ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: TẤN HUỆ ĐẾ TƯ MÃ TRUNG - Chuyển ngữ: Trần Đình Hiến (Hà Nội)

Leave a Comment

 

TẤN HUỆ ĐẾ TƯ MÃ TRUNG:

ông vua bù nhìn, ngu đến lạ lùng

*

Nghe nói ở châu Âu thời trung thế kỷ, tầng lớp quý tộc các vương quốc chỉ lấy vài người trong họ để bảo đảm huyết thống được thuần nhất và cao quý. Hậu quả của nó là bổ sung cho đội ngũ quý tộc vốn không đông đảo một số người đần độn hoặc ngớ ngẩn. Trung Quốc vì đã được nho giáo quản lý băng nhân luân lễ nghĩa, truyện thông hôn trong giới quý tộc và hoàng tộc tương đối ít, vì vậy số đần độn trong giới quý tộc và hoàng tộc cũng không nhiều. Kiểm điểm lại qua sử sách hiện còn lưu giữ, trong suốt mấy nghìn năm số người đần độn thực sự trong hoàng tộc cũng chỉ có dăm ba người, trong đó phải kể đến Tư Mã Trung, con trai Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm. Khi còn là Thái tử cũng như sau khi đã làm vua, Tư Mã Trung nổi tiếng về đần độn, cuộc đời ông vua này khiến ai cũng cảm thấy lạ lùng.

 

1. CON NGU CÓ CÁI PHÚC CỦA NGU,

LÊN NĂM TUỔI ĐÃ BIẾT QUYỀN BIẾN.

 “Ngôi vị này thật đáng tiếc!” Ông suy nghĩ thật rồi sao?

Ông nội của Tư Mã Trung là con người uy danh lừng lẫy Tư Mã Chiêu, cụ nội là Tư Mã Ý, hai người này nổi tiếng những con người “mưu trí” trong lịch sử Trung Quốc. Cha của Tư Mã Trung là Tư Mã Viêm “lắm mưu nhiều kế, làm nổi việc lớn”. Vì vậy, về mặt di truyền mà xét, ai cũng cho là bịa khi nghe nói Tư Mã Trung chậm khôn, nhưng thực tế là như vậy.  

(Tác giả Trần Đình Hiến)

Rất nhiều sử sách đã ghi chép câu chuyện như sau:

Một hôm, Tư Mã Trung khi ấy còn là Thái tử chơi rông, theo sau là một đoàn thị tùng. Rong chơi hồi lâu, cuối cùng đến Hoa Lâm Viên của Hoàng gia. Hoa Lâm Viên tuy tiếng tăm không nổi như Đồng Tước Đài của Tào Tháo, về quy mô cũng không rộng lớn như Thượng Lâm Uyển của Hán Vũ Đế, nhưng vì là công viên riêng của Hoàng gia, Tư Mã Viêm đã đầu tư vào đấy không ít tiền của, nên trông rất trang nhã. Nghe nói cái đẹp của Hoa Lâm Viên là dựa vào sơn thuỷ tự nhiên. Trong vườn, oanh yến dập dìu, hồng hoa xanh liễu, thỉnh thoảng lại thấy một bóng hồng thướt tha trong hồ quang bóng liễu. Chỉ có điều, đây là công viên của Hoàng gia, dân thường không có duyên may được hưởng. Kể cũng lạ, Tư Mã Trung không thích chỗ nào khác trong khu vườn, mà chỉ có tình cảm đặc biệt với hồ nước. Khi đó đang vào mùa hè, nóng đến nỗi ếch kêu ộp oạp trời hầm hập, nông phu vật vã ngủ không yên, bọn thị tùng tưởng Thái tử định xuống tắm đã toan ngăn cản, không ngờ Thái tử buột miệng hỏi một câu, khiến ai nấy đứng đực ra như phỗng. Câu hỏi là; “Quan hay dân đấy?”

Tâu Điện hạ, Người hỏi gì ạ?” Tả hữu không hiểu đầu cua tai nheo ra sao.

Chính là tiếng ếch đó!- Tư Mã Trung trả lời nghiêm chỉnh, hoàn toàn không có ý đùa cợt.

Tả Hữu cố nhịn cười, đáp: “Tâu Điện hạ, ếch cũng có ếch quan ếch dân. Sinh ra ở trong cung là ếch quan, sinh ở trong dân thì hẳn là ếch dân”.

- À thì ra chúng kêu theo lệnh nhà quan, hay thật! Tư Mã Trung hoa chân múa tay như phát hiện ra điều gì mới mẻ.

Đông người hay lắm chuyện, câu chuyện trên đây không công khai, nhưng cả triều đều biết.

Một số quan đại thần vốn không ưa địa vị Thái tử của Tư Mã Trung và rất muốn gạt Tư Mã Trung khỏi ngôi kế vị, liền dâng thư đề nghị Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nên vì đại nghĩa mà truyền ngôi cho cháu, chọn một người trong số hậu duệ của Tư Mã Sư lập làm Thái tử, làm người kế nghiệp của Tư Mã Chiêu và Tư Mã Sư.

Trong tình hình chính trị không ổn định, truyền ngôi cho người hiền chứ không phải người thân, vốn là biện pháp thông minh được công nhận. Vương triều họ Lý đời Thành Hán tình hình cũng tương tự như họ Tư Mã, không truyền ngôi cho con mà cho cháu.

Với vương triều Tấn, người nào đề xuất truyện trên đây phải coi là bậc trung thần. Những ý kiến của trung thần phải là vua hiền mới được tiếp thu. Mã Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm dựa vào oai thừa của tổ phụ cướp lấy chính quyền từ Tào Nguỵ, chinh phục Đông Ngô còn thối nát hơn mình, ngoài những việc kể trên, bất cứ phương diện nào đều không phải là một ông vua hiền.

Sử chép về Tư Mã Viêm: “Sau khi bình định Ngô, lười nhác chính sự, chỉ vui chơi yến ẩm. Bái  binh ở các châu quận, nên việc vũ bị bỏ trống. Không tuyển người theo con đường trung chính nên mất nhân tài”. Để thoả mãn sắc dục, “lại tuyển 5000 gái đẹp của Tôn Hạo vào cung, nhét hàng vạn người nguy hiểm trong cung đình”. Gái đẹp nhiều đến nỗi Tư Mã Viêm hoa cả mắt, suy nghĩ ra một cách: ngồi xe dê (do ba con dê kéo xe) dê dừng ở nhà người đẹp nào, nhà vua xuống xe ở đó rồi cùng người đẹp đó uống rượu và hành lạc. Để được nhà vua sủng hạnh, có cung nữ lấy lá tre rải trước nhà, tưới nước muối xuống đất (vì dê thích ăn lá tre và liếm nước muối), để dụ vua vào nhà.

Do vậy, Tư mã Viêm không chấp thuận ý kiến của quần thần, không giao quyền bính cho cháu, cũng không tính đến chuyện thay Thái tử.

Tất nhiên công bằng mà nói, Tư Mã Viêm không muốn thay Thái tử còn vì một lý do khác.

Vốn là vào một năm trước khi quần thần dâng thư, Tư Mã Viêm có ban cho Tư Mã Trung một cung nữ mà Tư Mã Viêm đã dùng, tên là Tạ Cưu. ít lâu sau, Tạ Cưu mãn nguyệt khai hoa, sinh một con trai, đặt tên là Tư Mã Duật. Đồn rằng khi Tư Mã Duật lên năm tuổi, trong cung xẩy ra hoả hoạn mà không rõ nguyên nhân. Lúc này Tư Mã Viêm vẫn đang trị vì ngôi báu, vội lên lầu cao quan sát, chỉ thấy lửa bốc cao ngùn ngụt, thế giới chìm trong lửa. Lưng trời cột lửa bốc cao, mặt đát tàn lửa bay khắp. Lửa mượn gió ra oai, gió mượn lửa gào thét, bầu trời một màu đỏ rực. Bỗng nhà vua thấy có ai kéo gấu áo, nhìn xuống té ra là Tư Mã Duật.

-  Sao cháu không đi lánh cùng Thái phó mà đến đây kéo áo ta?- Tư Mã Viêm trong lòng không vui, tưởng cháu đến làm nũng.

 Tâu vua ông !- Giạng Tư Mã Duật tuy còn ngọng nhưng trịnh trọng, nói- Lửa cháy to quá mà chưa ai biết vì sao? Giờ đây trong cung nhốn nháo, giả sử có kẻ xấu làm bậy, chúng ở chỗ tối, Bệ hạ thì ở chỗ sáng thì nguy hiểm lắm !

Tư Mã Viêm nghe vậy thì hết lời khen ngợi, từ đó trở đi, vị trí của Tư Mã Duật không còn bình thường trong suy tính của Tư Mã Viêm. Do vậy, khi quần thần dâng thư xin thay Thái tử, Tư Mã Viêm dứt khoát từ chối. Nhà vua nghĩ rằng, dù Thái tử không được thông minh, nhưng Duật đĩnh ngộ hơn người, kham nổi việc nước, giữ được giang sơn của họ Tư Mã.

Một hôm, Thượng thư Lệnh Vệ Quyền hầu yến ở Lăng Vân Đài. Không khí giữa vua tôi tương đối thuận để đề xuất chuyện thay Thái tử. Do vậy, Vệ Quyền mượn rượu giả say tiến lên quỳ trước Tư Mã Viêm  nói: “Thần có điều muốn khải tấu Bệ hạ!”.

Tư Mã Viêm ngạc nhiên hỏi:

- Khanh định nói gì?

- Là chuyện ... chuyện ... Vệ Quyền định nói lại thôi, ấp a ấp úng, cố tìm  các diễn đạt làm sao cho nhà vua chấp thuận. Ông còn đang cân nhắc thì Tư Mã Viêm đã đoán ra điều mà Vệ Quyền định nói: “Hẳn là chuyện Thái tử. Cái lão Vệ Quyền này chẳng ra sao cả. Người khác đề nghị thay Thái tử thì có thể hiểu, còn nhà ngươi mà cũng vào hùa với họ sao? Chẳng lẽ ngươi cũng không hiểu nỗi khổ tâm của Trẫm khi thấy Thái tử ngu đần mà không nỡ phế bỏ hay sao?” Nghĩ đến đây, nhà vua rất bực, định nói một câu, nhưng Vệ Quyền đã mở miệng trước:

- Tiếc thay chiếc ngai này! – Vệ quyền vỗ vỗ vào Long sàng mà than với giọng ỡm ờ.

- Khanh say quá rồi!- Tư Mã Viêm cũng nói một câu đầy ngụ ý, nửa đùa nửa cảnh cáo ngầm Vệ Quyền là đừng có rách việc.

Quần thần tỏ vẻ không vui, lần lượt rút lui, nhưng vị trí của Tư Mã Trung thì được bảo đảm. Âu cũng là người ngu hưởng phúc người ngu!

 

2. CAI TRỊ MƯỜI MẤY NĂM, NHƯNG CHÍNH LỆNH

ĐỀU DO NGƯỜI KHÁC BAN BỐ, KHẮP NƠI ĐÓI RÉT,

LẠI HỎI MỘT CÂU KỲ QUẶC: SAO KHÔNG ĂN CHÁO THỊT?

Nhìn trong xã hội phong kiến, Tể tướng là chức quan cao nhất, chỉ dưới một người mà trên cả vạn người. Còn Hoàng đế thì trên cả triệu người, là đấng tối thượng, chúa tể cả nhân gian. Vậy có ông vua nào mà một chút quyền hành cũng không có? Có đấy. Tục ngữ có câu: “Cây rừng lớn lên thì sẽ có nhiều chim”, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung chính là  loại “chim” đó. Có người dùng câu: “Ngoài thì bị quần thần chế ngự, trong thì bị vợ con sai bảo” để hình dung tình cảnh của Tư Mã Trung khi làm vua. Sự thực quả đúng như thế.

Trong 17 năm ở ngôi, trước sau có 8 vị Vương họ Tư Mã nổi loạn. Họ hoặc là cờ biển đoàng hoàng, đòi hạ vua: hoặc công khai đem quân đến đánh; hoặc ép vua ra lệnh phế truất con vua là Tư Mã Thuật, xuống chiếu giết hại Dương Tuấn, cha đẻ của Hoàng Thái Hậu; hoặc kề gươm vào cổ vua, bắt phải nhất nhất nghe những điều trái khoáy. Thời gian này, người vợ đầu của nhà vua là Giả Nam  Phong bị người ta giết chết bằng rượu pha chất độc, người vợ thứ hai Dương Mẫu Dung thì bốn lần bị phế truất. Những câu chuyện bê bối như thế không đểm xuể. Tháng 7 năm 307, Đông Hải Vương Tư Mã Việt và em trai là Tư Mã  Dĩnh vì giành quyền lợi mà sử dụng đến vũ lực, Tư Mã Trung bị đưa ra làm chiêu bài và bị Tư Mã Việt cưỡng ép đến Nghiệp Quân đánh Tư Mã Dĩnh. Hành quân đến Đảng Âm, Hà Nam (nay là huyện Thanh Âm, Hà Nam), quân của Tư Mã Việt bỗng dưng tan vỡ, Tư Mã Trung bị bỏ lại bên đường, bị bọn lính bên đối phương nhằm mặt vua mà bắn để mua vui.

Một tên lính mặt đầy hột cơm căm giận nói:

- Tất cả là tại lão này, khiến dân Tấn chúng ta vợ con li tán, bọn lính chúng ta có nhà mà không được vè. Phế lão đi!

- Không được! Hoàng Thái Đệ đã có lệnh: Đông Hải Vương phải chết, còn nhà vua phải sống!

- Một tiểu đầu mục vội can.

- Không giết lão thì cũng phải cho lão biết thế nào là đau đớn – Tên mặt đầy hột cơm vừa nói vừa bẻ đầu nhọn, lấy vài bọc đầu mũi tên lại, rồi nói:

- Hãy trông đây!

Nói thì chậm, làm thì nhanh, chỉ nghe “vút” “vút” liền mấy tiếng, mặt và mông Tư Mã Trung trúng liền mấy phát tên bọc vải, khiến nhà vua đau quá, rống lên như lợn bị trọc tiết. Lúc này, văn võ bá quan và bọn thị vệ đã bỏ chạy từ lâu, may được viên quan tư vấn cao cấp kêu gọi Kê Thiệu liều chết bảo vệ, phủ phục trên mình vua mới ngăn được những mũi tên bọc vải bắn tới. Bọn tay chân cuả Tư Mã Dĩnh lôi Kê Thiệu xuống chặt đầu. Lần này, Tư Mã Trung bị một phen sợ đến nỗi mặt mày xây xẩm, ngã từ trên mình ngựa xuống đám cỏ rậm, sáu viên ngọc nhà vua dùng làm ấn tin vẫn đeo trên người, đều rơi đâu mất.

Hai nữa, các vương công đại thần nước Tấn không phải ngay từ đầu đã đối xử với Tư Mã Trung như vậy. Sở dĩ nhà vua không được họ coi trọng, phần lớn do bản thân Tư Mã Trung đần độn mà ra. Ngạn ngữ có câu: “Mình tự làm nhục mình trước thì thiên hạ mới làm nhục mình”.

Khi Tư Mã Trung mới lên ngôi không lâu, trời đại hạn, khắp nơi đói kém. Dân chúng ba nước Nguỵ, Thục, Ngô vừa ra khỏi cảnh tàn phá của chiến tranh, lại rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Dân đói liên tiếp dâng biểu lên triều đình. Lúc đầu, Hoàng hậu Giả Nam Phong còn ỉm đi, không cho nhà vua biết. Sau vì cơ quan chuyên trách bất cẩn, một tờ biểu “lọt” vào tay nhà vua. Tờ biểu đó có đoạn viết: Trung Nguyên đói rét, hàng ngàn dặm đất đai khô héo, dân tình đói khổ, ăn cả rễ cỏ cây. Vậy mà những kẻ đến chậm ngay cả rễ cỏ cây cũng không có mà ăn. Thương thay! Xót thay!

Xem xong, Tư Mã Trung không hiểu, bèn hỏi tả hữu:

- Không còn rễ cỏ vỏ cây, vậy tại sao họ không ăn cháo thịt?

Tả hữu thở dài, không nói gì. Thì ra vị vua này chỉ biết có cao lương mĩ vị, món kém nhất là món cháo thịt, vậy nên mới có câu hỏi trên, để lại trò cười thiên cổ.

Nếu như không giỏi chính sự thì còn khả dĩ, đằng này, ngay cả công việc gia chính, Tư Mã Trung cũng để nát bét be như tương.

Nhà sử học Đài Loan Bá Dương từng có đoạn miêu tả rất xác thực trong sách “Tư trị thông giám” bằng bạch thoại của ông như sau:

“Một hôm, một viên quan thuộc cảnh sát cục (uý bộ) khu nam Lạc Dương biến mất mười mấy ngày liền, rồi lại đột nhiên xuất hiện. Té ra viên quan này gặp một bà già. Bà này nói rằng con gái bị bệnh, đó là bệnh ma ám. Thầy đồng mách bà đến phía nam thành, gặp thanh niên nào có hình dáng như thế thì bí mật mời về nhà, ma quỉ sẽ bỏ đi. Viên quan trẻ tất nhiên nhận lời, liền lên một chiếc kiệu nhỏ che kín mặt, và để cho pháp thuật được linh nghiệm, còn bỏ anh ta vào trong một cái dọ bằng tre. Đi hơn mười dặm thì kiệu dừng, anh ta lại bị khiêng xuống, cảm thấy qua sáu bảy lần cửa sau đó dọ tre được mở ra, anh ra nhìn thấy đình đài lầu các vàng son rực rỡ.

Tiếp đó, anh ta được tắm  rửa sạch sẽ bằng nước thơm, mặc quần áo sang trọng đắt tiền, chén một bữa sơn hào hải vị, rồi bị đưa đến một căn phòng rất mực hoa lệ. Khi trời chạng vạng tối, một phụ nữ trạc ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, người nhỏ mà lùn, da đen nhẻm, dưới lông mày có một nốt ruồi, diện mạo tầm thường, ngủ cùng anh ta hơn mười đêm. Sau đó, đưa anh ta trở về theo đường cũ.

Người phụ nữ đứng tuổi công nhiên bắt bọn trai trẻ ngủ với bà chính là Giả Nam Phong, vợ Tư Mã Trung. Ngay cả vợ, Tư Mã Trung cũng không quản lý nổi, nói gì đến quản lý đất nước. Chẳng trách các quan trong triều không coi nhà vua ra gì!

 

3. KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC VỢ CON, LẠI ĐÒI TỰ BẢO VỆ MÌNH.

ĐÔNG NÓI CŨNG GẬT, TÂY NÓI CŨNG Ừ,

LẦN ĐẦU THEO Ý RIÊNG THÌ RA LỆNH GIẾT NGƯỜI.

Trong xã hội phong kiến lấy đàn ông làm trung tâm, mỗi người đàn ông trưởng thành có vợ con đều có trách nhiệm kép là bảo vệ vợ và con cái. Đây là pháp luật không thành văn. Người nào không gánh nổi trách nhiệm kép này, thì không phải là người chồng tốt của vợ, người cha tốt của con. Từ điểm này mà xét, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung là một nhân vật điển hình về “ba không”: Với dân thì không phải vua tốt, lại không phải chồng tốt, cha tốt.

Nếu không phải kẻ đần độn, thì chẳng tự sát cho rảnh.

Trên đây đã nói, Tư Mã Trung có một con trai thông minh lanh lợi, tên là Mã Tư Duật. Lớn lên Tư Mã Duật mắc cùng căn bệnh của công tử đương thời: không chịu học, mà chỉ thích vui chơi cùng bọn tay chân và thị vệ. Đối với con cái hoàng tộc thì đây không phải khuyết điểm to tát gì. Chỉ cần người cha kịp thời răn bảo thì cũng không có gì đáng ngại. Nhưng Tư Mã Duật thì không may có một người cha là Tư Mã Trung, một mẫu hậu là Giả Nam Phong.

Do không có khả năng sinh đẻ, Giả Nam Phong căm ghét tất cả những phụ nữ trong cung có thai với Tư Mã Trung. Nghe nói mụ đã từng tự tay giết chết một cung nữ sắp đến ngày sinh nở. Với những phi tần thoát khỏi sự bức hại của Giả Nam Phong khi có thai, thì bản thân họ và con họ đẻ ra, hễ có dịp là Giả Nam Phong đưa vào đất chết.

Với Tư Mã Duật thông minh nổi tiếng thì Hoàng hậu Giả Nam Phong quyết không dung tha. Duật vì chuyện buôn bán vặt mà ăn đòn. Theo sử ghi chép. Tư Mã Duật rất thạo buôn bán, đặc biệt là bán thịt và rượu. Khi bán thịt, chỉ cần cầm lên thau và ước lượng được ngay mấy cân mấy lạng, không sai chút nào.

Nổi hứng buôn bán, Tư Mã Duât liền đem rau cỏ, gà vịt, bột mì ở Đông cung, bán cho dân lấy tiền.

Khi ấy Thái tử tẩy mã Giang Thống đã từng khuyên Tư Mã Duật 5 điều:

1) Tuy Duật trong người đôi lúc không được khoẻ, nhưng nên vào trong triều hầu hạ vua.

2) Nên thường xuyên triệu Thái phó để trau dồi đức hạnh.

3) Thời gian lưu lại hoạ thất nên càng ngắn càng tốt.

4) Bán hoa quả rau xanh trong vườn thì mất thể diện quốc gia, tiếng tăm không tốt.

5) Xây nhà cửa thì không cần hỏi ý kiến thầy bói.

Ta Mã Duật xem xong, cười khẩy không nghe.

Ít lâu sau, con trai Tư Mã Duật là Tư Mã Ban mắc bệnh khó chữa, chỉ còn đợi chết. Tư Mã Duật trong lòng đau xót, đề nghị Tư Mã Trung phong cho Ban một vương hiệu. Tư Mã Trung đồng ý, nhưng Giả Nam Phong không chịu. Tư Mã Duật không kìm nén được, buông lời oán trách Giả Nam  Phong.

 Mấy hôm sau, Giả Nam phong dụ được Tư Mã Duật vào cung, đỏ rượu cho say, rồi nhân đó lệnh cho Duật sao một bản tấu chương có tính chất phản nghịch. Giả Nam Phong đưa cho nhà vua xem và yêu cầu phế truất ngôi Thái tử của Tư mã Duật. Tuy giận đấy, nhưng hổ dữ không ăn thịt con, Tư Mã Trung nhất thời không nỡ, còn Giả Nam Phong thì nhất quyết phế truất, Tư Mã Trung thì cũng không còn cách nào khác. Thế là Tư Mã Duật bị phế làm dân thường. Ít lâu sau, Giả Nam Phong sai người giết chết Tư Mã Duật mà Tư Mã Trung không hề biết.

“Lưới trời lồng lộng, chạy đâu cho thoát”, sau khi giết chết Tư Mã Duật không lâu, Giả Nam phong lại rơi vào số phận như Tư Mã Duật. Triệu vương Tư Mã Luân bắt giam Giả Nam Phong, nói là để trả thù cho Thái tử. Tư Mã Trung là vua, là chồng mà đành giương mắt nhìn bề tôi bắt vợ mình giam vào bề tôi bắt vợ mình giam vào ngục rồi đánh thuốc độc chết. Sau này, Hoàng hậu mới là Dương Mẫu Dung thì bốn lần bị phế truất, nhà vua cũng giả điếc làm ngơ. Cái kiểu bỏ mặc người thân để cầu sự yên ổn cho bản thân, thì chỉ có thể tìm thấy trong số những người mà đặc trưng chủ yếu là mê muội.

Một nhà sử học khi bàn về Tư Mã trung có nói rằng, ông ta nhu nhược và mê muội suốt cả cuộc đời. Làm vua 17 năm, nhưng không một chính lệnh nào ban bố từ miệng ông ta.

Phán xét như vậy kể cũng hơi oan cho Tư Mã Trung. Tuy là kẻ bất tài một trăm phần trăm, nhưng không phải cả đời ông ta chưa ra một chính lệnh nào, tối thiểu ông ta cũng đã từng ra lệnh giết chết một người.

Chuyện xảy ra vào năm 301. Vị vương thứ 3 : Triệu vương Tư Mã Luân bị khép tội chết. Ngày 15 tháng 4 năm ấy, Hà Gian vương Tư Mã Dõng đem quân cần vương về kinh sư. Ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt. Sau nửa tháng, Tư Mã Dõng trình lên nhà vua một danh sách nhằm trừng phạt cái ác, biể dương cái thiện. Tư Mã Trung sai người triệu Tư Mã Dõng vào cung, hỏi:

Trong danh sách các nghịch thần, sao không thấy tên Tư Mã Uy?

- Tâu bệ hạ, tội Tư Mã Uy hình như chưa đáng chết

- Nhà ngươi nói gì thế?- Tư Mã Trung nổi giận- Hắn cùng phe với Tư Mã Luân bức Trẫm thoái vị, còn giành lấy ngọc tỉ từ tay Trẫm. Nhà ngươi bảo tội hắn có đáng chết hay không? Người khác thì tuỳ ngươi muốn xử lý thế nào thì xử lý, nhưng Tư Mã Uy dứt khoát phải chêt! – Nói xong, rũ tay áo bỏ đi.

Vì khi đó Tư Mã Trung đang là “vua” nên Tư Mã Dõng không thể không chấp hành mệnh lệnh, xử tử Nghĩa vương Tư Mã Uy.

Năm năm sau khi Tư Mã Uy chết (năm 306) ngày Canh Nọ tháng 11, Tư Mã Trung bị người ta giết chết bằng bánh tẩm thuốc độc, năm ấy nhà vua 48 tuổi.

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét