BÀI THƠ THẦN
TRONG SÁCH GIÁO KHOA
NÊN GHI TÁC
GIẢ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
*
Xin bạn đọc hãy đọc ngay
dưới đây bài của nhà nghiên cứu Đào Thái Sơn đã đăng trên báo Văn nghệ Thái
Nguyên điện tử, một tờ báo mà tôi rất trân trọng. Một bài nghiên cứu nghiêm
túc, có sức chinh phục cao, khiến tôi thấy mình không cần phải viết thêm điều
gì. Tôi xin phép tác giả và báo Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, được dẫn bài
nghiên cứu ra đây, để bạn đọc thêm một lần tiếp xúc với giá trị khoa học của
vấn đề mà tôi đã trình bày từ khoảng 30 năm nay. (Tác giả Trần Nhuận Minh)
Tôi chỉ xin nói thêm,
trong một lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh giao cho nhà thơ Vũ
Quần Phương, chủ tịch Hội đồng thơ và tôi, ủy viên Hội đồng thơ, thời gian đó,
chủ trì cuộc hội thảo về Thơ trung đại Việt Nam, tại nhà Thái Miếu - Văn Miếu
Quốc Tử giám Hà Nội. Phó Giáo sư Bùi Duy Tân, người thày dạy tôi ở trường Đại
học Tồng hợp Hà Nội, lúc đó đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô vì chứng
ung thư giai đoạn cuối, đã nhờ con chở đến đây. Và tại đây, sau khi thắp hương
ở Thái Miếu, ông đã xin lỗi toàn thể nhân dân Việt Nam, xin lỗi tất cả các thế
hệ thầy giáo và học trò Việt Nam, vì ông là người (tích cực nhất) cùng các đồng
sự của mình, đã khẳng định Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ Thần và viết điều
khẳng định chắc chắn như thế vào sách giáo khoa từ khoảng 50 năm nay, nghĩa là
nhiều thế hệ đã lớn lên trong niềm tin không có thật đó. Ông đề nghị trả lại
cho bài thơ về trước Lý Thường Kiệt khoảng 100 năm trước, ở thời Lê Hoàn. Bài
thơ KHUYẾT DANH. Theo báo Văn hóa Nghệ An, Phó Giáo sư đã viết đến 6 bài liền
về vấn đề này, cho đăng báo và sau đó, công bố trong công trình khoa học đã
được tặng Giải thưởng Nhà Nước. Thiết nghĩ điều mà tôi coi là linh thiêng đó
của Phó Giáo sư trước lúc xa cõi thế, cũng đáng để cho chúng ta trân trọng.
Tôi đứng sau lưng Thày,
rất cảm động, đã viết điều này trong một số bài báo và sách bàn về sử học và sự
trung thực cần có của sách giáo khoa.
Tôi đề nghị, tên bài thơ
này nên đề là BÀI THƠ THẦN (chú thích là theo tên gọi của dân gian) hoặc nếu đề
là NAM QUỐC SƠN HÀ, thì ghi chú ở dưới là tên bài do người sau đặt, và Tác giả
không nên ghi tên ai. Trước đây ghi tác giả là Lý Thường Kiệt, vài năm gần đây,
bỏ tên Lý Thường Kiệt, sau bài phát biểu của Tổng thồng Mĩ, nay lại đề nghị ghi
là Lý Thường Kiệt (?)
theo tôi không nên. Tôi thấy ghi như văn bản sách giáo khoa vài năm trước đây,
mà nhà nghiên cứu Đào Thiên Sơn đưa ra, in kèm trong bài này, theo tôi thế là
trung thực.
Dạy cho các thế hệ trẻ,
điều thứ nhất là sự trung thực mà không có thì theo tôi không còn gì để nói
nữa, và có như thế, bài thơ không hề giảm giá trị mà chỉ phong phú và sâu sắc
hơn, trong tâm hồn các thế hệ học sinh, sinh viên mà thôi.
Tôi trân trọng kính mong
Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và đào
tạo, các vị Giáo sư, Tiến sĩ, đặc biệt là hai vị mà tôi rất kính trọng là Giáo
sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống và Ban soạn thảo sách
giáo khoa MỚI, lưu ý xem xét đề nghị này của tôi.
*.
TRẦN NHUẬN MINH
Địa chỉ: số nhà 47, Lê Thánh
Tông, Hồng Gai,
thành phố Hạ Long,
tỉnh Quảng Ninh.
Email: trannhuanminh44@gmai.com
Điện thoại: 091.326.81.28
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 15.04.2020.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét