NHÂN CHUYỆN GIẢI THƯỞNG CUỘC THI THƠ 2021, NHỚ CUỘC THI THƠ NĂM 1969 - Tác giả: Nguyễn Tùng Linh ; Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu

Leave a Comment

 


NHÂN CHUYỆN GIẢI THƯỞNG CUỘC THI THƠ 2021,

NHỚ CUỘC THI THƠ NĂM 1969

*

Không nghi ngờ gì nữa,cuộc thi Thơ Báo Văn Nghệ 2021 là cuộc thi tồi tệ nhất trong lịch sử của Báo. Và cũng có thể khẳng định cuộc thi Thơ năm 1969 là cuộc thi Thơ thành công nhất, để lại ấn tượng nhất. Bởi lẽ các tác phẩm được giải thực sự gây ấn tượng, có giá trị nhất định. Và các tác giả được giải hầu hết trở thành những nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc, Vũ Duy Thông...

Lễ trao giải được tổ chức vào một buổi tối mùa đông tại hội trường Câu lạc bộ Đoàn kết đối diện với Nhà hát thành phố Hà Nội. Vì là cây bút có thơ tham gia dự cuộc thi, tôi được Ban tổ chức mời tới dự Lẽ trao giải thưởng. Tôi nhớ Hải Phòng có 3 người được mời, ngoài tôi còn có Đào Cảng, Trần Lưu. Vào thời điểm ấy, một cây bút địa phương chưa có tiếng tăm gì mà được báo Trung ương mời họp là một vinh dự lớn. Chúng tôi, ba cây bút Hải Phòng xếp hàng nửa ngày trời để mua vé xe khách lên thủ đô dự Lễ trao giải mà lần đầu tiên trong đời mình được dự.

Lễ trao giải tất nhiên cũng giống như mọi lễ trao giải sau này mà chúng ta chứng kiến. Cũng tuyên bố danh sách tác giả và tác phẩm được giải. Rồi các vị chức sắc của Báo, của Hội Nhà văn... lên trao Quyết định và tiền thưởng cho các tác giả được giải. Người hùng của cuộc thi, tác giả được Giải Nhất với chùm thơ rất hay là Phạm Tiến Duật lại không có mặt. Sự vắng mặt của anh lại càng làm cho cuộc thi thêm ý nghĩa khi tác giả được vinh danh cao nhất lại là một người lính đang làm nhiệm vụ ở chiến trường.

Nhưng bài viết này không nhằm viết về sự kiện ấy mà viết về một chuyện để lại suy nghĩ trong tôi dẫu hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua. Khi phần trao giải thưởng đã xong, Ban tổ chức mời nhà văn Nguyễn Tuân lên phát biểu. Với một người mới viết ở địa phương vừa rời ghế nhà trường chưa lâu, đã từng đọc Vang bóng một thời thì chỉ việc nhìn thấy tận mắt thần tượng của mình đã là một điều ngoài sức tưởng tượng. Sau lời giới thiệu, hội trương im phắc, ở gần hàng ghế đầu, một người đàn ông nhỏ thó nhưng quắc thước với hàng ria mép rất độc đáo chậm rãi đứng lên. Rồi cũng rất chậm rãi ông rút từ túi trong áo vét một chai nhỏ, dẹp, mở nắp và làm một ngụm nhỏ,s au này tôi mới biết đó là rượu, một chất xúc tác của các văn nhân nghệ sĩ. Tôi có cảm giác hệt như nhà văn Nguyên Hồng lần đầu tiên nhìn thấy nhà thơ Thế Lữ mà ông hằng ngưỡng mộ. Trong tâm hồn non nớt của tôi bấy giờ, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng là những người đặc biệt, họ là người nhà Trời, họ là thần thánh hay một cái gì na ná như vậy. Nhưng ấn tượng về nhà văn không làm tôi ấn tượng bằng những lời ông phát biểu, nó theo tôi đằng đẵng hơn một nửa thế kỷ. Và cứ đến mỗi cuộc thi (kể cả cuộc thi Thơ năm 1982 mà tôi cũng được giải thưởng) tôi lại nhớ đến và không thôi suy ngẫm.

Ông - nhà văn Nguyễn Tuân - mà tôi biết qua những truyện ngắn, tùy bút nổi tiếng thời tiền chiến, nay được chiêm ngưỡng bằng xương bằng thịt khẽ vuốt vuốt mái tóc thưa óng mượt rồi nhỏ nhẹ cất lời. Và lạ thay, ông tuyệt nhiên không nói gì đến cuộc thi thơ kia, không nói gì đến tác giả tác phẩm được giải mà ông kể một câu chuyện mà thoạt nghe ta thấy chả dính dáng gì đến buổi lễ trọng hôm đó.

Ông kể rằng đã lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa, trái đất có một trận đại hồng thủy. Nước dâng cao đưa những con thuyền lên theo, những con thuyền ấy khi nước rút bị dắt lại trên đỉnh núi. Rồi thời gian trôi qua, chúng bị rơi vào lãng quên. Những con thuyền mục nát dần và chúng vẫn đứng trên đỉnh ngọn núi. Các thế hệ sau không biết đến trận đại hồng thủy kia rất ngạc nhiên không hiểu vì sao và bằng cách nào những con thuyền tầm thường kia lại có thể leo được lên và ngạo nghễ đứng đỉnh ngọn núi hùng vĩ. Kể xong câu chuyện ấy, ông lại chậm rãi bước xuống trong sự ồn ào của đám đông đang hứng khởi và không quan tâm đến thái độ tiếp nhận của những người nghe. Có lẽ rất ít người để ý đến câu chuyện ông kể, và tôi tin họ hoàn toàn quên những lời ông hôm ấy. Nhưng với tôi, câu chuyện của ông ám ảnh tôi suốt cuộc đời cầm bút của mình. Và cứ mỗi khi có một cuộc trao giải văn chương dù ở Trung Ương hay địa phương, dù giải lớn hay giải nhỏ tôi lại nhớ về câu chuyện nghe được từ ông vào năm tháng ấy.

Từ lâu tôi đã muốn viết lại kỷ niệm với nhà văn lừng danh ấy nhưng vẫn có phần ngần ngại. Cuộc thi thơ năm nay với sự phản ứng của đông đảo những người cầm bút và bạn đọc khiến tôi thêm một lần nhớ lại, thêm một lần suy ngẫm và quyết định kể lại cho các bạn. Có thể mỗi người khi đọc xong có những tiếp nhận khác nhau, nhưng với tôi khi nghe đến các giải thưởng văn chương hôm nay tôi lại liên hệ đến những con thuyền mục nát mà trận đại hồng thủy năm nào đưa chúng lên ngọn núi cao kia

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Tùng Linh - nguồn: toithichdoc

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét