(Nhà thơ Phapxa Chan) |
ĐÔI ĐIỀU VỀ PHAPXA CHAN
*
(Nhà thơ Giáng Vân) |
Phapxa Chan chỉ mới bắt đầu viết những câu thơ đầu
tiên cách đây chừng hơn một năm. Tuy nhiên, ngay từ những bài thơ đầu tiên của
Phapxa Chan đã làm tôi sửng sốt. Bởi một ngôn ngữ thơ tinh tế, chính xác và
đẹp. Bởi các hình ảnh thơ độc đáo, và những suy tưởng đầy bất ngờ, tươi trong
và đủ độ sâu của một trí huệ. Thơ Phapxa Chan làm tôi nghĩ đến một nguồn suối
vừa phát lộ, tinh khôi, tuôn tràn mạnh mẽ, mà không hề biết đến mình ẩn chứa
một năng lượng tràn đầy đến thế. Và anh viết như thế, mỗi ngày.
Trước đây, khi còn rất nhỏ, số phận đặc biệt của
Phapxa Chan đã dẫn anh cùng người mẹ vào chùa đi tu. Cũng sự dẫn dắt của số
phận, Phapxa Chan trở thành học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng một bạn
tu đồng niên, là nhà thơ Pháp Hoan. Trong chùa, ngoài thời gian tu tập, cả hai
đọc và say mê con đường và các tác phẩm của thầy, đặc biệt là những bài thơ.
Không chỉ là một thiền sư có một ảnh hưởng baao trùm, thầy Thích Nhất Hạnh,
trong mắt hai chàng trẻ tuổi còn là một nghệ sĩ lớn. Phapxa Chan tự học nhạc,
học đàn, từ 15 tuổi, anh bắt đầu viết những bản nhạc đầu tiên, phổ thơ của thầy
Nhất Hạnh, với những giai điệu trữ tình, hướng thượng, trong trẻo, thấp thoáng
suy tư, trầm mặc.
Cảm hứng âm nhạc của Phapxa Chan và con đường tự
học, tự tu luyện đã khiến Phapxa đạt những thành quả ít ai ngờ. Chỉ 20 tuổi,
anh đã có trong tay hàng trăm ca khúc, tổ khúc, những bản nhạc viết cho giao
hưởng… Không chỉ phổ thơ thiền sư Thích Nhất Hạnh, anh còn tự viết lời cho các
ca khúc của mình và phổ thơ của bạn tu Pháp Hoan.
Tôi gặp Phapxa Chan đầu năm 2017, trong buổi ra mắt
tập thơ Lịch mùa của nhà thơ Pháp Hoan, tập thơ được tài trợ in ấn bởi Ajar và
Nhã Thuyên. Hôm đó, Phapxa Chan tự đệm ghi ta và hát ba ca khúc mà anh phổ thơ
Pháp Hoan, cử tọa của chương trình hôm đó đã có ấn tượng đặc biệt về chàng trai
trẻ nghệ sĩ này.
Tuy nhiên, sau đó Phapxa Chan khi đã trở nên tin
cậy, nói với tôi rằng, anh đang bắt đầu làm thơ. Nguyên nhân mà anh nói vui, là
làm thơ thì không mất tiền, làm nhạc mất rất nhiều tiền mới dựng được một bài.
Nguyên nhân có vẻ rất buồn cười, nhưng cũng có một
phần sự thật, nhưng có lẽ nhờ đó mà Phapxa Chan mau chóng trở thành một nhà thơ
hơn, như chúng ta biết…
Quay trở lại với thơ Phapxa Chan, nhà thơ Hoàng
Hưng, ngay khi đọc những bài thơ đầu tiên của Phapxa Chan, ông nhận định:
“Hai chiều
hướng hình thành trong thơ Phapxa Chan từ những bài thơ đầu tay này:
Một là tính cổ điển
thăng hoa; không phải cổ điển bó chặt, định hình của các nhà nho, mà cổ điển
của các du tăng, đầy thiền vị, lặng mà vang, hướng tới giải thoát. Hai là tính
ấn tượng đi đến xuất biểu của cảm giác mạnh, gây ám ảnh đa đoan trần thế. Hai
hướng dường như mâu thuẫn lại đan xen trong phần 1 của của tập bản thảo mà tác
giả cho tôi đọc.”
Đúng vậy.
“Nắng rò rỉ vào nhà
làm ướt chân bàn ghế
bằng màu vỏ cam
sân không bao giờ quét
để lá phủ kín thời gian
có ai ở nhà không?
khách dợm bước trước có
– không
ngập ngừng chừng quay
gót”
(Nhà trên núi)
Đoạn thơ này có khí vị của một thứ thơ thiền cổ
điển, nhưng lại tung tẩy, sống động, một thứ hơi thở tươi tắn.
Tươi tắn sống động và vang vọng, một thứ âm thanh
rất sâu bên trong tất cả mọi sự vật đi qua, lướt qua, chạm vào tâm hồn thi sỹ,
khi đó sự vật không còn là nó, nó được soi chiếu bằng ánh sáng của tuệ giác,
xuyên thẳng vào bản chất đời sống. Tôi rất thích những bài thơ thế này của
Phapxa Chan:
“Tinh thể trinh khôi của
cuộc đời là nước mắt
treo trên ngọn trăng
tháng chín
rơi trên ruộng đồng mùa
hạ
ủ trong rêu mốc mùa đông
Tháng mười một đã sắp
qua
người sẽ vén tấm rèm
châu để nhìn ra bờ nước?
loài phiêu sinh ăn mừng
cơn nắng cuối
trước khi bão về…
Ngập ngụa qua đây là
nước mắt vạn tinh cầu
suýt nữa nhận chìm tôi
trong biển cát
cát thấm qua da
xuyên thủng lõi tế bào
Thôi đừng
đừng nói gì nữa cả!
cho tôi chết lịm nơi đây
trên bờ cát
mặc cho trăng
bỏng rát trên da”
(Trên bờ cát)
Sự nhạy cảm quá độ của thi nhân đem đến cho anh ta
sự phiền lụy, anh ta dù muốn giải thoát khỏi cuộc đời, nhưng khả năng siêu cảm
thiên phú khiến anh không thể không buồn, vui, đau thương, khổ não cùng cái
cuộc đời đó. Để anh ta nhận ra “ tinh thể trinh khôi của cuộc đời là nước mắt”.
Mà đã vậy, anh ta phải là nhà thơ chứ sao có thể là
một tu sĩ. Cái mâu thuẫn mà nhà thơ Hoàng Hưng nhìn ra chính là như vậy.
Lần theo dấu vết những câu thơ Phapxa Chan, tràn
ngập sự day dứt, tự vấn, da diết, đau thương nhưng luôn hướng thượng và duy mỹ.
“Tôi – đứa trẻ không
quê, một ngày kia trở lại
tìm thấy xác mình ngâm
trong ruộng đồng ngai ngái
phân rã từ rơm cỏ ủ hoai
trên vết rách giống
loài, máu tôi nở thành hoa trái”
(Tôi)
Hoặc:
“Im đi!
những tiếng chim kia
vườn muốn ngủ
cây lười biếng không
thèm nứt vỏ
giam mầm xuân vào tù
ngục mùa xuân”
(Im đi)
Rồi nữa:
“Người ơi
đến đây
hoàn thiện tôi giùm đi!
vì Người ơi
xem này!
tôi – phải chăng – là
một cánh thiên di?
đã quên mất mình trốn
chạy khỏi điều gì
chốn đến lẽ nào cũng
buồn thảm như bến đi
…
Này Người ơi
đến mở lối cho tôi!
một con đường thoát ra
ngoài lịch sử
thẳng bay lên
một xứ sở không tên”
(Thiên di)
Một nhận định khác của nhà thơ Hoàng Hưng về thơ
Phapxa Chan mà tôi rất đồng ý, đó là:
“Có một điều
nổi bật trong toàn bộ bản thảo Thơ Phapxa Chan: năng lực khai thác chiều siêu
hình, trừu tượng, từ những chi tiết sống – rất hiếm trong truyền thống Thơ Việt.”
“Âm bản xóm làng”, “Dài”
“Dưới
trăng”, “Trên cỏ”, “Gặp người”, “Trò chuyện”… là những bài
xuất sắc của Phapxa Chan trong tập “Giọt”
và cũng đã in trên Văn Việt, khá tiêu biểu so với nhận định trên đây của nhà
thơ Hoàng Hưng.
Xin dẫn:
“Dài
người về từ phố.
cởi xiêm áo. bỗng thấy quãng đường
vừa qua dài như một thập kỷ.
một cái bóng mờ với điểm tiếp nối
hai bàn chân cứ vươn dài mãi cái đầu về bất tận.
như trẻ con nhìn đàn kiến, tìm mãi
con đầu đàn. cái bóng vươn mãi, dài mãi, hút ngược về phố.
người đứng lặng như tượng chết. chỉ
đồng tử còn sống sót, đảo hết biên độ dõi theo cái bóng. những ngón tay bỗng
theo một mệnh lệnh không từ não bộ, nhúc nhích, dài ra, vươn theo cái bóng.
từ ngón giữa bàn tay trái, cả cơ thể
bị kéo theo, dài mãi.
đồng tử bất lực. nhìn. rồi đến lòng
trắng nhìn lòng đen đi trước.
đến lượt lòng trắng ra đi. hốc mắt
nhìn.
hộp sọ cũng mờ dài theo bóng.
chỉ còn cái nhìn nhìn…”
Bút pháp này được sử dụng rất triệt để trong những
bài thơ văn xuôi của Phapxa Chan. Thường là từ một chi tiết, một cảm giác được
phóng chiếu thành một biểu tượng, một ám tượng, đầy ám ảnh và cuốn hút.
Dường như đây là một năng lực đặc biệt, báo hiệu
cho một hướng đi của thơ Phapxa Chan trong tương lai. Điều mà hôm nay, như nhà
thơ Hoàng Hưng, anh ta vẫn còn chưa định hình được một lối viết.
Phapxa Chan còn rất trẻ, tràn đầy năng lượng và
khát vọng khám phá.
Điều quan trọng vẫn là cuộc sống và thơ của anh ta
vẫn còn ở phía trước, mọi bất ngờ vẫn còn chưa dừng lại để chúng ta còn chờ
đợi.
Sự nhất trí của cả Hội đồng giám khảo, 5/5 phiếu,
bầu cho Phapxa Chan cho giải thơ năm nay, cũng là điều vui. Vui nữa là, năm nay
không chỉ có Phapxa Chan, mà còn có nhiều đề cử cho các gương mặt thơ xuất sắc
và bền bỉ khác như Nguyễn Man Nhiên, Jaya K…
*
GIÁNG VÂN
Địa chỉ: Tòa soạn Báo
Giáo Dục & Thời Đại.
29B Ngô Quyền,
quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội.
Điện thoại: 0915549615
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com gửi ngày 05.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Thơ này bình đấy hợp gu
Trả lờiXóaCũng phường chị phó đề lu chống trời