TRAO ĐỔI VỚI PHÓ GIÁO SƯ HÀ QUANG NĂNG
VỀ
‘TỪ ĐIỂN
CHÍNH TẢ SAI CHÍNH TẢ’
(Tác giả Hoàng Tuấn Công) |
Sau bài viết “Từ điển chính tả sai chính tả” của tôi (bút danh Hoàng Tuấn
Công). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng có bài trả lời phỏng vấn báo “Người
lao động”. Sau đây, tôi xin trao đổi lại từng điểm mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà
Quang Năng đưa ra như sau:
1- Về “nguyên tắc” và “mục đích” của “Từ điển chính tả
tiếng Việt”:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng viết: “Muốn phán xét phải hiểu nguyên tắc, mục đích biên soạn của chúng tôi.
Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn
cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được
dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng
chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.
Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng, chúng tôi đã đọc rất kỹ, và rất
hiểu “nguyên tắc”, “mục đích” biên soạn của Nhóm tác giả. Bởi vậy, chúng tôi đã
trích dẫn cụ thể “nguyên tắc”, “mục đích” ấy trong bài trao đổi lần trước để
bạn đọc kiểm chứng. Nay xin được trích dẫn lại để tiện trao đổi:
“Từ điển chính tả tiếng Việt được
biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông
dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những
dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng” (trích “Nguyên tắc biên
soạn và sử dụng từ điển”)
Như vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng đã nêu lên hai mục đích
rất rõ ràng:
-
“Cung cấp các dạng chính tả chuẩn”.
- “Chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”.
Vậy hãy xem:
a - Soạn giả đã “cung cấp các dạng chính tả chuẩn” như thế nào (chữ in
hoa do chúng tôi nhấn mạnh):
- Mục từ “dày”, soạn giả hướng dẫn cách viết chuẩn các từ có chữ “dày”
(trích): “dày bình bịch, dày cồm cộp, dày cui, dày dạn, dày dày, dày đặc, dày
gió dạn sương, dày kinh nghiệm, dày sụ, DÀY trông mai đợi, DÀY vò, DÀY xé, DÀY
xéo >< bề dày, cấy dày (…) dạn dày, dây DÀY, lược dày (…) vỏ quýt dày có
móng tay nhọn, voi DÀY ngựa xéo”. Theo đây, sách đã hướng dẫn sai chính tả hàng
loạt những từ, ngữ đáng lẽ phải viết “GIÀY”, thì lại viết “DÀY”. Riêng mục
"DÀY trông mai đợi" phải sửa thành "RÀY trông mai đợi"
(chúng tôi đã nhấn mạnh bằng chữ in hoa).
-
Mục “dãy”, hướng dẫn cách viết chuẩn các từ
có chữ “dãy” (trích): “dãy bàn, dãy đồng đẳng, DÃY nảy, dãy ghế, dãy nhà…”.
Theo đây, sách hướng dẫn sai chính tả từ “GIÃY nảy”.
-
Mục “trường”, hướng dẫn viết chuẩn những từ
có chữ “trường” (trích): “…từ trường, tựu trường, vũ trường, XA trường”. Theo
đây, sách hướng dẫn sai chính tả từ “SA trường”.
-
Mục “trưởng”, hướng dẫn cách viết chuẩn những
từ có chữ “trưởng” (trích): “trưởng ấp, TRƯỞNG bạ, trưởng ban, trưởng bản…”.
Theo đây, sách hướng dẫn viết sai từ “CHƯỞNG bạ”.
-
Mục “trừu”, hướng dẫn cách viết chuẩn những
từ có chữ “trừu”: “TRỪU mến, trừu tượng, trừu xuất”. Theo đây, sách hướng dẫn
viết sai từ “TRÌU mến”.
-
Mục “xuất”, hướng dẫn cách viết chuẩn những
từ có chữ “xuất” (trích): “…xuất viện, xuất vốn, xuất xứ, xuất xưởng ><
chiết xuất, diễn xuất, đề xuất, đột xuất, khinh XUẤT, nội bất xuất ngoại bất
nhập…”. Theo đây, sách hướng dẫn viết sai từ “khinh SUẤT”.
Vậy, căn cứ vào đâu Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng “không coi những cái
đó là sai”? Không lẽ “từ điển chính tả” là loại sách liệt kê tất cả cách viết
chuẩn, lẫn cách viết sai vào một chỗ, rồi tuỳ người sử dụng lựa chọn?
b - Soạn giả đã “chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn
nhưng vẫn được sử dụng” như thế nào:
-
Mục “bàn”, hướng dẫn cách viết chuẩn những từ
có chữ “bàn” (trích): “…bàn đạp, bàn đèn, bàn định, bàn độc, bàn giao, bàn
giấy, BÀN HOÀN (tv. BÀNG HOÀNG), bàn học, bàn là…”.
Mục này có chỉ dẫn “bàn hoàn (tv. bàng hoàng)” (“tv” = “thường viết” -
Hoàng Tuấn Công) nhưng là chỉ dẫn sai hoàn toàn. Bởi “bàn hoàn” và “bàng hoàng”
là hai từ khác nhau. Theo đây, đáng lẽ phải chỉ dẫn: “bàn hoàn (không lầm
với bàng hoàng)”, thì soạn giả lại đánh đồng hai từ này làm một, và cho
rằng cách viết “bàng hoàng” thông dụng hơn “bàn hoàn”.
- Mục “gia” hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “gia” (trích): “…gia
đồng, gia đường, gia giảm, gia giáo, GIA giết (cv. da diết), gia hại, gia hạn,
gia hệ, gia hình…”.
Theo đây, soạn giả đã hướng dẫn viết từ “da giết” không chuẩn chính tả.
Tương tự, ở mục từ “giộp”, hướng dẫn viết theo dạng không chuẩn:
“giộp (cv. rộp): GIỘP da, GIỘP lưỡi, GIỘP nước sơn >< bỏng GIỘP”
(“cv” = “cũng viết”).
Với những lỗi như thế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng không thể lý
giải rằng: “chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong
tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn
nhưng vẫn được dùng”. Bởi không ai làm “từ điển chính tả” mà lại tập hợp
những cách viết “chuẩn” và “chưa chuẩn” thành một mớ hỗn độn giống như một “kho
ngữ liệu” như vậy.
2- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng Lý giải
về lỗi chính tả trong sách từ điển:
- Lỗi
“xét xử” thành “xét sử”:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng viết: “Ví dụ “xét sử”, viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại
lịch sử. Ở mục X, tôi vẫn có xét xử với nghĩa là xử án. Có nhiều trường
hợp viết tắt, như Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết, người ta gọi tắt
Liên Xô được. Trung Hoa cộng hoà nhân dân quốc đọc là Trung Quốc, tài sản công
là công sản, bảo hiểm Việt Nam là Bảo Việt…” và khẳng định “Những tư liệu này chúng tôi lấy dựa trên
ngân hàng dữ liệu của Viện Từ điển, không phải tôi bịa ra”.
Ở đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng đã đánh tráo khái niệm. Cách gọi
tắt “Liên Xô” thay vì “Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết”, hay “Trung
Quốc” thay cho “Trung Hoa cộng hoà nhân dân quốc” (chính xác là “Trung Hoa
nhân dân Cộng hoà quốc” - Hoàng Tuấn Công) là những cách gọi thông dụng, gọi
tên riêng mang tính quy ước, không ai không hiểu. Cũng giống như cách gọi “Thầy
Năng”, “Tiến sĩ Năng” hay “ông Năng”, thay cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang
Năng, đều không có gì sai, nếu ngữ cảnh không buộc phải gọi đầy đủ họ tên, học
hàm học vị.
Ngay như dùng “công sản” thay cho “tài sản công” cũng không thể so
sánh với “xét sử”. Vì “công sản” là một từ thông dụng, đã được từ
điển tiếng Việt ghi nhận từ trước 1945. Trong khi, không có từ điển, hay cách
nói, cách viết nào ghi nhận “xét sử” là một từ với nghĩa “xem xét lại
lịch sử”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng nên công bố ngữ liệu từ “ngân hàng
dữ liệu của Viện Từ điển”, để bạn đọc được biết từ “xét sử” nằm trong tác
phẩm nào, tần suất của “xét sử” xuất hiện ra sao, có đáng để thu thập và đưa
vào từ điển chính tả hay không.[*]
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng cũng cho rằng, ông không viết sai từ
“xét sử”, vì “Ở mục X, tôi vẫn có xét xử với nghĩa là xử án”. Tuy nhiên, điều
này không có nhiều ý nghĩa. Bởi cũng như ở mục “xuất”, ông viết sai chính tả
“khinh SUẤT” thành “khinh XUẤT”, nhưng đến mục “suất” ông lại viết đúng =
“khinh suất”. Hay ở mục “trừu” ông viết sai “TRÌU mến” thành “TRỪU mến”, nhưng
đến mục “trìu” ông lại viết đúng = “trìu mến”….
Bởi vậy, chúng tôi mới nhận xét rằng, việc sử dụng từ điển do Nhóm PGS. TS.
Hà Quang Năng biên soạn mang tính chất “hên xui”. Cùng một từ, nhưng gặp may
thì giở được trang hướng dẫn viết đúng, không may thì giở đúng vào trang hướng
dẫn viết sai, là vậy.
- Lỗi
“con trai; canh trai” thành “con chai; canh chai”:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng viết: “có ý kiến cho rằng tiếng Việt chỉ có con “trai”, nhưng thực tế tiếng
Việt có từ chỉ con cá chai, một loại cá giống cá thờn bơn nhưng méo một miệng,
thế nên có câu “thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm”.
Quả thực, có một loại cá biển tên là “cá chai” (là anh em họ hàng hoặc tên
gọi khác của cá thờn bơn):
-
“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “chai •
dt. động C/g. Cá lưỡi trâu, tên loại cá mình giẹp, miệng méo (lệch)”.
-
“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức):
“chai • đt. Loại cá dẹp mình và dẹp miệng <> Thờn-bơn (lờn-bơn)
méo miệng chê chai lệch mồm”.
Trong thực tế, có khi cá thu, cá nục được tắt
là nục (như mắm nục) hoặc dân biển gọi là con thu, con
nục. Thậm chí bài hát “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ) có đoạn “Kìa biển
rộng con nục con măng/Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng/Con chuồn còn
bay nơi nơi/Con giang chiều gọi bạn đường khơi...”
Tuy nhiên, cần phân biệt từ ngữ trong thành ngữ tục ngữ, hay thơ ca,
hò vè…với cách viết chuẩn chính tả. Bởi do yêu cầu về vần điệu, ngắn gọn,
súc tích, nên có khi danh xưng trong những thể loại này được giản lược tới mức
chỉ mang tính quy ước. Mặt khác, cách viết, cách trình bày của từ điển phải
nhất quán. Không thể tuỳ tiện, ngẫu hứng, lúc thế này, lúc thế kia. Xin lấy ví
dụ:
- Ở mục “chày”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng hướng dẫn viết những từ
có chữ “chày” như sau: “chày cối >< CÁ CHÀY, cãi chày cãi cối…” (HTC nhấn
mạnh). Không thấy soạn giả hướng dẫn viết “con chày” thay cho “cá chày” (giống
như "con chai" thay cho "cá chai").
- Ở mục “cháy”: “cháy túi >< CÁ CHÁY, chết cháy, chữa cháy…”, cũng
không thấy hướng dẫn viết “con cháy” thay cho “cá cháy”…
Như vậy, sự thực “con trai” đã bị soạn giả viết sai thành “con chai”, cũng
như món “canh trai” viết sai thành “canh chai” (Chỉ có “con trai” mới gắn với
món “cháo trai” hoặc “canh trai”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng đã không
lý giải được món “canh chai” của ông nấu bằng gì).
- Lý
giải “trứng cuốc” thành “trứng quốc”:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng viết: “Từ “quốc”, không nhất thiết phải viết là “q” (“c” viết nhầm? -
Hoàng Tuấn Công), không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong
bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan”.
Tôi không rõ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng lấy đâu ra bản gốc
chép tay bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan để khẳng định trong đó Bà
viết “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”, thay vì “con cuốc cuốc”? Điều quan
trọng hơn là dù có viết thế nào, thì đây cũng là giới hạn trong
chuyện chơi chữ của bài thơ. Nghĩa là cách viết “con quốc” gắn cụ thể
với câu thơ ấy. Trong khi chuẩn chính tả phân biệt “tổ CUỐC”, “trứng CUỐC”
là tổ, trứng của con chim CUỐC; còn “tổ QUỐC”, “QUỐC
gia”, đất nước, lãnh thổ của mình[**].
Lý do gì ở mục “quốc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng hướng dẫn
viết “trứng quốc”, nhưng đến mục “trứng”, ông lại hướng dẫn viết
“trứng cuốc”? Vậy, cách nào là “chính tả chuẩn”? Không có lẽ một trong hai
cách ấy, muốn viết thế nào thì viết, đúng như ông khẳng định: “rất nhiều trường
hợp có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt
đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia”?
Trong khoa học, trao đổi, tranh luận cần sự minh bạch, sòng phẳng, không né
tránh và nguỵ biện. Bài trả lời phỏng vấn báo Người lao động của Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng, hãy còn nhiều điều cần trao đổi lại. Tuy nhiên,
do khuôn khổ bài viết có hạn, nên xin tạm dừng tại đây. Chúng tôi và bạn đọc
mong chờ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng tiếp tục giải thích từng mục sai
chính tả của sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” mà chúng tôi đã nêu trong bài
viết (đăng nhiều kỳ) trên báo “Người lao động”.
----------------------------
Chú thích:
[*] Về tổ hợp “xét sử”, Ngữ liệu do Trung tâm từ điển học
Vietlex thu thập và chia sẻ cho chúng tôi có đoạn:
“Xét sử Tàu, đời nhà Đông Hán vào lúc Hoàn đế, bọn hoạn quan
cầm cả quốc quyền, làm rối loạn mọi việc chánh trị, mà vua thì hèn yếu, các
quan tại triều phần nhiều thì a dua với hoạn quan để cầu lấy giàu sang.” (Phan
Khôi. Tác phẩm đăng báo 1928. Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Đà
Nẵng – 2001)
Theo đây, trong “xét sử Tàu”, thì “xét” là một từ, còn “sử Tàu” là
một danh từ/hoặc tổ hợp từ khác (trong tương quan với sử Ta-sử Việt chẳng
hạn). Có nghĩa, “xét” ở đây là tìm hiểu, nghiên cứu, xem xét kỹ những điều
sử Tàu ghi chép, chứ không phải “xét sử” Tàu = xét lại lịch sử nước Tàu.
Hay “Đại Nam Nhất thống chí” có đoạn: “Xét, Sử chép: Thần đi
du học, được Từ Đạo Hạnh truyền tâm ấn là Khổng Minh Không thiền sư, ở chùa
Quốc Thanh”.
Theo đây, cho dù người dịch không đánh dấu phẩy ngắt “xét” và
“sử”, thì người đọc cũng hiểu rằng “xét sử chép” = xét những điều ghi chép
trong sử sách, chứ không phải “xét lại lịch sử”.
Cách lý giải về thu thập tổ hợp “xét sử” của PGS.TS Hà Quang Năng
chẳng khác nào có người căn cứ vào ngữ liệu “Hôm nay thu giá bằng
hôm qua” rồi cho rằng trong tiếng Việt có từ “thu giá” với nghĩa như “thu phí”.
[**] Người Thanh Hoá (vùng Quảng Xương) trước đây có gọi con chim
cuốc bằng con “quắc”, con “quấc”. “Cuốc”, “quốc”, “quắc” hay “quấc”
là tên gọi theo tiếng kêu của loài chim này.
*.
Thanh Hóa, tháng 06.2020
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành,
phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email:
tuancongthuphong@gmail.com.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com gửi ngày 15.06.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét