NHÀ THƠ YÊN THAO TRỮ TÌNH VÀ TRÀO LỘNG - Tác giả: Nguyễn Khôi (Hà Nội)

Leave a Comment


NHÀ THƠ YÊN THAO
TRỮ TÌNH VÀ TRÀO LỘNG
*

Xế trưa ngày 31-10-2007, Nguyễn Khôi tôi đang ngồi trong nhà ở phố Vọng, trông ra cửa đón cái gió bấc mưa phùn đầu mùa vừa tái xuất giang hồ sau nhiều năm mất hút (có lẽ do trái đất nóng lên /vì môi trường ô nhiễm ...), đang mơ màng thì nhà thơ Yên Thao (Yên Thao Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam) đội mưa phùn gió bấc, cưỡi xe đạp điện lao vào ngõ Bãi than Vọng (nhà Nguyễn Khôi), lão thi sỹ gọi cửa như reo lên: 

(Tác giả Nguyễn Khôi)

- Anh đem đến cho chú em tập thơ THI TỬU (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam), sắp trình Làng vào quý Tư năm 2007!

NK đón nhà thơ Yên Thao vào nhà, lão thi sỹ vẫn dồn dập hỏi:

- Lại nghe nói chú mới đi Tây dài ngày về, có gì hay không?

Hai nhà thơ an toạ trong phòng khách và đàm đạo, NK thưa lại :

- Ôi! Thưa ông anh (Yên Thao hơn Nguyễn Khôi chừng 10 tuổi). Tây /Ta thì thiếu gì chuyện, mà thường là khác biệt nhau, diễn đạt không khéo thì lại chuốc phiền vào thân! Em xin ví dụ: Về văn Việt Nam có độc giả hải ngoại lại cho rằng trong nước đương đại thì số 1 Dương Thu Hương (Thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng) và số 2 Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), còn thơ hồi 9 năm có độc giả hải ngoại lại cho rằng số 1 Quang Dũng (Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây), số 2 là Hữu Loan (Đèo cả, Màu tím hoa sim), và họ cho rằng số 3 là Yên Thao (Nhà tôi). 

Nhà thơ số 3 Yên Thao gặng hỏi:

- Tại sao?

- Về Yên Thao, vì họ cho là có tính nhân văn cao, quân kỷ của Bộ đội Cụ Hồ rất đáng khâm phục: 

Này, anh đồng chí

Người bạn pháo binh!

Đã đến giờ chưa nhỉ

Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?

Anh rót cho khéo nhé

Kẻo lại nhầm nhà tôi!

Nhà tôi ở cuối thôn Đồi

Có giàn thiên lý có người tôi thương.

Độc giả hải ngoại thích hơn ở thơ Yên Thao là cái chất lãng mạn tiểu tư sản của chàng trai ven đô: 

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ

Tuổi chớm đôi mươi,cưới buổi dâng cờ

Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín

Ai ra đi mà không từng bịn rịn

Rời yêu thương nào đã mấy ai vui

Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi

Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ 

Nguyễn Khôi tiếp :

- Chính cái "đoạn" thơ hay bất tử này, bên ta thì "chẩm", bên địch lại lăng xê (thời 9 năm đánh Pháp), tình cảnh tế nhị kéo dài đã làm cho nhà thơ Yên Thao phải im hơi, lặng tiếng dài dài... Tất cả các Tuyển Tập thơ Việt Nam, thời 9 năm đánh Pháp, xuất bản ở Hà Nội đều không có bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.

Nhà thơ trữ tình Yên Thao với bài thơ bất tử Nhà tôi, âm thầm chuyển sang làm thơ trào phúng, Yên Thao trở thành chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ trào phúng Hà Nội. 

Hình như Yên Thao vào Hội Nhà Văn Việt nam ở cửa "Trào Phúng" chứ không phải cửa thơ "Trữ tình". 

Mãi đến khi Yên Thao gần 80 tuổi mới được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt nam !

Sau đó Hà Nội ồn ã truyền khẩu bài thơ trào phúng, rì rầm gán cho tác giả Yên Thao: 

Ghét nhau cùng chiếu không ngồi

Cùng chai không uống , cùng nồi không ăn

Chỉ trừ cái hội nhà văn

Ghét nhau đến mấy cũng lăn cả vào 

Có kẻ ác khẩu còn "biên tập" lại câu cuối: 

Chỉ trừ cái hội nhà văn

Cắn nhau như chó vẫn lăn xả vào 

Nghe đâu bài thơ truyền khẩu đến tai lãnh đạo Hội, Yên Thao bị nhắn nhe:

- Bác làm thơ chửi Hội à!

- Đâu có, chúng nó tếu đấy mà ...

- Bác chỉ cái vụng chèo khéo chống

Còn thế hệ độc giả yêu bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao, đọc báo thấy tin Yên Thao được vào Hội, thì chúc mừng: 

- Bác vào Hội nhà Văn rồi à, tưởng bác đi Văn Điển (một nghĩa trang ở phía Nam Hà Nội) rồi chứ! 

Có lẽ về thơ trữ tình thì bài Nhà tôi là đỉnh của nghiệp thơ Yên Thao, dù sau này Yên Thao có làm hàng trăm bài thơ khác. Thơ và tài, nó trớ trêu là vậy. Đã lên đến đỉnh là đi xuống.

Từ thơ trữ tình chuyển sang thơ trào lộng, Yên Thao cũng có nhiều thành công .

Ví dụ về Hoàng Cầm , Yên Thao viết:

Vế 1 

Đêm mơ thấy vợ hoá đàn ông

Con cà thay chỗ lá Diêu bông 

Vế 2 

Hoảng hồn tỉnh lại thanh tra thử

Di tích còn nguyên, có sướng không? 

Và Yên Thao đùa tếu với Hoàng Cầm: "Di tích đã xếp hạng chưa", Hoàng Cầm "Còn chờ Bộ trưởng Văn hóa ký". 

Ví dụ 2 trêu nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc (nguyên phó chủ tịch Hội Văn Nghệ dân gian Hà Nội) 

Quý báu gì đâu cái chữ Nhà

Có nhà thì ế , có nhà Pha (nhà tù)

"Nhà Hà nội học riêng ông" Xướng

tấm biển đồng treo chướng bỏ bà. 

Yên Thao và Nguyễn Vinh Phúc thân là thế , vì bài thơ mà Yên Thao bị giận mãi.

Yên Thao còn làm thơ trêu ghẹo Giáo sư Trần Quốc Vượng (cố chủ tịch Hội Văn Nghệ dân gian Hà Nội), khi vị Giáo sư này trên 70, vô cùng uyên bác, trán hói chỉ còn vài sợi tóc, còn tục huyền với cô học trò dưới 40 tuổi: 

Lơ thơ tơ liễu sọ dừa

Đánh du cỏ rậm mu rùa chóng Toi

Đồn đại rằng, vị Giáo sư ấy cười tủm và xin Yên Thao đổi hai chữ "chóng toi" thành "sống lâu". Vị Giáo sư giỏi xem tử vi ấy, đúng như Yên Thao "tiên tri", "nhân bảo như thần bảo"! Ai cũng thương tiếc vô hạn vị Giáo sư lỗi lạc này!

Nhà thơ Yên Thao sinh năm 1927 quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, hiện nay cư trú tại 78 Phố Huế Hà Nội.

Riêng Nguyễn Khôi cho rằng Yên Thao thành công ở thơ trữ tình với đỉnh là bài Nhà tôi và cũng ghi dấu ấn trong độc giả với những bài thơ trào lộng "xuất khẩu thành thi "./. 

*.

Hà Nội, tháng 11 năm 2007

NGUYỄN KHÔI

Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.

Email: khoidinhbang@gmail.com

Điện thoại: 097.955.62.05  

 

 


 

............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.11.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét