CHUYỆN LÀNG TÔI - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

Leave a Comment

 


CHUYỆN LÀNG TÔI

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Cũng như những nơi khác trên đất nước Việt Nam, tháng Giêng ở quê tôi có rất nhiều lễ hội và trò vui chơi. Ví như mùng Hai Tết có Lễ xuống nghề, mùng Bốn Tết Lễ đua ghe, mùng Mười Tết Lễ cúng Lăng Ông. Rằm tháng Giêng hát bội, hát bài chòi...

Người dân quê tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, mưu sinh trên đầu sóng, nhiều hiểm nguy mà thu nhập không ổn định nên rất mê tín. Dọc theo bờ biển dài chừng chục cây số nhưng có đến ba bốn lăng thờ Cá Ông. Mỗi năm, sau khi cúng Lăng cầu xin sóng êm biển lặng, tôm cá được mùa, các chủ thuyền họp nhau góp tiền thuê đoàn hát tuồng Bình Định về hát cho vui vẻ xóm thôn. Làng biển không giống như thành phố. Các đoàn cải lương thường chê ít khán giả nên không muốn về. Các cụ ông, cụ bà lại ưa thích xem gánh hát tuồng biểu diễn nhiều hơn nên năm nào cũng thuê họ. Mỗi lần như thế thường hát từ ba đến năm đêm. Người từ các xã lân cận đổ về xem nườm nượp, làng xóm náo nhiệt hẳn lên.

Sân khấu được dựng trên một bãi cát trắng rộng, ngay tại cửa biển Mỹ Á. Quê tôi chưa có điện. Các ngọn đèn măng-xông thắp sáng rực cả một vùng trời. Trai gái trong làng rủ nhau đi xem hát là phụ mà nhân cơ hội hẹn hò, tán tỉnh nhau là chính. Có nhiều cặp đôi cưới nhau ngay sau mùa hát bội. Bọn con nít khoái không khí náo nhiệt, ồn ào chứ chẳng tha thiết gì với nội dung tích tuồng.

Tôi còn nhỏ, không hiểu họ hát tuồng gì, chỉ thường nghe những tiếng ứ ự ừ ư... phát ra mỗi cuối câu cuối đoạn nên chán ngấy. Đào kép bôi mặt xanh đỏ lòe loẹt trông gớm chết. Nhưng tôi lại mê những bộ áo quần sặc sỡ họ mặc, và những màn múa võ đánh nhau trong các vở tuồng.

Gần cuối đêm hát đầu tiên, sau khi màn ba được kéo lên có hai anh hề bước ra sân khấu đấu khẩu chọc cho khán giả cười. Một anh nói với bạn đồng diễn.

- Tao đố mày nhé! Một mắt mà mặt ba áo, nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng. Là thứ gì?

Tất nhiên anh chàng được hỏi đã biết đáp án từ trước, nhưng giả vờ im lặng, nhăn mày nhíu mặt dường như suy nghĩ dữ lắm mà không tìm ra đáp án. Dưới sân khấu, khán giả cũng lặng im phăng phắc chờ nghe câu trả lời. Đột nhiên bác cầm chầu gõ vào tang trống “cách cách”. Không biết là thúc giục anh kia nói mau hay bất mãn, phản đối. Chẳng thèm để ý đến tiếng trống, chàng hề vẫn cứ vò đầu bức tóc một lúc nữa. Lại “cách cách”. Đến lúc này, anh hề mới cười khành khạch, đáp:

- Dễ ợt thế mà cũng đố. Nó là hột mít.

- Giải thích nghe thử?

- Này nhé! Một mắt là hột mít chỉ có một chỗ nẩy mầm (phôi) trông giống như con mắt của nó. Còn ba áo là lớp cơm mít, lớp vỏ hột, và lớp vải lụa. Đúng không?

- Thế còn nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng là sao?

- Là người ta đem nướng hột mít trong bếp lửa bập bùng, nó sẽ nổ đùng đoàng, chứ gì!

- Hề hề...

Khán giả cười ồ, vỗ tay hoan hô đôm đốp, nhưng bác cầm chầu không hề đánh trống khen ngợi.

Sau đêm đó, tôi không còn thấy bác ấy cầm chầu nữa. Nghe người lớn, nói tôi mới biết, phường hát không ưa bác vì bác cầm chầu khen chê không thật sự thuyết phục, đồng thời lại quá hà tiện ném thẻ khen thưởng. Thường thì hễ ai cầm chầu đều phải tự bỏ tiền ra ban thưởng cho đào kép. Số tiền thưởng được tượng trưng bằng những chiếc thẻ tre, có kích thước ngắn dài khác nhau, giá trị chuyển đổi sang tiền mặt cũng khác nhau. Hễ đào kép hát ngọt, diễn tốt, nói những câu có ý nghĩa, hay ho thì ngoài việc đánh trống khen ngợi, người cầm chầu còn phải quăng thẻ tre lên sân khấu để tán thưởng. Gánh hát có người phụ trách đi nhặt những cái thẻ đó để cuối buổi chuyển đổi thành tiền. Hai anh hề dùng ‘hột mít’ để chọc ngoáy về ngoại hình và cách đánh trống của bác cầm chầu cũng vì bọn họ ít được thưởng. Đúng là bác ấy bị chột một mắt, không rành tuồng tích lắm nhưng vì là người tập kết về hưu rất có uy tín. Nhà bác giàu có nên mới được đề cử cầm chầu năm ấy. Hai anh hề lỡm bác trước bàn dân thiên hạ như thế cũng quá đáng. Người xưa có câu vè:

Ở đời có bốn cái ngu,

Làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu

Cầm chầu hát bội không phải là chuyện chơi mà ai cũng có thể làm tốt được. Nhưng suy cho cùng nó cũng chỉ là một thú vui nên cũng chớ luận ngu hoặc khôn làm gì.

oOo

Mới nửa buổi sáng, cả xóm bỗng nhiên náo động dị  thường. Đang giữa mùa hè lý ra giờ này mọi người ở ngoài đồng làm ruộng, hoặc ở trong bếp lo cơm nước để đến trưa đem ra biển cho chồng, con mới phải. Nhưng hôm nay có chuyện khác lạ, không giống như mọi ngày. Từng tốp người lũ lượt chạy ngang qua trước ngõ nhà tôi lên xóm trên. Hình như trên đó đang xảy ra chuyện gì. Xỏ vội đôi dép vào chân, tôi chạy theo một tốp phụ nữ. Đến gần nơi có con đường rẽ ngang, lối dẫn vào nhà ông Ba Mân, tôi thoáng thấy hai chiếc xe công an đang đậu bên vệ đường. Cạnh đó là mấy người mặc quân phục an ninh đang làm nhiệm vụ. Trông thần thái ai ai cũng rất nghiêm trọng.

Hai bên đường, từng đám phụ nữ bồng bế con nhỏ, và những đứa trẻ loai choai túm tụm bàn tán rì rầm, Tôi đến gần một nhóm phụ nữ quen biết để nghe ngóng tin tức. Có tiếng người hỏi:

- Chuyện gì đang xảy ra thế?

- Công an đang lục soát nhà ông Ba Mân.

- Vì chuyện gì chứ?

- Nghe đâu ông ta tham nhũng của công!

Có tiếng một người khác cảnh báo:

- Nói khẽ thôi! Công an tỉnh đang làm việc!

Tiếng xì xầm im bặt.

Tôi cố gắng len lỏi tiến về phía trước xem sao, nhưng bị một anh công an chận lại. Chỉ còn cách đứng xa xa ngó vào ngôi nhà ông Ba Mân. Ngoài ngõ và trong sân có vài đồng chí công an đứng canh. Trong nhà im ắng, cửa đóng kín bưng.

Nhà ông Ba Mân thuộc về gia đình khá giả nhất làng. Trong khi mọi nhà khác đều làm bằng tranh vách đất thì nhà ông tường xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, nền lát gạch hoa văn bát tràng. Cả xóm chỉ mỗi ông Ba Mân và xã đội trưởng là có cái đài bán dẫn Transistor. Trong nhà bàn ghế đều bằng thứ gỗ tốt, đánh vẹc-ni láng bóng. Đặc biệt nhà có nuôi một con chó bẹc-giê lông đen, khá to đặt tên là Thiệu. Có lần thằng Mừng con ông dẫn chó đến nhà tôi chơi. Tôi khen con chó cao lớn, oai dũng. Thằng Mừng khoái lắm, gọi Thiệu... Thiệu... và ra lệnh cho nó nằm yên; con chó răm rắp vâng lời. Tôi hỏi, sao chó của mày đặt cái tên đẹp đẽ, giống tên người vậy. Nó cười ha hả, trả lời tôi rằng, ba nó chúa ghét ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên đặt tên chó như thế chứ đẹp đẽ gì!

Ông Ba Mân làm phó phòng lương thực huyện nên của ăn của để dồi dào. Vợ kế ông là thư ký nơi ông làm việc. Bà vợ này kém ông chồng mười lăm tuổi, còn trẻ măng. Tôi nghe thằng Mừng kể, gia đình nó trước ngày giải phóng sống trên núi cao. Mẹ nó bị bệnh sốt rét không có thuốc chữa nên chết sớm. Một năm sau, cha nó tục huyền với bà mẹ kế bây giờ, nguyên là một cô gái công tác cùng đơn vị hậu cần.

Bà mẹ thằng Mừng chỉ sinh ra mỗi mình nó. Mẹ kế cũng chỉ sinh được một đứa con trai duy nhất đặt tên là Minh. Thằng bé trắng trẻo khác xa cha con ông Mân có màu da bánh mật. Tuy vậy thằng Mừng và cha nó cưng chìu thằng nhỏ hết mực. Đứa trẻ này hoạt náo, thông minh nhưng mạng yểu. Năm trước nó đã qua đời trong một tai nạn thương tâm. Nhà ông Mân ít người, hai vợ chồng đi làm việc trên huyện. Thằng Mừng đi học. Đứa bé ở nhà một mình với bà nội già của nó. Bà cụ mắt kém chân run không quản lý được thằng nhỏ sáu tuổi hoạt đầu. Nó chạy nhảy lục lọi khắp nơi. Không dè vớ được khẩu súng ngắn của ba nó để nơi hộc tủ đầu giường. Cái tủ không khóa nên nó lấy khẩu súng ra chơi, ngậm vào miệng và bóp cò... Xảy ra án mạng, công an tỉnh về điều tra. Sự việc tưởng chừng cũng trôi qua với thời gian. Chẳng ngờ nhà ông Ba Mân gặp họa vô đơn chí. Sau khi công an tỉnh kết thúc điều tra, không biết vì buồn mất con hay chuyện gì bà vợ kế của ông bỏ nhà đi biệt. Ông Ba Mân chán đời do mất vợ, mất con sinh ra rượu chè bê tha, bỏ bê công việc...

Mặt trời đã gần đứng bóng. Cái nắng mùa hè ở miền Trung loang loáng đến lóa mắt. Những tia nắng nóng như lửa từ trên cao chiếu gần như vuông góc xuống mặt đường cát, dội ngược lên rát cả mặt. Mọi người đã giải tán bớt, chỉ còn một số ít đang núp vào bóng râm của những bụi tre ven đường. Từ trong ngõ nhà ông Ba Mân, một tốp người bước ra. Đa số là công an mặc đồng phục xanh. Một người đi giữa dáng thấp lùn, bận chiếc áo cộc tay màu đen. Đầu ông ta cúi thấp, mái tóc điểm bạc che khuất khuôn mặt. Hai tay người ấy bị còng phía trước. Mỗi bên tả hữu đều có một anh công an đi kèm. Nhóm người ra khỏi ngõ bước lên mấy chiếc xe, rời xóm. Mọi người đứng nép sát vệ đường để nhường cho đoàn xe chạy qua, rồi mới giải tán.

Từ ngày đó tôi không thấy thằng Mừng đến lớp nữa. Tôi nghe phong thanh rằng ông Ba Mân làm thâm hụt hơn một tấn thóc của huyện và bị tòa kết tội mười năm tù giam.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời xem: VÀI HÌNH ẢNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA

 NHÀ SÁCH BẢO THẮNG - CÔNG TY VĂN HÓA BẢO THẮNG:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR

London, Canada

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét