MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI - Tác giả: Đặng Chương Ngạn ; Nguyễn Tuấn Hùng giới thiệu

2 comments

 


MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI



(Tác giả Đặng Chương Ngạn)

Báo ViẹtNamNet đã đầu tư tổ chức một cuộc thi rất hay. Tôi tin họ luôn mong muốn có một kết quả tốt đẹp để tác giả, bạn đọc tâm phục, khẩu phục.

Ban Tổ chức cuộc thi có những sự luộm thuộm, nhưng hẳn họ cũng luôn mong đợi như vậy.

Một kết quả thi công bố mà gây ra sự phản đối từ nhiều phía do ai: Hẳn lỗi đó thuộc về Hội Đồng Ban Giám khảo cuộc thi, những vị đã được báo VietNamNet và Ban Tổ chức cuộc thi tin tưởng và giao phó việc chấm thi.

Hội đồng Ban giám khảo chung kết cho cuộc thi theo thông tin trên VietNamNet gồm 5 vị:

1 - Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam;

2 - Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam;

3 - Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh;

4 - Ông Bùi Thạc Chuyên - Đạo diễn;

5 - Ông Trương Minh Huyền Vũ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển văn thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi muốn thưa với Ban giám khảo rằng: họ đã chấm sai một số giải của cuộc thi, một số giải cao bài thi lẽ ra không được đưa vào chung khảo, một số giải thấp lẽ ra phải được chấm cao hơn.

Theo quy chế đã công bố trên báo VietNamNet: Câu chuyện phải là CÂU CHUYỆN CÓ THẬT và cái dòng sông tác giả viết về phải là dòng sông HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.

Về thể loại quy chế quy định: bút ký, nhật ký, tản văn, phản ánh, phóng sự…Ở đây với tất cả thể loại này đã bị quy chế ràng buộc CÂU CHUYỆN CÓ THẬT nên các tác phẩm dự thi tất nhiên sẽ phải là phi hư cấu.

“THẬT’ có lẽ là tiêu chí chính của cuộc thi nên nó được nhắc đến nhiều lần trong quy chế. Ở vòng chấm giải chung kết, quy chế nhắc lại: “20 bài dự thi vào vòng chung khảo sẽ được Hội đồng Ban giám khảo xem xét chấm điểm theo các tiêu chí: TÍNH CHÂN THỰC, tính đại diện và tính sáng tạo (trong ý tưởng và cách kể chuyện).”

Rất nhiều tác phẩm dự thi đã bám rất sát quy chế này:

Điển hình có thể kể: Khơi dòng Thiên Đức của Trần Vi Anh, Sông Gianh đi qua đời tôi của Lương Duy Cường, Tìm lại một dòng sông đã chết của Trung Sỹ, Ngược sông Rào Nậy của Nguyễn Hồng Lam; Thăm thẳm sông Dinh của Nguyễn Hữu Tài, Biên niên ký dòng sông quê tôi của Nguyễn Quang Lập, Sông và bến của Gia Bảo, Sông đáy quê tôi của Nguyễn Như Phong, Ngược miền gái đẹp của Mai Nam Thắng, Một đời người qua mấy dòng sông của Nguyễn Thị Hậu…

Đó đều là những con sông tác giả gắn bó: Họ sinh ra ở đó, họ lớn lên ở đó, hoặc tác giả từng có thời gian sinh sống ở đó, làm việc, công tác… nơi con sông mà họ viết tới.

Con sông gắn với rất nhiều ký ức, kỷ niệm với họ.

Và, họ mong ước sự thay đổi, họ đề nghị những giải pháp, kiến nghị tương lai cho con sông của mình...

 

CÁC VỊ BAN GIÁM KHẢO ĐÃ CHẤM SAI GIẢI NHẤT!...

Giải nhất cuộc thi đã được Ban giám khảo chấm cho tác phẩm: LÒNG TÀU, NƠI CON SÔNG Ở LẠI của nhà văn Tống Phước Bảo.

Tôi rất quý nhà văn Tống Phước Bảo, đó là một nhà văn trẻ đầy tài năng, một cây bút nội lực dồi dào, ý tưởng mới mẻ, văn phong cuốn hút. Tống Phước Bảo là một cây viết khoẻ, đa năng… Tôi tin trong một tương lai gần Tống Phước Bảo sẽ giành được giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm cho tác phẩm của mình, và là một trong những nhà văn trẻ Việt Nam có tác phẩm vượt ra ngoài biên giới…

Tống Phước Bảo đã giành được nhiều giải thưởng văn chương có giá trị và vì vậy, có lẽ, Tống Phước Bảo không quan tâm gì nhiều đến giải thưởng của cuộc thi này.

Thưa Ban giám khảo, các vị có thể chờ để trao cho nhà văn Tống Phước Bảo những giải thưởng lớn hơn, giá trị hơn, nhưng ở cuộc thi nhỏ này, cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”, các vị không thể trao cho “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” giải nhất được.

Tôi tạm tóm tắt bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” như sau:

Một buổi sáng (có lẽ khoảng 9h) tác giả lên ca nô xuất phát từ bến Bạch Đằng, đấy cũng là lần đầu tiên tác giả ngắm thành phố từ sông (ô, vậy, tác giả chưa bao giờ đi thuyền, tàu trên con sông nào của thành phố chăng?) và là lần đầu tiên trong đời mình tác giả đi đến sông Lòng Tàu. Ca nô đưa tác giả từ sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, ra sông Lòng Tàu. Tác giả tả cảnh sông và kiến trúc hai bên bờ sông. Đến đây, tác giả nhập vào dòng chảy lịch sử kháng chiến chống Mỹ với người anh hùng Lê Bá Ước (dung lượng khoảng 850 từ /2000 từ bài thi) và nội dung này tác giả lấy từ nguồn tư liệu để viết. Sau 1h30 phút xuôi sông Lòng Tàu, tác giả thăm ấp đảo Thiềng Liềng. Tác giả có lẽ đã nghỉ ăn trưa ở đây, đến xế chiều thì theo ca nô đến núi Giồng Chùa. Tác giả tả cảnh ấp đảo Thiềng Liềng, viết về nghề muối và thuỷ sản ở ấp đảo Thiềng Liềng và núi Giồng Chùa khoảng 450 từ. Rồi có lẽ, tác giả theo ca nô quay trở về bến Bạch Đằng.

Hành trình kết thúc trong một ngày.

Bài thi được viết như bài báo cáo kết quả một chuyến đi thực tế.

Con sông LÒNG TÀU của tác giả Tống Phước Bảo:

- Không phải là nơi tác gỉa sinh ra;

- Không phải là nơi tác giả đang sống;

- Không phải là nơi tác giả từng công tác, từng làm việc…

- Không là quê hương của bạn bè, người yêu trong mộng của tác giả, hay đối tác làm việc…

Đến 40 tuổi, chưa một lần tác giả đặt chân đến đấy.

Lần đầu tiên, tác giả biết đến sông Lòng Tàu là đi khảo sát để viết bài thi này và có lẽ tất cả thời gian tác giả có với con sông chỉ trong 3-4 h đồng hồ của hành trình.

Con sông đó không có trong kỷ niệm, hồi ức riêng tư của chính tác giả (trong bài thi không có một dòng về điều này), không có một trải nghiệm riêng tư nào với tác giả (trong bài thi thể hiện rõ điều này). Nguồn tư liệu tác giả viết về sông chủ yếu về giai đoạn chống Mỹ với người anh hùng Lê Bá Ước có thể dễ dàng tra google.

Chắc chắn sông LÒNG TÀU chưa TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI với tác giả.

Nó khác xa một trời một vực với SÔNG của các tác giả khác: sông của Nguyễn Quang Lập là con sông, ông ấy gắn bó từ bé thơ, từ khi chưa biết đi; Sông của Nguyễn Hồng Lam là nơi nhà báo đến và đi với bao phận người trong mấy chục năm; Sông của Nguyễn Thị Hậu là những dòng sông đã gắn bó với công việc, với những khoảng đời của tác giả; Sông của Trung Sỹ là những kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm thời đi học, là ký ức về những trận lũ; Sông Đuống trong ký ức của Trần Vi Anh là lũ, là mưu sinh tuổi thơ, là những vụ mùa; Với Lương Minh Cường là những lần trốn học chơi với sông, là chiếc quan tài của người bác nổi lềnh bềnh trên mặt nước…

Những con sông ấy khi đọc đến chúng ta bồi hồi xúc động, chúng ta rưng rưng nước mắt, có thể độc gỉa sẽ khóc với kỷ niệm, ký ức…của tác giả.

Đó là “THẬT” là những con sông ĐÃ GẮN BÓ TRONG ĐỜI HỌ…

Trong bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” tác gỉa có một dung lượng khoảng 300 từ cho những cảm xúc, suy nghĩ của mình về sông, nhưng cũng không nói gì nhiều đến: “Những mong muốn, dự định, ý tưởng của người dự thi để thay đổi cuộc sống bên dòng sông, bằng việc khai thác tiềm năng về cảnh quan, thuỷ hải sản… của dòng sông quê hương.” là một nội dung thể lệ cuộc thi đề cập tới.

Các tác giả khác, ở một số bài thi khác, đã thể hiện tốt điều này: Trần Vi Anh đã dùng 500 từ cho ước mơ, cho mong muốn, cho tương lai dòng sông Đuống, tác gỉa Trung Sỹ cũng có những đề nghị, giải pháp cho dòng sông Hồng của ông, Mai Nam Thắng mong muốn mở tuyến du lịch trên sông về miền gái đẹp; Nguyễn Nhu Phong cảnh báo về nạn ô nhiễm, và cất tiếng kêu cứu cho môi trường…

Với những gì đã viết ở trên, từ văn bản bài thi và Thể lệ cuộc thi, tôi nghĩ bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” không thể được chấm gỉai nhất cuộc thi này khi nằm bên những bài thi khác…

(Tác giả thua vì không có một con sông gắn bó. Còn nếu, có được một con sông như các tác giả khác, tôi tin với kỹ năng của mình Tống Phước Bảo sẽ chiến thắng. Có những cuộc thi chúng ta không thể tham gia vì chúng ta thiếu điều kiện cần, như tôi bây giờ nếu báo Phụ Nữ thi: Viết 500 từ kinh nghiệm nuôi con học đại học…tôi sẽ bó tay)

Thưa ban giám khảo. Không chỉ tôi, rất nhiều nhà văn khác qua tin nhắn đều bày tỏ sự quá đỗi ngạc nhiên trước kết qủa chấm thi của quý vị. Chúng tôi không biết căn cứ trên những tiêu chí nào quý vị chấm như vậy.

Một cách minh bạch, như tôi đã thấy ở các cuộc thi âm nhạc nước ngoài, tôi rất mong các thành viên Ban Giám khảo công khai bảng chấm điểm của mình cho tác phẩm giải nhất, cũng như các tác phẩm khác…với cộng đồng, ít nhất với những người đã tham gia cuộc thi này.

Đó là tiếng tăm, là danh dự, uy tín của quý vị, không chỉ bây giờ, mà về cả sau này…

 

CÁC VỊ BAN GIÁM KHẢO ĐÃ VINH DANH SAI GIẢI NHÌ

Bài thi “Sông Sài Gòn, sâu dòng lịch sử, rộng lòng nghĩa nhân” rất mờ nhạt về: “Những kỷ niệm, hồi tưởng, ký ức, câu chuyện có thật của người dự thi về dòng sông quê hương hay bất kỳ một dòng sông nào đó trên đất Việt mà họ đã từng gắn bó trong đời.”, chủ yếu tác giả tả cảnh sông Sài Gòn, viết về sông qua câu chuyện của người khác và tư liệu.

Phần “Những mong muốn, dự định, ý tưởng của người dự thi để thay đổi cuộc sống bên dòng sông, bằng việc khai thác tiềm năng về cảnh quan, thuỷ hải sản… của dòng sông quê hương.”, tác giả viết với dung lượng khá lớn, nhưng cũng chỉ là liệt kê kế hoạch phát triển sông Sài Gòn từ chính quyền.

Đinh của bài viết, điểm tựa của bài viết là nhân vật: “hai vợ chồng già, họ chắc đã ngoài 60” là chủ một xe nước, tác giả gặp trong đêm, bên sông Sài Gòn. Nếu không có hai nhân vật này, bài viết sẽ thiếu đi sự dẫn dắt hấp dẫn, sự quan tâm của độc giả. Nhân vật: người đàn ông này “hồi xưa gia đình ở trên đất, rồi biến cố, ông theo ghe xuồng chở hàng đi khắp nơi”. Bà thì vì gia đình làm ăn thất bát, phải bán nhà, xuống ghe ở, lênh đênh cuộc sống trên sông nước. Ông quyết định đi ghe, buôn bán để tìm gặp lại bà. Họ thất lạc nhau 20 năm mới gặp lại. Họ chờ đợi nhau, đều chưa lập gia đình. Cuối cùng họ đã được sống hạnh phúc bên nhau. Họ lên bờ nhưng vẫn sống bên sông Sài Gòn cho gần sông nước.

Bài thi mở đầu bằng sự mở lời của người đàn ông: “Sài Gòn thoắt cái nhìn không ra” và kết thúc khi tác giả với ông bà bán cà phê ngưng câu chuyện, chia tay nhau...

Đó là một câu chuyện tình cảm động, gắn với sông nước, gắn với con sông Sài Gòn.

Đánh giá một bài thi hay, hấp dẫn có thể khác nhau về nhận định của từng người, nhưng xem xét một bài thi về nghiệp vụ báo chí sẽ dễ có sự thống nhất.

Theo quy chế cuộc thi, các bài viết phải là phi hư cấu: nhân vật, địa điểm, các tình tiết câu chuyện phải là thật.

Thể lệ cuộc thi quy định về việc chấm giám khảo như sau: “Vòng chung khảo diễn ra từ 2/7/2024 tới 22/7/2024. 20 bài dự thi vào vòng chung khảo sẽ được Hội đồng Ban giám khảo xem xét chấm điểm theo các tiêu chí: TÍNH CHÂN THỰC, tính đại diện và tính sáng tạo (trong ý tưởng và cách kể chuyện).

TÍNH CHÂN THỰC, được coi là tiêu chuẩn hàng đầu của cuộc thi “Câu chuyện những dòng sông”

Và đó là điều tất nhiên với ký, phóng sự, nhật ký, ghi chép…phi hư cấu. Có thể chục năm sau, thậm chí 30-50 năm sau, khi ai đó cầm trên tay tập “Chuyện của những dòng sông”, nếu họ muốn tìm một nhân vật, một địa danh nào được các tác gỉa đề cập đến trong bài viết đều có thể tìm được. Qua Quản Lộ - Phụng Hiệp, muốn tìm gặp bà lái đò: Nguyễn Thị Kim Huê thì chắc chắn sẽ tìm gặp được, hoặc ít nhất sẽ được biết: bà đã mất, hay bà đã chuyển chỗ đi nơi khác. Nhưng, nếu người dân khẳng định rằng, ở đây khóm 2, phường 1, thị xã Ngã Năm không có bà Nguyễn Thị Kim Huê nào cả, thì bài ký “Buồn vui bên dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp” sẽ sụp đổ.

Cũng vậy, một nhà hảo tâm nào đó, khi đọc “Ngược sông Rào Nậy”, cảm động, cám cảnh cho cuộc sống của nhân vật Viên và Phong muốn trao cho họ một món quà. Nhà hảo tâm tìm đến Xóm Thanh Lạng, xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá sẽ có người dẫn đường cho ông đến được nơi Viên, Phong đang sinh sống. Nhà hảo tâm đến đây và một lần nữa, ông có thể sẽ khóc khi chứng kiến sự mưu sinh khốn khổ của Viên, của Phong…Nhưng nếu đến Thanh Lạng, nhà hảo tâm không tìm được hai nhân vật Viên, Phong thì tác giả Nguyễn Hồng Lam, phải từ bỏ nghề viết báo...

Trở lại bài thi “Sông Sài Gòn, sâu dòng lịch sử, rộng lòng nghĩa nhân” lẽ ra ngay khi biên tập, báo VietNamNet cần liên hệ ngay với tác giả yêu cầu bổ sung họ tên, địa chỉ... của hai nhân vật ông bà già bán quán nước trong bài viết để đảm bảo tính chân thực của câu chuyện.

Tác giả đã sơ ý, Ban Biên tập không bổ sung, thì khi mang ra chấm chung khảo Ban giám khảo nên căn cứ vào Thể lệ “tính chân thực” nên để bài viết này lại. Một bài viết được giải cao phải là mẫu mực nên không thể chấp nhận một tác phẩm phi hư cấu thiếu đi những thông tin bắt buộc đối với các nhân vật trong bài viết mà nhà báo nào khi đi viết phóng sự, viết ký …đều nhập tâm điều ấy. Đấy thuộc về nghiệp vụ sơ đẳng của một tác giả đi viết bài phóng sự, ký, ghi chép…phi hư cấu.

Nếu quả thật, có hai ông bà bán quán nước bên sông Sài Gòn, tìm kiếm nhau 20 năm…thì bài thi cũng đáng bị đánh trượt về nghiệp vụ;

Còn nếu hai nhân vật kia không có thực, nó được tác giả sáng tác ra thì vấn đề sẽ đi rất xa…

*

Đã có nhiều bài học về nhân vật hư cấu trong báo chí.

Nổi bật là câu chuyện về nhà báo Stephen Glass người đã hư cấu nhiều nhân vật trong một số bài báo của mình. Stephen Glass không những bị toà soạn sa thải, anh ta phải bồi thường khoảng 200,000 usd cho các báo.

Nhà báo này sau đó đã đi học luật, lấy được bằng tiến sỹ luật, nhưng năm 2014, vẫn bị toà án California tước quyền cấp bằng luật sư vì “Đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng”, cái tội đặt lợi ích cá nhân lên cộng động của Stephen Glass chính là do nhà báo đã hư cấu ra các nhân vật không thực để bài báo của mình hấp dẫn, nhưng đó là những thông tin không trung thực, lừa dối bạn đọc.

*

Tôi hi vọng, tác giả không hư cấu hai nhân vật ông bà bán nước với tình yêu đẹp của họ, ngay bây giờ, tác giả có thể cung cấp họ tên thật, địa chỉ, số điện thoại của ông bà bán nước này, để độc giả ai đó xúc động vì mối tình của họ (hai mươi năm theo sông nước đi tìm nhau) có thể đến gặp để chuyện trò... nhưng cả khi hai nhân vật này là người thực việc thực thì về nghiệp vụ báo chí bài viết đã không đạt được: TÍNH CHÂN THỰC…Một tiêu chí được cuộc thi đề cao khi xem xét các tác phẩm chung khảo.

Tôi nghĩ trong trường hợp này, tác giả không có lỗi, tác giả có thể chưa được đào tạo qua các lớp báo chí, chưa nắm chắc về việc viết bài phi hư cấu. Lỗi ở đây là ban sơ khảo và cuối cùng là Ban giám khảo cuộc thi.

 

PHẢN HỒI Ý KIẾN CỦA TIẾN SỸ NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC HÀ THANH VÂN.

Tôi viết mục này để phản hồi một sô ý kiến của Tiến sĩ Nhà Nghiên cứu Phê bình văn học Hà Thanh Vân vừa đăng trên trang của chị ấy có nói về một số nội dung bài viết của tôi.

Chị Hà Thanh Vân là một người tham gia cuộc thi và chị đã được giải ba với bài viết: “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.

 

I - VỀ KHÁI NIỆM DÒNG SÔNG TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.

Về khái niệm dòng sông gắn bó, nội dung đề thi của VietNamNet như sau: “Những kỷ niệm, hồi tưởng, ký ức, câu chuyện CÓ THẬT của người dự thi về dòng sông quê hương hay bất kỳ một dòng sông nào đó trên đất Việt mà HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.”

Theo tôi hiểu, và theo rất nhiều nhà văn bạn đọc khác tôi hỏi ý kiến, họ đều hiểu dòng sông ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI có thể là dòng sông nơi tác giả sinh ra, dòng sông nơi tác giả từng sinh sống, từng công tác, hay dòng sông gắn với ký ức, kỷ niệm, câu chuyện trong đời tác giả…

Và, vì vậy, một dòng sông cả đời tác giả mới đặt chân đến lần đầu như một nhà báo đi tìm hiểu để viết bài …không thể coi là dòng sông đã từng gắn bó trong đời.

Hà Thanh Vân cho rằng: “Bản thân tôi thì không cho là như vậy. Tôi cho rằng từ “gắn bó” bị hiểu sai nghĩa. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2003 định nghĩa “gắn bó” là “có quan hệ hoặc làm cho có quan hệ về tinh thần, tình cảm khó tách rời nhau” (trang 374). Đây là cuốn Từ điển về tiếng Việt được giới ngôn ngữ học đánh giá là chuẩn nhất hiện nay, là một công trình khoa học do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học - cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của Giáo sư Hoàng Phê. Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005. “Từ điển tiếng Việt” xuất bản lần đầu năm 1988, đến nay được tái bản nhiều lần.

Nói như vậy thì chỉ cần có tình cảm gắn bó với một nơi nào đó, ở đây, cụ thể là một con sông nào đó, đủ sức tạo nên những cảm xúc, cảm thấy lưu luyến, thì người viết đều có thể viết. Cách dùng từ trong thể lệ của Vietnamnet như vậy có nghĩa là hàm ý rất mở, tạo ra không gian sáng tạo cho người dự thi. Cho nên việc cố gò ép khiên cưỡng vào câu chữ để bắt bẻ là một điều không cần thiết.

Vâng, định nghĩa cho từ “gắn bó” trong từ điển có thể là như vậy, nhưng trong nội dung thể lệ cuộc thi cụ thể này thì khó có thể hiểu như thế, nếu theo cách hiểu của Hà Thanh Vân tất cả các dòng sông không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, tác giả đều có thể nói con sông ấy gắn bó với mình vì mình đã từng nghĩ về nó, học về nó…

Tôi sẽ gắn bó với cả dòng Sông Amazon ở Nam Mỹ dù cả đời chưa nhìn thấy nó, chưa chạm vào mặt nước của sông.

Và, nếu tinh thần thể lệ là như vậy, ViệtNam Net không cần viết quá dài dòng, nhấn mạnh đến CÂU CHUYỆN CÓ THẬT và cụm từ HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI, đơn giản, thể lệ cuộc thi chỉ cần ghi: “Viết về một con sông Việt”.

Rồi, cứ cho lập luận của Hà Thanh Vân là đúng, thì dòng sông Amazon mà tôi viết về nó sao có thể THẬT được bằng những người dân Nam Mỹ từng sinh ra trên con sông đó, tắm nước sông Amazon, từng yêu nhau say đắm trên sông, đẻ con, sống chết với sông.

Cũng như bài viết của Hà Thanh Vân về con sông Đà, nơi lần đầu tiên chị mới đi đến đó, sao có thể GẮN BÓ TRONG ĐỜI hơn con sông của các tác giả khác như sông Gianh với nhà văn Nguyễn Quang Lập, sông Đuống với nhà văn Trần Vi Anh, Sông Nậy với nhà văn Nguyễn Hồng Lam…

Trong cuộc thi này, có hai tác phẩm được giải chính thức, tác giả đều viết về con sông lần đầu tiên trong đời họ đặt chân tới, bài: “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại’ và “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.

 

II - BÀI VIẾT “NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ” VI PHẠM QUY CHẾ THI VÌ VƯỢT 2000 TỪ.

Tôi đã xem rất kỹ, tôi biết “Ngược dòng Nhật Lệ” in trên VietNamNet 2 kỳ, nếu tính theo dung lượng in mỗi kỳ chưa vượt 2000 từ. Do sự luộm thuộm của Ban Tổ chức cuộc thi việc đánh số bài, từng phần của bài, và cả việc trao gỉai thưởng không được rõ ràng về bài thi, tác phẩm...

Thể lệ cũng không thể hiện rõ khái niệm: Tác gỉa, nhóm tác giả, bài, chùm bài…

Theo thể lệ, có thể hiểu: giải được trao cho tác phẩm trọn vẹn và tác phẩm không được viết quá 2000 từ.

Nhiều tác giả, gửi nhiều bài thi, như nhà văn Trương Chí Hùng, khi trình bày trên VietNamNet lấy tiêu đề chung là: CHÌM NỔI NHỮNG PHẬN SÔNG, nhưng thực ra là 5 bài thi riêng về sông của nhà văn. Nhà báo Mai Nam Thắng, có một chùm dự thi gồm 3 bài.

Và, tôi không bao giờ nói: tác phẩm dự thi Chìm nổi những phân sông, dung lượng vượt 10 ngàn từ, hay tác giả Mai Nam Thắng có bài viết vượt 6000 từ vì các bài viết của họ là những bài thi độc lập, mỗi bài thi là một tác phẩm có thể đứng riêng, không phụ thuộc vào nhau.

Nhưng “Ngược dòng Nhật Lệ” thì khác, in hai kỳ, VietNamNet đặt tên bài 1, bài 2, nhưng thực ra phải gọi đúng tên là phần 1, phần 2 của một tác phẩm.

Và, vì vây, tôi đã tính cho MỘT TÁC PHẨM dung lượng bài viết lên đến hơn 3700 từ nên đó là một tác phẩm dự thi phạm quy.

Với cấu tứ của bài viết, cố tình tách ra làm 2 tác phẩm để nói rằng mỗi bài viết chưa vượt 2000 từ cũng không được: Câu chuyện được tác giả khởi đầu với hình tượng GIỌT NƯỚC: “Hồi bé, tôi thích câu chuyện hành trình của giọt nước: Giọt nước sinh ra từ đại dương…” …. Giọt nước ấy hành trình suốt tác phẩm này, nó chỉ hoàn tất, kết thúc ở phần 2 (ViẹtNamNet-đặt tên bài 2): “Thế là tôi thoả mãn giấc mơ thuở bé, theo hành trình của một giọt nước tìm về cuội nguồn của dòng sông Nhật Lệ, con sông yêu thương của tôi và của biết bao người

Ở đây chỉ có một tác phẩm dự thi hoàn chỉnh, không thể tách làm hai tác phẩm độc lập, riêng biệt, đó là tác phẩm NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ và tác phẩm này có dung lượng trên 3700 từ!

*

Cũng về số lượng từ theo quy định: Nhiều nhà văn cho rằng “Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt” cũng đã phạm quy. Bài viết này có tổng trên 2200 từ, vượt quy định hơn 200 từ.

Tôi thì cho rằng sai sót trong phạm vi mấy trăm chữ nên bỏ qua vì nhà văn khi viết bài khó căn chỉnh chính xác từng từ.

Và, có những dòng không thể thiếu trong mạch cảm xúc.

Nhưng nhiều nhà văn nói rằng, theo quy chế, thì đó là là một sự chênh lệch lớn về từ.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, đã có trường hợp bị tước mất giải nhì vì vượt quá quy định có 87 chữ, đó là trường hợp nhà văn Đào Ngọc Vinh trong cuộc thi Cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014. Thể lệ quy định 5000 chữ, truyện của Đào Ngọc Vinh 5087 chữ, dư đúng 87 chữ!

Theo tôi, đây là trường hợp, áp quy chế quá máy móc…

 

III - TÁC GIẢ TÁC PHẨM “NGƯỢC DÒNG NHẬT LỆ”.

Bạn đọc, những người không tham gia cuộc thi như tôi, những người không biết gì về tác giả, về việc bếp núc của Ban Biên tập, chỉ có thể đọc , xem bài viết trên văn bản.

Ở bản in đầu tiên trên VietNamNet chỉ có tên tác giả TRẦN HỒNG HIẾU, không hề ghi là nhóm tác giả, bắt buộc chúng ta hiểu đúng: tác phẩm chỉ có một tác giả là TRẦN HỒNG HIẾU.

Cũng có những bài thi của nhóm tác giả, như NHỊP ĐIỆU SÔNG LÔ, ViẹtNamNet ngay khi in đã ghi rõ: “Nhóm tác giả: Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng”.

- Khi in sách tác phẩm Ngược dòng Nhật Lệ vẫn ghi: tác giả Trần Hồng Hiếu.

(Bên Nhịp điệu sông lô in sách ghi rõ: Nhóm tác giả: Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng)

Nhưng khi trao giải thưởng thì công bố: Giải nhì Ngược sông Nhật Lệ: NHÓM TÁC GIẢ TRẦN THỊ HỒNG HIẾU - ĐOÀN XUÂN HOÀNG.

Từ đâu, xuất hiện thêm tác giả: TRẦN XUÂN HOÀNG.

Độc giả, người ngoài cuộc, bắt buộc đọc trên văn bản và ngạc nhiên về điều này.

Tác giả Trần Xuân Hoàng từ đâu ra?

Sự kiện làm cho cuộc thi trở nên không minh bạch, không phải là lỗi của tôi và các độc giả!?

---------

P/S: Tôi xin nhắc lại lần nữa, các tác giả thi không có lỗi. Họ có quyền nhận và giữ giải đã công bố. Các tác giả không hề làm gì sai.

Lỗi ở Ban Tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi.

Và bài viết này cũng nhằm mục đích hướng tới các cuộc thi được tổ chức đàng hoàng, minh bạch. Để người thi, người được giải, độc giả đều vui, đều là người chiến thắng.

Tôi xin lỗi các tác giả vì đã nói tới, hay trích bài các bạn!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Yếu tố đồng tính trong thơ Đỗ Anh Tuyếnl

- Thơ Trần Đức Tín - Vài trao đổi với Vũ Thị Hương Mail

- Chuyện vụn ngày đầu năm 2024l

- Phùng Hiệu “sửa thơ” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đọc Nguyễn Xuân Dương bình thơl

- Thầy phong thủy Bùi Đồng và những comment bình thơl

- Chuyện về thầy xem tướng Bùi Cao Thếl

- Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyểnl

- “Tưng tửng” 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl

- Tản mạn chuyện giới tính của “sao”l

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

“CÔ” VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Nguyễn Tuấn Hùng giới thiệu

Tác giả: Đặng Chương Ngạn - nguồn: facebook Đặng Chương Ngạn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

2 nhận xét:

  1. Ả Hà Thanh Vân này xấu người xấu cả nết. Nhìn bản mặt của ả không thấy tẹo gì có nét của NGƯỜI cả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con Hà Thanh Vân này là les đấy chỉ thích tình dục với đồng giới thôi

      Xóa