MÙA XUÂN NÓI CHU YỆN
VUA BAN LỊCH
(Tác giả Võ Hương An) |
Xuân từ trong ấy
mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai
khắp mọi nhà…
“Trong
ấy” nghĩa là trong Kinh đô Huế, vì tác giả là người Miền Bắc, nhà ở thị xã Nam Định.
Còn “ban” có nghĩa là vua truyền một mệnh lệnh hay vua cho thần dân
một cái gì đó.
Đó là hai câu mở
đầu trong một bài thơ Đường luật bảy chữ tám câu, nói về Tết mà Tú Xương (Trần
Tế Xương 1870-1907) đã viết hồi đầu thế kỷ 20, khi nền quân chủ Việt Nam đang
còn ngự trị. Người ngày nay của thời đại internet với iphone, Ipad, nghe thế sẽ
không khỏi thắc mắc mà hỏi rằng Xuân hay Tết thì cứ theo đất trời chuyển di,
vần xoay mà đến, cứ việc theo lịch mà ăn Tết, việc gì phải chờ vua ban.
Ấy, nếu đơn giản
như thế thì cần gì tới vua. Trong chế độ quân chủ, uy quyền của vua, của triều
đình không phải chỉ thể hiện nơi mấy ông quan bài ngà áo gấm mà còn ở nơi đồng
tiền đang dùng để trao đổi, mua bán, vì chỉ có vua mới có quyền đúc ra tiền; và
ở nơi cuốn lịch vua ban vào dịp cuối năm. Không có lịch, làm sao biết ngày giỗ
của ông cha, tổ tiên mà cúng giỗ báo hiếu? Không có lịch làm sao biết ngày giờ
tôt xấu để đám cưới đám hỏi, làm nhà, xây lăng đắp mộ? Không có lịch, làm sao
biết thời tiết mà gieo trồng cày cấy? Chỉ có vua mới có quyền làm ra lịch!
Lễ Ban
Sóc
“Sóc” là ngày
mồng một âm lịch (ngày rằm gọi là vọng). Hàng năm, cứ đúng sáng ngày mồng
một tháng Chạp (12) thì triều đình Huế làm lễ vua ban lịch, gọi là lễ Ban
Sóc.
Đây là một trong
những lễ chánh thức của triều đình.
Dưới triều Gia Long
(1802-1819) và đầu triều Minh Mạng (1820-1840), lễ Ban Sóc diễn ra tại điện
Thái Hòa trong Đại Nội theo nghi thức đại triều. Sau đó, theo lệnh vua Minh
Mạng, lễ Ban Sóc đổi làm trước lầu Ngọ Môn, cũng theo nghi thức đại triều.
Lễ Ban
sóc trước Ngọ Môn
Đúng sáng ngày mồng
một tháng Chạp, các quan và các hoàng thân, hoàng tử, trong phẩm phục
đại triều phải tề tựu đông đủ và sắp hàng nghiêm chỉnh trên sân trước
cửa Ngọ Môn, y như phiên đại triều, chờ làm lễ - quan văn bên trái
(từ trong nhìn ra), quan võ bên phải, các hoàng thân, hoàng tử sắp hàng
cùng một phía với quan Võ, theo thứ tự cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau.
Đúng giờ đã định,
xa giá của vua từ điện Cần Chánh ra đến Ngọ Môn, chuông trống trên lầu Ngũ
Phụng (lầu trên cửa Ngọ Môn) đổ hồi, vua bước lên lầu và an vị trên ngự
tọa đã được bày sẵn. Đúng lúc đó thì chuông trống cũng vừa chấm dứt. Ở dưới
sân, một quan đại thần được cử ra quì tâu xin ban sóc. Tất cả các quan
hướng về lầu Ngũ Phụng lạy năm lạy, và cuộc lễ Ban Sóc chấm dứt. Vua lui
về nội điện; việc phân phối lịch đến các Bộ, Viện ở Kinh đô và các tỉnh do Bộ
Hộ phụ trách. Cũng có năm vua không có mặt, chẳng hạn vào lễ Ban sóc năm ất
mão (1915), đời Duy-Tân (1907-1916), nhưng trăm quan vẫn hướng về chiếc
ngai bỏ trống trên lầu Ngũ Phụng để thi hành 5 lạy xin vua ban lịch đúng điển
lễ qui định.
Cũng ngày hôm đó,
khi ở Kinh đô làm lễ Ban Sóc thì khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc, quan đầu tỉnh
(Trấn thủ, Lưu trấn hay Tổng đốc, Tuần vũ) đem các quan viên thuộc quyền trong
tỉnh đến Hành cung (nhà dành riêng cho vua tạm trú tại các địa phương) làm lễ
Thọ lịch. Sau lễ này, lịch mới được phân phối đến các phủ huyện làng xã.
Khâm
Thiên Giám
Lịch do vua ban cho
thần dân, nhưng Khâm Thiên Giám mới là cơ quan chấp bút biên soạn ra lịch. Dĩ
nhiên ở đây là âm lịch, tính theo chu kỳ mặt trăng vận hành vòng quanh trái
đất, với tên gọi theo thập can (giáp, ất, bính, đinh…) và thập nhị chi (tí,
sửu, dần, mão…), như nói năm bính thân, ngày tân tỵ,giờ tý, v,v.
Khâm Thiên
Giám lập ra đời Gia Long (1802-1819), có mấy nhiệm vụ chính là quan sát và
chiêm nghiệm thiên tượng, theo dõi thời tiết, làm lịch, coi ngày, báo
giờ, và dĩ nhiên kiêm luôn cả nghề địa lý phong thủy cho triều đình.
Năm 1836, vua Minh
Mạng (1820-1840) cho dựng Quan Tượng Đài trên góc Tây-Nam Kinh thành
Huế là để làm nơi Khâm Thiên Giám quan sát thiên tượng. Người Huế
quen gọi đài quan sát thiên văn này là Nam Đài.
Vua chọn một đại
thần đứng ra giám sát cơ quan này, gọi là Quản lý đại
thần; cầm đầu Khâm Thiên Giám là một Giám chánh (chánh ngũ
phẩm), có 2 Giám phó (tòng ngũ phẩm) phụ tá, nhân viên
có 4 Ngũ quan chánh (chánh lục phẩm), 2 Linh đài
lang (chánh và tòng thất phẩm), và một số Bát phẩm Thư
lại, Cửu phẩm Thư lại,Vị nhập lưu Thư lại, là các hạng thư ký. Vào
buổi đầu, đời Gia Long (1802-1819), các chức danh ở Khâm Thiên Giám là Câu
kê, Cai hợp, Thủ hợp, Giám chánh, Giám phó và Chiêm hậu, đời Minh Mạng mới
đổi gọi như đã nói ở trước.
Trong một thời gian
dài, trụ sở của Khâm Thiên Giám nằm ngay dưới chân Nam đài, thuộc phường Thuận
Cát, nay là Thuận Hòa, thuận tiện cho nhân viên chia phiên trực lên làm việc ở
Quan Tượng đài ngày đêm. Đầu thế kỷ 20, do Pháp đã lập đài khí tượng cho
toàn cõi Đông Dương tại Phù Liễn, nên việc sử dụng Quan Tượng đài không
còn cần thiết nữa, và vai trò của Khâm Thiên Giám chỉ còn rút lại trong việc
làm lịch và coi ngày giờ tốt xấu, coi đất, chọn huyệt mã mà thôi. Vì
vậy, đến đời Duy Tân (1907-1916), Khâm Thiên Giám giã từ Nam đài, dọn về khu Bộ
Học trên đường Hàn Thuyên ngày nay và ở đó cho đến ngày chế độ quân chủ chấm
dứt (8/1945). Các quan làm việc ở Khâm Thiên Giám thường là cha truyền con
nối vì cách tính toán trong việc làm lịch, tính ngày giờ nhật thực, nguyệt thực
v,v, khá phức tạp nên ít người theo học, chỉ gia truyền mới đầy đủ kinh nghiệm
để làm việc. Vị quan cầm đầu Khâm Thiên Giám cuối cùng theo chỗ tôi biết, là cụ
Hoàng Thiện mà Thầy tôi thường gọi một cách trân trọng là “ông Khâm Thiên”.
Những
loại lịch của Khâm Thiên Giám
Xưa không có lịch
tờ mà chỉ có lịch sách, đóng tập.
“Ở cuốn lịch năm ấy bìa vàng nhòe nét son dấu
kim ấn tòa Khâm Thiên Giám có niên hiệu Duy Tân thập niên, người ta thấy tiết
thu phân và ngày lập thu qua đã lâu rồi.” Đó là những giòng của Nguyễn Tuân
viết trong truyện ngắn Báo Oán trong cuốn Vang Bóng Một Thời.
Lịch của Khâm Thiên
Giám biên soạn và phát hành, quyển nào trên tờ bìa cũng có đóng ấn.
Nếu đóng
ấn Trị Lịch Minh Thời Chi Bửu (1802-1840) hay ấn Đại Nam Hiệp Kỷ
Lịch Chi Bửu (1841-1945) của vua thì gọi là bửu lịch, còn nếu đóng ấn
của Khâm Thiên Giám thì gọi là giám lịch. Cuốn lịch mà Nguyễn Tuân miêu tả
trong truyện ngắn Báo Oán nói trên được đóng ấn Khâm Thiên Giám nên thuộc loại
giám lịch. Bửu lịch chỉ dành cho các quan lớn (quan văn từ tứ phẩm trở lên,
quan võ từ tam phẩm), và các thành viên trong hoàng gia (thái hậu, hoàng quí
phi, cung tần, hoàng thân, hoàng tử, công chúa…) còn giám lịch thì dành cho các
quan cấp nhỏ và các cơ quan, các địa phương, làng xã. Bửu lịch hay giám
lịch có nội dung giống nhau, chỉ khác ở loại giấy in và con dấu đóng trên đó.
Đời Gia
Long và Minh Mạng, dùng ấn Trị Lịch Minh Thời Chi Bửu, nhưng từ
đời Thiệu Trị (1841-1847) trở đi, cho tới ngày chấm dứt chế độ quân chủ
(1945) thì thay bằng ấn Đại Nam Hiệp Kỷ Lịch Chi Bửu vì trong ấn
cũ, chữ Trị phạm húy nên phải đổi ấn mới (hình bên). Cả hai đều
được đúc bằng vàng.
Đời Gia Long và
Minh Mạng, triều đình gọi lịch do nhà nước ban hành là lịch Vạn toàn,
nhưng từ khi thay ấn dưới đời Thiệu Trị thì tên chính thức của nó là lịch
Hiệp kỷ.
Ngoài hai loại bửu
lịch và giám lịch, Khâm Thiên Giám còn phải thực hiện những ấn bản đặc biệt để
thờ trong các miếu (Thái miếu, Thế miếu…) gọi là long phụng lịch. Cuốn lịch
dành cho vua, là một ấn bản đặc biệt chép tay, đặc biệt từ hình thức đến nội
dung, gọi là ngự lịch,
Thật ra, lúc đầu,
lịch của vua dùng cũng có nội dung giống như các lịch cấp cho quan cho dân, vì
tất cả đều được in ra từ các bản khắc gỗ. nghĩa là “one size fits all”, nhưng
đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua dụ rằng lịch vua dùng mà ghi những việc
nên làm hay không nên làm, như đào ao, đào giếng, nạp tài, trồng cây, chăn nuôi
súc vật…thì thật là không hợp vì đó không phải là việc của bậc thiên tử, Lại nữa,
vua ngự điện Kinh Diên để nghe các bậc túc Nho giảng sách mà gọi là nhập học
thì không được, phải đổi gọi là ngự Kinh Diên, v.v Vậy là năm sau,
Khâm Thiên Giám phải thực hiện một ấn bản đặc biệt , chép tay, dành cho vua,
trong đó, những chuyện tào lao như vừa nói phải bỏ, chữ dùng phải chính xác
hơn, thêm vào đó là phải ghi các ngày tế lễ cúng giỗ tại các miếu điện để vua
tiện theo dõi.
Đó là nói về nội
dung, còn về hình thức, cuốn ngự lịch cũng khác các bản lịch khác. Sách xưa
đóng bằng cách dùi lổ ở mép gáy rồi xỏ dây qua lại, xong cột chặt. Vì vậy bìa
lịch là hai mảnh giấy rời màu vàng, có đóng ấn của vua (bửu lịch) hoặc ấn của
Khâm Thiên Giám (Giám lịch). Ngự lịch thì khác; ngoài phần ruột vẫn đóng
theo kiểu cổ truyền vừa nói, lại có một cái bìa đặc biệt là một tấm bìa dày,
liền từ sau ra trước, làm bằng lụa Tàu (đoạn bát ty), màu vàng, thêu rồng mây,
ở giữa có một cái nhãn, cũng bằng đoạn bát ty màu hoa đào, thêu hai
chữ Ngự Lịch 御暦. Bìa của ngự lịch
có thể được dùng lại cho năm sau. Hiện Viện Bảo Tàng Cổ Vật ở Huế còn giữ
được cái bìa ngự lich này (xem ảnh).
Việc in
ấn và phát hành lịch
Thời xưa, khi kỹ
thuật in ấn bằng chữ rời của Tây phương chưa du nhập thì việc in sách bằng bản
khắc gỗ là thông dụng. Trong các loại ấn phẩm của triều Nguyễn, lịch Hiệp kỷ có
số lượng in hàng năm khổng lồ. Chẳng hạn, theo ghi nhận của Khâm Định Đại Nam
Hội Điển Sự Lệ (bản tiếng Việt, Nxb Thuận Hóa, Tập VIII, 2005) thì vào năm
Thiệu Trị thứ 4 (1844), Khâm Thiên Giám đã in 49,094 cuốn giám lịch và 804 cuốn
bửu lịch (Sđd, tr.538). Cũng thời xưa, đường sá đi lại khó khăn, hoàn toàn
trông cậy vào đôi chân, vào sức ngựa và thuyền buồm của hệ thống trạm dịch đặt
suốt quan lộ (tiền thân của QL 1 ngày nay) thì việc vận chuyển một số lượng lớn
sách lịch đến các địa phương khắp nước quả không phải là việc đơn giản. Vì vậy,
triều đình phải tìm một giải pháp khác.
Năm 1809, vua Gia
Long định rằng từ nay, hàng năm các cơ quan và các địa phương báo cáo về Bộ Hộ
số lịch cần dùng, theo tiêu chuẩn đã định. Bộ Hộ căn cứ vào đó để dự trù vật
liệu (giấy, mực). Khâm Thiên Giám ở Kinh đô chịu trách nhiệm in và phân
phối lịch cho triều đình và các tỉnh từ Miền Trung từ Thanh Hóa vào cho đến
Bình Thuận. Bắc thành, sau này là Hà Nội, chịu trách nhiệm in và cấp phát lịch
cho các tỉnh Miền Bắc, từ Ninh Bình trở ra đến tận biên giới Trung Hoa; Gia
Định thành, sau này là Phiên An/Gia Định, lo việc in và cấp phát lịch cho 6
tỉnh Nam kỳ. Khoảng đầu tháng Tư, Bắc thành /Hà Nội và Gia Định
thành/Phiên An sẽ phái người về Khâm Thiên Giám nhận bản thảo lịch hiệp kỷ
năm tới, đem về khắc bản in rồi chiếu theo số lượng cần dùng đã định
của các trấn/tỉnh mà in ra phần ruột, để sẵn đó.Đến tháng 10, các thành
lại phái nhân viên về Khâm Thiên Giám nhận số bìa lịch màu vàng, có đóng ấn
vua, dành cho loại bửu (bảo) lịch hoặc ấn Khâm Thiên
Giám cho loại giám lịch để đem về đóng hoàn chỉnh. Đến ngày cuối năm,
khi ở Kinh làm lễ Ban Sóc thì các trấn (tỉnh) làm lễ thọ lịch,
sau đó mới phân phối lịch đến các địa phương. Quan lớn thì nhận được nhiều lịch
hơn quan nhỏ, với số lượng bửu lịch và giám lịch được qui định rõ ràng chứ
không phải muốn lấy bao nhiêu cuốn cũng được. Quan Nhất phẩm được lãnh 2 cuốn
bửu lịch và 3 cuốn hiệp kỷ. Quan Nhị phẩm được lãnh 1 cuốn bửu lịch và 2 cuốn
hiệp kỷ. Tam, Tứ phẩm ấn quan được lãnh mỗi thứ một cuốn. Còn từ thuộc viên trở
xuống cho đến xã thôn và các nơi khác chỉ được cấp một cuốn lịch hiệp kỷ mà
thôi.
Vua ban sắc cho chư
thần, nghĩa là quyền lực của vua trên chư thần, và cái ấn của vua là thể hiện
quyền lực đó. Vì vậy, dân gian tin rằng dấu ấn của vua có năng lực trừ tà
ma. Sở hữu một cuốn bửu lịch, người ta trân trọng gìn giữ như lọai
bùa để trấn an trong nhà. Khi nhà nào có người chết nhằm ngày trùng, lúc khâm
liệm người ta phải xin bùa của nhà chùa hay kiếm thầy pháp cao tay ấn xin
bùa để yểm trừ thần Trùng; lúc đó mà có được tờ bìa cuốn
bửu lịch với dấu ấn Hiệp Kỷ Lịch Chi Bửu của vua để đắp lên mặt người
quá cố thì gia đình yên tâm vô cùng.
Thời còn vua, mỗi
năm in hàng chục ngàn cuốn lịch như thế, và chế độ quân chủ cuối cùng của Việt
Nam mới chấm dứt cách đây có 71 năm (2016-1945) vậy mà ngày nay, người sưu tập
sách cổ tìm cho ra một cuốn giám lịch để biết mặt mày nó ra sao, cũng không
phải dễ, nói chi tới cuốn bửu lịch có đóng ấn vàng của vua. Đúng là “vang bóng
một thời”.
---------------------------
- Cựu Thanh tra Giám Sát Viện Quân Khu 1
(Việt Nam Cộng Hòa)
- Cựu tù nhân chính trị Quảng Nam -
Đà Nẵng
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÙA XUÂN QUEN NHAU
của Hoàng Thị Thơ, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
VÕ HƯƠNG AN
(tên thật: Võ Văn Dật)
Cư trú tại: San Jose, Hoa Kỳ.
Email: huonganvo@yahoo.com
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.11.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét