TRÊN ĐÈO AN KHÊ
![]() |
(Tác giả Trần Đức Phổ) |
Chúng tôi theo trục đường chính đi hết cái xóm nhỏ, lại băng qua
một vùng đất trống nữa thì gặp ngay con đường trải nhựa. Chẳng biết có phải là
đường Quốc lộ 19 hay không, nhưng thấy nó chạy theo chiều mặt trời mọc và mặt
trời lặn nên nhằm theo hướng mặt trời đang lên mà đi. Đi một đoạn cũng chẳng
gặp chiếc xe nào để về xuôi. Trong lòng bọn tôi bỗng dưng có dự cảm không ổn.
Nếu lỡ đơn vị phát hiện có người đào ngũ cho xe đuổi theo thì nguy to. Nghĩ
thế, hai đứa vội đi băng qua đường, tiến xa một đoạn nữa về hướng nam. Cũng may
là đi thêm chừng vài kilomet thì bắt gặp một lối mòn chạy song song với con lộ.
Lúc bấy giờ mặt trời đã lên cao. Suốt nửa đêm và nửa ngày chạy trốn, bụng dạ
tôi lên cơn cồn cào dữ dội. Tôi có tật xấu chứng đói, nhịn ăn lâu là tay chân
run rẩy. Đúng lúc đó nhìn thấy một trái bắp khô bị bánh xe bò cán bẹp dí trên
nền đường đất đỏ. Tôi cúi xuống nhặt lên, phủi bụi đất, lảy vài hột ra cho vào
miệng nhai ngon lành. Đưa phần còn lại cho thằng Minh, nhưng nó không lấy. Tôi
từ từ ăn hết cả miếng bắp vỡ.
Con đường mòn hướng về phía đông, nhưng lại chạy lên khu đồi
tranh. Lúc đến chân đồi chúng tôi gặp được chị người thượng đang gánh một gánh
tranh nặng trĩu đi ngược chiều. Chúng tôi dừng lại hỏi thăm đường về xuôi.
Nhưng chị lắc đầu tỏ vẻ không biết. Không ngờ chị lại ngó thấy đôi chân tôi
rướm máu, bước đi khập khừng, liền cởi đôi dép cao su đang mang, đưa cho tôi.
Tôi không nhận, nhưng chị quyết cho nên không lấy lại mà gánh gánh tranh đi
nhanh xuống đồi. Chị ấy đội nón lá, chiếc khăn màu trắng che kín cả mặt chỉ
chừa lại đôi mắt nên tôi cũng không biết ân nhân của mình mặt mũi ra sao. Tôi
chỉ còn biết rối rít nói tiếng cảm ơn phía sau lưng chị.
Minh và tôi đi lên đồi tranh. Khắp chung quanh, rừng tranh ngút
ngàn. Một màu vàng úa của lá tranh lan xa tưởng chừng vô tận. Cỏ tranh có chỗ
cao lên tới ngực. Con đường đến đây cũng hết. Thì ra lối mòn là do người ta đi
lên đồi cắt tranh, lâu ngày tạo ra chứ không phải đường đi thông thương tới nơi
khác. Trời đang giữa trưa, hôm nay lại nắng chang chang, không một chút gió.
Nóng bức khó chịu. Cổ họng khô cháy. Bụng dạ tôi lép kẹp. Ánh mặt trời làm hoa
cả mắt. Chúng tôi mất phương hướng trong
rừng tranh mênh mông.
Sau một hồi đi lung tung cũng không cách nào thoát ra khỏi ma trận
của ngọn đồi; chúng tôi tuyệt vọng, tìm một khoảng đất trống ngồi nghỉ mệt.
Chẳng ai nói với ai điều gì. Chúng tôi
không muốn làm phiền nhau. Lúc này cả hai đang cần sự im lặng để nghĩ cách
thoát ra khỏi nơi quỷ quái này. Ngồi nghỉ một lát, người đã dễ chịu, một ý nghĩ
bỗng lóe sáng trong đầu, tôi bảo thằng Minh:
- Mày cùng tao nhìn xung quanh xem ở gần đây có cái cây cao nào
không.
Nó đứng dậy đảo mắt khắp nơi, rồi chỉ cho tôi thấy, không xa lắm
có một cái cây dường như đã chết khô, chỉa hai nhánh hình chữ V chọc thẳng lên
trời. Tôi bảo nó tiến nhanh về phía đó. Cả hai vạch cỏ tranh, đi băng băng về
chỗ cái cây. Đến nơi thì ra cây này đã rụng hết lá chứ không phải chết khô. Tôi
trèo lên cây và phóng tầm mắt ra khắp mọi nơi. Đồi tranh điệp trùng, hết quả
đồi này kế tiếp đến quả đồi khác. Cái thấp cái cao. Nhưng kìa, hình như tôi
thoáng thấy phía xa, gần một khu rừng, dường như có con đường đất đỏ. Một chiếc
xe ben chở gỗ từ trong rừng chạy ra, bụi hồng bốc lên cuồn cuộn đằng sau. Tôi
mừng quá reo to lên, kêu thằng Minh trèo lên chỉ cho nó thấy. Hai đứa rẽ tranh,
lao về hướng đó. May mà tôi đang mang đôi dép của chị người thượng cho. Nếu
không, băng qua đồi tranh ấy cũng là một điều gian nan.
Con đường đất đỏ rất rộng, dấu vết bánh xe chằng chịt. Có lẽ là
lối chuyển gỗ về xuôi của một lâm trường nào đó. Nghĩ vậy, hai đứa vui mừng
khấp khởi, cứ lặng lẽ bước đi. Trời phật phù hộ làm sao, cuối cùng lại ra tới
Quốc lộ 19. Lần này thì chúng tôi quyết bám sát con lộ, không đi quá xa nữa để
tránh lạc đường vào nơi hiểm địa.
Trời đã xế chiều, đi ngang qua một khu ruộng trồng khoai lang, hai
đứa liền đào trộm mấy cũ, đem xuống bờ mương tửa sạch và ăn ngấu nghiến. Ăn
xong lấy hai bàn tay làm gáo bụm nước mương mà uống.
Tiếp tục đi. Đến chạng vạng, chúng tôi lại gặp một thôn trang. Hai
đứa đi vào làng đó đẻ tìm cái gì ăn cho đỡ đói. Chẳng bao lâu đã trông thấy
trước sân một căn nhà có mấy cái vỉ tre thường dùng để phơi bánh tráng. Đúng là
buồn ngủ gặp chiếu manh, hai đứa xô cái cổng khép hờ bước vào. Chó sủa. Một chị
phụ nữ xuất hiện bên cánh cửa chái bếp. Thằng Minh hỏi có bán bánh tráng không.
Người đàn bà gật đầu. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua ăn tại chỗ. Chị cho chúng tôi
vào nhà. Thằng Minh kêu bốn cái bánh tráng và xin một chén nước mắm. Tuy bữa ăn
quá đơn giản nhưng hôm ấy chúng tôi cảm thấy sao mà ngon lạ lùng.
Uống xong bát nước chè, Minh hỏi đường đến đèo An Khê. Chị chủ nhà
cho biết nơi đây cách không xa trạm gác Song An là mấy. Nghe nói vậy bọn tôi mừng
muốn reo lên, nhưng cố kìm lại. Thời đó để áp dụng chính sách ‘tự cung tự cấp’
mỗi cửa ngõ giao thông của các tỉnh đều có trạm gác của công an kinh tế, chuyên
bắt những người vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp. Trạm Song An thuộc địa phận
tỉnh Gia Lai–Kon Tum, ngay sát chân đốc đèo An Khê. Qua khỏi đèo thuộc tỉnh
Nghĩa-Bình có trạm Phú Phong.
Chúng tôi rời lò bán bánh tráng thì trời đã tối. Gió thổi lồng
lộng, Một lát sau, cơn mưa nhỏ ập tới khiến hai đứa quần áo ướt mèm. Men theo
rìa phía Nam đường Quốc lộ 19, đi đến khoảng mười giờ đêm thì tới trước trạm
Song An. Còn sớm, qua trạm rất dễ bị phát hiện. Hai đứa vào khu rừng thông cách
con lộ vài trăm thước để trú mưa và cũng để chợp mắt nghỉ ngơi lấy sức, chờ nửa
đêm mới vượt trạm. Cả hai chui vào một gốc cây thông rậm, ngồi cúi đầu bó gối
chờ thời gian trôi qua chớ không sao ngủ được. Đêm càng về khuya trời càng
lạnh. Cơn mưa nhỏ nhưng mãi lâu vẫn không dứt. Cả hai ngồi co ro, run cầm cập.
Không có cách gì để chống lại cái lạnh mùa đông của núi rừng ban đêm. Hai đứa
tôi cứ thay phiên nhau ngồi ôm sau lưng mỗi đứa một lát cho đỡ rét. Tôi nghĩ
bụng cũng may là có bạn đồng hành, nếu đào tẩu một mình gặp trường hợp như thế
này thì thê thảm biết là bao nhiêu. Nhưng màn đêm và giá buốt vẫn chưa nguy hại
gì mấy, sự hiểm nguy lớn hơn còn đang chực chờ chúng tôi ở phía trước. Nhìn xéo
qua bên kia mé lộ, ngọn đèn của trạm gác vẫn chong sáng trưng. Lâu lâu có một
chiếc xe bị dừng lại để kiểm tra hàng hóa. Không biết phải chờ đợi bao lâu nữa
nhân viên coi trạm mới tắt đèn đi ngủ, thằng Minh nóng ruột bảo tôi:
- Mình đi thôi! Trời mưa thế này họ không nhìn thấy chúng ta đâu.
Tôi nghe nó nói cũng có lý. Hai đứa lò dò, khom lưng, cúi đầu thật
thấp men theo các lùm bụi tiến về chân đèo An Khê. Con lộ ở trên cao, chỗ chúng
tôi đi là vùng đất thấp, lùm bụi hoang dại mọc rất nhiều. Hai đứa cứ bám sát
ngay rìa con lộ để lợi dụng bìa đường cao che khuất bóng mình khỏi tầm mắt
người trong trạm. Lên đến nửa dốc thì cả hai đuối sức, bèn tìm một gốc thông
cành lá um tùm để núp vào bàn tính. Chỉ có hai đứa mà vượt đèo vào lúc nửa đêm
thì không dám. Không phải sợ ma, chỉ sợ thú dữ và thổ phỉ. Mấy hôm trước còn
nghe lời xì xào của đồng đội rằng quanh khu vực đèo có nhóm Fulro ẩn náu. Lâu
lâu đơn vị phải đi tảo thanh. Tin đồn là thật hay giả cũng chẳng biết. Nhưng để
cho an toàn chúng tôi không qua đèo trong đêm. Còn ngồi đợi đến sáng mới đi
cũng dễ gặp cảnh binh tuần tra đón lỏng bắt về. Cách nào cũng không được! Suy
đi tính lại chỉ còn chờ trời sáng đón xe đò từ Kon Tum về Quy Nhơn là khả thi.
Nếu có người tò mò nhìn thấy hai thanh niên áo quần xơ xác, ngồi xe từ miền núi
về chắc cũng không nghi ngờ như lững thững cuốc bộ. Nghĩ vậy, chúng tôi quyết
định ngồi đợi trời sáng.
Nửa đêm canh khuya hai thằng ngồi dựa vai nhau ở một dốc đèo hoang
vắng, âm u nóng lòng đợi trời sáng. Bốn bề tối thui, không một ánh đèn, không
một tiếng dế kêu sương. Cơn mưa vẫn còn lâm râm khiến đứa nào cũng cảm thấy
buồn đến não ruột. Chưa bao giờ tôi bức rức, thiếu kiên nhẫn như lúc này. Trong
lòng cứ thấp thỏm trông mong cho mau sáng. Chốc chốc cả hai lại đứng lên nhìn
về phía cuối đèo ngóng chờ một ánh đèn xe. Chưa bao giờ bụng tôi bất an như lúc
này.
Khoảng ba bốn giờ sáng, đột nhiên phía dưới chân đèo có hai luồng
đèn pha quét sáng rực. Thằng Minh reo lên:
- Có xe rồi! Ra đón mau!
Tôi đi trước ra bìa lộ, lòng mừng khấp khởi. Minh đi sau. Tôi giơ
tây vẫy vẫy ra hiệu dừng xe. Chiếc xe đang bon bon lên đèo chợt thắng lại đột
ngột, ngọn đèn pha chiếu thẳng vào mặt tôi sáng lòa khiến tôi không nhìn thấy
gì. Bước né sang một chút, dụi dụi mắt tôi tập trung nhìn kỹ. Chiếc xe đen sì,
dừng cách tôi khoảng mười mét. Một người mở cánh cưả xe bên phía tài xế đi vòng
ra sau xe rồi giơ nòng khẩu súng trường về phía chúng tôi, cất tiếng quát:
- Ai? Tại sao lại chận xe?
Tôi nói lớn:
- Bọn em đón xe về Quy Nhơn.
Người kia hỏi tiếp:
- Ở đơn vị nào?
Đầu óc tôi lúc đó tự dưng nhạy bén hẳn lên. Nghe hai tiếng đơn vị
tôi bỗng giật mình thót tim. Thôi rồi, chắc là mấy anh vệ binh của Trung đoàn
đuổi theo bắt mình! Chuyến này coi như xong! Nhiều ý nghĩ thoáng qua nhanh như
chớp trong đầu tôi. Tôi suy tính, mình không thể nói là lính Sư 2 được. Nhưng
biết đối đấp làm sao? Tôi vụt nhớ mỗi lần đi tắm ở con suối cạnh doanh trại,
nghe có người nhắc đến cái tên Nông trường Hà Tam. Tôi vội trả lời:
- Công nhân nông trường Hà Tam.
Chợt trong xe có giọng nói nhỏ nhưng già dặn, rắn rỏi, từng tiếng
một vọng ra rõ ràng:
- Lính Sư 2 đào ngũ chứ công nhân gì! - Nói rồi ông ta bảo người
kia lên xe.
Chiếc xe chồm lên, lao vào màn đêm. Đến lúc này thì tôi mới nhận
ra đó là một chiếc xe jeep quân đội! Tôi và thằng Minh giật bắn người, sợ điếng
hồn. Hai đứa vội chạy lại gốc cây thông núp vào đấy. Trống ngực đập nhanh hơn
là lúc chạy qua khu rừng đêm hôm trước. Mọi chuyện tưởng đâu là đã êm xuôi,
trong bụng khấp khởi mừng thầm. Chẳng ngờ, chừng mười lăm phút sau, bỗng dưng tôi nghe có tiếng quát:
- Giơ tay lên!
Như bị điện giật, tôi nhỏm người, đảo mắt nhìn quanh, cứ tưởng
mình đang nghe nhầm. Trời lúc này đã tạnh mưa, nhưng vẫn còn tối đen. Người kia
lại quát lên, lần này to và gần hơn:
- Giơ tay lên! Không tao bắn!
Sợ quá, tôi vội vàng giơ cả hai tay lên trời. Người kia lại ra
lệnh, giọng sắc lạnh:
- Đứng dậy bước ra ngoài!
Tôi ngoan ngoãn làm theo.
- Còn thằng nữa đâu?
Không ngoáy đầu lại, tôi nói giọng run run:
- Nó mới ở đây mà!
Giọng người kia đanh thép:
- Không bước ra là tao bắn!
Tôi sợ người kia sẽ nổ súng, nên thảng thốt gọi:
- Minh! Minh ơi!
Đến bây giờ thằng Minh mới từ trong gốc thông chịu bước ra, hai
tay giơ cao. Thấy hai đứa tôi răm rắp làm theo, và trong tay không có vũ khí
nên người kia cũng dịu giọng:
- Đi ra đứng cạnh lề đường!
Chúng tôi riu ríu làm ngay. Người kia hỏi:
- Bọn mày làm gì ở đây?
Thấy thằng Minh im re không nói lời nào, tôi vội lên tiếng:
- Bọn em là công nhân Nông trường Hà Tam. Bọn em về quê ăn Tết ít
hôm rồi lên.
Không biết người kia có tin lời dối trá của tôi bịa ra hay không,
nhưng chẳng nghe anh ta hỏi gì thêm, Cũng may là chúng rôi đã mặc bộ đồ thường
dân. Chỉ còn cái đầu hớt ba phân có làm lộ tẩy không? Bây giờ trời đã tờ mờ
sáng. Tôi đưa mắt quan sát. Thì ra có hai người chứ không phải một. Một người
bên tả, một người bên hữu. Họ từ dốc đèo đi xuống. Hai khẩu súng trường chỉa
nòng về phía chúng tôi. Trên bắp tay trái mỗi người cột một miếng vải đỏ. Đúng
là cảnh binh của sư đoàn! Không hiểu sao hôm ấy tôi rất nhanh nhảu mồm miệng.
Thấy họ im lặng tôi van vỉ:
- Các anh tha cho bọn em đi!
Tưởng đâu anh cảnh binh phớt lờ câu van nài của tôi, không ngờ anh
ta lại hỏi:
- Quê ở đâu?
- Bọn em quê Quảng Ngãi.
Im lặng một lát, anh ta cho biết:
- Bọn bây không thoát được đâu. Bên kia đèo cảnh binh đang tuần
tra. – Anh ta chỉ một phiến đá bên cạnh, bảo chúng tôi tới ngồi yên chỗ đấy.
Lúc này, tôi mới bắt đầu hoảng loạn. Nghĩ tới bị đưa về cho Trung
đội trưởng làm bao cát tập võ tự do, lòng tôi ngán ngẩm. Thằng Minh thì từ lúc
nào đã trở nên câm như hến. Tôi chỉ còn biết im lặng, kê tay gục mặt trên phiến
đá.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Ông Phan Văn
Khải như tôi đã biếtl
- Văn Cao một đời
tài hoa nhưng đau đớnl
- Hoàng Văn Hoan
và những bước đi của Bắc Kinhl
- Cần hiểu đúng
Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạcl
- Phan Châu Trinh
và cuộc ly khai văn hóa Hán tộcl
- Pham Quỳnh nhà
trí thức dân gianl
- Phạm Quỳnh sự
nghiệp và số phậnl
- Cái chết của hùm
thiêng Yên Thếl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ
CON MUỐN VỀ QUÊ NỘI, NỘI ƠI...:
TRẦN ĐỨC PHỔ
Địa chỉ: 819 Kleinburg Dr,
London
tỉnh bang Ontario, Canada.
Email: ducphot946@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện
quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét