TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI VỚI NHAU LÀ DO KẾT QUẢ CỦA NGHIỆP BÁO - Tác giả: Thích Chân Quang (Vũng Tàu)

1 comment
(Tỳ Kheo Thích Chân Quang)
TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI VỚI NHAU
LÀ DO KẾT QUẢ CỦA NGHIỆP BÁO
(Trích trong NHÂN QUẢ XUẤT THẾ GIAN của Thích Chân Quang)
*
 “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi” Một triết gia phương tây đã nói như vậy. Đúng! Ý thức dường như không hiểu hết sự hoạt động của tình cảm thương ghét trong lòng mình. Tại sao vừa gặp một người lạ, tâm ta chợt xuất hiện ác cảm. Chợt nhìn thấy một hình bóng xa xa, lòng ta rộn lên niềm cảm xúc. Ý thức chưa kịp nói năng gì thì tình cảm đã rộn ràng múa may quay cuồng kêu réo.
Các nhà khoa học đã tìm thấy hoạt chất ảnh hưởng lên tình cảm của con người. Ví dụ bác sĩ Liebowitz tìm thấy khi não bộ sản xuất ra chất Pheniletilamin thì tình yêu mến tự nhiên dâng trào trong lòng. Một số tình cảm thù ghét, bực bội khó chịu cũng đều liên quan đến các hoạt chất trong cơ thể. Có thể sự tương quan có tính cách hai chiều. Vì tình cảm khởi dậy nên hoạt chất phát sinh, và ngược lại, khi hoạt chất phát sinh (hoặc do tiêm chích) thì tình cảm khởi dậy. Người ta tiêm một hoạt chất thúc đẩy tình thương con vào chuột mẹ thì thấy tình thương của con chuột này tăng lên rõ rệt đối với bầy con của nó. Hoạt chất này xuất hiện rất nhiều khi người phụ nữ sinh nở. Đó là nguyên nhân gần tác động lên tình cảm của sinh vật. Nguyên nhân sâu xa vẫn còn dấu trong luật Nghiệp Báo.
Một nguyên nhân gần khác đáng được lưu ý là do tâm lý phát sinh tình cảm. Ví dụ khi một chàng trai nhìn thấy một cô gái đẹp, một minh tinh màn bạc, một cô tiểu thư nhà giàu, một cô gái thông minh tài giỏi... Lòng anh ta cũng phát sinh một tình cảm ưu ái và muốn chiếm đoạt về mình. Tình cảm ưu ái đó phát xuất từ tâm lý vị kỷ cố hữu của con người luôn luôn muốn quơ quào về cho mình thật nhiều mọi cái gì tốt đẹp trên thế gian. Tình cảm ưu ái đó là hệ quả của tâm lý tham lam mà thôi!
Trong trường hợp khác, một số cô gái bỗng cảm thấy khó chịu với thí sinh vừa đạt danh hiệu hoa hậu quốc gia. Tình cảm ganh ghét này là hệ quả của tâm lý đố kỵ thầm kín giữa phái nữ với nhau, đó là chuyện thường tình. Có khi một thiếu phụ tìm cách chiếm đọat tình cảm của một người đàn ông nhưng không thành công. Từ yêu mến, bỗng bà ta trở nên thù hận cực điểm và tìm cách trả thù cho hả dạ. Như vậy tình cảm yêu mến hay hận thù của người đàn bà này hoàn toàn chỉ là tâm lý ích kỷ tham lam, không phải là tình yêu thương chân thật. Khi khảo sát về tình cảm thương ghét của con người, chúng ta nhận thấy rằng tất cả đều xuất phát từ tâm lý vị kỷ. Cái gì thỏa mãn được lòng tham muốn, sự ưa thích sẽ phát sinh. Cái gì ngăn cản lòng ham muốn, sự thù ghét sẽ xuất hiện.
Tình cảm con người chỉ là một trò lừa dối của chấp ngã bí ẩn phía sau. Chính vì nhìn thấy bản chất thật sự của tình cảm này mà các bậc thánh nhân luôn luôn kêu gọi một tình thương không điều kiện, một tình thương không đòi hỏi cho tự kỷ, chỉ thuần có ban phát và hy sinh, một tình thương hoàn toàn vô ngã. Tuy nhiên để vuợt qua được ngã chấp sâu kín từ trong bản năng vô thức (xem Năm ám là gì), chúng ta phải khổ công thực hành thiền định đúng phương pháp. Quả thật không dễ dàng chút nào khi một người muốn vuợt khỏi ngã chấp để đạt được một tâm đại bi vô lượng trùm phủ thương yêu tất cả mọi người. Tâm đại bi đó mới là tình thương yêu chân thật, hoàn toàn hy sinh cho tha nhân mà không mong mỏi điều gì trở lại cho tự kỷ. Đối với hạng phàm phu như chúng ta, điều quan trọng là cố gắng kiểm soát tâm lý tham lam ích kỷ của mình, phải tự xét nét kỹ lưỡng xem sự thương yêu của mình đối với mọi người có ẩn chứa một mưu tính, một sự trục lợi nào ẩn dấu sâu kín bên trong hay không. Bởi vì chúng ta hầu như chỉ thương yêu cái gì đem lại lợi ích cho mình. Không có lợi ích cho mình, tình thương sẽ vắng bóng (!) Ai mưu hại ta, ta sẽ ghét họ. Ai giúp đỡ ta, ta sẽ thương họ. Đó là quy luật thường tình mà tất cả mọi người không thể vựợt qua nổi. Chúng ta muốn đi tìm một chân lý cao cả, một con đường hướng thượng bao la. Hãy cố gắng thứ tha và “thương yêu kẻ thù ghét mình” (Phúc Âm) và thương yêu kẻ tích cực giúp đỡ mình sau khi đã gạn lọc xong tâm lý “vì họ đem lại lợi ích cho mình”. Ngoài những nguyên nhân gần, tình cảm còn xuất phát từ nghiệp duyên trong quá khứ.
Một hòa thượng được một gia đình thí chủ thỉnh về cung dưỡng trân trọng đầy đủ để hòa thượng yên tâm tu hành. Sau một thời gian dài hai bên trở nên thù ghét nhau dữ dội và hoà thượng phải ra đi. Nguyên nhân được tìm thấy là từ đời trước gia đình kia chịu ơn với hòa thượng nên đời này phải cung phụng để đền trả. Dĩ nhiên trước khi thỉnh hòa thượng về họ phải khởi lên tình cảm kính thương sâu đậm với hòa thượng. Sau khi trả xong món nợ quá khứ, họ cảm thấy hòa thượng là một gánh nặng đối với gia đình. Tình cảm ưu ái biến mất, sự ghét bỏ thế chỗ, và rồi hòa thượng phải ra đi. Như vậy tình cảm đời này có khi xuất phát từ một món nợ của quá khứ. Khi thấy ai tự dưng yêu mến giúp đỡ mình, chúng ta đừng vội cho mình có nhiều ưu điểm. Có khi chỉ vì họ mắc một ân nghĩa gì đó và đang trong thời gian đền trả. Trả xong, tình cảm sẽ biến mất. Hiểu được điều này chúng ta sẽ giữ được bình thản khi thấy con người khi thì vồn vã với nhau, khi thì hờ hững với nhau.
Tương tự những lời nói công kích sỉ nhục từ kiếp trước, sự giết hại chiếm đoạt từ quá khứ cũng gây ra tâm lý thù ghét của nạn nhân trong đời này. Chúng ta lỡ lời làm mất thể diện của một người. Rồi chuyện trôi vào quên lãng. Nhưng qua kiếp sau, vừa trông thấy mặt nhau, tâm người kia bỗng khởi lên một sự ác cảm kỳ lạ đối với ta mà chính họ cũng không biết tại sao. Cũng chưa hẳn là sự ác cảm của họ sẽ gây ra phiền toái cho chúng ta, nhưng dù sao ác cảm vẫn còn đó. Vì thế trên bước đường luân hồi vô tận này, chúng ta hãy cố gắng tránh né làm phật lòng, xúc phạm đến người khác để tránh được oán thù về kiếp sau.
Hầu hết các nhân vật nổi tiếng giữa xã hội như các nhà chính trị thành công được nhiều người ưa thích hâm mộ. Nguyên nhân của sự hâm mộ này có thể bắt nguồn từ sự ban ân rộng rãi từ những kiếp trước. Quá nhiều người đã thọ ân của họ nên đời sau buộc lòng phải ủng hộ cho họ đạt đến địa vị trên chính trường thông qua lá phiếu hay một cách thức vận động nào khác. Chưa hết, nếu trong thời gian làm chính trị, họ giữ được uy tín, tình cảm của quần chúng sẽ còn kéo dài qua nhiều kiếp sau nữa.
Khi so sánh cuộc đời của vua nhạc Rock Elvis Presley, các nhà sử học rất ngạc nhiên khi thấy gương mặt của Elvis Presley giống hệt như bức tượng của một vị vua Ai Cập thời xưa. Vì vua Ai Cập này đã sống ở một địa danh tên là Memphis ở Ai Cập. Trong khi Elvis sống tại Memphis ở Mỹ. Vị vua Ai Cập này tôn thờ Thần Mặt Trời để thay thế các thần linh khác, trong khi Elvis trở nên nổi tiếng với băng nhạc “Sun” (mặt trời) đầu tiên. Elvis Presley được sự hâm mộ của công chúng, đến nỗi sau khi chết, anh được mọi người yêu cầu tổng thống Carter phải tổ chức quốc tang trọng thể. Có thể nào cái dư hưởng làm vua từ quá khứ xa xăm vẫn còn đọng lại trên tâm tình của quần chúng, mặc dù bây giờ Elvis Presley đã trở thành một vị vua mới, Vua nhạc Rock chăng? Trong luật Nghiệp Báo, một ông vua vẫn có thể trở thành nghệ sĩ nếu trong thời gian trị vì ông đã từng ưu đãi giới nghệ sĩ quá mức. Sau này ông sẽ trở thành nghệ sĩ để được ưu đãi trở lại.
Có hai nguyên nhân dẫn đến sự thu hút tình cảm của mọi người (dành cho mình):
Một, đó là người có tâm từ ái rộng lớn, luôn luôn biết thương yêu, đối xử tử tế, hòa nhã với mọi người. Kiếp sau họ có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu khả ái kỳ lạ, bất cứ ai vừa trông thấy đều cảm mến.
Hai, đó là người siêng năng làm việc từ thiện bằng lý trí. Tâm hồn họ không có nhiều tình cảm nhưng lý trí họ rất sáng suốt, luôn luôn chịu khó tích lũy phước thiện, luôn luôn chịu khó giúp đỡ mọi người. Đời sau họ cũng được nhiều người (đã thọ ân) yêu mến mặc dù gương mặt họ có vẻ cứng cỏi khôn ngoan chứ không có vẻ hiền lành tự nhiên như trường hợp thứ nhất.
Có một loại tình cảm được đề cập đến nhiều nhất trong tất cả tác phẩm văn hóa của nhân loại đó là tình yêu nam nữ. Có lẽ đây là loại tình cảm mãnh liệt hơn các loại tình cảm khác bởi vì nó liên quan đến bản năng sâu kín của con người. Thứ nhất con người luôn luôn muốn chiếm đoạt về mình mẫu người có thể đem lại hạnh phúc cho mình (tâm lý vị kỷ). Đó là mẫu người đẹp đẽ, có tài năng, có tiền bạc, đối xử tế nhị. Thứ hai, tình cảm nam nữ có sự thôi thúc âm thầm của hoạt động tính dục, một loại hoạt động gây khoái cảm xác thịt rõ rệt nhất. Ngoài những nhu cầu về ăn uống, tổ chức sinh lý của con người đã sắp sẵn một sự đòi hỏi để được thỏa mãn về khoái cảm tính dục. Vì thế người nam và nữ luôn luôn tìm kiếm đối tượng thích hợp để trao đổi khoái cảm này. Có khi tình yêu và hôn nhân dẫn đến hoạt động tính dục. Có khi họ đến với nhau vì khoái cảm và mua bán mà thôi. Dù sao thì duyên nghiệp từ quá khứ cũng đã chi phối cho loại tình cảm này.
Nếu quả thật có duyên nợ, hai người sẽ yêu nhau chân thành và đi đến hôn nhân để trả xong nợ quá khứ (và tiếp tục gây nợ mai sau) Nếu không có nợ, chỉ có duyên, họ sẽ yêu nhau qua một giai đọan, rồi trắc trở, tình cảm phai nhạt dần theo năm tháng. Đôi khi chỉ có tình yêu đơn phương. Người này mơ tưởng đến người kia nhưng không được đáp lại. Họ tìm thấy người kia những tiêu chuẩn về sắc đẹp, tư cách thích hợp, muốn người kia trở thành của mình, nhưng từ kiếp trước đã không có duyên nên họ không nhận lại một sự đáp ứng nào cả. Nhưng rồi tình yêu cũng chỉ là bề mặt của bản chất ích kỷ, hưởng thụ của con người. Chính bản năng hưởng thụ đã thúc đẩy nam nữ tìm đến nhau, thì nó cũng thúc đẩy họ làm khổ lẫn nhau. Biết bao chuyện vợ chồng gây gổ, đánh đập, bao nhiêu chuyện ngoại tình, giết hại lẫn nhau bỏ mặc con cái bơ vơ đau khổ. Nếu bên cạnh tình yêu, họ có thêm chút tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng, vị tha, tình yêu đó khả dĩ bớt đi màu sắc ảm đạm của bản năng ích kỷ. Họ biết tha thứ, thông cảm lẫn nhau để cùng xây dựng hạnh phúc. Nếu thiếu tình thương chân chính, một mình tình yêu chỉ là hiện thân của cảm xúc, tính dục và vị kỷ. Thời đại hôm nay vợ chồng dễ ly dị, dễ ngoại tình, dễ hành hạ nhau bởi vì tình yêu của họ thiếu tình thương vị tha chân chính. Rồi sự ngoại tình, ly dị làm khổ con cái, hành hạ làm khổ nhau sẽ gây thành nghiệp nhân không tốt cho đời sau. Chiếm vợ người dễ bị người chiếm vợ lại. Hành hạ vợ mình sẽ bị đọa làm người nữ để bị hành hạ trở lại. Ly dị, bỏ rơi con cái sẽ trở thành mồ côi ở đời sau.
Có lẽ Schopenhower đã có lý khi nói rằng: “Chỉ có những triết gia chân chính mới sống hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân, nhưng tiếc thay, nếu là triết gia chân chính, họ sẽ không bao giờ lập gia đình.”
Ngay trong gia đình chúng ta cũng thấy tình thương của cha mẹ với con cái cũng không được đồng đều. Có người con được cha mẹ ưu tiên thương yêu nhiều. Bên cạnh đó là người con bị lơ là ít chú ý. Tất cả đều do ân nghĩa trong quá khứ nhiều hay ít mà thôi. Cha mẹ mang nặng ân nghĩa với người con nào sẽ thương mến người con đó nhiều hơn.
Cũng có trường hợp trong gia đình một đứa con bị ghét thậm tệ, bị đánh đập mắng nhiếc thường xuyên, mặc dù nó là đứa con ruột. Đây chỉ là sự trả thù trở lại. Kiếp trước, khi từng là cha mẹ, nó đã đối xử tàn tệ với con cái của mình. Kiếp này duyên nghiệp đưa đẩy nó rơi vào gia đình có bậc cha mẹ thô lỗ, cộc cằn, hung bạo để nó phải chịu đựng trở lại nỗi khổ mà nó đã gây ra cho người khác. Đi tìm sự bình đẳng đồng đều trong cuộc đời này là việc làm không tưởng bởi vì nghiệp duyên của mọi người không đồng nhau. Kẻ phước nhiều, người phước ít, tất cả đều sai biệt. Người có phước luôn luôn thu hút sự chú ý thương mến của mọi người, trong khi kẻ thiếu phước ít khi nhận được cái nhìn nồng nàn của mọi người, huống nữa là nhận được sự đối xử ưu ái. Ngay cả một số tu sĩ cũng bị phê phán là đã vồn vã với kẻ giàu và thờ ơ với kẻ nghèo. Họ vẫn khó giữ được sự đối xử bình đẳng với tất cả mọi người tìm đến nguồn an ủi nơi tín ngưỡng chỉ bởi vì phước của tín đồ đã sai biệt nhau quá nhiều. Chỉ có những tu sĩ đạt được một đạo lực thâm sâu, đủ sức vượt lên trên nghiệp sai biệt của mọi người mới có thể đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Họ sẽ không thờ ơ với kẻ này và ân cần với kẻ kia. Tất cả đều được thương mến như nhau. Như vậy, bình đẳng là một “thái độ đạo đức” tự giác của mỗi người chứ không phải là một cơ chế san bằng quyền lợi. Sự san bằng quyền lợi không phải là bình đẳng. Chúng ta cần phân biệt kỹ về ý nghĩa của hai phạm trù này.
Chúng ta kêu gọi một xã hội bình đẳng có nghĩa là chúng ta kêu gọi con người phát huy được đạo đức cao độ để có thể đối xử ưu ái với kẻ có phước cũng như người thiếu phước, chứ không phải bình đẳng là san bằng quyền lợi của mọi người như nhau. Vì sao, vì kẻ đóng góp được nhiều công sức hiệu quả cho xã hội bắt buộc phải được hưởng quyền lợi nhiều hơn. Sự san bằng quyền lợi là sự bất công, làm giảm mất sự hứng thú lao động của mọi người và kéo xã hội về sự thoái bộ. Không ai chấp nhận kẻ lười biếng, kém tài năng được hưởng quyền lợi ngang với kẻ siêng năng giỏi giắn. Còn bình đẳng là “đạo đức trong giao tiếp” nó giúp cho chúng ta lịch sự, lễ độ, tôn trọng với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải đạt được chiều sâu thiền định, tâm được thanh tịnh để thoát khỏi sự cuốn hút bởi phước nghiệp sai biệt của mọi người. Người có phước sẽ cuốn hút chúng ta nhiều hơn kẻ thiếu phước. Chúng ta phải đủ đạo lực để thoát khỏi sự thu hút bí ẩn này, để giữ được tình thương bình đẳng với tất cả mọi người.
Tình cảm cũng có khuynh hướng lập lại. Với những người đã từng thương mến nhau từ kiếp trước, kiếp này gặp lại, tình thương mến dễ dàng phát sinh. Đôi khi hai người đã từng là vợ chồng. Kiếp này duyên nợ làm vợ chồng đã hết, nhưng khi gặp nhau, họ vẫn khởi lên một tình cảm nồng nàn khó diễn tả mặc dù vẫn phải xa nhau.
Tương tự như vậy đối với tình anh em, bạn bè, cha con và thầy trò. Có tu sĩ cảm thấy quí mến một vài tín đồ và muốn họ trở thành đệ tử xuất gia với mình. Nhưng duyên thầy trò là duyên nhiều đời không thể gượng ép. Không có duyên sâu dày với nhau, người đệ tử này cũng sẽ bỏ tìm thầy khác. Hiểu được điều này, một vị thầy luôn luôn bình thản trước các kẻ đến xin học đạo, vì trong số đó, không phải ai cũng là kẻ có duyên làm đệ tử gắn bó suốt đời.
Tóm lại tình cảm là kết quả của nghiệp duyên quá khứ, là hệ quả của những tâm lý ích kỷ thầm kín bên trong. Điều chúng ta cần phải nhắm đến là loại tình thương đại bi trùm phủ tất cả mọi người. Tình thương đó không xuất phát từ bản năng vị kỷ và vượt khỏi duyên hệ lụy của nhiều đời. Nếu nhiều người trên cuộc đời này có thể trừ diệt bớt bản năng vị kỷ của mình, họ sẽ là những người góp phần tạo nên một khuôn mẫu tốt đẹp cho cộng đồng thế giới, đó là sự đoàn kết.
Do bản năng vị kỷ, con người có tính tỵ hiềm, chia rẽ, hơn thua, luôn luôn đi tìm sự độc tôn cho mình và đè bẹp kẻ khác. Người ta hơn thua với nhau trong từng lời nói. Các giáo phái không tiếc lời chỉ trích lẫn nhau. Các thế lực chính trị dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt lẫn nhau. Ngay trong cùng một mái nhà, anh em cũng tranh giành, trong một hội đoàn, hội viên cũng ganh tị. Ai cũng muốn mình hơn hẳn mọi người về tài sản, địa vị và danh tiếng.
Thế giới này là bức tranh đậm nét của sự chia rẽ. Các tập đoàn kinh tế triệt hạ lẫn nhau. Các bang chủng ly khai với nhau. Có khi vì vấn đề ngôn ngữ bất đồng, một vài tỉnh cũng đòi ly khai khỏi cộng đồng quốc gia. Nước nào cũng muốn cho ngôn ngữ của nước mình trở thành ngôn ngữ thế giới.
(…) Có một vài người mắc loại bệnh tâm lý kỳ lạ là thích ly gián. Thấy những kẻ khác thân ái với nhau, họ bèn tìm cách châm ra chọc vào để gây sự nghi kỵ, chia rẽ. Dường như bệnh tâm lý này phát sinh từ một uẩn khúc sâu kín trong vô thức là mặc cảm cô độc. Họ bị cô độc, bị bỏ quên và không muốn ai hợp đoàn vui vẻ. Nhưng càng gây nhân như thế, họ sẽ càng bị đơn độc, lẻ loi, đau khổ nhiều hơn nữa.
Thế giới đã trở nên nhỏ bé. Sự tương quan giữa cộng đồng nhân loại càng lúc càng chặt chẽ. Con người cần đoàn kết, cần chấm dứt sự chia rẽ. Quả báo lành lớn lao sẽ chờ đợi những ai đóng góp được cho tình đoàn kết.
*.
Thượng tọa THÍCH CHÂN QUANG
Địa chỉ: Chùa Phật Quang, Núi Dinh, ấp Chu Hải,
xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lời dẫn: Video này do một đọc giả gửi đến trang nhà với lời đề nghị đăng lên để bạn đọc hiểu rõ “bộ mặt thật của tên thầy chùa phản quốc.”
Chúng tôi post lên để bạn đọc cùng tham khảo.
           

Mời nghe nhạc phẩm TIẾNG SÚNG ĐÃ VANG TRÊN BẦU TRỜI BIÊN GIỚI
của Phạm Tuyên, do tốp ca Đài Tiếng Nói Việt Nam thể hiện:

...................................................................................................................
- Cập nhật từ email: anhdungdao131@yahoo.com.vn gửi ngày 21.08.2015
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      


1 nhận xét:

  1. Anh Đặng Xuân Xuyến cho đăng kèm video thích chân quang tuyên truyền phản Quốc là rất cần thiết. Những kẻ phản Quốc như tên thầy chùa thích chân quang cần được vạch trần bộ mặt thật của chúng với các Phật tử chân chính!

    Trả lờiXóa