CÁCH ĐƯA RA CÂU HỎI XÁC ĐÁNG - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Ứng xử giao tiếp:
CÁCH ĐƯA RA CÂU HỎI
XÁC ĐÁNG
*
Trong giao tiếp, ứng xử, việc hỏi và đặt ra những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng thực chất thì không phải như vậy. Việc đặt ra một câu hỏi rõ nghĩa, dễ hiểu, mang tính sắc sảo thực ra rất quan trọng và rất khó. Hỏi thế nào để người nghe hiểu nhanh và chính xác, hỏi thế nào để người ta chỉ có thể trả lời mà không thể hỏi lại mình được, hỏi thế nào để đạt được mục đích của mình mà người khác không thể không cảm phục… là một nghệ thuật cần phải học hỏi.
Một triết gia đã nói rằng: “Ranh giới cao nhất của người có tài ăn nói chính là việc đưa ra câu hỏi một cách xác đáng”. Cũng cùng một yêu cầu, nhưng đưa ra câu hỏi khác nhau thì hiệu quả đạt được cũng rất khác nhau.
“Trông mặt mà bắt hình dong”, việc đưa ra câu hỏi cũng giống như vậy, tuỳ mỗi người mà đưa ra câu hỏi sao cho hợp lý với người đó.
Những câu hỏi đáng lẽ ra chỉ giành cho người già thì lại hỏi cho một cô gái, đó chẳng phải là sai lầm và hết sức dại dột sao? Bạn phải biết rằng con gái họ không thích ai, nhất là nam giới hỏi “năm nay cô bao nhiêu tuổi?” Vì tuổi tác nói lên sự già nua của con người. Thế nhưng câu hỏi ấy lại rất thích hợp với các cụ già, những người muốn khẳng định mình đã có nhiều kinh nghiệm của trường đời.
Thực ra, nói chuyện là một cuộc chuyền bóng và hỏi là một khâu chuyền. Nếu một trong hai bên không thực hiện chuyền thì cuộc chuyền bóng đó sẽ chết. Cuộc nói chuyện có được duy trì một cách hứng thú, những câu trả lời có được thoả mãn hay không phụ thuộc rất nhiều vào câu hỏi.
Nếu như một anh chàng đang rất muốn mời cô gái mình thích đi chơi nhưng lại chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, cuối cùng lại nghĩ ra một câu hỏi “Trời đẹp nhỉ?” Một câu hỏi cụt ngủn của chàng trai cũng chỉ khiến cô gái trả lời được một từ duy nhất, đủ thông tin “vâng”. Nhưng nếu như anh ta lại thay bằng câu: “Trời đẹp thật đấy. Em có nghĩ là mình nên đi đâu đó chơi cho thoải mái không?” Thì có lẽ câu chuyện giữa hai người sẽ thú vị hơn nhiều. Đây là một dạng của câu hỏi mở, để tiếp tục vấn đề.
Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, sự kiện khác nhau mà bạn sử dụng dạng câu hỏi khác nhau cho phù hợp. Còn có mấy dạng câu hỏi đặc biệt như sau:
Câu hỏi thẳng:
Bạn phải trực tiếp đưa ra câu hỏi mà bạn đang muốn tìm hiểu: Thực sự với mình đề thi này quá khó, cậu có thể cho tớ xem kết quả một chút được không?... Chẳng phải vòng vo, rào trước đón sau thì mới đi vào vấn đề nhờ vả.
Câu hỏi phản vấn:
Đó là đưa ra câu hỏi từ phản diện, khiến đối tượng bắt buộc phải trả lời.
Câu hỏi khía cạnh:
bắt đầu từ một khía cạnh nào đó của vấn đề, thông qua kiểu “nói cạnh nói khoé, nói bóng nói gió” để đi tới vấn đề chính.
Câu hỏi truy xét:
Đó là dựa vào cuộc nói chuyện của đối tượng, để hỏi đến cùng sự việc.
Tất nhiên không phải người nào cũng sẽ sẵn sàng để trả lời câu hỏi của bạn mà vì lý do này lý do kia thoái thác “vấn đề ấy tôi cũng không rõ lắm”, “tôi không hiểu ý của anh’. Ví như bạn hỏi bạn trai: “Tối qua anh đi đâu mà em liên lạc mãi không gặp?” Rất có thể anh chàng không muốn trả lời thật nên đã vòng vo “Em liên lạc với anh à, có chuyện gì vậy em? Em có thể nói cho anh nghe bây giờ được không?”…
Chính vì thế bạn phải linh hoạt trong cách lựa chọn câu hỏi để người trả lời không thể lẩn tránh câu trả lời được.


Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẠY NGAY ĐI
của Sơn Tùng MTP, qua tiếng hát Sơn Tùng MTP:

 
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                                            .
.
                                            .


.

..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét