TÂY TIẾN - TUYỆT CHIÊU CỦA QUANG DŨNG - Tác giả: Nguyễn Khôi (Hà Nội)

Leave a Comment


TÂY TIẾN -
TUYỆT CHIÊU CỦA QUANG DŨNG
*
I- Tiểu sử Quang Dũng:
(Nhà thơ Quang Dũng)
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm) sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Tây). Quang Dũng là lấy tên con trai làm bút danh (năm 1952 viết tập ký sự" Đoàn võ trang tuyên truyền Việt-Lào", ký tên là Trần Quang Dũng. Cụ thân sinh là một chức dịch, mẹ là người phụ nữ đảm ven Đô (làm ruộng và buôn bán nhỏ). Gia đình khá giả nên Quang Dũng gửi ra Hà Nội học văn, học võ, học vẽ, học đàn... để sau này,trong lĩnh vực nào anh cũng có những thành tựu đáng kể, trong đó kiệt xuất phải nói là thơ. 
Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945, Quang Dũng được cử làm Phái viên Quân Sự Bắc Bộ, làm công việc cất dấu máy móc quân sự, đi các địa phương tìm mua súng đạn, giành chiếc máy bay Nhật ở Ba Vì. Rồi với tư cách Chính trị viên phó Đại đội Tổng vệ binh Cảnh vệ Khu 2... khoảng cuối năm 1947 anh gia nhập đoàn quân Tây tiến. Sau một thời gian chiến đáu ở Lào trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 51 .Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948, rồi được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ,chưa bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh (Kim Bảng-Hà Nam) thi sĩ bồi hồi viết "nhớ Tây tiến", bài thơ xuất thần viết liền một mạch trong một đêm đẻ trở thành kiệt tác thơ Việt Nam thế kỷ XX. 
Trước Tây tiến, Quang Dũng đã có "Đôi mắt người Sơn Tây" rất nổi tiếng với "Vầng trán em mang trời quê hương/ mắt em dìu dịu buồn tây phương/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trăng lắm...". Về Nhạc thì có "Ba Vì mờ cao" với "từ xa thương nhớ Ba Vì ơi !/ thời gian như muồn phai bóng người/ giang hồ dừng bước/ nhớ nhung Ba Vì ơi!”
Sau Tây tiến còn là "Những làng đi qua", "Vườn ổi", "Em mãi là tuổi 20", "Mây đầu ô",,, cũng như các bài buổi đầu làm thơ "Chiêu Quân", "Cố Quận" đều là nhữn bài thơ hay riêng một chất thơ Quang Dũng. 
Nếu ví Hoàng Cầm (thơ) là tinh hoa của hồn quê Quan họ thì Quang Dũng là "bạch vân thiên tải không du du" là hồn thơ của mây trắng xứ Đoài với "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc? sáo diều khuya khoat thổi đêm trăng" cùng "mây ở đầu ô mây lang thang..." 
Lang thang lãng tử thích ngao du sơn thuỷ đi đó đi đây là kiếp đoạn trường của đời nghệ sĩ... cái tinh thần thượng võ, cái khí, cái thần của người thơ ấy được đúc nên từ lòng yêu que hương xứ sở - yêu đời, đời đẹp như thơ, như đời người chiến sĩ chỉ biết hi sinh, chỉ biết phụng sự lý tưởng và đất nước mà nhà thơ đã đi trọn cuộc đời. 
Nhà thơ Quang Dũng từ trần ở Hà Nội ngày 14-10-1988. Ông đã được Giải thưởng Nhà Nước về Văn học. Bài thơ Tây tiến đã được chọn một đoạn khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) ngày 20-12-1990, và tượng đồng bán thân của Vệ Quốc Quân Quang Dũng được đặt tại Trường Tiểu học quê nhà là một minh chứng về sự tôn vinh của Nhà Nước - Nhân dân đối với Nhà thơ yêu quí của chúng ta. 

II- Về địa danh Tây Tiến
(Tác giả Nguyễn Khôi)
Thời điểm 1947 thuộc "Đội vũ trang tuyên truyền Tây Tiến (trung đoàn 52). Ban chấp hành Đội gồm đồng chí Đoàn Hải làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phúc Thảo làm chỉ huy phó, Văn Sinh và Quang Dũng làm uỷ viên. Trong 2 năm 1947-1948 quân ta đả bám sát quần nhau với địch ở vùng biên giới Việt-Lào, ngoài sự hy sinh, tổn thất trong chiến đấu, trên 200 chiến sĩ Tây tiến đã ngã xuống vì bệnh sốt rét ác tính, suy dinh dưỡng... (đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá...) là vậy! 
Mường Lát là một bản dân tộc Thái vùng biên giới Việt-Lào, bên tả ngạn Sông Mã(Thanh hoá) nhưng lại giáp với Mộc Châu (Sơn La) về phía bắc, giáp Hoà Bình về phía nam. Núi rừng ở đây trùng điệp lên tới tận Sài Khao, nơi cư trú của bản Người dân tộc Dao (Man, Mán - "khèn lên Man điệu...") quanh năm sương phủ. Mùa mưa ở Mường Lát, cả đất trời đẫm trong hơi nước như mây khói bốc lên ngùn ngụt, mịt mù trong đêm. Hành quân từ rừng về bản, bộ đội phải đốt đuốc soi đường. Câu thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" là thi sĩ đặc tả "lửa" ở đây được cách điệu thành "hoa" (như kiểu" đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông") 
Câu "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" là câu thơ tài hoa,làm ta liên tưởng tới câu ca dao xứ Mường:
Trăm thứ hoa không bằng hoa con gái 
trăm thứ trái không bằng trái bông cơm 
trăm thứ thơm không bằng thơm con mái...
Mà trái bông cơm là lúa gạo, con mái là con gái tuổi dậy thì... Các chàng trai "Vệ Trọc" (đầu trụi không còn tóc) vừa ở rừng ra thấm đượm tình nghĩa Quân dân, được các em (hoa rừng) chèo thuyền đi đón... thì làm sao quên được "hồn lau nẻo bến bờ"? Thơ Quang Dũng vừa trữ tình vừa bi tráng là vậy! 

III- Bài thơ buổi đầu trình làng:
Theo tạp chí Văn nghệ số 11-12 tháng tư, tháng năm năm1949 - Văn nghệ Bộ Đội của Hội Văn Nghệ Việt Nam - Thư ký Toà Soạn: Nguyễn Huy Tưởng thì bài thơ in ở trang 17, toàn văn như sau:
NHỚ TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi, Tây tiến ơi 
Nhớ về rừng nui, nhớ chơi vơi. 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi; 
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hut cồn mây súng ngửi trời; 
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Lương mưa xa khơi. 
Anh bạn dãi dầu không bước nữa, 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời... 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. 
Nhớ ôi! Tây tiến cơm lên khói 
Mai châu mùa em thơm nếp xôi. 

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ Hà Nọi giáng kiều thơm. 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ, 
Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh 
Áo bào thay chiếu anh về đất, 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành. 

Tây tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. 
QUANG DŨNG
(Đoàn quân nhân văn nghệ L.K.3)
Chú ý: Pha Lương = Pha luông. giáng kiều = dáng kiều. 
Bài thơ thiếu hẳn 1 đoạn 8 câu "doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?"
IV- TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi! 
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời! 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người 
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói 
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 
Kìa em xiêm áo tự bao giờ 
Khèn lên man điệu nàng e ấp 
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy 
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ 
Có nhớ dáng người trên độc mộc 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa 

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ 
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 
Áo bào thay chiếu, anh về đất 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành 

Tây tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(Phù Lưu Chanh, 1948)
V- Nhà thơ Xuân Diệu phê bình TÂY TIẾN:
Trong tập TIẾNG THƠ (15-5-1949) Xuân Diệu viết:
"...Bài thơ hơi buồn, có đoạn buồn lắm: tứ thơ không mới, có những câu văn hoa. Nhưng toàn bài rung rung như những dây đồng. Đọc lên, trong miệng còn ngân âm nhạc. Cái cảnh miền Tây gian nan đặc biệt: bộ đội Tây tiến là một trong những bộ đội nhiều hy sinh. Đánh giặc đã đành, mà người với rừng núi còn tranh nhau ai thua ai được. Một bạn tôi lên thăm bộ đội quá thượng du Thanh Hoá, trên biên giới Việt-Lào kể rằng: "Núi giăng màn trùng điệp; một anh đội viên chỉ quãng chập chùng trước mặt nói: -Một mình tôi phụ trách 5 cây số núi". Lên đến nguồn Sông Mã, còn đâu là đồng bằng? Lúc mới đầu chưa quen thổ ngơi, nhiều chiến sĩ chết. Có lẽ cái rùng rợn buổi đầu ấp sâu vào tâm hồn tác giả. Những chiến sĩ lưa thưa giữa nghìn trùng rừng núi chắc cảm thấy mình" cheo leo chòi biên cương", cảm thấy mình lạc đời. Những anh con trai Hànoi lên đến đây cạo trọc đầu, hay là sốt rét rụng cả tóc, người mặc áo chàm hay là mặt lây sắc lá, hay là ốm tái màu da; giặc sợ các anh như sợ hùm: nhưng các anh dù thế nào cũng nhớ HàNoi cho được:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Măt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ HàNoi dáng kiều thơm
Bài thơ chỗ thì đẹp, chỗ thì ghê, man rợ rồi lại êm ái; đoạn sau cùng đầy những tiếng từ ly. Những tên đất Sài Khao, Mường Lát,Pha Lương... ngân động. Đến cái tên Sầm Nứa thì câu thơ buồn mà hay quá; hồn đây là tâm hồn người sống nghĩ chuyện bên Lào:
Tây tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

VI- Bình của Nguyễn Khôi:
a) Bài bình 1:
TÂY TIẾN là một trong vài bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam 1945-2000. Đọc Tây Tiến, ta cứ ngỡ như đang đọc một bài Cổ phong - Tương tiến tửu (của Lý Bạch) đương đại? Cái lối "tráng sĩ hề" - một đi không trở lại ngang tàng hào hoa của các chàng trai HaNoi (thời1946). Với thủ pháp nghệ thuật độc đáo theo kiểu 1 câu chia 2 vế âm / dương đối nhau:
dốc lên khúc khuỷu/ dốc thăm thẳm 
heo hut cồn mây/ súng ngửi trời...
đã tạo sự cân bằng hằn vào trí nhớ của người đọc; còn "đêm mơ HaNoi dáng Kiều thơm" là câu thơ để đời "tử bất hưu" nghìn năm mới xuất hiện! 
Cái tài hoa của thi sĩ về mặt dùng "chữ" thì xưa nay ít ai có được, ví dụ như: trong bài thơ có 3 chữ "Hoa" (hoa là ám chỉ về con gái - phái nữ): 
- Câu "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" đây là cái "cảm" của Nhà thơ về cái mùi thương yêu ấy (trong bài thơ "Gửi Tuyên Quang" của Nguyễn Khôi viết sau 45 năm cũng có cái "cảm" đồng điệu ấy:
Đêm HaNoi đã nhạt mùi hoa sữa 
tưởng tóc ai phảng phất hương rừng...
- Câu "đêm trại bừng lên hội đuốc hoa": Đuốc hoa đây là "hoa chúc" tưng bừng của cái "kìa em xiêm áo" với "nàng e ấp"... 
- Câu "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa", Ai đã từng "đi Châu Mộc chiều sương ấy" đây là vùng thượng nguồn Sông Mã chung giữa ta và Lào (Sầm Nưa) thường là đi thuyền mà câu thơ Sống Chụ Son Sao đã tả "Hoa ấy rờn trôi ngang Sông Mã" đôi bờ là hoa rừng và các cô gái Thái (Việt Nam) - Lào ra sông tắm giặt... 
Câu kết "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" là thể hiện "làm trai có chí xông trời thẳm" của anh Bộ đội Cụ Hồ đi giải phóng dân tộc với tinh thần Quốc tế cao cả! 
Quang Dũng với Tây Tiến đã góp phần đưa thơ Việt Nam đương đại lên môt dỉnh cao nghệ thuật lãng mạn cách mạng, hoành tráng với tâm chí "Nay ở trong thơ nên có thép" thật là tuyệt vời Xưa nay hiếm là vậy! 
b) Bài bình 2 ( đăng trong thông tin Họ Bùi ở Việt Nam ):
Cho đến nay Tây tiến vẫn là một đài thơ (Thi Sơn) đầy kỳ bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ Tây tiến... chưa ai lý giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, ý thơ, hình tượng thơ giầu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây tiến. Cái độc đáo của bài thơ là không có cấu tứ,c ái kết của bài thơ (của cuộc hành binh) lại không nằm ở cuối bài mà lại nằm ở 2 câu 13=14/34 :
Nhớ ôi, Tây tiến cơm lên khói 
Mai châu mùa em thơm nếp xôi
Với Tây tiến, Quang Dũng dưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm, của sự vọng tưởng diệu huyền. Với Tây tiến, Quang Dũng đã xây tượng đài về anh Bộ đội Cụ Hồ (Vệ Quốc Đoàn - Vệ Út - Vệ túm - lính râu ria) thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng - Cái buổi đầu đi làm cách mạng của những trai tài gái sắc đất Hà thành (và ven ĐÔ) hiên ngang, hào hoa phong nhã, cái thời "chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh" (tả thực) với "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" (lãng mạn). 
Bút pháp bậc thầy của Tây tiến là Nhà thơ đã vận dụng sáng tạo kỹ xảo thơ truyền thống (thơ Đường) với "phép đối" trong từng câu, đoạn thơ, từng khổ thơ tạo ra 2 vế âm / dương, tương phản trong một "Trường đối nghịch" (thủ pháp đối lập) nhằm tô đậm ý tưởng "không ca ngợi một chiều" mà là phản ánh đúng hiện thực của cuộc chiến... đó là sự đói chọi, sự tàn khốc của chiến tranh lấy ý chí (Việt Nam) chọi lại sắt thép (thực dân Pháp). Thủ pháp đối ý, đối âm trong Tây tiến với những câu thơ ăm ắp hồn chiến sĩ, tạo nên khẩu khí bi tráng của toàn bài. Đó là lối diễn đạt độc đáo, cao thủ mà hình như chỉ riêng Quang Dũng một mình trong cõi thơ "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ heo hút cồn mây súng ngửi trời" để Tây tiến ở một vị trí tượng đài vút lên trời xanh giữa núi rừng Tây bắc hùng vĩ của Tổ Quốc! 
Trong Tây tiến có một hình tượng thơ đã làm không ít người thắc mắc, đó là "có nhớ dáng người trên độc mộc/ trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"... đó chẳng qua là một từ HOA "ẩn dụ" cảm từ câu ca dao Xứ Mường "trăm thứ hoa không bằng hoa con gái" mà con gái Thái - Mường là "bông hoa rừng" chèo thuyền độc mộc đưa Bộ đội qua sông đang mùa nước lũ... Qua rồi để nhà thơ lãng mạn lưu giữ một bóng dáng cô lái đò trên "Châu Mộc chiều sương ấy" cứ đong đưa trong con mắt Người Sơn Tây đẹp đến lạ lùng. 
Cái chết (hi sinh) của người chiến sĩ nay không phải là "da ngựa bọc thây" mà là "chiến bào thay chiếu anh về đất" để Sông Mã gầm lên như súng thần công bắn vang trời tiễn đưa người anh hùng... 
Dùng cái bi, cái mất mát để tôn vinh cái hào hùng... Với cảm hứng lãng mạn cách mạng được đặc tả trên cái nền hiện thực đã tạo nên âm hưởng, ma lực kỳ diệu của bài thơ Tây tiến rất kinh điển mà cũng rất hiện đại - Đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI, hội nhập cùng làng thơ thế giới hôm nay. 

VII- Trao đổi với bạn Ý Như: Về 2 bài thơ TÂY TIẾN và ĐỒNG CHÍ:
Theo thiển ý của Nguyễn Khôi thì 2 bài này đều viết về NGƯỜI LÍNH, đều do 2 Nhà thơ Lính, cùng thời viết ra nhằm ca ngợi, tôn vinh Anh Bộ đội Cụ Hồ (thời kháng chiến 9 năm chồng thực dân Pháp xâm lược); Hai bài thơ này đều thuộc "diện" THƠ HAY (trong số 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20 - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2007), được nhiều người yêu thích và đều được đưa vào Sách Giáo khoa giảng dạy trong Nhà trường Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam. Tuy nhiên, cách bình phẩm, cách thưởng thức 2 bài thơ này, với riêng Nguyễn Khôi cảm nhận thì: 
- Bài TÂY TIẾN là 1 trong 5 bài thơ vào loại HAY NHẤT trong số 100 bài chọn lọc kể trên. Với bút pháp Hàn Lâm, đó là con chim đại bàng vẫy lên đôi cánh mênh mông trên trời thơ xứ Việt... Nó đẹp hoành tráng, kỳ bí - đọc phải suy ngẫm, rất nhiều ý tại ngôn ngoại... chắc là kể cả mai sau, TÂY TIẾN còn tốn nhiều giấy mực người đời bình phẩm về nó? 
- Bài ĐỒNG CHÍ, với bút pháp bình dân, đó là thứ ca dao được chắt lọc cô đọng: lời lẽ ngắn gọn dễ hiểu, vừa tầm với những người Nông dân (bần cố) mặc áo Lính (thời 1947), đó là Con chim Sáo, chim Bồ câu gần gũi thân thưong với quảng đại quần chúng thời buổi đầu Cách mạng. 

VIII- Đôi lời kết :
Tây Tiến ra đời đến nay đã qua 62 năm, bài thơ cũng như thân phận tác giả đã nếm đủ nỗi thăng trầm thế sự, có một thời khá dài người ta đã cố ý "trẩm" (chìm) nó đi tưởng nó đã đi vào quên lẵng? - Nhưng không, thầy giáo của Nguyễn Khôi từng bảo: chỉ sợ Thơ anh không hay thôi, còn hay đích thực thì sẽ bất hủ. Tây Tiến với Quang Dũng quả là vậy. Đây là TUYỆT CHIÊU của Quang Dũng - một áng thơ đạt tiêu chí "kim cổ kỳ thi" của đân tộc Việt Nam ta, có bị "đánh" cũng không chết! Nó có thể sánh với HOÀNG HẠC LÂU của Thôi Hiệu, TƯƠNG TIẾN TỬU của Lý Bạch - những thiên thi ca kỳ bí, thiên hạ sẽ còn tốn nhiêu bút mục "bàn" về nó. Ở Việt Nam ta đương đại có 3 Thi sỹ Họ Bùi:
- Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt) với Lá Diêu Bông ... 
- Quang Dũng (Bùi Đình Diệm) với Tây Tiến, Đôi Mắt người Sơn Tây... 
- Bùi Giáng với Mắt Buồn ...
Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt đứng sau Nguyễn Trái, Nguyễn Du .... Để cho ta tự hào về sự tài hoa trong sáng của tiếng Việt đầy ắp hồn quê... Để thêm yêu tiếng Việt như "ngàn mày tràng giang" say muôn đời.


Mời thư giãn với nhạc phẩm GẶP NHAU TRONG RỪNG MƠ
của Bảo Chung, qua tiếng hát Tân Nhàn và Trọng Tấn:
           
*.
Góc Thành nam Hà Nội ngày 7-10-2010
NGUYỄN KHÔI
Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
Email: khoidinhbang@gmail.com
Điện thoại: 097.955.62.05  




............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 20.01.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét