(Giáo sư Trần Ngọc Thêm) |
VỀ CÁCH HIỂU HAI CHỮ ‘TRỒNG
NGƯỜI’
CỦA GIÁO SƯ TRẦN NGỌC THÊM
*
(Tác giả Hoàng Tuấn Công) |
Nêu lý
do “cần chấm dứt sử dụng khái niệm “trồng người” để khai mở tư duy phản
biện, giải phóng sức sáng tạo”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, chữ “trồng” trong “trồng
người” mang ý nghĩa áp đặt của giáo dục thời phong kiến, “con người
được coi như cái cây”.
Cụ thể, sau
khi trích dẫn lời Quản Trọng: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi
bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng trồng người. Trồng một gặt một ấy là lúa.
Trồng một gặt mười ấy là cây. Trồng một gặt trăm ấy là người”, Giáo sư Trần
Ngọc Thêm phê phán:
“Vào thời
phong kiến xưa thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều coi con người là đối tượng
cần được giáo hoá; con người được coi như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi
trường một cách thụ động: Trồng ở đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang
đất khác có thể lại cho trái chua”.
Đồng thời Giáo
sư Trần Ngọc Thêm lý giải:
“Là một dân tộc làm nông nghiệp, khi gặp hình
ảnh “trồng người” do Bác nói ra, ai cũng cảm thấy thân thiết gần gũi đến mức dễ
dàng chấp nhận và say mê sử dụng nó một cách hoàn toàn tự nhiên.[…] Nhưng con
người không phải là cái cây […] do đó, tôi cho rằng không có lí do để duy trì
hình ảnh này.” (Báo Lao Động – 26/11/2021)
https://laodong.vn/giao-duc/gs-tran-ngoc-them-hieu-dung-de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-977830.ldo
Cũng như với
câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, ở đây tôi không bàn chuyện bỏ hay không
bỏ, “chấm dứt” hay không “chấm dứt” sử dụng khái niệm “trồng
người”. Chỉ xin trao đổi về cách GS. Trần Ngọc Thêm hiểu hai chữ “trồng
người”, cũng như ý nghĩa câu nói “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” của
Quản Trọng:
1- “THỤ
NHÂN” 樹人 (TRỒNG NGƯỜI):
Câu nói của
Quản Trọng (nguyên văn chữ Hán):
“一年之計, 莫如樹穀 ; 十年之計,莫如樹木; 終身之計,莫如樹人.”.
Phiên
âm: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc;
chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.”.
Ở đây, Quản
Trọng đặt các sự vật hiện tượng bên cạnh nhau để tạo liên tưởng, so sánh với
cấp độ tăng dần, đối lập nhau, vừa có tính chất cân xứng, tương đồng, lại vừa
mang tính chất bất cân xứng, dị biệt, rất nhiều lớp nghĩa. Mặc khác, ông đã
chơi chữ “thụ” 樹 trong “thụ cốc” 樹穀, “thụ mộc” 樹木, với
“thụ” 樹 trong “thụ nhân” 樹人. Cùng là chữ “thụ” 樹, nhưng
“thụ” trong “thụ cốc” 樹穀, “thụ mộc” 樹木 có nghĩa là TRỒNG TRỌT,
còn “thụ” 樹 trong “thụ nhân” 樹人 lại có nghĩa là BỒI DƯỠNG,
DẠY DỖ:
- “Hán ngữ
đại từ điển” giảng nghĩa 2 của “thụ” là “trồng trọt”, “vun xới” (chủng
thực; tài chủng - 種植;栽種); giảng nghĩa thứ 3 của “thụ” là “bồi
dưỡng, dạy dỗ” (bồi dưỡng, tạo tựu - 培養, 造就), đồng thời hướng
dẫn xem hai chữ “thụ nhân” 樹人.
- Mục “thụ
nhân” 樹人, từ điển này giảng là “giáo dục, đào tạo nhân tài” (bồi
dưỡng tạo tựu nhân tài - 培養造就人材), rồi trích câu nói của Quản Trọng “…chung
thân chi kế, mạc như thụ nhân”, làm ví dụ.
Cũng cần nói
thêm rằng, dù nghĩa "thụ" 樹 với nghĩa là “bồi dưỡng,
đào tạo” có trước hay có sau khi Quản Trọng dùng nghĩa bóng khi nói câu
này thì cũng không thay đổi được ý nghĩa của "thụ nhân". Bởi
không ai hiểu "thụ nhân" theo nghĩa đen là trồng người
giống trồng cây, đào hố rồi bắt đứng chôn chân tại chỗ, nên suy ra con người "hoàn
toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động", như Giáo sư Trần
Ngọc Thêm suy diễn.
Như vậy,
khái niệm “trồng người” ở đây được đối dịch từ hai chữ “thụ
nhân”. Và hai chữ “thụ nhân” có thể dịch vừa sát vừa rõ nghĩa là “giáo
dục, đào tạo nhân tài”, “bồi dưỡng nhân tài” (Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng dịch
là “nuôi dưỡng nhân tài”). Theo đây, lời của Quản Trọng có thể được diễn
đạt là: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế
trọn đời chi bằng ĐÀO TẠO/BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI...”.
Tuy nhiên, thành
ngữ tục ngữ hay khẩu hiệu muốn truyền bá, lưu hành rộng rãi, tất phải ngắn gọn
súc tích. Thế nên, lời Quản Trọng về sau được cô đọng thành: “Thập niên
thụ mộc, bách niên thụ nhân”. Việc đối dịch “bách niên thụ nhân” thành “trăm
năm trồng người”, giữ lại cách chơi chữ trong nguyên văn chữ Hán, lại đảm bảo
ngắn gọn. Và “trồng người” không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp “đào
tạo nhân tài”, mà là sự nghiệp giáo dục đào tạo trong nhà trường nói chung.
2- TRỒNG CÂY
- TRỒNG NGƯỜI:
Vì sao Quản
Trọng liên tưởng việc trồng cây với giáo dục con người? Ấy là bởi sự vun xới,
chăm sóc bảo vệ sớm hôm, từ lúc cây còn là cái mầm bé tí ti, cho đến khi thu
hoạch là cả một quá trình công phu vất vả sớm hôm, chẳng khác nào việc dạy dỗ,
đào tạo nuôi nấng một con người từ bé đến lúc thành tài.
Mặt khác, “thụ
cốc” (trồng lúa) được Quản Trọng so sánh với “thụ mộc” (trồng
cây); rồi “thụ cốc”, “thụ mộc”, lại được đặt cạnh “thụ nhân” (trồng
người), mục đích để so sánh các loại “thụ” (trồng) và “hoạch” (gặt
hái thành quả) khác biệt nhau đến mức nào.
Với trồng
lúa, phương thức canh tác không phù hợp thì sẽ thất bát. Nhưng thất bát hay bội
thu, thì cũng chỉ sau một vài vụ là có thể rút kinh nghiệm. Với trồng cây thì
sự tổn thất về thời gian, tiền bạc sẽ lớn hơn trồng lúa rất nhiều. Ấy vậy nhưng
trồng lúa, trồng cây cũng không bằng trồng người. Giáo dục con người, bồi dưỡng
nhân tài là kế chung thân (một đời), bách niên (lâu dài). Nếu giáo dục đúng thì
lợi ích sẽ gấp trăm gấp bội lần. Nhưng nếu phương pháp sai lầm, thất bại thì
cũng di hại đến nhiều đời.
3- “TRÁI
NGỌT”–“TRÁI CHUA”:
Chuyện “ở
đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang đất khác có thể lại cho trái chua” trong
trồng cây - trồng người cũng không phải do “phong kiến” coi con người “như
cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động” như GS. Trần
Ngọc Thêm suy diễn rồi quy kết.
Ở thời nào,
với bất cứ nền giáo dục nào, môi trường giáo dục cũng ảnh hưởng, thậm chí là
quyết định đến tài năng nhân cách của con người. Một học sinh có năng khiếu âm
nhạc ở đất nước này có khi chỉ là nhạc công đám cưới, nhưng nếu được đào tạo
bởi một quốc gia khác thì lại trở thành thiên tài âm nhạc. Đó là một thực tế.
Để cây “trái
chua” thành “trái ngọt”, người ta cải tạo thổ nhưỡng, thay đổi phương
thức canh tác, cũng như để đào tạo bồi dưỡng con người, phải chú ý đến môi
trường, phương pháp giáo dục vậy.
Những điểm
tương đồng và dị biệt giữa trồng lúa - trồng cây - trồng người cho thấy triết
lý giáo dục của Quản Trọng rất sâu sắc, tiến bộ.
4- KẾT LUẬN:
- Thông điệp
cốt lõi trong lời nói của Quản Trọng là: 1.Giáo dục, đào tạo nhân tài là kế
sách quan trọng và lâu dài; 2.Đầu tư cho giáo dục tuy lâu dài, khó khăn nhưng
lợi ích thu được thì vô cùng to lớn.
- Hai chữ “thụ
nhân” 樹人 (trồng người) không liên quan “khái niệm hội tụ ở mức
độ rất đậm đặc tính thụ động của người Việt Nam”; không hề nói lên cái ý chế độ
phong kiến coi con người “như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường
một cách thụ động” như cách hiểu của Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Việc Giáo sư Tiến
sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm hiểu về hai chữ “thụ nhân” – trồng người
méo mó, hoàn toàn suy diễn, nông cạn.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Đông La0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Thu Hương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bình Phương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
*.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: đường Trần Nhật Duật, phường Nam Ngạn,
Thành
phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Email:
tuancongthuphong@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: phudoan56@gmail.com gửi ngày 30.11.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích
đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét