nghiệp là Tấn An Vương Lưu Tử Huân lên làm vua. Vì không giữ được bí mật, Hà Mại chết dưới dao của Lưu Tử Nghiệp.

Sau khi giết Hà Mại, Lưu Tử Nghiệp càng đắc chí, cho rằng giang sơng đã vững như tường đồng vách đá, đủ đảm bảo cho nhà vua tha hồ làm bậy. Ngờ đâu Lưu Tử Nghiệp nhưng đang ngồi trên đống củi khô, ngọn lửa do nhà vua nhen lên, dần trở thành đám cháy dữ dội, khiến nhà vua chết không có chỗ chôn.

Vốn là, đạo cương thường của triều đình Lưu Tống đã bị đảo lộn “ai có nắm đấm to thì người ấy làm vua”. Vì vậy, Lưu Tử Nghiệp coi các ông chú có thế lực như cái hoạ tiềm tàng. Với những ông chú này, Lưu Tử Nghiệp vừa sợ lại vừa dè chừng.

Sử chép rằng: “Vừa sợ vừa dè chừng các chú, quản thúc các chú ở trong cung mà hành hạ, không còn luân thường đạo lý gì nữa”.

Không hiểu do tâm lý thích chơi ác hoặc vì lý do nào khác. Một hôm, Lưu Tử Nghiệp đích thân ra lệnh triệu tập các chú, gồm Tương Đông Vương Lưu Dị, Sơn Dương vương Lưu Hưu Hựu, Đông Hải vương Lưu Vĩ, trước mặt văn võ bá quan, lần lượt đổi vương hiệu của các vị này, trong đó có Lưu Dị bị đổi thành Trương  vương (lợn), Lưu Hưu Hựu bị đổi thành Tặc vương (kẻ cướp), Lưu Vĩ bị đổi thành Lư  vương (lừa).

Đổi tên xong, Lưu Tử Nghiệp sai người đổ thức ăn vào máng gỗ, lột bỏ quần áo Lưu Dị là ông chú mà Lưu Tử Nghiệp ghét nhất, quẳng ông ta xuống hố bùn, rồi lôi lên, ăn thức ăn trong máng như lợn.

Vì sao Lưu Tử Nghiệp hận Lưu Dị đến như vậy? Sử chép rằng, vì trong dân gian lưu truyền câu đồn đại “đất Tương trung có khí thiên tử” ,à Lưu Dị thì được phong làTương Đông vương. Do vậy, Lưu Tử Nghiệp quyết ý đưa ông chú này vào đất chết mới thoả lòng.

Lưu Dị là cong người có cá tính mạnh mẽ, thà chết chứ không chịu ăn thức ăn trong máng. Thấy vậy, Lưu Tử Nghiệp nổi giận, sai người trói chặt chân tay Lưu Dị khiêng đến nhà Thái miếu giao cho quan chủ tể, nói:

- Hôm nay, giết con lợn này.

Tính mạng của Lưu Dị xem ra khó giữ, may mà Kiến An Vương Lưu Hưu nhân đứng bên cạnh vờ mỉm cười phụ hoạ, đề nghị để sau khi sinh Hoàng Thái tử (tiểu thiếp của Lưu Tử Nghiệp sắp đẻ) hãy làm thịt lấy gan nhắm rượu. Lưu Dị do đó mà thoát chết.

Sau tai hoạ đó, Lưu Dị căm giận Lưu Tử Nghiệp đến tận xương tuỷ. Ông bí mật mua được hai thị tùng của Lưu Tử Nghiệp là Thọ  Tịch Chi và Khương Sản Chi, lại giao kết với bọn Nguyễn Điền Phu, Vương Đạo Long, Lý Đạo Nhi, bí mật bàn bạc kế hoạch giết hôn quân Lưu Tử Nghiệp.

Ít lâu sau, do Lưu Tử Nghiệp liên tiếp giết nhiều người, trong cung đồn rằng có ma quỉ thường xuất hiện. Vốn là người bạt mạng, Lưu Tử Nghiệp không thèm để ý, nhưng “ma quỉ” (có thể là do Thọ Tịch Chi, Khương Sản Chi bày trò) lại thường xuyên xuất hiện trong cung nên ai cũng sợ hãi.

Ông thầy bói thường được Lưu Tử Nghiệp rất tin, bày cho nhà vua một kế, nói:

- Ma quỷ sợ quý nhân. Nếu Bệ hạ đến chỗ quỷ thường xuất hiện, dùng cung tên mà bắn, thì quỉ sẽ bỏ chạy.

Ngày Mậu Ngọ tháng mười một (năm 464) Lưu Tử Nghiệp dẫn mấy trăm người gồm các phi tần, cung nữ trong hậu cung đến Trúc Lâm Đường trong Hoa Lâm Viên, nơi thường có ma xuất hiện.

Sau ki khoát tay quát lui bọn thị vệ. Lưu Tử Nghiệp cầm cung đích thân bắn quỉ. Bắn xong, nhà vua hốt hoảng khi thấy thấp thoáng có một cung nữ mặc áo đỏ đang vẫy nhà vua. Đang nghi hoặc thì bỗng có tiếng huyên náo, rồi Thọ Tịch Chi, Khương Sản Chi cầm kiếm xông vào, mặt đầy sát khí. Thấy tình hình không ổn. Lưu Tử Nghiệp xoay người lắp tên vào cung rồi bắn. Trong lúc bối rối, nhà vua bắn trệch. Thọ Tịch Chi đâm một nhát vào lưng vua, bọn Khương Sản Chi xông lên chém túi bụi, giết chết Lưu Tử Nghiệp.

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét