NHỮNG SAI SỐ CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP - Tác giả: Phạm Khải (Hà Tây)

Leave a Comment

 

NHỮNG SAI SỐ

CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

*

(Tác giả Phạm Khải)

Kể từ ngày 22/4 vừa qua, trên trang web của nhà thơ Trần Nhương đã lần lượt xuất hiện loạt bài "Văn nghệ chí" của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, đề cập tới "nội tình" của tờ báo này và một số nhân vật, vụ việc liên quan.

Trong lời phi lộ, nhà thơ Trần Nhương cho hay: Đây là bản thảo mà nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn gửi riêng cho trang web của ông, và tất cả các tư liệu đó, người viết tự chịu trách nhiệm. Ông cũng cho biết, khi ông gọi điện thoại hỏi sao tác giả lại đặt tên cho bản thảo của mình là "Văn nghệ chí" thì phía bên kia, nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn trả lời: "Thì học theo Tam quốc chí mà lại…".

Vì học theo "Tam quốc chí" nên bản thảo được chia làm nhiều "hồi", mỗi hồi thường kết bằng câu: "Muốn biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ". Hiện tại, đã có 12 hồi của "Văn nghệ chí" được đăng tải trên trang web của nhà thơ Trần Nhương. Đã có những phản ứng nhiều chiều từ phía công luận và lượng độc giả truy cập cho mỗi hồi của "Văn nghệ chí" cũng đã lên tới mấy ngàn lượt. Người viết bài này xin phép không bàn về động cơ của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn khi viết "Văn nghệ chí", bởi tôi tin rằng, một khi tác giả đã "quyết" thì khó ai có thể ngăn trở được anh và việc lên tiếng phản hồi (nếu có) hẵng nên để dành trước hết cho những người trong cuộc. Bởi hơn ai hết, họ mới là người có đủ tâm thế và cứ liệu để làm việc này. Tuy nhiên, với tư cách là người có một số "vốn liếng" nhất định về đời sống văn học nước nhà, tôi thấy cần thiết phải lên tiếng trước một số thông tin, cứ liệu không chuẩn xác mà nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đưa ra, ngõ hầu để tác giả "Văn nghệ chí" xem lại, kiểm tra lại trí nhớ của mình. Bên cạnh đó, cũng xem như đính chính giùm cho một vài nhà văn đã mất, vì lẽ đơn giản: Những tác giả này hiện không còn cơ hội để… nói lại.

Trong hồi thứ 10 của "Văn nghệ chí", nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn có nhắc tới vụ Báo Văn nghệ cho đăng truyện ngắn "Linh nghiệm" gây xôn xao dư luận một thời. Vụ việc được tác giả cho biết xảy ra vào năm 1992, trên Báo Văn nghệ số đặc biệt chào mừng kỉ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Vậy mà, ở hồi thứ 11, khi kể chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh (bấy giờ là Tổng biên tập Báo Văn nghệ) lo chèo chống, đối phó với vụ "Linh nghiệm" như thế nào, Trương Vĩnh Tuấn cho hay: "Tiệc rượu no say, khi ra về vừa ra đến sân đình Thổ Tam Thỉnh kiếm cớ gây sự với cháu nhà thơ Ngô Văn Phú, không ai biết chuyện gì xảy ra, mãi khi Thỉnh buông câu: Mày tưởng cậu mày về làm Tổng biên tập báo mà vênh mặt à. À, ra thế, gần đây rộ lên tin đồn Ngô Văn Phú sẽ về báo. Trong cuộc trò chuyện Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi có thăm dò hỏi Ngô Văn Phú rằng mình muốn cậu về lại Văn nghệ. Tất nhiên Ngô Văn Phú không nhận lời".

Chỉ cần ai đó biết được một số thông tin cơ bản về lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ lấy làm ngạc nhiên về tình tiết này. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV diễn ra vào năm 1989, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã thôi giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn (thay vào vị trí này của ông là nhà văn Vũ Tú Nam). Vậy thì làm sao tới thời điểm xảy ra vụ "Linh nghiệm" (năm 1992), lại còn "tổng thư ký Nguyễn Đình Thi" để mà "thăm dò hỏi Ngô Văn Phú rằng mình muốn cậu về lại Văn nghệ" được? Giả dụ cứ cho thiện ý của nhà văn Nguyễn Đình Thi đối với nhà thơ Ngô Văn Phú (muốn ông thay nhà thơ Hữu Thỉnh làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ) là có thật, thì ở thời điểm ấy, ông đứng trên cương vị nào để đặt ra vấn đề này?

Nhân đây, cũng xin đính chính giùm tác giả "Văn nghệ chí" một chi tiết liên quan đến nhà văn Nguyễn Đình Thi. Theo Trương Vĩnh Tuấn thì "từ ngày thành lập Hội cho đến lúc bấy giờ ông (tức Nguyễn Đình Thi - Phạm Khải) liên tục giữ vai trò tổng thư ký hội". Sự thể không phải vậy. Khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập (năm 1957), người đầu tiên giữ cương vị Tổng thư ký Hội là nhà văn Tô Hoài. Phải một năm sau nhà văn Nguyễn Đình Thi mới được "trám" vào vị trí này (xin xem kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại", Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2010, trang 1281- 1282).

Cũng vẫn liên quan đến vụ "Linh nghiệm", ở hồi thứ 10 của "Văn nghệ chí", nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn viết: "Hữu Thỉnh có một người em kết nghĩa cùng quê, bạn học một thời với nhau, nghe nói công lên việc xuống ở nhà anh ấy đều không qua tay Thỉnh, họ đã cắt máu ăn thề chung thủy với nhau suốt đời. Ngày anh ấy làm tổng biên tập tạp chí nọ có cho in bài về cụ Đồ Chiểu ông Thi tức lắm cách chức liền. Thỉnh cưu mang tìm cách giới thiệu về Ban Tư tưởng Văn hóa. Lúc này anh ấy đang làm vụ trưởng, có tin đâu Thỉnh sẽ về phó ban, sợ mất phần nên anh ta đánh Thỉnh, may cho Thỉnh không sao".

Mặc dù Trương Vĩnh Tuấn không nhắc tên ông nhà thơ "người em kết nghĩa" ấy, không nhắc tên tạp chí mà ông nhà thơ ấy về làm tổng biên tập, cũng như viết tắt tên cơ quan mà sau đó ông được chuyển lên, song bạn bè trong văn giới đều dễ dàng đoán định ra. Học theo cách của tác giả "Văn nghệ chí", ở đây tôi cũng xin không nhắc tên nhà thơ này. Chỉ xin cung cấp một số thông tin như sau: Khi xảy ra vụ "Linh nghiệm", "người em kết nghĩa" ấy vẫn đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Phải mấy năm sau ông mới về làm "tổng biên tập tạp chí nọ", và phải tới năm 1996, ông mới "về Ban Tư tưởng Văn hóa", thoạt đầu giữ chức vụ phó, sau mới lên vụ trưởng. Bởi vậy, không có chuyện "Lúc này anh ấy đang làm vụ trưởng, có tin đồn Thỉnh sẽ về phó ban, sợ mất phần nên anh ta đánh Thỉnh". Chuyện chắc chắn do Trương Vĩnh Tuấn nghe "đồn thổi" từ đâu đó, nhưng việc sai lệch thời gian đến nhường kia đủ khiến người trong văn giới nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện, khiến thông tin mà anh đưa ra ở vào thế rất chênh vênh.

Trong "Văn nghệ chí", nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn cho bạn đọc biết, anh là cháu ruột nhà thơ Ngô Văn Phú. Tiếc là, ở một đôi chỗ, khi nhắc tới những sự vụ liên quan đến cậu ruột của mình, anh lại có những thông tin không thật chính xác. Như sau khi nhắc tới việc tập thơ "Bầu trời" của nhà thơ Huyền Kiêu bị "đánh" vào năm 1977, Trương Vĩnh Tuấn viết: "Rồi tiếp đến Cái sẹo đất của Ngô Văn Phú và Vòng trắng của Phạm Tiến Duật khiến cho một vùng quê trung du đang yên ả cũng sôi lên lo cho người thân của mình". Không, vụ việc liên quan đến các bài "Cái sẹo đất" và "Vòng trắng" không xảy ra sau vụ việc liên quan đến tập thơ "Bầu trời" mà xảy ra trước đấy mấy năm. Chính nhà thơ Ngô Văn Phú, trong cuốn "Chuyện văn chuyện đời" do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2004 cũng thuật lại như sau: "Năm 1974, đang lúc chiến đấu gay go, xảy ra một nghi án văn chương. Phạm Tiến Duật viết Vòng trắng, tôi viết bài Sẹo đất, cùng với một số tác giả khác bị phê phán. Tình hình cũng khá nặng nề. Cả nước đều được truyền đạt, nhưng các anh Tô Hoài, Vũ Tú Nam ở trong Đảng ủy Hội Nhà văn và Tổng biên tập đều biết rõ tôi… Tôi cũng không bị kỷ luật gì, chỉ được vận động thôi làm Bí thư Chi bộ xuống làm Phó bí thư…".

Ngoài một số sai lệch về năm tháng nói trên, trong "Văn nghệ chí", nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn còn để lọt không ít lỗi khi trích dẫn tên tác phẩm, tác giả. Không phải là "Đọc lời ai điếu cho nền văn học minh họa" mà là "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa" (tên một tiểu luận của nhà văn Nguyễn Minh Châu); không phải bút ký "Người đàn bà quỳ" là của nhà văn Trần Huy Quang, mà là của Trần Khắc (bút danh của nhà báo Lê Văn Ba). Bài thơ "Mây và bông", một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Ngô Văn Phú cũng được anh trích dẫn không chuẩn xác. "Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây" - nguyên văn hai câu đầu của bài thơ là vậy (chứ không phải là "Ở dưới ruộng đồng bông trắng như mây" theo như trích dẫn của Trương Vĩnh Tuấn). Tuy nhiên, điều đáng tiếc hơn cả có lẽ là trường hợp anh trích dẫn sai nghiêm trọng mấy câu thơ trong bài "Hỏi" của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nguyên văn mấy khổ đầu của bài thơ như thế này:

Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào?

- Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?

- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?

- Chúng tôi đan vào nhau.

Làm nên những chân trời.

Vậy mà, theo trích dẫn của Trương Vĩnh Tuấn, ngoài 3 câu đầu là đúng, còn thì mấy câu thơ sau bị biến dạng ra là:

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời.

Nghĩa là mất đứt của Hữu Thỉnh 2 câu thơ, làm cho câu nọ xọ câu kia, khiến tứ thơ chẳng còn mấy ý nghĩa.

Trương Vĩnh Tuấn từng viết trong "Văn nghệ chí" về tài thơ của Hữu Thỉnh: "Ông làm thơ rất hay để lại nhiều trường ca có giá trị như Đường tới thành phố, Chuyến phà đêm giáp ranh, và nhiều bài thơ, nhiều tập thơ có giá trị…".  Sự thực, nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ có thi phẩm "Chuyến đò đêm giáp ranh" (không phải "chuyến phà") và đó là một bài thơ chứ không phải… trường ca.

Tất nhiên, với những sai sót nói trên, tác giả "Văn nghệ chí" hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại mà không mấy ảnh hưởng tới chất lượng bản thảo. Nhưng với những lỗi sai lệch về năm tháng như tôi đã nêu ở đầu bài viết thì vấn đề lại khác. Bởi từ những lỗi ấy, độc giả hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề về tính chân thực, xác thực của những nội dung mà tác giả nêu ra. Và đó là điều không ai có thể thay Trương Vĩnh Tuấn lý giải được với người đọc…

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kẻ từng hãm hiếp tôi đang là Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệl

- Vài nhời sau khi đọc “Văn Nghệ chí”l


Mời nghe Nghệ sỹ Thúy Minh diễn ngâm

bài thơ VÁY CŨ, thơ của Đặng Xuân Xuyến:

*

PHẠM KHẢI

Quê quán: xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

Thường trú: quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com ngày 21.10.2019.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét