CÔ ĐƠN ... XUÂN DIỆU - Tạp bút Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment


CÔ ĐƠN ... XUÂN DIỆU

*

(Tác giả Chử Văn Long)

Để trở thành nhà thơ, tất nhiên là phải có tài. Nhưng khi nói đến nhà thơ người ta thường nghĩ đấy là người có tình, có tâm. Điều này ở Xuân Diệu rất rõ. Trong văn, trong chữ của anh thì mài giũa, nhưng trong đời vì sống thật lòng, thật tình nhiều lúc vụng về, sự vụng về khiến ai một lần bắt gặp, giờ ngồi nghĩ lại thấy thương. Tính anh cởi mở: Được đại sứ quán nước ngoài mời cơm - Khoe. Đi đọc thơ thu vô tuyến truyền hình - Khoe. Cơ quan nào mời đi nói chuyện thơ - Khoe. Vào Sài Gòn, hoặc đi nước ngoài về, mua được thứ gì - Khoe. Được người ta mời nước mía không phải trả tiền (vì chủ quán đã từng nghe nhà thơ nói chuyện) - Khoe. Giữa toa tầu chật ních trong đêm, nhờ người khách nhận ra tiếng mình mà nhường chỗ trong khi đang bị người khác chen lấn - Khoe.

Và tất nhiên, viết được bài thơ mới anh sốt sắng đọc khoe. Cái nết dễ mến, dễ gần của Xuân Diệu, dù nghe anh khoe đấy mà người nghe không thấy chướng, khác với nhà thơ khác viết được bài thơ mới, bạ gặp ai cũng đem ra đọc, đọc xong người nghe chưa biết nói sao, họ đã tự khen: “Hay đấy chứ!”. Và người nghe chỉ còn biết cười trừ, gật đầu. Trong cư xử, Xuân Diệu sống rất có tình, rất đời. Ai cho gì, từ miếng ăn, gói quà - Nhớ. Ai đối xử tệ bạc - Buồn, nhưng cố quên! Không ý có trả đũa. Điều anh nhớ là thế nào cũng tặng lại người đã cho mình một món quà lớn hơn! Không phải vì anh có dư dả hơn, mà cái tình anh nó thế.

Khó có thể hình dung được nhà thơ lớn, tên tuổi như thế hào hoa như thế, khi ta gặp, ở nhà lại ngồi so hai chiếc áo may ô rách, xem lấy cái nào để vá vào cái nào. Khó có thể hình dung người vinh quang có thừa ấy có lúc cũng chờ một tiếng gõ cửa của bất cứ ai.

Trong làng văn người ta đồn Xuân Diệu giầu nhất vì viết khoẻ in nhiều, vì tài năng lao động của anh, nhiều nơi mời đi nói chuyện, nhiều cuộc công cán ngoài nước được đi. Vậy mà tôi từng gặp anh ngồi mở lọ muối vừng ngồi ăn cơm. Để rồi những người thân quen, hoặc có quan hệ với anh, người này nhận được chiếc xe đạp để đi làm, người khác nhận được chiếc nhẫn vàng khi con ra đời. Nhà thơ Hoàng Trung Thông còn nhắc đến những bó củi (năm Hà Nội thiếu chất đốt, Xuân Diệu đi bình thơ được mua về đem cho).

Một lần tôi được anh Xuân Diệu gọi về ăn cơm, khi mâm cơn dọn ra, thấy giữa mâm đặt đĩa thịt chó luộc ngon lành, đầy ụ đến cả cân thịt, bên cạnh là gia vị mắm tôm, những lát riềng thái mỏng với rau thơm. Anh uống cốc bia, ăn vài miếng rồi bảo: “Anh vừa ăn tiệc ban chiều. đây tất cả anh mua phần em, em phải ăn hết, thịt chó không để lại được mai, mất ngon…”.

Anh ngồi đối diện vừa trò chuyện vừa như để nhìn ngắm tôi ăn ngon lành. Đến khi nghe bụng lưng lửng mà đĩa thịt mới vơi chừng một nửa tôi thấy lo, làm sao mà ăn được hết số còn lại kia.

May có chuông điện thoại reo vang anh Xuân Diệu ra phòng ngoài nghe, tôi vội lấy mảnh báo sẵn trên bàn gói số thịt, chỉ để còn lại vài miếng. Tôi nghĩ đến bạn tôi đang nằm khàn một mình ở toà soạn sẽ hỗ trợ tôi khoản này.

Nghe xong điện thoại anh Xuân Diệu trở vào, thấy đĩa thịt gần hết nên rất vui vẻ.

Dưới cái nhìn của Xuân Diệu ai cũng vêu vao ai cũng thiếu đói, nhất là những cây bút trẻ mà anh từng gặp, anh thường khuyên họ hãy lo lắng đến bữa cơm, manh áo cụ thể rồi hãy làm thơ! Có thể nói anh là nhà thơ duy nhất trong các cuộc nói chuyện thơ, gióng hồi còi báo động dân số tăng, kêu gọi đẻ ít. Ngay lúc đó vào những năm 60,70 anh đã nói lên dự cảm của mình vì nghèo đói sẽ dẫn đến suy thoái về đạo đức. Đến nay ta thấy dự cảm của nhà thơ quả là đúng.

Gói lại những dòng tản mạn về Xuân Diệu, một ý nghĩ bất ngờ bỗng đến với tôi. Từ một thi sĩ cô đơn Xuân Diệu đã hướng thơ mình về đại chúng. Trái tim anh mở rộng trước cuộc đời dào dạt, đã sống thực với con người bằng giao cảm xương thịt như vậy, nhưng vì sao thơ anh chặng này không còn hút người đọc như thuở “Gửi hương cho gió”, như thuở “Thơ thơ”?

Câu hỏi này bỗng làm tôi đau nhói ở bên lòng. Cả một chặng đời dài đi về ngôi nhà 24 Cột Cờ, nơi Xuân Diệu đã có câu thơ “treo cổng” để ngỏ lòng mình: “Nhà tôi 24 Cột cờ / Ai thương thì đến hững hờ thì qua”. Tôi là kẻ không hững hờ đi qua, nhưng sao lúc ấy mình nông cạn thế, mỗi lần về đây tôi chỉ có ý nghĩ, chỉ có niềm vui được gặp “Nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu”, không thấy được nỗi cô đơn đời anh, gần như suốt một đời đơn lẻ, sống một mình lo từng manh áo bát cơm, thiếu hẳn đôi bàn tay ấm áp dịu dàng yêu thương của cuộc sống mà người đời vẫn có, đã từ lẽ muôn đời những đôi đũa có đôi, thiếu nó, trong tay ta chỉ cầm một chiếc đũa thôi, mới biết thế nào là đơn lẻ. Anh thiếu hẳn những niềm vui bình thường của hai buổi sớm, chiều chồng ngồi nhặt rau, vợ đang chụm lửa… cái góc bếp tương, mắm vại cà, kịt đen bồ hóng, khi ánh lửa reo lên cùng mùi khói cay lan toả, nó bừng dậy tình cảm cuộc sống làm nên hơi ấm gia đình, nó nuôi sống đời người hồn người, không có nó, dù có cả tình yêu non sông đất nước, có cả nhân loại chăng nữa, tất cả gộp lại cũng không hề thay thế được. Chỉ đến bây giờ tôi rơi vào cảnh cô đơn từ khi người vợ yêu thương của tôi không còn, mỗi khi đi về ngôi nhà con cái vắng cả, tự tay tra chiếc chìa khoá mở cửa, vào nhà ngồi thừ đầy mệt mỏi, miệng khát khô mà không buồn đứng dậy để nhấc chiếc phích rót ra cốc nước mới thấy những ngày còn em, khi tôi về đến cửa đã gặp nụ cười, dựng xe vào nhà đã có một cốc nước chè đường thật nóng em pha, rũ bỏ cho tôi tất cả những buồn phiền mệt mỏi đường xa. Cái thiên đường ấy chả bao giờ tôi còn nữa, tôi mới biết cảm thông, chia sẻ, thì anh Xuân Diệu đâu còn! Người ta đâu sống được chỉ bằng vinh quang tiền của. Đọc lại những bài viết về anh ở chỗ này, chỗ khác cũng chỉ thấy người ta bàn về Xuân Diệu nhà thơ, chưa thấy ai viết về Xuân Diệu rất đời, rất người, với cuộc sống cô đơn thật sự.

May thay ngày vĩnh biệt anh, giữa hàng trăm vòng hoa, tôi được chứng kiến một bó hoa trắng trong, mối tình trinh nguyên của người phụ nữ đặt trên quan tài anh, khi hỏi ra tôi mới biết, trước khi mình có mặt đi về ngôi nhà 24 ấy đã có người đàn bà kiều diễm yêu anh về sống ở ngôi nhà này, rồi chia tay… Để giờ vĩnh biệt nhau, bó hoa trắng kia như nói thay lời “Dù cả tạo hoá có gây nên những điều chia biệt trong cuộc đời thường, vẫn còn nguyên mối tình chung thuỷ ở nhau. Vậy là Xuân Diệu đã có và mãi có một mối tình thật đẹp. Nhưng đáng tiếc người đời đâu có thấy một Xuân Diệu ở giữa đời với tất cả xương thịt cụ thể ấy mới làm nên “một Xuân Diệu thơ” chứa chan khao khát bỏng cháy khôn cùng. Có người chỉ thấy cái khía cạnh trần tục mà không hiểu đấy là nỗi đau sâu thẳm ở anh. Cái câu hỏi vì sao ở chặng này thơ anh không còn say như chặng “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió” chỉ làm ta thương anh hơn. Nếu không có hoàn cảnh của non sông đất nước lúc ấy với chiến tranh lửa máu, con người phải sống trong những giằng buộc đặc biệt cả thể xác lẫn tâm hồn, từ nỗi cô đơn tột đỉnh của đời mình Xuân Diệu làm sao có thể hát những khúc anh hùng ca say đắm như người khác bởi vốn anh không có, không thuộc tạng của anh từ mỗi đường gân mạch máu tạo hoá bẩm sinh, hầu như tất cả đã vô tình không hiểu điều này ở Xuân Diệu.

 

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến độc bài thơ

CUỒNG YÊU, thơ của Đặng Xuân Xuyến:


*.

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       

Điện thoại: 035.881.82.63

Email: haicv08@gmail.com       

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.06.2020.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét