PHAN KHÔI MỘT NHÀ NHO ‘TIẾT THÁO’ - Tác giả: Phùng Bảo Thạch (Hà Nội)

Leave a Comment

 

PHAN KHÔI

MỘT NHÀ NHO ‘TIẾT THÁO’

*

Năm 1916, Pháp bị sa lầy trong cuộc chiến tranh châu Âu, dùng mọi thủ đoạn lấy của và lấy người ở nước ta đưa sang Pháp để chống đỡ với quân Đức.

Ngay từ buổi đầu mất nước, mối thù không đội trời chung với thực dàn âm ỉ cháy trong lòng người dân Việt-nam. Hàng sĩ phu cho đến cả triều đình hèn nhát nhà Nguyễn, không thể không thấy mối hận thù đỏ trong nhân dân. Thái-Phiên và Trần-cao-Vân bắt liên lạc với vua Duy-Tân rồi cùng mưu tính cuộc khởi nghĩa. Nhưng, có kẻ phản bội đã ngầm báo cho Pháp, nên khi vua Duy-Tân ban đêm bí mật vừa ra khỏi thành Huế thì bị bắt. Phan-Khôi cũng là một người được tham gia trong việc thảo tờ chiếu chỉ của Duy-Tân gửi cho các nhân sĩ yêu nước ở Quảng-nam và Quảng-ngãi, thì sau đó lại báo cho tụi quan cai trị Pháp và tổng đốc tỉnh biết để tâng công.

Nhưng lần lập công này hơi muộn, vì tụi chúng đã biết việc ấy từ trước. Dẫu sao Pháp cũng tìm cách vỗ về khen thưởng một người có chút tiếng tăm là “nhà nho khí tiết” ấy đã cúi đầu làm cái việc phản phúc như thế.

Sĩ phu càng thấy thù ghét và khinh bỉ khi thấy sau đó ít lâu Chương-Dân (tức Phan-Khôi) được thực dân vỗ về ra mặt. Năm ấy là năm 1917, Pháp đang cần dốc hết nhân lực, vật lực của các nước thuộc địa để cứu “nước mẹ”. Đông-dương lúc đó hầu như không còn được phòng thủ bằng quân sự nữa, chỉ còn độ vài nghìn tên lính Pháp đủ làm cái việc canh gác đồn trại và dinh thự cho chúng. Mà, ở nước ta thì cái không khí phục quốc vẫn bùng bùng chưa bị dập tắt làm cho lũ cướp nước lo lắng vô cùng. Những tên trùm thực dân An-be Xa-rô và trùm mật thám Mác-ty nghĩ ngay được một diệu kế: Dùng văn thay võ. Chúng liền sử dụng lũ đầy tớ trí thức trung thành như Nguyễn-bá-Trác, Phạm-Quỳnh, Nguyễn-văn-Vĩnh để tăng cường càng cuộc tuyên truyền lừa dối nhân dân bằng sách báo.

Phan-Khôi được Mác-ty gọi ra làm việc cạnh nó và viết báo Nam-phong.

Trong phòng kín, Phan-Khôi hàng ngày đã làm việc gì cho Mác-ty để ngày càng được tin dùng hơn? Phan đã bí mật tố giác một số nhân sĩ yêu nước và bí mật hiến mưu dập tắt phong trào cách mạng. Phan làm cái việc ném đá giấu tay, không thân hành lộ liễu đi dụ hàng hoặc bắt những người cách mạng như Nguyễn-bá-Trác và Sở-Cuồng lúc ấy.

Khẩu thuyết vô bằng, làm những việc hại dân hại nước mà lại phi tang ngay như thế, Phan lấy làm đắc sách lắm, cho rằng thiên hạ khó có thể tố cáo được tội ác của mình. Trong lúc trà dư tửu hậu, hay bên cạnh bàn đèn, đôi khi Phan cao hứng còn tự phụ, tự kiêu là mưu sĩ của cửa quyền, là một nhân vật của thời cục. Hơn nữa, đối với những người không biết những hành động bí mật ấy, Phan-Khôi không những lên mặt hay chữ mà còn hợm mình là một nhà nho “khí tiết”. Sở dĩ Phan-Khôi còn dám hãnh diện được như thế, là vì những việc nhơ nhuốc kia chỉ có một số ít người viết báo hoặc nhà cho cách mạng biết riêng với nhau, không công bố cho dư luận rõ, sợ mang họa với lũ thực dân cầm quyền. Chúng giữ kín những chuyện đó thành những bí mật quốc gia của chúng. Tôi còn nhớ một lần cụ L.D., một nhà nho có tham gia phong trào Đông-du và viết báo, sau khi kể cho tôi nghe những việc bí mật đê mạt của Chương-Dân, đã dặn đi dặn lại tôi: “Chớ nên lộ cho ai biết mà thêm lụy. Mình biết với nhau như thế để đề phòng hắn khi có việc gì đụng chạm, hay trong lúc chuyện trò với hắn thôi. Người khác biết không lợi gì. Mật thám như rươi và chủ chúng nó che chở cho chúng thật chu đáo đấy”. Và nhiều lúc các cụ T.K., H.Q., T.Đ.,V.H. là những nhà nho hoạt động cách mạng và bị đầy ở Côn-đảo về, mỗi khi kể lại chuyện cẩu trệ của Chương-Dân thường cũng dặn người nghe không nói ra ngoài. Do đó, dư luận nhân dân ít biết và Phan-Khôi mới có thể làm bộ “khí tiết” được mãi với nhiều người.

Dù bưng bít khôn khéo đến đâu đi nữa thì trong cái việc làm công khai là viết báo chí hồi đó, Phan-Khôi cũng không thể che nổi cái đầu và trái tim bẩn thỉu của y. Như trên đã nói, Xa-rô và Mác-ty chủ trương dùng sách báo ru ngủ và hứa hẹn lừa dối nhân dân ta để đánh lạc hướng đấu tranh và làm tan rã phong trào cách mạng hồi đó. Chúng cho xuất bản tập Âu châu chiến sự, Đông-dương tạp chí, Trung-Bắc tân văn, Lục tỉnh tân văn, Nam-phong tạp chí v.v... Đặc biệt là tạp chí Nam-phong do Phạm-Quỳnh và Nguyễn-bá-Trác làm chủ nhiệm và chủ bút, lập được nhiều công lớn với bọn cướp nước, nghĩa là làm nên nhiều tội ác nhất đối với Tổ quốc, với đồng bào. Phan-Khôi đã dúng tay vào những tội ác ấy. Tôi chỉ kể một việc làm thí dụ:

Thực dân đã đem hàng vạn đồng bào ta sang đỡ đạn cho chúng, đưa hàng trăm triệu bạc bóc lột bằng sưu cao, thuế nặng, nhưng lòng tham của chúng cộng với mưu mô lập công của lũ Việt-gian còn đẻ ra cái thủ đoạn vơ vét hết tiền bạc của nước ta bằng cách đặt cuộc công trái. Phan-Khôi có thêm dịp tỏ lòng trung thành báo đáp “mẫu quốc”.

Trong tạp chí Nam-phong, y viết những bài văn, và bài thơ lừa dối, kêu gọi dân “An-nam” dốc túi ra lấy tiền để đánh đổ “Đức tặc” giúp đỡ nước “bảo hộ” Pha-lang-xa đã không quản trùng dương muôn dặm đem “văn minh” sang gieo rắc ở cái đất “An-nam hèn yếu hủ lậu” này.

Những bài thơ, bài văn của Phan-Khôi đăng ở phần chữ Hán hay phần quốc ngữ Nam-phong, cùng với các bài của những cây bút đốn mạt khác lúc đó, mở thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ cho giặc dưới cái nhãn hiệu phỉnh nịnh là “Rồng Nam phun bạc”. Với “Rồng Nam phun bạc” lũ hại dân đã đem hết tính khuyển mã ra vơ vét “tận lán” của nhân dân để đem bạc, đem vàng dâng cho quân cướp nước. Chúng dùng một thứ văn chương xu phụ, đê tiện lừa gạt nhân dân bằng cách tán tụng những lời hứa hẹn dối trá của toàn quyền Xa-rô.

Những bài viết của Phan-Khôi đã làm đẹp lòng Mác-ty, nhưng chỉ đem lại cho sĩ phu hồi đó sự căm giận khinh bỉ Phan-Khôi là một nhà nho không những không có sĩ khí văn phong gì, mà đã tụt xuống loại vong quốc nô vô sỉ.

Những tập văn thơ ấy là một cuộc chung đúc công lao đăng hỏa và chí hoài bão thuở thiếu thời của Phan-Khôi, thật đã nói lên đầy đủ cái tinh thần bạc nhược bán mình làm tay sai trung thành cho giặc của một tên ngụy nho hồi ấy, và đồng thời cũng là bản án chung thân kết tội một tên đem học thức phụng sự kẻ thù của dân tộc. Nhưng Phan-Khôi hình như không muốn nhận ra điều đó, nên thỉnh thoảng trong những cuộc giao du lại mượn cái giọng nói nhà nho “ngang tàng khí tiết” để lừa dối những người chưa biết rõ y. Phan hay giở cái trò “kẻ sĩ trong thiên hạ” để kiếm ăn và y đã thành công trong một thời gian khá dài về trò ấy.

Đối với các nhân sĩ biết rõ những hành vi bí mật của y như bậc nho lão thành Huỳnh-thúc-Kháng, Ngô-đức-kế thì y không dám dở chuyện khí tiết nhưng đưa những sách vở, lý luận của Hồ-Thích mà các cụ ấy chưa đọc, để tỏ ra người uyên bác biết hơn người. Một lần y đến báo Tiếng dân gặp cụ Huỳnh đưa những “học thuyết” của Hồ-Thích ra để bài bác Khang, Lương thì cụ Huỳnh đã phải khen y bằng câu mỉa mai “Tôi biết lắm, cái học và cái tài lý luận của ông mà!”

Nhưng, cái tài ngụy biện để mạt sát “dân An-nam”, cái văn chương xu phụ “quí quan bảo hộ Pha-lang-xa” và cái học thức phản động của họ Phan cũng không giúp cho Phan có một chỗ ngồi vững chắc bên cạnh Phạm-Quỳnh và Nguyễn-bá-Trác ở tạp chí Nam-phong, mặc dầu Mác-ty muốn như thế. Điều đó dễ hiểu lắm nếu chúng ta vẫn thấy từ xưa ở những kẻ coi quyền lợi cá nhân to hơn cả giời đất, làm mọi việc đê tiện nhất đời để giàu sang, thì không bao giờ chúng dung được nhau trong sự đụng chạm về quyền lợi. Chúng chỉ cộng tác nhất thời với nhau khi thấy còn có thể lợi dụng được nhau như cái cảnh gái giang hồ gá cái nghĩa tạm bợ với giai tứ chiếng, không tình nghĩa mà còn ghen ghét, cầy bẩy nhau để tranh ăn. Hơn nữa, Phan-Khôi đã được bạn bè thời ấy tặng cho cái danh hiệu “con người bất cạn nhân tình” thì cộng sự làm sao được với Quỳnh và Trác nổi danh kiêu bạc, ích kỷ, phản bội.

Con người bất cạn nhân tình không ở được với ai, không ở đâu được lâu, đã có Mác-ty dùng vào những việc khác thích hợp với tính tình, với khả năng của Khôi hơn. Việc ấy là “chu du thiên hạ" đi suốt từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc để giúp đỡ Xô-nhi, chánh mật thám Trung-kỳ và Na-đô, chánh mật thám Nam-kỳ. Làm cái “nhiệm vụ lớn lao” ấy, Phan-Khôi khéo bưng bít một số anh em trong báo giới để viết bài với cái lý luận quái ác bôi nhọ nhân dân, Tổ quốc và gián tiếp tuyên truyền cho sự hùng cường, cho nền “văn minh” của thực dân Pháp. Ngoài những đoạn trích dịch đăng trên các báo gần đây, Phan-Khôi còn nhiều bài đăng báo chí hồi ấy và nếu nay sưu tầm đem in thành sách, ta sẽ thấy cái “sự nghiệp văn chương” của y không phải là nhỏ. Và lúc này, giá quần chúng được đọc lại thứ “Phan-Khôi toàn tập” ấy, tất nhiên quần chúng không còn hiền từ như trước để cho Phan-Khôi ngồi yên nữa.

Trên giấy trắng mực đen, Phan-Khôi mới chỉ bộc lộ phần nào lời trắng trợn, tệ bạc, lòng bất nhân đê tiện đối với đất nước, với đồng bào. Trong những lúc nhàn đàm với người quen thuộc, Phan-Khôi còn bạo mồm thóa mạ “dân An-nam” hơn. Trong những chuyện như thế, y không nói những lời trực tiếp nào tán dương Pháp làm cho người nghe nhẹ dạ chỉ bảo y là “cương trực”, một kẻ dám nói cái ươn hèn của “người An-nam”. Lúc ấy, nhiều người còn thơ ngây chưa biết rõ cái dụng tâm quỷ quyệt của y, chỉ cần gieo rắc cái tự ti dân tộc cho sâu rộng, làm tiêu tán chí khí đấu tranh, là y gián tiếp đề cao được thực dân, củng cố được nền thống trị của chúng ở nước ta. Một lần, trong lúc mạn đàm với anh em về các cường quốc và nhược quốc, y lên tiếng chửi những dân tộc yếu hèn để mất nước, nhưng đôi khi cũng xen những câu đả kích bọn thực dân Anh, Ý... rồi kết luận rằng: cũng may mà dân An-nam lại mất nước với Pháp, họ có một nền văn minh tốt, họ tự do, nhân đạo hơn đám thực dân Anh nhiều!

Cái mánh khóe kiểu ấy trong những câu chuyện hàng ngày ở mọi nơi, đã lừa được nhiều người không bao giờ ngờ rằng y đã đều đặn ký giấy nhận tiền của các tên trùm mật thám trả cho cái công việc tuyên truyền rất có kết quả của y. Chỉ nhắc lại cái lý luận đê mạt của y “chó ăn cứt” trong phòng Mác-ty đã có một hiệu lực làm ngả nghiêng một người đang bước vào con đường tội lỗi, thì ta đủ thấy cái tác dụng của cách ăn nói trắng trợn, mà mới nghe, người không suy nghĩ thấy có cái nghĩa lý gì “sâu sắc” và “chân lý” lắm.

Cái “tài” ấy đem đến cho Phan-Khôi hai nguồn lợi: Tây trả công và những người bị lừa giúp đỡ tiền bạc, giao công việc vì họ phục y là “cương trực”, “khí tiết” hơn các nhà nho đương thời. Diệp-văn-Kỳ, chủ báo Thần chung, Nguyễn-đức-Nhuận chủ báo Phụ nữ tân văn... đã đổ tiền cho y vì phục “tài, đức” của y.

Tôi chỉ góp mấy dòng vào cái “tiểu sử khí tiết” của Phan-Khôi. Các báo đã nói được phần nào những hành vi “tiết tháo” của y từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công nên tôi miễn nhắc lại.....

 

Phùng Bảo Thạch: làm báo ở Hà Nội từ 1920's, sau 1954 thuộc biên chế báo Thủ đô, chức vụ cao nhất là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo (1962).

*

Hà-nội, 22 và 23-4-1958

PHÙNG BẢO THẠCH

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tuonglaikhongxa2020@gmail.com ngày 25.07.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 


0 comments:

Đăng nhận xét