VÀI SUY NGHĨ NHÂN LUẬN VĂN TIẾN SĨ CỦA THƯỢNG TOẠ THÍCH CHÂN QUANG - Tác giả: Dương Minh Trí ; Trần Chí Cường giới thiệu

1 comment

 


VÀI SUY NGHĨ NHÂN LUẬN VĂN TIẾN SĨ

CỦA THƯỢNG TOẠ THÍCH CHÂN QUANG

*

Để tránh dài dòng, tôi xin nói thẳng nhận xét vắn tắt của tôi về luận văn này có hai điểm chủ yếu như sau:

1/ Nguỵ biện

2/ Phản động

Tôi sẽ phân tích kỹ sau đây. Nhưng trước hết ta hãy đọc câu này nơi trang 38 của Luận Văn:

Quyền con người không phải tự nhiên sinh ra là đã có mà phải cần có điều kiện (trang 38)”

Đây là một nhận định tôi cho là hết sức phản động, vì nó đi ngược lại các vận động tiến bộ mà nhân loại đã tranh đấu mấy ngàn năm mới nhận thức được các QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN.

Vì sao tác giả có thể có những tuyên bố ngược ngạo như vậy và gây không ít phản biện trên mạng mấy ngày qua ?

Theo tôi vì:

Tác giả luận án có sự mập mờ đánh lận con đen giữa Quyền và Nhu Cầu. Bởi vì Quyền ( Rights) là những khả năng của con người được thụ hưởng bẩm sinh, bắt buộc, đương nhiên, không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào. Đó là những quyền mà Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 đã tóm tắt rất xuất sắc, đó là các "Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc". Những quyền này do Tạo Hoá đã ban tặng cho con người từ lúc mới sinh ra đời. Chẳng hạn bất cứ người nào cũng có quyền sống mà không đòi hỏi người đó phải có nghĩa vụ gì đối với xã hội. Quyền Tự Do và quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc cũng vậy. Đó là những Quyền Bẩm sinh, bất khả kháng. Đó là “Lẽ Phải” mà ai cũng phải công nhận.

Còn nhu cầu (enjoyment) là những khả năng thụ hưởng không bẩm sinh, không đương nhiên và thường gắn với nghĩa vụ. Ví dụ nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, đi xe hơi, ở nhà lầu... Những nhu cầu này thì nhiều vô số kể, vì ham muốn cuả con người là vô hạn, ngạn ngữ có câu “lòng tham vô đáy” là vì thế, và các nền đạo đức, tôn giáo cũng như pháp luật thường khuyên tiết chế như " thiểu dục tri túc" (ít muốn, biết đủ), “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ", "có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần cho ta” …"tiết kiệm là quốc sách", ….

Nghĩa là để thoả mãn nhu cầu của mình, thì con người phải cân bằng với các nghĩa vụ của mình đối với xã hội và thiên nhiên.

Ví dụ mà tác giả đưa ra ngay ở trang 1 mở đầu đã thấp thoáng bóng dáng nguỵ biện, đánh tráo khái niêm, viết như sau :

Nếu con người cho rằng mình có quyền hưởng thụ (enjoyment) thì cũng đồng nghĩa với việc phải có nghĩa vụ cống hiến (dedication). Thậm chí, Nghĩa vụ phải đi trước Quyền thì xã hội mới phát triển hợp lý. Con người phải trông lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ hiện ra.”

Đây là một nguỵ biện đánh tráo khái niệm giữa Quyền và Nhu Cầu hưởng thụ. Giữa Sống và Ăn Cơm.

Nghĩa là Sống là một Quyền. Còn ăn Cơm chỉ là một nhu cầu hưởng thụ.

Cũng có nghĩa là Sống là một Quyền Cơ Bản, bẩm sinh, không phụ thuộc bất cứ điều kiện nào, bất cứ nghĩa vụ nào. Một người dù không trồng lúa vẫn có Quyền Sống. Không lẽ người đó vì không trồng lúa mà phải bị chết đói? Nhưng ăn Cơm chỉ là một nhu cầu hưởng thụ. Và nhu cầu này đi đôi với nghĩa vụ. Phải trồng lúa trước rồi mới có cơm mà ăn…

Suy rộng ra cả bài luận án đều dùng nguỵ biện đánh tráo khái niệm giữa Quyền và Nhu Cầu.

Từ đó tác giả dẫn đến một kết luận hết sức “phản động” theo đúng nghĩa đen của từ này, nghĩa là chống lại sự vận động tiến bộ của xã hội loài người !

Sự vận động tiến bộ của xã hội loài người là gì? Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, con người mới dần ý thức được những QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ buổi Sáng Thế đã được chép trong Kinh Thánh ngay từ quyền sách đầu tiên Sáng Thế Ký thông qua ẩn dụ “vườn địa đàng và trái cấm”.

Có thể nói Kinh Thánh là nền tảng của văn minh nhân loại nói chung và văn minh phương Tây nói riêng. Một người được mong công nhận là tiến sĩ Luật mà không biết về Kinh Thánh thì chưa xứng đáng với danh hiệu này.

Đoạn Kinh Thánh ấy viết như sau

Sáng Thế Ký, chương hai, câu 15-1715 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. 16 Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; 17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.”

Ẩn dụ này muốn gửi đến loài người thông điệp gì? Đó là:

1/ Con người có quyền Tự Do Ý Chí và Hành Động

2/ Nhưng con người bị ràng buộc bới một điều cấm là không được phạm luật của Thiên Chúa.

Đây chính là nền tảng của mọi nền Luật Pháp của nhân loại nói chung, cũng như phương Tây nói riêng “con người được làm mọi việc mà pháp luật không cấm”.

Vườn Eden chính là ẩn dụ về Trái Đất xinh đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho con người, cùng với những trái cây thơm ngon trong vườn, chính là ẩn dụ về những QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN mà con người được Thiên Chúa ban cho ngay từ lúc mới sinh. Còn con rắn chính là ẩn dụ về những cám dỗ về những HAM MUỐN vô cùng của con người, mà trái cấm chính là ẩn dụ về lời cảnh báo của Thiên Chúa, nếu không nghe lời Chúa mà buông thả ham muốn vô độ, dẫn đến phá hoại cân bằng sinh thái, thì sẽ dẫn đến đau khổ và cái chết!

Rồi cũng với ý đồ nguỵ biện, tác giả đã dẫn câu của tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kenedy, nói trong buổi lễ nhậm chức năm 1961 “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn, hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for country).

Ý của tổng thống Kenedy ở đây chính là nói về “nhu cầu hưởng thụ” của con người, chứ không phải nói về “Quyền” của con người. Tức là, ông muốn nói rằng đừng đòi hỏi ở đất nước nhiều hưởng thụ cho mình, mà hãy hỏi về sự đóng góp của mình cho đất nước.

Vậy tại sao tác giả lại đánh đồng giữa những Quyền Tự Do Cơ Bản thiêng liêng, bất khả xâm phạm và bẩm sinh vô điều kiện với nhưng Ham Muốn vô độ hay là Lòng Tham của con người?

Theo tôi đó chính là một định hướng của giới cầm quyền. Xưa nay giới cầm quyền nào cũng muốn con người phải phục tùng chế độ. Và muốn vậy phải đề cao nghĩa vụ và che dấu hoặc triệt tiêu các quyền của họ, để …dễ trị !

Chính vì vậy khi còn đang ở giai đoạn tranh bá, đồ vương, thì anh nào cũng hô hào, kích động nhân dân, “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”….Toàn những bánh vẽ tươi đẹp để lừa phỉnh nhân dân, nhưng đến khi đã chiếm được quyền bính, thì họ lại đổi giọng 180° khuyên nhân dân hãy an phận thủ thường, hy sinh quyền lợi để cống hiến cho chế độ, hãy “trồng nhiều lúa đi rồi sẽ có cơm ăn “!

Đó là một nguỵ biện rất gian xảo và nguy hiểm. Trong khi những Quyền Tư Do cơ bản thì chẳng những không được cải thiện mà còn bị tước đoạt nốt.

Xin nhắc lại những Quyền Tự Do Cơ Bản ở đây nếu triển khai theo Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 thì đó là những quyền:

1/ Quyền Sống (cấm giết người, cấm phá thai, cấm trợ tử, cấm tra tấn, cấm xúc phạm nhân phẩm…)

2/ Quyền Tự Do (Ngôn Luận, Biểu Tình, Tư Tưởng, Tín Ngưỡng, Ra báo, lập nhà xuất bản, lập hội, đảng…)

3/ Quyền mưu cầu hạnh phúc (Tư hữu ruộng đất, tài sản, tư do đi lại, cư trú…)

Những Quyền này là những quyền bẩm sinh, đương nhiên phải có đối với mỗi con người khi mới chào đời, bất khả xâm phạm và không đòi hỏi một nghĩa vụ tương ứng nào. Đó là những lẽ phải mà không ai có thể bác bỏ được.

Ở Việt Nam hiện nay các quyền này hầu hết bị xâm phạm hoặc tước đoạt. Phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là phong trào đấu tranh đòi các quyền Tự Do Cơ Bản này, chứ không phải là các đòi hỏi Hưởng Thụ như ăn ngon, mặc đẹp, xe hơi, nhà lầu… Do đó khi tác giả mập mờ đánh đồng giữa các Quyền Tự Do Cơ Bản và Nhu Cầu Hưởng thụ, qua đó định hướng tiết chế hưởng thụ mà chú trọng đến nghĩa vụ cống hiến, chính là hoả mù để đánh lạc hướng, hoặc nhằm hạ thấp vai trò của các Quyền Tự Do Cơ Bản, mà nếu nói một ngôn ngữ chuyên môn hơn thì đó chính là “chủ nghĩa NGU DÂN”!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Trao đổi thêm về bài thơ Đồng Dao Cho Người Lớnl

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời tham khảo THÍCH CHÂN QUANG 

- TÊN THẦY CHÙA PHẢN QUỐC:

 

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Dương Minh Trí - nguồn: hungviet

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

1 nhận xét: