NĂM TỴ KỂ CHUYỆN DANH NHÂN TUỔI RẮN - Tác giả: Đỗ Anh Tuyến (Thái Bình)

Leave a Comment

 


NĂM TỴ KỂ CHUYỆN

DANH NHÂN TUỔI RẮN

 

1.TRIỆU THỊ TRINH

(Tác giả Đỗ Anh Tuyến)

(sinh năm Ất Tỵ 225 - mất năm Canh Ngọ 248)

Bà Triệu Thị Trinh hay Triệu Trinh Nương (bà còn được gọi là Nhuỵ Kiều Tướng quân hay Lệ Hải bà vương, quê ở Cửu Chân, huyện Nông Cống - nay thuộc vùng núi Quan Yên, miền Định Công - Thiệu Yên, Thanh Hoá) là nữ anh hùng dân tộc, lãnh đạo khởi nghĩa chống quân Ngô thời Bắc thuộc. Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ quân binh, lập nghĩa quân chống lại sự đàn áp của giặc Ngô. Tuy nhiên, năm 248, Triệu Quốc Đạt mất, nghĩa quân bị giặc đàn áp dã man, bà đã chọn cái chết để giữ toàn khí tiết. Về sau, thời vua Lý Nam Đế đã lập miếu thờ bà, và truy phong làm Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân.

 

2. NGÔ CHÂN LƯU

(sinh năm Quý Tỵ 933 – mất năm Tân Mão 1011)

Đại Sư Khuông Việt có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng. Lúc nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Năm 40 tuổi, danh Sư vang danh được triều đình phong làm Tăng thống vào năm 969. Đây là lần đầu tiên chức Tăng thống - chức vụ cao nhất trong giới tu hành của Phật giáo trong nước, được nói đến trong lịch sử Việt Nam.

Đại sư Khuông Việt là một nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba của nước Việt. Công lao của ông gắn với 2 triều Đinh và Tiền Lê. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng ban cho ông chức Đại Sư Khuông Việt đã nói lên tầm quan trọng và công lao của ông trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao đối với nền độc lập của đất nước.

Đến thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành rất kính trọng đại sư, phàm những việc quân quốc trong triều đình đều đưa ra bàn bạc.

Khi phái bộ ngoại giao của Lý Giác (nhà Tống) đến nước ta vào năm 987. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã sai Khuông Việt viết một khúc nhạc tiễn đưa phái bộ. Và bài Vương lang quy - một từ khúc ngoại giao lời lẽ hết sức mềm mỏng, khéo léo, vừa thể hiện sự cương nghị, đã được Đại sư ứng tác trong dịp này.

Vương lang quy được xem là tác phẩm văn học đầu tiên của lịch sử ngoại giao Việt Nam, cũng là một từ khúc xưa nhất không những của văn học Việt Nam mà còn là của văn học thế giới. Vị thế của Vương lang quy có thể nói có một không hai trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

 

3. NGUYỄN VĂN THOẠI

(sinh năm Tân Tỵ 1761 – mất năm Kỷ Sửu 1829)

Ông là Đại thần, là nhà doanh điền thời Nguyễn, quê Quảng Nam. Năm 16 tuổi, gia nhập quân đội Nguyễn Ánh, rất trung thành và lập nhiều chiến công, được phong tới tước Hầu, làm tới Thượng đạo Tướng quân. Là võ quan xuất sắc và nhà hành chính mưu lược, sau khi Gia Long lên ngôi, ông được tin cử làm Bảo hộ Cao Miên (cai quản toàn bộ những lãnh thổ hải ngoại phụ thuộc triều Nguyễn). Ông còn tự thiết kế và chỉ huy việc đào nhiều kênh lớn ở miền tây Nam Bộ, đem lại hiệu quả đặc biệt về doanh điền, thủy lợi, giao thương và quốc phòng.

 

4. CAO BÁ QUÁT

(sinh năm Kỷ Tỵ 1809 - mất năm Giáp Dần 1854)

Cao Bá Quát là nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam vào giữa thế kỷ 19. Tên hiệu của ông là Chu Thần hay Cúc Đường, ông sinh tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, nhưng ông thể hiện tài năng văn hay chữ tốt, thơ phú hơn người. Vào khoảng năm 1834, ông thường có những buổi xướng hoạ với các danh sĩ đất Thăng Long. Sau khi qua đời, ông để lại cho nền văn chương Việt Nam bộ sách Chu thần thi tập, là tập hợp 1531 bài thơ và 21 bài văn xuôi của ông bằng chữ Nôm và chữ Hán.

 

5. NGUYỄN ẢNH THỦ

(sinh năm Tân Tỵ 1821- mất năm Tân Mùi 1871)

Ông là liệt sĩ thời Cần Vương chống Pháp; sinh tại làng Tân Sơn Nhì, huyện Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông hưởng ứng phong trào dưới cờ nghĩa quân Trương Định, năm 1864 ông bị địch bắt và kết án tù. Năm 1868, khi mãn hạn tù, ông tập hợp đội nghĩa quân tiếp tục chống Pháp. Năm 1871, đội nghĩa quân của ông giết được tên trưởng đồn Thuận Kiều, nhưng trong trận này ông cũng hi sinh.

 

6. TRẦN TRỌNG KHIÊM

(sinh năm 1821 - mất năm Bính Dần 1886)

Ông là nhà yêu nước, người Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ, trước cả nhà ngoại giao Bùi Viện. Sau này ông đổi tên thành Lê Kim; quê quán: Xuân Lũng, Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Khoảng năm 1850, ông tới miền Viễn Tây Hoa Kỳ để tham gia đội tìm vàng đa sắc tộc. Sau đó, ông trở về California làm cộng tác viên cho tờ Alta California, Morning Post, sau đó làm công tác viên cho báo Daily Evening một thời gian. Khoảng năm 1856, ông trở về Việt Nam, ông và một số người đứng ra khai phá, lập làng Định An thuộc phủ Tân Thành tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau đó ông theo Võ Duy Dương mộ quân chống Pháp. Năm 1866, quân Pháp truy quét, đồn quân do ông cai quản thất thủ, ông đã tuẫn tiết bảo toàn danh dự.

 

7. ĐÀO TẤN

(sinh năm Ất Tỵ 1845 - mất năm Đinh Mùi 1907)

Đào Tấn là một danh sĩ, nhà soạn tuồng cận đại nổi tiếng Việt Nam, thuộc dòng dõi Đào Duy Từ, quê ở thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tên đầy đủ là Đào Đăng Tấn, là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, giữ chức Tổng đốc An - Tĩnh, Công bộ thượng thư. Ông giỏi văn chương, là người có công sáng tạo ra nghề hát bội ở Bình Định. Trong bộ môn nghệ thuật sân khấu Tuồng, ông là nhà soạn tuồng cao nhất về số lượng cũng như chất lượng từ trước tới nay.

 

8. NGUYỄN BÁ HỌC

(sinh năm Đinh Tỵ 1857 - mất năm Tân Dậu 1921)

Ông là nhà văn, quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Ông theo đuổi nghiệp văn chương năm 1918 bằng việc viết truyện ngắn, chính luận và chọn dịch các bài Hán văn, Pháp văn đăng ở Tạp chí Nam Phong, Tạp chí Đông Dương. Ông được giới văn học đánh giá là một trong hai cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng Quốc ngữ trong văn học Việt Nam. Trong vòng ba năm (từ năm 1918 đến 1921), ông viết 7 truyện ngắn đăng trên Tạp chí Nam Phong. Nguyễn Bá Học nổi tiếng với câu nói: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

 

9. TỐNG HỮU ĐỊNH

(sinh năm Kỷ Tỵ 1869 - mất năm Nhâm Thân 1932)

Tống Hữu Định là người khởi xướng bộ môn ca kịch cải lương, hiệu Tịnh Trai, tục gọi là Thầy Phó Mười Hai (vì ông làm phó tổng và là người con thứ 12 trong gia đình); quê quán ở làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ông nổi tiếng là người hào hoa, say mê âm nhạc dân tộc. Chính ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu hát "ca ra bộ" (năm 1914) – tiền thân của nghệ thuật hát cải lương sau này. Trong lịch sử bộ môn hát cải lương Nam bộ, các nhà nghiên cứu đã dành cho ông một chỗ đứng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của bộ môn này.

 

10. NGUYỄN KHẮC NHU

(sinh năm Tân Tỵ 1881 – mất năm Canh Ngọ 1930)

Là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Ông sinh tại làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Năm 1912, ông đỗ đầu xứ trong kỳ thi khảo hạch tại Bắc Ninh (vì thế ông được gọi là Xứ Nhu). Ông sang Quảng Tây gia nhập Việt Nam Quang phục quân để đánh đuổi thực dân.

Ý nguyện không thành, ông trở về quê mở trường dạy học và tổ chức lực lượng chống Pháp.

Ông tổ chức Hội Việt Nam Dân quốc có cơ sở ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1927, Hội dự định đánh chiếm Bắc Ninh rồi tiến về Hà Nội, nhưng kế hoạch bị bại lộ. Năm 1928, ông đưa hết người trong tổ chức gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học thành lập. Từ đó, ông trở thành một trong những lãnh tụ chủ chốt của đảng này, được bầu là Trưởng ban Lập pháp; Nguyễn Thái Học làm Phó ban.

Năm 1929, sau khi Việt Nam Quốc dân Đảng ám sát được chủ sở mộ phu Bazil, thực dân Pháp đã kết tội ông và các lãnh tụ khác của Đảng. Ông bị kết án vắng mặt 20 năm cấm cố. Ngày 10/2/1930, ông cùng Nguyễn Thái Học quyết định khởi nghĩa nhưng không thành. Ông bị thương, bị giặc Pháp bắt. Ông tự tử trong nhà giam ngày 11/02/1930.

 

11. PHAN PHÁT SANH

(sinh năm Quý Tỵ 1893 - mất năm Bính Thìn 1916)

Tự là Phan Xích Long, quê ở Chợ Lớn. Năm 1911, ông được tôn làm lãnh tụ phong trào nông dân chống Pháp mang màu sắc tôn giáo. Sau đó, ông lập căn cứ ở núi Thất Sơn và in truyền đơn rải khắp các chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định... kêu gọi nhân dân nổi lên chống Pháp giành độc lập.

Ngày 21-3-1913, ông bị địch bắt ở Phan Thiết và bị kết án khổ sai. Sau vụ phá ngục vào tháng 2-1916, quân Pháp đã thẳng tay tàn sát 57 vị "Vô danh anh hùng" gồm 38 người xử công khai và 19 người bị giết tại chỗ. Biến cố bi thương này được các sử gia gọi là "Quái kịch Xích Long ở Nam kỳ”, đây cũng là một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

 

12. LÊ ĐÌNH DƯƠNG

(sinh năm Quý Tỵ 1893 – mất năm Kỷ Mùi 1919)

Ông là Chí sĩ cận đại, quê Quảng Nam, là một vị lương y yêu nước, từng làm giám đốc bệnh viện. Ông gia nhập Hội Quang phục Việt Nam và trở thành lãnh tụ của tổ chức cách mạng này. Nhân Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất xảy ra ở châu Âu, ông cùng các đồng chí của ông tích cực chuẩn bị cuộc nổi dậy cho vua Duy Tân tại miền Trung nhằm lật đổ nền thống trị thực dân Pháp. Nhưng thật tiếc, sắp đến ngày khởi nghĩa thì sự việc bị bại lộ, ông bị địch bắt và hy sinh trong ngục khi ông mới 26 tuổi.

 

13. DƯƠNG BẠCH MAI

(sinh năm Ất Tỵ 1905 - mất năm Giáp Thìn 1964)

Là nhà hoạt động chính trị, quê ở xã Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau một thời gian du học ở Pháp, Liên Xô, năm 1932, ông về nước, sống và hoạt động tại Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, ông cộng tác với các báo La Cloche fêlée, La Lutte, Mai, Dân Quyền. Năm 1945, ông là một trong những người lãnh đạo cướp chính quyền ở Sài Gòn. Năm 1946, ông là thành viên của phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt và trở nên nổi tiếng với những ý kiến rất thẳng thừng với các thành viên người Pháp. Sau đó, ông được điều ra làm việc ở Trung ương.

 

14. MAI THỌ TRUYỀN

(sinh năm Ất Tỵ 1905 – mất năm Quý Sửu 1973)

Ông là nhà nghiên cứu Phật giáo, quê ở Bến Tre. Sinh thời, ông là một trong những đốc phủ sứ ngoại hạng và có công trong việc sáng lập chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và Hội Phật học Nam Việt. Ông viết nhiều chuyên luận về Phật giáo ở cả hai miền Bắc – Nam cũng như dịch thuật một số kinh sách đạo Phật. Thập niên 60 của thế kỷ XX, ông đã giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn và là người có công đóng góp vào việc phục chế một số tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam.

 

15. NGUYỄN TUẤN TRÌNH

(sinh năm Đinh Tỵ 1917 – mất năm Canh Dần 1950)

Nguyễn Tuấn Trình là nhà thơ với bút danh Thâm Tâm, quê ở thị xã Hải Dương. Năm 1938, ông vẽ tranh và sáng tác văn học. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ, Phổ thông bán nguyệt san. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban biên tập Báo Tiên Phong (1945-1946); sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (sau là Báo Quân đội Nhân dân). Trong số các tác phẩm của ông, Tống biệt hành là một thi phẩm nổi tiếng với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí yêu nước rất cao.

 

16. TRẦN HỮU TRÍ

(sinh năm Đinh Tỵ 1917 – mất năm Tân Mão 1951):

Nhà văn, bút danh Nam Cao. Ông sinh ngày 29/10/1917 tại làng Đại Hoàng, Cao Đà, huyện Nam Song, nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học tư, sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội. Năm 1943, ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực ở quê ông. Năm 1946, tham gia đoàn quân Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc. Ngày 30/11/1951 ông hy sinh tại bót Hoàng Đan, Gia Viễn, Ninh Bình trên đường đi công tác vào vùng địch.

Các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản: Chí Phèo, Sống mòn, Đôi mắt, Truyện ngắn Nam Cao,....

 

17. HỒ VĂN HUÊ

(sinh năm Đinh Tỵ 1917 – mất năm Bính Thìn 1976)

Ông là bác sĩ quân y cấp hàm đại tá, quê ở thị xã Tân An, tỉnh Long An. Từ năm 1947, ông đã cùng với nhiều y, bác sĩ, dược sĩ khác mở Phòng Dược Khu 7, bào chế thành công nhiều loại thuốc tân dược phục vụ cho công tác phòng, chữa các bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lỵ, sâu quảng. Ông đã từng lặn lội qua khắp các chiến trường miền Nam và từng giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Hậu cần miền, Trưởng phòng Quân y miền...

 

18. LÊ VĂN THỚI

(sinh năm Đinh Tỵ 1917 – mất năm Quý Hợi 1983)

Ông là nhà khoa học được phong hàm giáo sư, quê quán ở Gò Dầu, Tây Ninh. Ông đã từng được học bổng du học ở Pháp vào thập niên 40 của thế kỷ trước và được tín nhiệm phân công phụ trách khảo cứu nhiều đề tài hóa học hữu cơ cơ cấu, làm Trưởng ban khảo cứu cây thông của Viện Đại học Bordeaux, Pháp. Từ năm 1958, sau khi về nước, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành đại học, trong khảo cứu khoa học và đặc biệt quan tâm đến việc đặt nền móng tân tiến cho nền thuật ngữ Việt Nam - một công trình của Hoàng Xuân Hãn đã khởi xướng.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm ĐÓN XUÂN của Phạm Đình Chương

qua tiếng hát Chí Thiện, Hoa Hậu Kỳ Duyên, Gia Bảo, Bảo An:

*.

ĐỖ ANH TUYẾN tổng hợp

Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,

huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

 

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.12.2024.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét